(7 mẫu) Viết đoạn văn tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Làng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Kim Lân viết về chủ đề tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Tiêu biểu trong tác phẩm chính là nhân vật ông Hai với lòng yêu nước sâu sắc. Sau đây là mẫu đoạn văn tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc hay và chi tiết được Hoatieu.vn sưu tầm và chia sẻ đến các bạn.

1. Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc

Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc

Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai đau đớn tủi hổ vô cùng. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trước cái tin dữ đó. Thoạt đầu, nghe được tin đột ngột từ người đàn bà tản cư nói ra, ông Hai bàng hoàng đến sững sờ. "Cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông sinh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin". Từ lúc ấy, tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, ray rứt với mặc cảm là kẻ phản bội. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con. "nước mắt ông lão cứ giàn ra". "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?" Ông giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội.  Tóm lại, truyện ngắn "Làng" của nhà văm Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tin đó được cải chính. Qua diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai, ta thấy được 1 tình yêu làng yêu nước tha thiết gắn với tinh thần kháng chiến của nhân vật ông Hai. Ông Hai chính là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân VN trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

2. Đoạn văn ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

Nói đến các sáng tác của Kim Lân ta không thể không kể đến truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm đã khắc hoạ sinh động chân dung nhân vật ông Hai - một người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt với bộ đội cụ Hồ.

Ở phần đầu của tác phẩm, người đọc đã được chứng kiến một ông Hai rất yêu và tự hào về làng của mình. Đi đâu ông cũng khoe về làng. Ở nơi tản cư ông nhớ làng và chỉ muốn quay về làng cùng anh em tham gia kháng chiến. Không về làng được, ông hay đến phòng thông tin để nghe tin kháng chiến, tin về làng mình. Thế nhưng đang trong tâm trạng vô cùng vui sướng khi nghe được nhiều tin vui về cách mạng thì ông bất ngờ nghe được một tin sét đánh: Tin làng chợ Dầu theo giặc. Thông tin đó như một tiếng sét bên tai làm ông hoảng loạn và sụp đổ:" Cổ nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân.Ông lão lặng đi tưởng đến không thở được". Đó là cái cảm giác sững sờ choáng váng ,co thắt từng khúc ruột của ông; là trạng thái phản ác tâm lí hết sức tự nhiên của một người quá yêu làng. Nếu không yêu thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không thể gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai. Sở dĩ ông choáng váng ,sững sờ vì trong thâm tâm của ông cái làng chợ Dầu quê ông vốn rất kiên cường, ấy vậy mà giờ đây niềm tin ấy đã hoàn toàn sụp đổ. Nỗi đau khổ cực độ ấy càng chứng minh ông là người yêu làng chợ Dầu tha thiết lắm. Càng yêu bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu.

Có thể nói, diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi vừa nghe tin làng theo giặc đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng kể chuyện của nhà văn Kim Lân, càng thêm trân trọng và yêu mến những người nông dân Việt Nam trong kháng chiến.

3. Đoạn văn tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai đau đớn tủi hổ vô cùng. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trước cái tin dữ đó. Thoạt đầu, nghe được tin đột ngột từ người đàn bà tản cư nói ra, ông Hai bàng hoàng đến sững sờ. "Cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông snh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin". Từ lúc ấy, tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, ray rứt với mặc cảm là kẻ phản bội. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con. "nước mắt ông lão cứ giàn ra". "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?" Ông giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội. Tủi thân, ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân lang Việt gian. Suốt mấy ngày hôm sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở xó nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ và nhục nhã. Cứ thoáng nghe thấy Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại "lủi ra một góc nhà nín thít". Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời tâm sự với đứa con út. Qua lời tâm sự với con, chúng ta thấy rõ 1 tình cảm sâu nặng và bền chặt với cái làng chợ Dầu, 1 tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng của con người ông Hai. Tình cảm đó là sâu nặng và thiêng liêng.

4. Tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng theo giặc ngắn gọn

Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc là một phân đoạn rất hay trong văn bản Làng của Kim Lân. Đây là một tình huống gây bất ngờ đối một người nông dân yêu nước như ông Hai. Tâm trạng của ông Hai chỉ trong một thời gian ngắn đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: sững sờ, vừa đau khổ, vừa uất ức. Có thể nói niềm yêu mến, tự hào về làng cảu ông Hai đã sụp đổ khi nghe cái tin sét đánh ấy. Bao nhiêu mâu thuẫn dằn vặt cứ hiện ra trong đầu ông lão, chọn yêu làng hay yêu tổ quốc. Để vơi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong tâm can mình, ông chỉ biết trút nỗi lòng ấy vào cuộc trò chuyện với đứa con út. Có thể thấy, dù ông Hai đau khổ tột cùng khi nghe tin làng theo giặc nhưng tấm lòng thuỷ chung, son sắt với kháng chiến thì ko bao giờ thau đổi. Qua diễn biến tâm lý nhân vật ông Hai, ta cảm nhận được cụ thể hơn về tâm lý của người nông dân, đặc biệt là tình cảm với làng quê và tâm lý cộng đồng của họ.

5. Phân tích diễn biến tâm trạng ông hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Viết đoạn văn theo kiểu quy nạp khoảng 12 câu phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, trong đoạn có sử dụng một lời dẫn trực tiếp và một trợ từ (gạch chân chú thích lời dẫn trực tiếp và trợ từ)

Ông Hai là người có tình yêu nước sâu sắc, đặc biệt là tình yêu với quê hương Chợ Dầu yêu quý của mình. Vì vậy, khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, cảm xúc đầu tiên của ông là bàng hoàng, đau đớn, tủi hổ vô cùng. "Cổ họng ông nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông sinh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin" (lời dẫn trực tiếp). Từ lúc nghe tin dữ, ông Hai lúc nào cũng ám ảnh với mặc cảm làng của mình là kẻ phản bội, là Việt gian. Về đến nhà ông nằm vật trên giường, tủi thân nhìn đàn con thơ. Vậy hóa ra (trợ từ) "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?" (lời dẫn trực tiếp). Nghĩ vậy, thành ra (trợ từ) ông giận và trách cứ những người làng đã phản bội theo lời đồn. Có thể thấy, chỉ qua vài câu văn ngắn, nhà văn Kim Lân đã diễn tả được vô cùng chi tiết, sinh động tâm trạng của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" khi nghe tin làng của mình theo giặc. Qua đó, người đọc đã có thể thấy được tình yêu nước sâu sắc, chân thành của một người nông dân chất phác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

6. Đóng vai nhân vật ông Hai kể lại diễn biến tâm trạng khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Đó là một ngày nắng. Cũng cách đây mấy năm rồi. Và tôi thì cũng không còn nhớ rõ cho lắm.
Trưa ấy, trời nắng ghê lắm. Nắng rọi xuống mặt sân sáng lóa. Nắng như muốn thiêu rụi cả con người. Có mấy tiếng gà trưa cất lên eo éo. Tiếng lũ ve thì ngân mãi không thôi, não lòng. Xong việc, tôi có cả một khoảng thời gian mà nằm nghĩ vẩn vơ. Và thế là tôi nhớ về cái làng Dầu của tôi, nhớ ghê gớm.

Tôi ngóng đứa con gái lớn từng lúc một. Mong nó về nhanh nhanh để trông nhà trông cửa, để tôi còn được làm cái việc mà tôi vẫn làm. Một lúc sau, nó về. Tôi dặn dò con vài câu rồi bước vội ra ngoài. Đường vắng hẳn người qua lại. Trời lồng lộng gió nhưng vẫn không đủ để thổi đi cái nắng nóng của mùa hè. Nắng thế này thì ***** chúng nó. Tôi nghĩ rồi nói lớn. Có người đi ngang qua, bỡ ngỡ hỏi lại:

- Chúng nó nào?

- Tây ấy chứ còn chúng nó nào nữa. Ngồi vị trí giờ bằng ngồi tù.

Nói rồi tôi bước thẳng. Cũng như thường lệ, tôi ghé vào trạm thông tin nghe ngóng tình hình chiến sự. Biết bao là tin hay. Ruột gan tôi cứ như múa cả lên. Vui quá! Nhưng dường như hạnh phúc của con người thật là bé nhỏ. Ngờ đâu cái vui vẻ ấy chỉ là một ngày lặng gió trước khi giông tố nổi lên. Bước ra khỏi phòng thông tin, tôi rẽ vào dặn vợ vài việc rồi theo lối huyện cũ mà đi. Tôi tạt qua quán nước ngồi. Ở đây, những tốp người tản cư dưới xuôi lên đứng ngồi lố nhố. Nghe một người đàn bà nói bọn Tây nó vào làng Chợ Dầu, nó khủng bố, tôi lo lắng, quay phắt lại lắp bắp hỏi:

- Nó… Nó vào làng Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?

- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa!

Giọng người đàn bà the thé, đầy mùi căm giận. Nó như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Tôi bàng hoàng. Cổ họng nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, tưởng như đến không thở được. Khóe mắt cứ giật giật, các dây thần kinh như tê liệt. Một lúc lâu sau, tôi mới rặn è è, nuốt cái gì vương vướng ở cổ, hỏi lại, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay lại chỉ…

- Thì chúng tôi vừa ở dưới đấy lên đây mà lại…

Tôi chưa dứt lời thì người ta đã nói. Dứt khoát. Chắc như đinh đóng cột. Tôi đờ người. Hai tai ù ù. Chẳng còn nghe thấy gì cả. Giọng người kia như lẫn vào trong gió. Tôi trả tiền nước, lảo đảo đứng dậy. Chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng:

- Hà, nắng gớm, về nào…

Tôi nói với mình mà như chẳng nói với ai. Tôi tự trấn an mình. Lảng ra một chỗ rồi bước hẳn, không dám quay đầu lại nhìn. Tôi cúi gằm mặt xuống mà đi, như mình vừa làm điều gì đó tội lỗi lắm. Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường. Tay chân như nhũn hẳn ra, không còn sức. Tôi thở dốc. Mấy đứa nhỏ len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, chẳng hiểu sao nước mắt tôi cứ giàn ra. Mắt mờ đi, nhạt nhòa. Mấy đứa nhở… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Tôi nắm chặt hai tay, móng đâm vào da thịt, đau nhói. Tôi rít lên như một con thú bị thương, đau đớn đến tột cùng:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian ban nước để nhục nhã thế này.

Tôi bỗng ngừng lại, ngờ ngợ. Tôi nhớ lại từng người. Họ toàn những người có tinh thần cả mà. Họ quyết không chịu đi để ở lại giữ làng, định bụng một phen sống mái với lũ chúng nó. Có đời nào họ chịu nhục nhã mà đi làm cái điều kinh khủng ấy!... Nhưng không! Không có lử thì làm sao có khói? Ai người ta đi đặt điều vu oan cho mà làm gì? Chao ôi! Cực nhục chưa? Cả làng Việt gian! Rồi đây biết sống ra sao? Ai người ta chứa? Ai người ta buôn bán mấy?... Tôi cứ bần thần nghĩ ngợi. Mọi thứ rối tung lên, như tơ vò, một mớ bòng bong. Gỡ thế nào cũng không ra được. Thôi thì cắt đi cho nhẹ nợ. Bụng bảo dạ, tôi cố nhét cho sâu cái chuyện đó vào sâu trong bộ não. Nhưng dường như vợ tôi cũng biết chuyện đó rồi. Chiều về, bà ấy uể oải, cái mặt nặng như đeo chì. Mãi khuya, bà ấy mới dám lôi chuyện ấy ra. Vừa nói, hỏa khí trong tôi đã bùng lên. Thế là im bặt, nhẫn nhục.

Đêm xuống yên ắng đến lạ. Đêm đen như mực, như chỉ trực đợi tôi nhắm mắt là sẽ ôm trọn tâm hồn tôi. Tôi vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt lặng hẳn đi, tôi nghe có tiếng léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực tôi đập thình thịch. Nín thở, ruột gan như sôi lên, tôi lắng tai nghe ra bên ngoài…

Từ ngày hôm ấy, tôi chỉ ru rú một góc nhà, đến cả nhà bác Thứ cũng không dám sang. Tủi hổ lắm! Tôi còn mặt mũi nào mà nhìn người ta nữa?... Ruột gan tôi lúc nào cũng như lửa đốt. Cứ một đám đông túm lại tôi cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa cũng nơm nớp lo sợ, thoáng nghe thấy mấy tiếng Tây, Việt gian… là lại chột dạ. Lủi thủi trong nhà, nin thin thít. Thôi lại chuyện ấy rồi! Các cụ đã nói “Ghét của nào trời chao của ấy”. Đúng như nhũng gì tôi lo sợ, mụ chủ đã đến, ý tứ đuổi khéo chúng tôi. Phải rồi! Ai người ta dại mà đi chứa lũ bán nước cơ chứ? Tất cả đang quay lưng lại với tôi. Thật đáng sợ! Thật là tuyệt đường sống! Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa gia đình tôi? Cứ nghĩ, nghĩ và nghĩ mãi. Những ý nghĩ đen tối, ghê rợn cứ theo đó mà len lỏi vào tâm chí tôi. Từng bước, từng bước một, chúng thống lĩnh suy nghĩ của tôi… Hay là quay về làng?...

Nước mắt tôi cứ giàn ra. Mặn chát. Về làng ư? Không… Không… Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Về làng đồng nghĩa với việc chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Không thể được! Làng thì yêu. Yêu thật! Nhưng làng theo Tây mất rồi. Làng đã phản bội lại ta thì phải thù.

Tôi bế thằng út, xoa đầu nó, hỏi khẽ:

- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

- Là con thầy mấy lị con u.

- Thế nhà con ở đâu?

- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

- Thế con có thích về làng mình không?

Thằng bé cúi mặt, vân vê gấu áo như suy nghĩ cái gì đó. Nó nép đầu vào ngục tôi, khẽ trả lời :

- Có.

Tiếng nó khẽ khàng. Như tiếng lòng của chính bản thân tôi. Sao tôi vẫn cứ yêu cái làng ấy đến thế? Tôi lại hỏi:

- Thế con ủng hộ ai?

- Con ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Mắt thằng bé mở to hết cỡ. Đôi mắt long lanh ấy ánh lên một niềm vui bất tận. Thằng bé trả lời dứt khoát. Nước mắt tôi lại trào ra, ấm áp.

- Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.

Tôi thủ thỉ với thằng bé. Tôi khắc sâu vào lòng thằng bé mà cũng như tự nhủ với lòng mình, tự minh oan cho chính mình. Cái lòng bố con tôi như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.

Cứ như vậy cho đến ngày hôm ấy. Tôi nhận được tin cải chính. Như trút được gánh nặng trong lòng, tôi mua quà cho lũ trẻ. Rồi lật đật đi khoe với hàng xóm láng giềng. Phải! Phải! Phải cho mọi người cùng biết cái tin ấy chứ. Tay chân tôi cứ múa hết cả lên. Đi đến đâu tôi cũng hô thật to:

- Tây nó đốt làng tôi rồi. Nhà tôi bây giờ chỉ còn lại một đống tro đên sì. Ông chủ tịch làng tôi vừa lên cải chính,,, cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi Việt gian theo giặc ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn sai sự mục đích cả!

Cái nhà cháy ấy là minh chứng cho việc làng tôi không theo giặc. Tôi hô hào như để trút bỏ những phiền muộn vừa qua. Đã thật! Ai cũng mừng, cũng vui cho tôi…

Tiếng mấy đứa con léo réo. Thằng út kéo tay tôi gọi lớn, kéo tôi ra khỏi hồi tưởng. Tôi nhìn quanh. Mắt ngân ngấn lệ. Tôi nhấc bổng thằng nhỏ, hôn nó cái chụt. Nó cười khúc khích, tiếng cười như tan vào gió, như mang niềm hạnh phúc của tôi bao trùm lên cả làng Dầu. Tôi gói ghém những hồi ức đó, nhét vào một nơi thật sâu rồi vững bước, thẳng về phía trước, thẳng về cái làng của tôi. Còn hồi ức kia, nó chỉ làm cho tình yêu làng của tôi thêm nồng đượm mà thôi… Tôi tin rằng, tương lai vẫn còn ở phía trước. Và tôi sẽ gieo hạt ở nơi đây để hạnh phúc nở hoa nơi chốn này.

7. Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

Chợ Dầu vốn là quê hương của ông Hai, ông yêu làng của mình vô cùng, nhưng vì hoàn cảnh mà ông phải xa quê hương. Chính vì vậy, trong ông luôn có nỗi nhớ làng da diết khôn nguôi. Ở nơi ở mới, đi đâu ông cũng khoe với mọi người về làng Chợ Dầu của mình, ông tự hào về truyền thống yêu nước của quê hương mình. Cho nên, khi nghe tin cả làng Chợ Dầu theo giặc, ông Hai bàng hoàng và kinh hãi. Trong phần này, tác giả Kim Lân đã tập trung miêu tả rất cụ thể tâm trạng của ông Hai qua những từ ngữ đặc tả sắc mặt của ông, "cổ nghẹn đắng", "da mặt tê rân rân". Ông Hai cố trấn tĩnh, nhưng sự thật khiến ông bàng hoàng, thất vọng và buồn bã. Nội tâm ông đấu tranh dữ dội, ông yêu làng, nhưng ông cũng yêu nước tha thiết. Ông thấy xấu hổ vô cùng khi làng theo giặc, niềm tin của ông sụp đổ trong phút chốc, khiến ông không thở nổi. Ông không dám ra đường, không dám đi ra ngoài, chỉ cần nghe loáng thấy thấy từ Việt gian ở đâu đó ông lại chột dạ, rồi đau đớn khi nhìn những đứa con của mình, sợ những đứa trẻ mang danh người làng Việt gian. Ông cũng nghĩ "Hay là quay về làng", nhưng ông đã lập tức gạt phắt suy nghĩ ấy đi. Ông kiên quyết thù chính ngôi làng của mình vì tình yêu nước, sự kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu nước đã chiến thắng tình yêu cá nhân với làng quê. Ông tâm sự với đứa con út để giải bày nỗi lòng của mình, và đồng thời để con mình luôn ghi nhớ rằng mình là người làng chợ Dầu, là người Việt Nam, mình phải biết yêu làng, yêu nước. Tình yêu làng yêu quê hương đất nước trong ông Hai thật giản dị, chân thành, tiêu biểu cho tình yêu nước của những người nông dân chất phác ở thời kì đầu đấu tranh chống thực dân Pháp.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
105 96.380
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm