Khó khăn có thể gặp phải khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường?

Khó khăn có thể gặp phải khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường? Đây là câu hỏi trong tập huấn mô đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học. Để giải đáp được câu hỏi này mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây

Hướng dẫn trả lời câu hỏi tự luận tập huấn Module 4 chỉ mang tính chất tham khảo, các thầy cô chỉ nên lấy ý tưởng viết vào bài làm của mình. Sau đây là nội dung chi tiết.

1. Các thầy/cô cho biết khó khăn có thể gặp phải khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường

Những khó khăn khi xây dựng kế hoạch giáo dục tiểu học, THCS, THPT

- Việc đóng góp ý kiến: Khi thực hiện KHGD của nhà trường nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc chưa phù hợp GV thường có tâm lí chịu đựng hoặc tự tìm cách khắc phục nhưng không góp ý với lãnh đạo vì tâm lí e dè, sợ lãnh đạo này kia kia nọ .. Nên khi hỏi ý kiến về KHGD họ thường bảo "Thầy/cô đã làm quá tuyệt vời! và không có ý kiến gì thêm" để tránh bị dìm.

- Hiện tại HS có vấn đề đều muốn lỗi tại GV, chính vì vậy GV thường âm thầm chịu đựng, ít có sự tương tác với các lực lượng phối hợp vì chưa biết có được giúp đỡ tích cực hay không hay trở thành trung tâm tội đồ. Khi nào môi trường sư phạm, môi trường xã hội gạt bỏ được hai tâm lí trên của Gv thì mới có điều kì diệu xảy ra.

Ngoài ra, còn có các khó khăn cụ thể mà thầy cô có thể gặp phải khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường như sau: 

- Việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học của một bộ phận giáo viên còn chiếu lệ, chưa đầu tư sâu vào các thành tố của kế hoạch môn học mà mình xây dựng: xây dựng mục tiêu của kế hoạch, nội dung và cách thức thực hiện kế hoạch, giao nhiệm vụ trên lớp và ở nhà...

- Một số chưa hiểu hết các khái niệm về kế hoạch môn học cho nên đưa ra mục tiêu chung chung, việc xây dựng kế hoạch không gắn với các điều kiện hiện có của nhà trường: đối tượng học sinh, năng lực đội ngũ, điều kiện về cơ sở vật chất.

- Một số giáo viên đã tích cực hơn trong việc xây dựng kế hoạch song vấp phải một số khó khăn khách quan.

  • Chưa hiểu hết bản chất của các bậc nhận thức nên việc xây dựng yêu cầu cần đạt còn lộn xộn.
  • Chưa xác định đúng, chưa phân loại đúng đối tượng người học dẫn tới việc xây dựng mục tiêu chưa hợp lý.
  • Việc xây dựng yêu cầu cần đạt của bài học còn chung chung, không lượng hóa, cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt.

- Kế hoạch giáo dục đòi hỏi tính linh hoạt và khả năng điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng một số giáo viên còn lúng túng trong việc này.

- Chưa cập nhật đầy đủ kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT về hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, triển khai nghiêm túc tới tổ chuyên môn, tới từng cán bộ giáo viên. Dẫn đến việc Kế hoạch giáo dục của nhà trường chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học; kế hoạch thời gian năm học của địa phương và các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Khó khăn khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường của giáo viên
Khó khăn khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường của giáo viên

- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao nội dung giáo dục tích hợp liên môn lịch sử, địa lí địa phương; tuy nhiên, việc biên soạn tài liệu, giáo trình, tư liệu vật chất lại phụ thuộc vào năng lực của giáo viên, điều kiện thực tế của từng địa phương. Một số tài liệu giáo dục địa phương cung ứng về các nhà trường còn chậm so với kế hoạch đề ra gây khó khăn cho giáo viên khi xây dựng và thực hiện kế hoạch bài dạy. Từ đó, dẫn đến tình trạng kiến thức còn nặng và sự lệch nhau giữa nội dung lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, do đặc thù vùng miền nên việc tổ chức các hình thức dạy học sẽ kém phong phú, việc dạy học lịch sử, địa lí địa phương tại thực địa hay việc ứng dụng công nghệ thông tin ít các trường tổ chức thực hiện. Việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích…Mặt khác, một số học sinh không ham thích học lịch sử, đia lí địa phương còn diễn ra ở một số trường học, nên dẫn đến tình trạng một số tiết học chưa đảm bảo được nội dung và yêu cầu của chương trình.

- Nhiều tài liệu sách giáo viên thiết kế sơ sài, các học liệu khá phong phú nhưng sắp xếp chưa khoa học, các hình ảnh trong sách giáo khoa một số bài hình ảnh quá nhiều nhưng chưa rõ nét, rất khó phân biệt gây rối cho người dạy và người học. Trên các website uy tín vẫn có một số tài liệu bài giảng tải về lỗi nhiều, sai lệch đáp án, đòi hỏi giáo viên phải chỉnh sửa mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó là sự chênh lệch trình độ công nghệ thông tin của giáo viên khiến nhiều thầy cô lúng túng trong việc tập huấn thay sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện giảng dạy trên lớp. Mỗi tuần có rất nhiều kế hoạch bài dạy với nhiều môn học ở cả phần Word và giáo án trình chiếu Powerpoint đòi hỏi tất cả giáo viên phải có máy tính tốc độ cao, dung lượng lưu trữ lớn, kết nối mạng ổn định và mỗi phòng học có tivi hoặc màn hình chiếu mới thực hiện hiệu quả kế hoạch bài dạy (Đây là điều kiện còn thiếu rất nhiều ở các địa phương khó khăn).

-Trong những năm qua, công tác xã hội hoá giáo dục đã được tiến hành dưới nhiều hình thức và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện xã hội hoá giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: cha mẹ học sinh (CMHS) chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình; chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục; do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một bộ phận cha mẹ đi làm ăn xa các em ở với ông bà; một số lực lượng xã hội quan niệm cho rằng nội dung chính của công tác xã hội hoá giáo dục là chỉ huy động kinh phí trong nhân dân hoặc là để cho dân lo là chính, dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục chưa đúng mức. Mặt khác, việc quản lý công tác xã hội hoá giáo dục còn thiếu biện pháp phù hợp, tính khả thi chưa cao. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên khi giảng dạy, một khi chưa thật sự an tâm công tác thì chất lượng giáo dục sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.

- Khó khăn về thiếu nguồn lực và hỗ trợ: Khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, các giáo viên, nhà quản lý đều phải cân nhắc về nguồn kinh phí, tài chính, cơ sở, nhân lực, công nghệ để đảm bảo đạt được mục tiêu mà kế hoạch đề ra. Việc nhà nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và xã hội sẽ làm giảm khả năng đầu tư cho vấn đề giáo dục.

2. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học

- Kế hoạch giáo dục của nhà trường là kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch thời gian năm học do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục tiểu học của các cấp có thẩm quyền, Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục là kế hoạch thực hiện chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp đảm bảo hiệu quả theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình môn học hoạt động giáo dục; phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh. Hằng năm, Hiệu trưởng ban hành kế hoạch thời gian tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chuyên môn căn cứ vào kế hoạch thời gian này để tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; đảm bảo giáo viên nắm vững mạch nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học hoạt động giáo dục và nội dung bài học, chủ đề học tập được thiết kế trong sách giáo khoa; đặc điểm địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường và đặc điểm đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên chủ động đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, tích hợp; điều chỉnh thời lượng thực hiện; nguồn học liệu và thiết bị dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp đánh giá; xây dựng phân phối chương trình dạy học phù hợp với tình hình thực tế.

- Kế hoạch bài dạy do giáo viên thiết kế bao gồm các hoạt động của học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học một tiết học/bài học/chủ đề nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh được kiến thức và đạt được các năng lực, phẩm chất cần thiết. Căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục được tổ chuyên môn thống nhất đề xuất và đã được Hiệu trưởng phê duyệt, giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo Phụ lục 3.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường. Kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm đ áp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học; kế hoạch thời gian năm học của địa phương và các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục .

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT sẽ ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện của địa phương; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhằm tạo sự lan tỏa tích cực việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường tại địa phương.

Phòng GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn; kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để thực hiện hiệu quả; tổng hợp ý kiến của các cơ sở giáo dục tiểu học về các nội dung liên quan và báo cáo Sở GDĐT trong quá trình thực hiện.

Cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; phê duyệt kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý phù hợp, linh hoạt để thực hiện hiệu quả, tổng hợp ý kiến của các tổ chuyên môn và báo cáo Phòng GDĐT trong quá trình thực hiện tại đơn vị. /.

3. Kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đúng chuẩn
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đúng chuẩn

Để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đúng chuẩn, HoaTieu.vn đã sưu tầm và tổng hợp những kinh nghiệm để giới thiệu đến các thầy cô. Nếu thầy cô có tài liệu liên quan hay quan điểm riêng, hãy góp ý cho HoaTieu.vn để cùng hoàn thiện nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường tốt nhất. Sau đây mời thầy cô tham khảo những kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để khắc phục những khó khăn có thể gặp phải tại phần một bài viết.

- Một là, cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, triển khai nghiêm túc tới cán bộ giáo viên.

- Hai là, tập trung đánh giá phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, đầu cấp học để có biện pháp điều chỉnh trong việc phân công giảng dạy, xây dựng kế hoạch dạy học theo từng môn học, từng khối lớp đảm bảo.

- Ba là, nhà trường có sự phân công giảng dạy, phân công chủ nhiệm hợp lý và giao khoán "sản phẩm" cho tới khi HS ra trường (dạy đuổi và chủ nhiệm đuổi) nhằm mục đích: GVCN, GVBM nắm bắt rõ được đối tượng dạy học, giáo viên bộ môn được giao khoán "sản phẩm" và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong suốt khóa học (trừ một số trường hợp cần phải điều chỉnh).

- Bốn là xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phải bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường. Tránh lập kế hoạch chung chung, không phù hợp với điều kiện thực tế.

- Năm là, chú trọng tới việc xây dựng và xác định mục tiêu của bài học, môn học sát với đối tượng. Một trong những thành tố quan trọng trong kế hoạch dạy học là xây dựng mục tiêu cần đạt được của một bài học (môn học) phù hợp.

- Sáu là, chú trọng việc hướng dẫn học sinh cách học, học bài ở nhà. Định hướng nội dung kiểm tra nội dung học sinh chuẩn bị bài cũ của HS trong các tiết học tiếp theo.

- Bảy là, trong kế hoạch dạy học theo môn học, tập trung xây dưng phân phối chương trình theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó chú ý loại bỏ thông tin cũ, lạc hậu, cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp, phát hiện và xử lý các nội dung khó, hàn lâm không còn phù hợp với năng lực học sinh. Ngoài việc giảng dạy kiến thức bộ môn cấp học, cần bổ sung thêm một số kiến thức THCS mà học sinh còn yếu nhất là đối với bộ môn KHTN.

- Tám là, chú trọng xây dựng kế hoạch ôn thi TN THPT theo từng môn, đây cũng công việc quan trọng quyết định đến chất lượng ôn thi TN THPT. Việc bố trí đội ngũ giáo viên tham gia ôn luyện TN, ĐH,CĐ được nhà trường lựa chọn cẩn thận là những giáo viên tâm huyết, có kinh nghiệm giảng dạy, có năng lực chuyên môn.

- Chín là chú trọng việc xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài trời, giáo dục kiến thức thường thức cần thiết cho các em học sinh như Luật giao thông đường bộ...

4. Những khó khăn khi xây dựng kế hoạch dạy bài theo chương trình mới cấp tiểu học

Việc xây dựng kế hoạch bài dạy có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giáo dục môn học ở tất cả các khối lớp và cấp học. Để đạt được mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học là cần phải hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để các con tiếp tục học trung học cơ sở, đặc biệt trong năm học 2024-2025, học sinh lớp 5 sẽ bắt đầu học theo bộ sách mới, việc xây dựng kế hoạch bài dạy (hoặc giáo án) đóng vai trò càng thêm quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra, đội ngũ giáo viên tiểu học còn đang vấp phải một số khó khăn cần được tháo gỡ:

- Trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy có hiệu quả cần phải gắn với điều kiện vật chất của nhà trường, đối tượng học sinh. Trong điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ yêu cầu, giáo viên khó có thể phát huy tối đa nội dung bài học và đạt được mục tiêu bài học.

- Một số giáo viên còn lúng túng trong việc xây dựng mục tiêu bài học, không cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt của bài học, còn lúng túng trong phân loại đối tượng người học để xây dựng mục tiêu cần đạt hợp lý hơn.

- Công tác phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong quản lý tình hình học tập của con đôi khi chưa sâu sát. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, hoặc do hoàn cảnh gia đình bố mẹ đi làm xa, khó quản lý con cái...

- Trong Chương trình DPT 2018 đề cao nội dung giáo dục tích hợp, trong đó có vấn đề tích hợp môn học với giáo dục địa phương, giảng dạy cho học sinh tìm hiểu về đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý... của địa phương (làng nghề truyền thống, địa danh - danh lam, di tích lịch sử...). Tuy nhiên, tài liệu, giáo trình liên quan không được cung cấp thống nhất. Giáo viên phải tự tìm hiểu để lên kế hoạch giảng dạy nên thiếu tính đồng bộ, nhất quán.

- Bên cạnh đó, dự chênh lệch về trình độ công nghệ thông tin cũng khiến không ít giáo viên còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện giảng dạy trên lớp. Mỗi tuần có nhiều kế hoạch bài dạy bao gồm phần Word, giáo án Powerpoint đòi hỏi các giáo viên phải thông thạo tin học văn phòng và có máy tính tốc độ cao, dung lượng lưu trữ lớn, kết nối mạng ổn định, mỗi phòng học có màn chiếu hoặc TV thì việc thực hiện kế hoạch giảng dạy mới thực sự hiệu quả.

5. Những khó khăn đã gặp phải trong quá trình xây dựng các chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống thông qua thực hiện việc phối hợp các lực lượng giáo dục

Tiểu học là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc gia, làm nền tảng trong việc giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, việc phối hợp giáo dục lối sống, đạo đức giữa các lực lượng giáo dục (giáo viên - nhà trường - gia đình - xã hội) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi học sinh không chỉ học ở trường, mà các em có thể học được cách sống, cách ứng xử từ gia đình, xã hội. Nhà trường chỉ là một trong những môi trường giáo dục cơ bản góp phần truyền thụ tri thức và rèn luyện đạo đức cho học sinh. Trong khi đó, ngoài xã hội lại có rất nhiều yếu tố tác động, hình thành thói hư, tật xấu cho học sinh. Việc phối hợp giữa các lực lượng giáo dục chưa thường xuyên, sâu sát nên đôi khi vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh thiếu hiệu quả:

- Về phía nhà trường: Đến nay, việc giáo dục đạo đức cho học sinh vẫn chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, đặc biệt giáo dục mang tính pháp lí, chưa tạo ra được môi trường giáo dục đạo đức thiết thực. Nhiều phương pháp giáo dục còn cứng nhắc, không phù hợp với tâm lí lửa tuổi học sinh, vẫn nặng nề hình thức giáo dục chính quy, giáo dục mang tính áp đặt mà ít chú ý tạo môi trường thuận lợi để học sinh tự nguyện tham gia học hành, rèn luyện.

- Về phía giáo viên: Chưa quan tâm đến việc giáo dục con trẻ, có một số đông nhà giáo chưa làm hết trách nhiệm, chưa trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Một số giáo viên chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa khơi gợi hứng thú trong học tập cho học sinh. Có một số em hoàn cảnh đặc biệt nhưng không được sự quan tâm, động viên an ủi của GV, trường hợp này cũng dẫn đến việc các em chán học…

- Về phía phụ huynh: Không gương mẫu trong việc nuôi dạy con cái, ít quan tâm chăm sóc con, phó mặc việc học cho nhà trường và các thầy cô giáo. Thậm chí có phụ huynh chưa hề đi họp phụ huynh cho con mình lần nào trong 1 năm học.

- Về phía học sinh: Một số em không có ý thức vươn lên trong học tập, bài học khó chán nản dẫn đến bỏ học.

- Về phía xã hội: Đa phần các lực lượng xã hội mặc định công tác giáo dục là của nhà trường nên thiếu sự nhiệt tình phối hợp.

Trên đây là đáp án cho câu hỏi tự luận module 4 - bài thu hoạch cuối khóa mô đun 4 được HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp từ nguồn do đồng nghiệp chia sẻ. Các gợi ý này được đưa ra dựa theo góc nhìn, quan điểm cá nhân. Giáo viên chỉ nên lấy đó làm tài liệu tham khảo khi hoàn thiện câu trả lời, bài kiểm tra sau tập huấn module 4. Nội dung đáp án nên được xây dựng trên kinh nghiệm cá nhân mà thầy cô rút ra qua quá trình giảng dạy, sao cho phù hợp với tình hình dạy học thực tế tại cơ sở giáo dục đang công tác.

Đáp án module 4 và các module khác vẫn đang được HoaTieu.vn update thường xuyên tại chuyên mục Tài liệu, thầy cô nhớ theo dõi để nhận được những tài liệu học tập mới nhất nhé. 

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
25 104.801
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm