Báo tăng muộn thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào

Quy định về tính lãi báo tăng giảm chậm của bảo hiểm xã hội

Báo tăng muộn thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào? Khai báo tăng muộn bảo hiểm có bị phạt tiền không? Cách tính lãi báo tăng giảm chậm của bảo hiểm xã hội như thế nào? Đây là câu hỏi rất nhiều doanh nghiệp thắc mắc. Để tìm hiểu rõ hơn mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Tóm tắt câu hỏi:

Chào! Cho em hỏi là em muốn báo lùi tháng đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên vì công ty chỉ có 1 nhân viên làm việc từ tháng 04/2017 đến tháng 09/2017 công ty mới có nhiều người làm việc nên công ty mới đi khai trình lao động đăng ký bảo hiểm xã hội được, nếu như công ty muốn lùi tháng đóng BHXH cho nhân viên đó vào tháng 05/2017 được không? Xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý:

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

- Nghị định 95/2013/NĐ-CP;

- Quyết định 595/QĐ-BHXH;

2. Giải quyết vấn đề:

Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Công ty bạn ký hợp đồng lao động với người lao động từ tháng 4/2017 thì trong thời hạn 30 ngày phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động dù đó là người lao động duy nhất.

Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp như sau:

"1. Đóng hằng tháng

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

2. Đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần

Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH."

Như vậy, tháng 9 bạn đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là trái quy định nêu trên, đây là hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đối với hành vi này, công ty của bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP: bị phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối một trong các hành vi sau đây:

  • Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
  • Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người.

Đồng thời buộc truy thu số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Đánh giá bài viết
1 1.276
0 Bình luận
Sắp xếp theo