5 quy định mới trong giảng dạy giáo viên tiểu học cần biết

Từ ngày 20/10/2020, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học và Điều lệ Trường tiểu học chính thức có hiệu lực. Theo đó, tại 02 văn bản này quy định những vấn đề quan trọng mà giáo viên tiểu học được làm hoặc không được làm. Sau đây là 5 quy định mới trong giảng dạy giáo viên tiểu học cần biết.

1. Giáo viên chủ nhiệm chỉ được giới thiệu chứ không được chỉ định lớp trưởng, lớp phó

Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, tổ chức lớp học được quy định như sau:

- Lớp học có lớp trưởng và các lớp phó.

- Học sinh trong lớp được chia thành các tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó.

- Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong lớp, trong tổ bầu chọn và luân phiên trong năm học.

- Hình thức tổ chức lớp học được thực hiện linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.

Hiện hành: Tại Điều 17 Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT quy định:

Học sinh đ­ược tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, một hoặc hai lớp phó do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

2. Giáo viên thực hiện đánh giá học sinh chủ yếu thông qua lời nói

Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 6 quy định Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định:

- Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa;

- Giáo viên viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

Hiện hành:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT:

Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

3. Giáo viên được chấm 0 điểm bài kiểm tra

Tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá bài kiểm tra như sau:

- Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

- Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

- Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Hiện hành:

Tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT quy định bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

4. Giáo viên được sử dụng điện thoại

Tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên cần chú ý hành vi ứng xử, trang phục như sau:

Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức;

Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh;

Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất;

Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục;

Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Như vậy, tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT không còn quy định không cho phép giáo viên sử dụng điện thoại

Hiện hành:

Tại khoản 5 Điều 38 Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT quy định trong các hành vi giáo viên không được làm có:

Uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp.

5. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 38 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó quy định học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:

Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;

Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Lưu ý: Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Hiện hành:

Theo khoản 2 Điều 44 Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT quy định, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau:

Nhắc nhở, phê bình;

Thông báo với gia đình.

Như vậy, tại Thông tư 28/2020/TT-BGD đã bỏ đi quy định cho phép giáo viên được phê bình học sinh trước tập thể. Bởi, ở độ tuổi này việc áp dụng hình thức xử phạt này làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần học tập, gây tâm lý "sợ sệt" cho học sinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.363
0 Bình luận
Sắp xếp theo