Các luật có hiệu lực từ 1/7/2020

Từ 01/7/2020, 12 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành; HoaTieu.vn xin tổng hợp điểm mới các Luật này trong nội dung sau đây.

1. Luật kiến trúc

Chủ công trình kiến trúc có giá trị được hỗ trợ kinh phí bảo vệ công trình

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Luật Kiến trúc 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019.

Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 13 Luật Kiến trúc 2019, chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;

Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;

Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;

Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;

Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

2. Luật Quản lý thuế 2019

08 khoản thu khác thuộc NSNN do cơ quan quản lý thuế quản lý thu

Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Theo đó, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:

Phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí;

Tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước;

Tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

Tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan;

Tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Luật Lực lượng dự bị động viên 2019

Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với quân nhân dự bị áp dụng từ 01/7/2020

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 30 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với quân nhân dự bị được quy định như sau:

- Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch.

- Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng nêu trên được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.

4. Nâng trình độ chuẩn của nhà giáo kể từ ngày 01/7/2020

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020.

Theo đó, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo kể từ ngày 01/7/2020 được quy định như sau:

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

5. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019

04 đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019.

Cụ thể, tại Điều 17 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, bao gồm:

Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay;

Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;

Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân;

Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.

Lưu ý: Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

6. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019

Thay đổi nguyên tắc xác định tổng số đại biểu HĐND xã từ 01/7/2020

Ngày 22/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019.

Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;

Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;

Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu;

Xã không thuộc các trường hợp quy định trên có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.

Lưu ý: Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã.

7. Từ 01/7/2020, bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch công chức

Đây là nội dung mới được quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019.

Cụ thể, Khoản 8 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về nâng ngạch công chức như sau:

Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch; (Hiện nay, theo Luật Cán bộ, công chức 2008 thì chỉ thực hiện thông qua hình thức thi nâng ngạch)

Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch;

Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;

Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.

8. 04 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích kể từ 01/7/2020

Ngày 25/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019.

Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020 trở đi, trong các trường hợp sau đây được phép chuyển đổi mục đích của thị thực (theo quy định hiện nay thì thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích), cụ thể:

Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực thì được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

9. Luật Thư viện 2019

Luật Thư viện 2019 đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể:

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;

- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;

- Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện;

- Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(Theo quy định hiện hành, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện).

10. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019

- Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:

+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định;

+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định;

+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.

- Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ);

- Luật hóa quy định về thị thực điện tử:

+ Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày;

+ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

11. Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 (thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2019)

- Bổ sung khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:

+ Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng;

+ Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Bổ sung quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Đơn vị được kiểm toán được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

12. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 (thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 15/11/2018)

- Quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:

+ Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;

+ Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số;

- Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:

+ 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật;

+ 20 năm đối với BMNN độ Tối mật;

+ 10 năm đối với BMNN độ Mật.

- Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:

+ Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018;

+ Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;

+ Không còn thuộc danh mục BMNN.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 530
0 Bình luận
Sắp xếp theo