Top 8 bài Vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng hay chọn lọc
Có thể nói, bài thơ Tỏ Lòng (Thuật hoài) đã thể hiện vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại nhà Trần một cách rõ nét. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ Lòng cùng các bài văn mẫu hay chọn lọc về vẻ đẹp con người và thời đại qua bài thơ Thuật Hoài hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
Phân tích vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ Lòng
- 1. Dàn ý vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại nhà Trần trong Tỏ Lòng
- 2. Vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại nhà Trần qua bài Tỏ Lòng
- 3. Phân tích vẻ đẹp của con người và thời đại qua bài thơ Tỏ lòng ngắn hay
- 4. Phân tích vẻ đẹp của con người và quân đội nhà Trần mở rộng
- 5. Vẻ đẹp hào hùng của con người và quân đội nhà Trần ngắn
- 6. Vẻ đẹp hào khí của con người và quân đội nhà Trần trong bài tỏ lòng
- 7. Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng - Học sinh giỏi
- 8. Phân tích vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ Lòng nâng cao
- 9. Vẻ đẹp của trang nam nhi thời trần qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
1. Dàn ý vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại nhà Trần trong Tỏ Lòng
I. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Phạm Ngũ Lão, bài thơ Tỏ lòng.
- Dẫn dắt đến nội dung cần phân tích: vẻ đẹp của con người và quân đội nhà Trần.
II. Thân bài
1. Vẻ đẹp của con người
- Tư thế “hoành sóc”: cầm ngang ngọn giáo
Ngọn giáo: Là vũ khí chiến đấu của quân đội thời trước
Tay cầm ngang ngọn giáo: thể hiện sự chủ động, tự tin
So sánh mở rộng với bản dịch thơ của Trần Trọng Kim: là “múa giáo”: mang tính hình ảnh, hoa mĩ, phù hợp với vần nhịp nhưng chỉ thể hiện được hành động phô trương, biểu diễn bên ngoài, không nói lên được được sức mạnh nội lực bên trong.
=> Tư thế chủ động, tự tin cũng như đầy kiên cường, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.
- Tầm vóc của người anh hùng thể hiện qua không gian, thời gian:
Không gian: “Giang sơn” - đất nước, rộng lớn. Nam nhi thuở trước thường nói chí tỏ lòng qua không gian vũ trụ rộng lớn.
Thời gian: “kháp kỉ thu”: Con số ước lệ tượng trưng cho thời gian dài, vô tận.
=> Khẳng định tầm vóc lớn lao, kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, lấn át cả không gian và thời gian của người anh hùng nhà Trần. Họ như những dũng tướng uy phong, lẫm liệt.
2. Vẻ đẹp của quân đội nhà Trần
- Tiềm lực quân đội: “Tam quân” - ba quân tiền quân, trung quân, hậu quân: Ý chỉ quân đội nhà Trần, tiềm lực quân sự của cả dân tộc.
=> Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, vững vàng của quân đội nhà Trần.
- Khí thế đội quân:
“Tam quân” so sánh với “tì hổ”: Hổ báo là chúa tể rừng xanh, so sánh nhằm nhấn mạnh tiềm lực sức mạnh dũng mãnh của quân đội nhà Trần là nỗi khiếp đảm của quân thù.
Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu” có hai cách hiểu: Khí thế ba quân hùng mạnh nuốt trôi trâu hoặc khí thế hào hùng ngút trời làm mờ sao Ngưu.
=> Cho thấy khí thế dũng mãnh, hào dùng ngút trời, tinh thần “sát thát” của quân đội nhà Trần được cụ thể hóa bằng những hình ảnh ước lệ.
III. Kết bài
- Khẳng định lại vẻ đẹp của con người và quân đội thời Trần trong bài thơ Tỏ lòng.
- Đánh giá chung về bài thơ Tỏ lòng.
2. Vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại nhà Trần qua bài Tỏ Lòng
Mỗi sáng tác văn học luôn in đậm dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa trong nó không tồn tại dấu ấn thời đại, không phản ánh hình ảnh con người thời đại đó. Bàn về bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn nhận định: Nói ngắn gọn, khái quát, bài “Thuật hoài” thể hiện vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại.
Có thể nói, trong các triều đại phong kiến Việt Nam, nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất. Ba lần quân Nguyên Mông – đế quốc phong kiến lớn nhất thời bấy giờ cất quân xâm lược nước ta là ba lần chúng thất bại thảm hại trước sức mạnh của quan quân nhà Trần. Chính thời đại ấy hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình. Trong lịch sử Việt Nam trước đó, có lẽ chưa khi nào người ta bắt gặp hình tượng con người kì vĩ trong văn chương thế này:
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
(Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.)
Ngay khi mở đầu bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã gieo vào lòng người đọc ấn tượng về con người phi thường, con người khổng lồ. Sự phi thường của con người được thể hiện ngay trong hành động hoành sóc. Con người thời Trần không chấp nhận hành động tầm thường (cẩm giáo, múa giáo) mà phải là cầm ngang ngọn giáo. Phải hoành sóc thì mới oai phong, lẫm liệt, thì mới dũng mãnh, hiên ngang. Phải hoành sóc thì mới đầy thách thức, ngạo nghễ. Phải hoành sóc thì mới thể hiện rõ tinh thần chủ động trấn thủ. Và có lẽ chiến trường, trận địa chưa phải là không gian thể hiện được hết tầm vóc to lớn của con người thời đại này nên Phạm Ngũ Lão lựa chọn cả giang sơn rộng lớn. Tương xứng với không gian cao rộng bao la là thời gian trường cửu kháp kỉ thu. Chiếc giáo của con người thời đại như đo được cả bề rộng, chiều dài vũ trụ. Theo đó, chủ thể của hành động, chủ nhân của cây trường giáo cũng vì thế mà trở nên kì vĩ khôn cùng. Trong câu thơ đầu này, hình tượng con người được khắc họa ở khí phách hiên ngang. Khí phách đó được nhân lên gấp bội khi Phạm Ngũ Lão nói về đội quân hùng mạnh vô song của mình ở câu thơ thứ hai. Chỉ bằng phép so sánh (ì hổ) và nghệ thuật ẩn dụ (Khí thôn ngưu), nhà thơ đã lột tả một cách chân xác, hùng tráng về khí thế cường địch, vũ bão của quân đội nhà Trần. Tướng quân họ Phạm có phần phóng đại khi đem sức mạnh các loài mãnh thú để nói về sức mạnh con người thời đại mình. Nhưng tất cả có thể lí giải từ niềm tin, niềm tự hào về đội quân của ông.
Con người thời đại Đông A không chỉ đẹp trong tư thế, khí phách mà còn đẹp hơn nữa trong tư tưởng, trong nhân cách:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)
Có thể coi hai câu trên là lời tự bạch của nhà thơ. Khi viết những dòng này, Phạm Ngũ Lão đã là một tướng quân, công danh có phần hiển hách, so với đời có lẽ ông không phải cúi đầu hổ thẹn. Thế nhưng ông vẫn tự nhận mình chưa trọn nợ công danh. Trong tâm niệm của ông, có lẽ hai chữ công danh kia, có lẽ chí làm trai kia phải vẹn đầy hơn nữa. Không thoả mãn với những gì mình đã đạt được là lí do khiến Phạm Ngũ Lão “thẹn” với Gia Cát Khổng Minh. Tự sánh mình với bậc kì tài trong lịch sử Trung Hoa để nhận ra những điều mình chưa làm được – điều đó thể hiện sự dũng cảm, thể hiện nhân cách cao đẹp của con người. Cái “thẹn” của Phạm Ngũ Lão là cái thẹn làm nên nhân cách. Phạm Ngũ Lão cúi mình trước bậc kì tài thời trước cũng như Cao Bá Quát sau này chỉ cúi mình trước vẻ thanh cao của hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Những cái cúi đầu đó không hạ thấp địa vị, nhân cách con người mà càng tôn cao, tôn thêm nhân cách, vẻ đẹp tỉnh thần ở họ. Ta còn có thể đọc trong lời thơ một niềm khát khao mãnh liệt – khát khao được lập những chiến công hiến hách cho non sông, cho dân tộc. Hoài bão ấy, ý chí ấy, lí tưởng ấy góp phần khắc hoạ vẻ đẹp tuyệt vời của hình tượng con người thời đại nhà Trần.
Mỗi con người, theo đúng nghĩa của nó, sinh ra, lớn lên trong thời đại của mình đều mong muốn góp phần tô điểm, làm rạng ngời cho thời đại đó. Theo đó, chân dung mỗi thời đại sẽ được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm. Đọc Thuật Hoài , chúng ta có thể hình dung thời đại nhà Trần là thời đại khổng lô, thời đại hào hùng, âm vang hào khí dân tộc. Hào khí đó không chỉ dậy lên từ những tiếng đồng thanh “Đánh! Đánh!” của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, không chỉ được phất lên từ lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân” của người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản, không chỉ được khắc bằng hai chữ “sớ/ £hớt” trên cánh tay mỗi tráng sĩ… mà còn được thể hiện đậm nét trong lời thơ Phạm Ngũ Lão. Hình ảnh con người trầm tư suy nghĩ về ý chí, lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân dung thời đại.
Thuật hoài ra đời đã hàng ngàn năm nay nhưng dấu ấn về con người, và thời đại Đông A lại hết sức gần gũi, đẹp đẽ trong mỗi chúng ta. Mỗi ngày mỗi người sẽ bận rộn hơn với những công việc của mình, thật khó để có thể lật lại những trang sử cũ. Nhưng chỉ cần đọc bài thơ hai mươi tám chữ của Phạm Ngũ Lão, chúng ta sẽ đã dàng cảm nhận được quá lkhứ hào hùng của cha ông.
3. Phân tích vẻ đẹp của con người và thời đại qua bài thơ Tỏ lòng ngắn hay
Phạm Ngũ Lão được biết đến là một con người văn võ toàn tài. Nổi bật trong các tác phẩm của ông là bài thơ “Tỏ lòng”. Qua bài thơ này, tác giả đã khắc họa được vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần:
“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
Trước hết, hình ảnh người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hiện lên thật đẹp. Khi giặc Nguyên tràn vào xâm lược, chúng đã gây ra bao nhiêu tội ác dã man, tàn bạo. Đối phó với kẻ thù như vậy cần phải có một bản lĩnh phi thường. Cụm từ “hoành sóc” gợi ra hình ảnh người tráng sĩ tay cầm ngọn giáo với tư thế chủ động, tự tin và không hề nhỏ bé. Nhưng trong bản dịch thơ của Trần Trọng Kim lại dịch là “múa giáo” - cách dịch mang tính hoa mỹ, tuy phù hợp với nhịp thơ nhưng không nói lên được được sức mạnh nội lực bên trong. Kết hợp với đó, tầm vóc của người anh hùng còn được thể hiện qua không gian “giang sơn” - đất nước, thể hiện tầm vóc vĩ đại và thời gian “kháp kỉ thu” - mang tính ước lệ, ý chỉ khoảng thời gian kéo dài vô tận. Từ đó, tác giả khẳng định tầm vóc kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, lấn át cả không gian và thời gian của người anh hùng thời đại nhà Trần. Họ như những dũng tướng uy phong, lẫm liệt.
Không chỉ vậy, câu thơ tiếp theo, Phạm Ngũ Lão còn cho thấy tiềm lực mạnh mẽ của quân đội nhà Trần. “Tam quân” có nghĩa là ba quân (được biết bao gồm tiền quân, trung quân, hậu quân). Một quân đội tinh nhuệ, đông đảo về số lượng và mạnh mẽ về chất lượng. Quân đội đó còn có một khí thế vững vàng. Hình ảnh so sánh rất độc đáo “tam quân” với “tỳ hổ”. Loài hổ được coi là chúa tể rừng xanh, có uy lực và sức mạnh. Với hình ảnh này, tác giả đã nhấn mạnh sự dũng mãnh của quân đội nhà Trần đã trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù. Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu”. Đây là hình ảnh gợi ra hai cách hiểu. Khí thế của ba quân hùng mạnh đến nỗi nuốt trôi trâu, hay khí thế hào hùng ngút trời của quân đội nhà Trần đã làm lu mờ ánh sáng của sao Ngưu trên bầu trời. Dù hiểu theo cách nào, ta cũng đều thấy được khí thế hào hùng của quân đội nhà Trần trước kẻ thù xâm lược. Một quân đội như vậy đủ sức để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Như vậy, qua phân tích, với bài thơ Tỏ lòng, Phạm Ngũ Lão đã giúp người đọc thêm hiểu hơn về vẻ đẹp của con người và quân đội nhà Trần, cũng như “hào khí Đông A” vang dội một thời.
4. Phân tích vẻ đẹp của con người và quân đội nhà Trần mở rộng
Phạm Ngũ Lão được biết đến là võ tướng có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Bên cạnh đó ông còn rất ham đọc sách, làm thơ và được xem là người văn võ toàn tài. Tác phẩm của ông hiện chỉ còn hai bài thơ là "Tỏ lòng" (Thuật hoài) và "Viếng thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương". Đặc biệt, "Tỏ lòng" đã thể hiện vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng hiên ngang với lí tưởng và nhân cách lớn lao, đồng thời phản ánh hào khí của thời đại Đông A với sức mạnh và khí thế hào hùng.
Bài thơ "Tỏ lòng" (Thuật hoài) được làm bằng chữ Hán, sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Hai câu thơ đầu của bài thơ đã ca ngợi vẻ đẹp hào hùng của con người, quân đội thời Trần qua việc khắc họa hình tượng người anh hùng hiên ngang lẫm liệt:
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
(Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Với giọng điệu khỏe khoắn, bức phác họa người tráng sĩ hiện lên với tư thế hiên ngang, kiên cường trong bối cảnh không gian bao la rộng lớn. Đó là tư thế "hoành sóc" - cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ biên cương, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Người tráng sĩ ấy được đặt trong bối cảnh "giang sơn" rộng lớn, thời gian "kháp kỉ thu" muôn đời. Không gian rộng lớn mang tầm vũ trụ ấy cùng thời gian trải dài như bất tử hóa, thiêng liêng hóa tư thế hào hùng lẫm liệt của người anh hùng. Bản dịch thơ dù đã tạo âm hưởng uyển chuyển song chữ "múa giáo" không khắc họa đầy đủ tư thế vững chãi, hiên ngang của tướng sĩ. Câu thơ đầu tiên đã tái hiện vẻ đẹp người tráng sĩ trong tư thế sẵn sàng, oai phong trong không gian bao la, sẵn sàng lập nên những chiến công oanh liệt cho Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp của người chủ tướng, hình ảnh quân đội nhà Trần cũng được diễn tả khéo léo trong câu thơ thứ hai - "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu".Ba quân được ví như "tì hổ" (hổ báo) và "khí thôn Ngưu" (khí thế át cả sao Ngưu). Bản dịch thơ dịch "khí thôn ngưu" là "nuốt trôi trâu" không hề sai, ca ngợi sức mạnh vô địch, khỏe khoắn của ba quân, tuy nhiên cách dịch "ba quân khí thế hào hùng át cả sao Ngưu trên trời" lại phóng đại, làm tăng hào khí của quân đội nhà Trần, giọng thơ như thế cất lên vừa hào sảng nhưng cũng rất giàu yếu tố thẩm mỹ. Câu thơ có sự kết hợp giữa những hình ảnh khách quan và những cảm nhận chủ quan của Phạm Ngũ Lão, góp phần miêu tả vẻ đẹp và hào khí dũng mãnh của quân đội nhà Trần. Kết hợp cả hai câu thơ đầu, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hùng dũng của người tráng sĩ cũng tầm vóc mạnh mẽ của quân đội thời đại Đông A, qua đó gián tiếp thấy được niềm tự hào của tác giả.
Là một thành viên ưu tú của quân đội hào hùng ấy, Phạm Ngũ Lão ý thức rất rõ về trách nhiệm của bản thân, bởi vậy ông đã bày tỏ nỗi lòng mình:
"Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Xưa nay viết về chí làm trai, người đọc đã bắt gặp những vần thơ rất đỗi quen thuộc của Nguyễn Công Trứ: Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Cũng đồng điệu tâm hồn với bao kẻ sĩ đương thời, Phạm Ngũ Lão vô cùng đề cao lí tưởng trung quân, ái quốc. Bởi vậy, ông cho rằng đã là nam nhi thì phải trả nợ công danh, mà nợ công danh ở đây chính là làm điều có công với đất nước: "Nam nhi vị liễu công danh trái". Lí tưởng công danh ấy thể hiện cái nhìn tiến bộ và nhân cách cao đẹp của một vị tướng hết lòng muốn giúp nước, giúp đời. Nghĩ thấy bản thân chưa trả trọn nợ công danh, tác giả trăn trở, băn khoăn: "Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu". Vũ Hầu chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng, một người tài đức vẹn toàn đời Hán, có công lớn giúp Lưu Bị khôi phục vương triều.Ông cảm thấy "thẹn" khi đối sánh mình với cha ông, tự thấy bản thân chưa thể sánh được với họ. Khát vọng mong muốn lập nhiều công danh hơn nữa được diễn tả hết sức khiêm nhường khi đặt bản thân mình bên cạnh mưu thần Gia Cát Lượng. Âm hưởng câu thơ trầm lắng thể hiện khát vọng lập công và chí làm trai hết sức tiến bộ của Phạm Ngũ Lão.
Với hệ thống ngôn từ hàm súc, cô đọng cùng những hình ảnh giàu sức biểu cảm, "Tỏ lòng" đã khắc họa vẻ đẹp của con người thời nhà Trần có sức mạnh, lí tưởng, nhân cách cao cả, đồng thời phản ánh khí thế hào hùng của thời đại. Âm hưởng mạnh mẽ ấy để lại dư ba trong lòng người đọc, nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta sống không bao giờ quên đề ra lí tưởng sống cao cả để sống đẹp, sống có ích hơn.
5. Vẻ đẹp hào hùng của con người và quân đội nhà Trần ngắn
Đến với “Tỏ lòng”, Phạm Ngũ Lão đã xây dựng hình ảnh con người và quân đội nhà Trần hiện lên với vẻ đẹp về sức mạnh, phẩm chất anh hùng cùng tinh thần chiến đấu bất bại.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
(Múa giáo non sông trải mấy thu)
Khi giặc Nguyên tràn vào xâm lược nước ta. Chúng đã bộc lộ rõ sự tàn ác, hung bạo, khiến cuộc sống của nhân dân ta phải chịu nhiều khổ cực. Và để đối phó với kẻ thù man rợ và nguy hiểm ấy cần có một bản lĩnh phi thường. Với câu thơ này, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được tầm vóc của con người cũng như quân đội nhà Trần. Cụm từ “hoành sóc giang sơn” vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh giữa giang sơn rộng lớn, người tráng sĩ cầm ngọn giáo trong tư thế đầy hiên ngang để bảo vệ tổ quốc. Ngọn giáo là vũ khí quan trọng và đắc lực, cùng với người anh hùng xông pha mọi trận mạc thời xưa. Lúc này, người anh hùng đứng giữa không gian bao la của vũ trụ mà không hề nhỏ bé. Ngược lại họ mang một tầm vóc lớn lao, mạnh mẽ. Không chỉ là không gian, mà còn là thời gian “trải mấy thu” - hình ảnh ước lệ thể hiện khoảng thời gian làm nhiệm vụ ấy đã kéo dài rất lâu, từ năm này qua năm khác. Nhưng dù có vậy, năm tháng không thể nào đo được ý chí người anh hùng. Họ vẫn hiên ngang đứng vững, quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Câu thơ thứ hai mang cả ý chí quyết đấu của toàn dân tộc:
“Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh kết hợp với phóng đại được sử dụng trong câu thơ. Hình ảnh “tam quân” cho thấy sức mạnh của quân đội nhà Trần. Không chỉ về số lượng, mà còn về cả chất lượng. Sự đồng lòng của “tam quân” tạo nên một sức mạnh, sánh ngang với loài hổ - được coi là chúa tể rừng xanh có uy lực và sức mạnh, với khí thế ngùn ngụt chất cao hơn núi đã “nuốt trôi trâu”. Nếu ở câu thơ thứ nhất là bản lĩnh của một người quân tử, trách nhiệm của một cá nhân với đất nước thì sang câu thơ thứ hai đó là bản lĩnh của một cộng đồng, của trăm vạn người quân tử, trách nhiệm của muôn người với dân tộc. Nó đã trở thành “hào khí Đông A” của cả một dân tộc. Với một đội quân như vậy, tin chắc rằng sẽ đánh tan mọi đạo quân xâm lược hung dữ nhất.
Tóm lại, Phạm Ngũ Lão thật sự đã cho người đọc thấy được hình ảnh của con người, cũng như quân đội nhà Trần với sức mạnh phi thường, tư thế hiên ngang và phẩm chất anh hùng.
6. Vẻ đẹp hào khí của con người và quân đội nhà Trần trong bài tỏ lòng
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, dân tộc Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc. Một trong số đó là bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Tác phẩm đã thể hiện được tinh thần của thời đại nhà Trần. Đó là vẻ đẹp của hào khí Đông A, cũng như sức mạnh của con người và quân đội thời Trần.
Đầu tiên bài thơ “Tỏ lòng” (Thuật hoài) đã gợi ra hình ảnh người anh hùng thời đại nhà Trần với vẻ đẹp hùng tráng. Hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng cứu nước được khắc họa trên nền khí thế hào hùng của thời đại. Người anh hùng ấy thật mạnh mẽ, bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
(Múa giáo non sông trải mấy thu)
Con người hiện lên qua câu thơ này mang một tầm vóc, tư thế và hành động đầy lớn lao mạnh mẽ. Câu thơ cho thấy hình ảnh người anh hùng tay cầm ngọn giáo để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời, tác giả còn đặt người anh hùng vào không gian “giang sơn” - rộng lớn của đất nước và thời gian “kỷ thu” - vô tận, kéo dài từ năm này qua năm khác để tô đậm thêm tư thế hiên ngang của người anh hùng. Nếu so sánh với nguyên tác, phần dịch thơ vẫn chưa diễn tả được hết sức mạnh, vẻ đẹp của tráng sĩ. Vẻ đẹp của người anh hùng được thể hiện trong nguyên tác với cụm từ “hoành sóc”- chỉ hành động cầm ngang ngọn giáo. Còn ở bản dịch thơ mới chỉ dịch là “múa giáo” - cách dịch này chưa thể hiện được sự mạnh mẽ của người anh hùng. Không chỉ dừng lại ở đó, sự kì vĩ ấy càng hiện rõ trong mối quan hệ với không gian và thời gian: không gian mở ra theo chiều rộng của sông núi (giang sơn), thời gian được đo đếm bằng năm tháng (kháp kỷ thu).
Đặc biệt, vẻ đẹp của người anh hùng càng được nâng lên qua khí thế hào hùng của thời đại:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Với hình ảnh “Tam quân” có nghĩa là ba quân đã cho thấy đó là một quân đội tinh nhuệ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh so sánh: “tì hổ” - sức mạnh như loài hổ, “khí thôn ngưu” - khí thế hào hùng ngút trời của quân đội nhà Trần đã làm lu mờ ánh sáng của sao Ngưu. Đó chính là sức mạnh của con người, quân đội nhà Trần. So sánh với nguyên tác, bản dịch là “nuốt trôi trâu” cũng chưa thể hiện được sức mạnh của quân đội nhà Trần. Tóm lại, hai câu thơ đầu tiên đã thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ, mối quan hệ giữa người anh hùng với một thời đại anh hùng.
Không dừng lại ở đó, vẻ đẹp của người anh hùng còn hiện lên với một hoài bão, lý tưởng thật cao đẹp:
“Công danh nam tử còn vướng nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Chuyện công danh đối với bất cứ đấng nam nhi nào cũng đều vô cùng quan trọng:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ)
Theo tư tưởng Nho giáo, “công danh” chính là lập công để lưu danh vào sử sách, để lưu lại tiếng thơm cho đời sau. Đó chính là một món nợ lớn của bất kì đấng nam nhi nào thời xưa. “Công danh” đã trở thành lý tưởng đối với họ dưới trong triều đại phong kiến. Phạm Ngũ Lão là một người văn võ song toàn, nhưng vẫn luôn thấy bản thân còn mắc nợ - món nợ “công danh”. Nhà thơ đã mượn điển tích về nhân vật Vũ Hầu - một bề tôi trung thành nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc để nói chí tỏ lòng. Khi nhắc đến điển tích này, Phạm Ngũ Lão tự cảm thấy “thẹn” - hổ thẹn với lòng khi chưa lập được công danh với đời. Qua đó, ta thấy được một nhân cách cao đẹp của nhà thơ, với hoài bão to lớn đáng ngưỡng mộ.
Với ngôn ngữ tráng lệ, Phạm Ngũ Lão đã gợi ra dáng vóc của những người anh hùng và quân đội nhà Trần. Đó là sức mạnh của “hào khí Đông A” từng nổi danh một thời.
7. Vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng - Học sinh giỏi
Thơ như đôi cánh nâng tôi bay
Thơ là vũ khí trong trận đánh”
(Raxun- Gamzatốp)
Quả thật vậy, trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã có không ít những tác phẩm văn học từng đem lại biết bao sức mạnh và niềm tin cho nhiều thế hệ. Và một trong số những tác phẩm đó chính là bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Khúc tráng ca lẫm liệt ấy luôn khơi dậy trong mỗi tâm hồn Việt Nam niềm tin và tinh thần quyết thắng trước mọi thế lực xâm lăng. Sức mạnh lay động ấy đã ngời toả ngay từ vẻ đẹp người anh hùng thời Trần- kết tinh hùng tâm tráng chí của dân tộc Việt Nam.
Tác giả của “Tỏ lòng” - Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Nguyên, từng làm đến chức Điện Súy và được ca ngợi là văn võ toàn tài. Phạm Ngũ Lão chỉ để lại hai bài thơ (“Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”), nhưng tên tuổi của ông vẫn đứng cùng ngang hàng với những tác gia danh tiếng nhất của văn học đời Trần. Và ra đời trong bối cảnh cả dân tộc Đại Việt đang sục sôi khí thế “Sát Thát”, bài thơ “ Thuật hoài” chính là bức chân dung tự họa về vẻ đẹp của con người trong thời đại hào khí Đông A.
Trước hết, bài thơ “Thuật hoài” đã gợi ra hình ảnh người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp đầy hùng tâm, tráng chí. Tác giả đã khắc hoạ hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng cứu nước trên nền hào hùng của thời đại. Người anh hùng ấy thật mạnh mẽ, bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
(Múa giáo non sông trải mấy thu)”
Con người hiện lên qua câu thơ đầu mang một tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao mạnh mẽ. Câu thơ dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ đất nước. Cây trường giáo ấy dường như được đo bằng chiều ngang của non sông. Nghĩa là chủ nhân cầm cây giáo ấy phải mang kích cỡ, tầm vóc vũ trụ. So với bản phiên âm, phần dịch thơ vẫn chưa diễn tả được hết sức mạnh, vẻ đẹp của tráng sĩ. Trong bản phiên âm, vẻ đẹp hiên ngang, lẫm liệt được thể hiện ở ngay tư thế“Hoành sóc”- cầm ngang ngọn giáo. Còn ở bản dịch thơ mới chỉ dịch là “Múa giáo”, là hành động gợi sự phô diễn, khoa trương... chưa thể hiện được hết sự kì vĩ, vững chắc. Sự kì vĩ ấy càng hiện rõ trong mối quan hệ với không gian và thời gian: không gian mở ra theo chiều rộng sông núi, thời gian được đo đếm bằng mùa, năm (kháp kỷ thu)chứ đâu phải chỉ trong chốc lát
Hơn nữa, sự kì vĩ, hào hùng của hình tượng người anh hùng càng được nâng lên qua khí thế hào hùng của thời đại:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)”
Hình ảnh “ba quân” là để nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời còn là hình tượng biểu trưng cho sức mạnh dân tộc. Ở đây nghệ thuật so sánh đã vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất ba quân (mạnh như hổ báo) vừa hướng tới khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A (khí thế át sao trời). Ở câu thơ này, phần dịch thơ với cụm từ “nuốt trôi trâu” cũng chưa diễn tả được hết sức mạnh của quân đội như “khí thôn ngưu” trong bản phiên âm.
Hình ảnh ba quân với khí thế dũng mãnh này chính là cái nền tôn thêm chất hùng tráng của hình tượng người tráng sĩ “hoành sóc”. Và tự bản thân hình ảnh “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” đã khẳng định sự tất thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lăng.
Như vậy, hai câu thơ đầu đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, mối quan hệ hữu cơ giữa người anh hùng và thời đại anh hùng, giữa một công dân anh hùng và một dân tộc anh hùng.
Không chỉ đẹp ở sự kì vĩ, lẫm liệt, hào hùng, hình tượng người anh hùng còn đẹp bởi cái chí, cái tâm cao cả. Đó là con người ôm ấp hoài bão, lí tưởng thật cao đẹp. Với Phạm Ngũ Lão, lí tưởng sống mà ông hướng tới là đánh giặc lập công để đền ơn vua, báo nợ nước. Lý tưởng cao đẹp ấy được thể hiện qua món nợ công danh và nỗi thẹn với vĩ nhân:
“Công danh nam tử còn vướng nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Hai câu thơ đã thể hiện hùng tâm, tráng chí của người anh hùng thời Trần. Đó là lí tưởng sống của bao trang nam nhi thời phong kiến.
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ)
Hay ý chí hiên ngang của bậc lão anh hùng trong “Cảm hoài”:
“Quốc thù chưa trả già sao vội
Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy”
(Đặng Dung)
Câu thơ của Phạm Ngũ Lão đã nói lên khát vọng lập nên công danh sánh ngang với bậc tiền nhân lỗi lạc. Và ý thơ cũng ẩn chứa một lời thề trọn đời cống hiến, xả thân cho vương triều nhà Trần, cho non sông đất nước Đại Việt. Hùng tâm tráng chí của người anh hùng được thể hiện ở ngay nỗi “thẹn”- thẹn chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc cứu nước. Đây là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão được đem hết tài trí để cống hiến cho đất nước. Sau này trong văn chương, chúng ta cũng bắt gặp những cái “thẹn” rất cao đẹp như trong thơ Nguyễn Khuyến:
“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”
(Thu vịnh)
Với Nguyễn Khuyến đó là cái “thẹn” của một nhà nho – nghệ sĩ. Còn trong “Thuật hoài” là nỗi thẹn của bậc anh hùng – nghệ sĩ.
Và vẻ đẹp của người anh hùng “Sát Thát” ấy được Phạm Ngũ Lão khắc họa bằng bút pháp rất đặc sắc: ngôn ngữ tráng lệ, kĩ vĩ, gợi ra dáng vóc của những người anh hùng thần thoại, những người dũng sĩ trong sử thi.... Đặc biệt, là bài thơ tỏ chí, tỏ lòng nhưng không hề khô khan bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng, hàm súc, giàu ý nghĩa.
Chính bởi bút pháp nghệ thuật đặc sắc như vậy, tác giả đã sáng tạo nên hình tượng người anh hùng thật giàu ý nghĩa. Bài thơ là bức chân dung tự hoạ của người dũng tướng thời Trần đầy hào hùng, trên cái nền đất nước tràn đầy sức mạnh quật cường. Hơn nữa, hình tượng thơ là kết tinh của tinh thần yêu nước và phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam. Bởi vậy cùng với “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão sáng ngời hào khí Đông A.
Với vẻ đẹp rực sáng ấy, hình tượng người anh hùng đời Trần chính là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta trong cuộc sống hiện nay . Trước hết, vẻ đẹp kì vĩ, lẫm liệt của người tráng sĩ luôn khơi dậy trong mỗi chúng ta ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mặt thể chất. Hơn thế, ý chí được thể hiện qua nỗi “thẹn” của người anh hùng chính là kim chỉ nam định hướng lí tưởng sống cho mỗi người. Vậy nỗi ‘thẹn” của Phạm Ngũ Lão có thể hiểu như thế nào? Trước hết, đó có thể là vì lòng yêu nước vô cùng sâu sắc, ý thức trách nhiệm với giang sơn quá lớn lao khiến cho tác giả không hài lòng với công trạng của mình. Cũng có thể đó là vì lòng khiêm tốn rất chân thành mà thấy công trạng của mình không đáng kể. Hoặc vì lý tưởng sống của chàng thanh niên yêu nước này quá hào hùng với khát vọng vươn tới những đỉnh cao chiến công khiến ông không bằng lòng với thành tích của mình.
Thế nhưng, dù vì lý do gì đi nữa thì sự hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão vẫn là sự hổ thẹn cao quý, hữu ích. Bởi nó là nguồn động lực để con người không ngừng vươn tới những đỉnh cao chiến công chứ không ngủ quên trong vinh quang hiện tại. Trong cuộc sống hiện nay, mỗi người cần sống có lý tưởng, hoài bão có mục đích cao đẹp, bởi : “Những khát vọng tốt đẹp chính là cơn gió đẩy con thuyền cuộc đời mặc dù nó vẫn thường gây nên những cơn giông tố” (Safontaine) và “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Leptônxtôi). Chính vì vậy, mỗi người hãy hướng tới lý tưởng sống cao đẹp ngày nay là cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Hãy luôn rèn luyện, phấn đấu làm việc tận tụy và cống hiến hết mình.
Là thế hệ mùa xuân của đất nước, tuổi trẻ chúng ta càng phải xác định được lý tưởng sống của mình: “Sống là cho chết cũng là cho” (Tố Hữu). Tuổi trẻ cần cảnh giác với tâm lý, hoặc là tự thoả mãn với chút công trạng của mình hoặc đòi hỏi đất nước phải “trả công” cho mình. Hãy xác định đóng góp công sức để xây dựng đất nước là nghĩa vụ thiêng liêng và đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ Quốc” . Đặc biệt giờ đây khi đất nước đang còn nhiều khó khăn, đang phải “neo mình đầu sóng cả”, mỗi người hãy nhận thức được đúng đắn vai trò của mình. Mũi khoan Hải Dương 981 xoáy vào thềm lục địa “Đất nước” nhói đau từ biển lên rừng, buốt tim 90 triệu người dân Việt. Và bởi nước “Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy sẽ không bao giờ thay đổi”. (Hồ Chí Minh). Chính vì vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam, nhất là tuổi trẻ trên dưới một lòng, nguyện đem tất cả tính mạng, của cải để giữ vững nền tự do, độc lập đó” (Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, cũng cần phải phê phán những con người có lối sống vị kỷ, không có lý tưởng, mục đích sống. Bởi như vậy là họ đang tự huỷ hoại chính bản thân, cuộc sống của họ “đang rỉ đi, đang mòn ra, đang nổi váng”.
Như vậy mỗi người chúng ta hãy luôn sống có lý tưởng, khát vọng, nhân cách cao đẹp. Và hình tượng người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp kỳ vĩ, lẫm liệt, với lý tưởng sống cống hiến sẽ luôn cháy sáng trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Đó cũng là hành trang quý giá nâng bước cho mỗi chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ Quốc. Tiếp bước truyền thống của cha ông, giờ đây khi “Tổ quốc đang bão giông từ biển”, nêu cao tư tưởng nhân nghĩa chúng ta nguyện giữ vẹn nguyên hình hài tổ quốc bằng tinh thần hòa hiếu nhất. Song , vì sự toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận những mất mát, những hy sinh một khi không còn con đường nào khác. Và khắc ghi lời dặn của cha ông, chúng ta nguyện đưa con tàu tổ quốc vượt qua mọi phong ba bão tố:
“Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
(Nguyễn Việt Chiến)
8. Phân tích vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần qua bài thơ Tỏ Lòng nâng cao
Giữa những ngày “Tổ quốc đang bão giông từ biển” nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã suy cảm:
“Nếu Tổ Quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn chẳng thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không”
Vâng! Mỗi khi Tổ Quốc “chập chờn bóng giặc” trong mỗi tâm hồn Việt Nam tinh thần dân tộc lại dậy sóng, “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ..” (Hồ Chí Minh). Những “ngọn sóng” yêu nước ấy đã kết tinh tạo nên cả một dòng mạch văn chương yêu nước tuôn chảy suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trên dòng mạch ấy, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là những áng văn của thời đại hào khí Đông Á mà tiêu biểu là bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão. Qua những vần thơ hào hùng ấy, hình tượng người anh hùng thời Trần hiện lên thật kì vĩ, lớn lao khi tỏ chí, “Tỏ lòng”.
Bài thơ “Tỏ lòng” đã gợi ra hình ảnh người dũng tướng thời Trần đầy hùng tâm tráng chí. Trước hết, tác phẩm đã khắc họa hình ảnh kì vĩ của người anh hùng cứu nước trên cái nền của thời đại. Người anh hào ấy thật mạnh mẽ bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước. Con người hiện lên qua câu thơ đầu mang tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, mạnh mẽ: “Hoành sóc giang sơn, kháp kỉ thu”. Câu thơ dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ đất nước, cây trường giáo ấy phải mang kích cỡ, tầm vóc vũ trụ. Sự kì vĩ càng hiện rõ trong mối quan hệ giữa không gian và thời gian, không gian mở ra theo chiều rộng sông núi, thời gian đâu phải chốc lát mà là đã mấy năm rồi (kháp kỉ thu). Tuy nhiên, trong bản dịch thơ vẻ đẹp tráng lệ của người anh hùng chưa lột tả hết được so với nguyên tác. Từ “múa giáo” chưa diễn tả được hết sự hào hùng mạnh mẽ của tư thế “hoành sóc” .
Sự kì vĩ, hào hùng của hình tượng, người anh hùng “hoành sóc” càng được nâng lên qua khí thế quật khởi của thời đại ở câu thơ thứ hai: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. Hình ảnh ba quân là để nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời còn là hình tượng biểu trưng cho sức mạnh dân tộc. Ở đây, nghệ thuật so sánh đã vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất của ba quân (mạnh như hổ báo) vừa hướng tới khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông Á (khí thế át sao trời). Trong bản dịch, câu thơ: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” mới chỉ nói đến sức mạnh vật chất của quân đội “nuốt trôi trâu” chứ chưa khái quát được khí thế át sao ngưu.
Hình ảnh ba quân với khí thế dũng mãnh, sức mạnh toàn diện như câu thơ trong bản phiên âm chính là cái nền tôn thêm chất hùng tráng của hình tượng người tráng sĩ “hoành sóc”. Hai câu thơ đầu đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, mối quan hệ hữu cơ giữa người anh hùng và thời đại anh hùng, giữa một công dân anh hùng và một dân tộc anh hùng.
Hình tượng người anh hùng không chỉ đẹp ở sự kì vĩ, lẫm liệt, hào hùng mà còn bởi cái chí, cái tâm cao cả. Đó là con người ôm ấp hoài bão, lí tưởng thật cao đẹp. Với Phạm ngũ Lão, lí tưởng sống mà ông hướng tới là đánh giặc lập công danh để đền ơn vua, báo nợ nước. Hoài bão cao đẹp ấy được thể hiện qua món nợ công danh và nỗi thẹn với vĩ nhân:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”.
Hai câu thơ thể hiện hùng tâm tráng chí của người anh hùng thời Trần. Hai câu thơ nói lên khát vọng lập nên công danh sánh ngang với bậc tiền nhân lỗi lạc. Sâu xa hơn, ý thơ còn ẩn chứa một lời thề trọn đời cống hiến xả thân cho vương triều nhà Trần – cho non sống đất nước Đại Việt. Vẻ đẹp trong tâm hồn nhân cách của người dũng tướng được thể hiện ngay ở nỗi “thẹn”. Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc cứu nước. Phạm Ngũ Lão cảm thấy “thẹn” có thể là do khát vọng, hoài bão được cống hiến cho đất nước vô cùng lớn, nên công danh của ông lập được còn bé nhỏ. Hoặc bởi đất nước lúc bấy giờ đang còn nhiều khó khăn, Phạm Ngũ Lão tự thấy công trạng của mình chưa đủ giúp nước,… Xong, dù lí do đi chăng nữa thì cái “thẹn” của tác giả vẫn rất cao đẹp. Nỗi “thẹn” ấy sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nói về nỗi “thẹn” của bản thân cũng chính là cách nói thể hiện khát vọng hoài bão được đem hết tài trí của mình để cống hiến cho đất nước. Sau này trong văn chương, chúng ta cũng bắt gặp những cái “thẹn” rất cao đẹp như trong thơ Nguyễn Khuyến:.
“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút.
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”
(Thu vịnh).
Vẻ đẹp tráng lệ của hình tượng người anh hùng thời Trần trong “Tỏ lòng” được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Hình tượng người anh hùng “sát Thát” được thể hiện bằng ngôn ngữ tráng lệ, kì vĩ gợi ra dáng vóc của những người anh hùng trong thần thoại và người dũng tướng trong sử thi. Không chỉ vậy, đây là bài thơ chí., “Tỏ lòng” nhưng không hề khô khan bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng hàm súc, giàu ý nghĩa.
Với nghệ thuật đặc sắc, bài thơ đã khắc họa của người dũng tướng thời Trần đầy hào hứng trên cái nền đất nước đang tràn đầy sức mạnh quật cường. Hình tượng thơ là kết tinh của tinh thần yêu nước và phẩm chất anh hùng của người Việt Nam. Cùng với “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), bài thơ “Thuật hoài” của (Phạm Ngũ Lão) luôn sáng ngời hào khí Đông A.
Hình tượng người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp kì vĩ ấy là tấm gương sáng cho thế hệ sau trong hành trình bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử Phạm ngũ Lão đã có cái “thẹn” rất cao đẹp để thể hiện khát vọng lớn lao của mình. Hoài bão được cống hiến cho Tổ quốc. Hay như Đặng Dung luôn sục sôi lí tưởng giúp vua đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi:
“Giúp chúa những lãm giằng cốt đất.
Rửa dòng không thể vén sông mây”
Chúng ta hãy biết tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc tiền nhân trong lịch sử. Mỗi con người sống phải có lý tưởng, hoài bão cao đẹp. Khát vọng đẹp đẽ nhất của mỗi công dân là cống hiến cho đất nước. Cống hiến cho Tổ Quốc không nhất thiết là cầm gương, cầm súng…đứng dậy đấu tranh mà phải tùy từng hoàn cảnh để có những hành động phù hợp. Giúp cho quốc gia có thể là những việc làm lớn lao, nhưng cũng có thể là những hành động bé nhỏ, bình dị như bảo vệ môi trường, cố gắng học tập. Khi đã có những cống hiến thì chúng ta phải biết khiêm tốn, không được kiêu căng: “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”. Nhất là trong tình hình đất nước hiện nay, khi mũi khoan của Trung Quốc đang ngang nhiên xoáy vào thềm lục địa chúng ta, những công dân của đất nước anh hùng hãy cùng nhau giữ lấy chủ quyền quốc gia chủ quyền biển đảo ấy là phần gia tài nghèo khó mà từ ngàn đời xưa ông cha ta đã không tiếc máu xương để khai phá, giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Vì vậy con dân nước Việt sẽ không để một phần lãnh thổ nào rơi vào tay kẻ xâm lược.
Bác Hồ đã từng nói: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Chính bởi vậy, thế hệ thanh niên càng phải sống có lí tưởng, có khát vọng. Người thanh niên hãy đem sức trẻ của mình để cống hiến, bảo vệ Tổ Quốc .
Bên cạnh những người dành hết “chiếc bánh thời gian” của mình vào công tác xã hội thì vẫn có những người chỉ biết sống vì mình, không quan tâm đến mọi người. Những con người ấy cần phải phê phán.
Giữa những ngày biển Đông đang dậy sóng này, ta lại càng thêm yêu những áng văn yêu nước như “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ đã khắc họa được chân dung người anh hùng thời Trần với biết bao vẻ đẹp. Vẻ đẹp đó sẽ là ánh sáng soi rọi cho các thế hệ sau. Tiếp bước truyền thống anh hùng của dân tộc, chúng ta nguyện sẽ “giữ từng thước đất – Máu xương này con cháu vẫn khắc ghi” (Nguyễn Việt Chiến). Và một lần nữa những áng thơ yêu nước như “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ Lão sẽ là niềm tin vững chắc cho chúng ta hôm nay.
9. Vẻ đẹp của trang nam nhi thời trần qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
Nếu ai là con dân Việt Nam thì đều phải biết về lịch sử bốn nghìn năm xây dựng và giữ gìn đất nước, phải biết được quân và dân nhà Trần đã anh dũng chiến đấu dẫn tới thành công ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Giặc Nguyên khi ấy cũng ác, cũng đáng sợ không khác gì giặc Pháp và giặc Mỹ sau này chính vì thế để đánh đuổi được chúng là cả một kì tích, cả một ý chí không chịu khuất phục của quân đội nhà Trần. Từ đó ta có thể thấy được vẻ đẹp của những trang nam nhi thời trần mạnh mẽ và anh dũng đến nhường nào. Đặc biệt nhà thơ, vị tướng lĩnh Phạm Ngũ Lão đã khắc họa vẻ đẹp của nam nhi thời Trần qua bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Thuật Hoài.
Trước hết vẻ đẹp của trang nam nhi thời Trần thể hiện qua trách nhiệm và lòng yêu nước của họ:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
“Múa giáo non sông trải mấy thu”
Người nam nhi thời Trần được thể hiện qua hành động cầm ngang ngọn giáo để trấn quốc yên dân. Những người sinh ra phận làm trai thì phải biết bảo vệ cho quê hương đất nước mình. Bản dịch là “múa giáo” không sát với ý nghĩa của bài thơ. “Múa giáo” không thể hiện được hết sự mạnh mẽ, sự kiên cường của ngọn giáo người nam nhi thời Trần. Có thể nói ngọn giáo biểu trưng cho sức mạnh và lòng yêu nước của nam nhi thời Trần. Ngọn giáo ấy được đo bằng chiều rộng của đất liền và chiều cao của bầu trời đất Việt. Nhà thơ cũng có ý như muốn nói về chủ quyền dân tộc Việt Nam. Đất Nước không chỉ làm nên ngọn giáo mà đất nước còn làm nên chính những con người Việt, mà cụ thể ở đây chính là những đấng nam nhi hào kiệt. Người lính Trần với cây giáo trên tay sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ Quốc. Sự nghiệp giữ nước ấy đã trải khắp mấy thu, từ xưa đến nay đó là trách nhiệm là nghĩa vụ của đấng nam nhi trượng phu trong thiên hạ. Có thể nói chỉ bằng một câu thơ, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được vẻ đẹp về lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước của nam nhi thời Trần.
Người nam nhi thời Trần không chỉ hiện lên đẹp đẽ với trách nhiệm và lòng yêu nước mà họ còn đep bởi sức mạnh của ý chí chiến đấu và sức mạnh của thể chất:
“Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”
Thời nhà Trần, quân đội được chia ra làm ba bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận đều có những trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể. Đội quân nhà Trần hiện lên qua câu thơ với sự hùng dũng và khí phách. Trong hàng ngũ ấy những nam nhi đầu đội trời chân đạp đất với cơ thể được rèn luyện nhiều năm trong kỷ luật nghiêm khắc của quân đội, giờ đây khỏe mạnh cường tráng có thể át cả sao Ngưu trên trời hay nuốt trôi một con trâu lớn. Ở đây nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật cường điệu hóa nhằm mục đích khắc họa vẻ đẹp sức mạnh của người nam nhi thời Trần. Tuy nhiên, nếu chỉ nói đơn giản đây là sức mạnh của cơ thể thì không đúng. Người nam nhi thời Trần không chỉ mạnh với cơ thể rắn chắc mà còn mạnh về ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Có thể khẳng định rằng, đây chính là yếu tố để quân đội nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông những ba lần.
Phận làm trai xưa là phải có công danh sự nghiệp, nam thi thời Trần cũng không nằm ngoài quy luật đó:
“Nam nhi vị liễu công danh trái”
“Công danh nam tử còn vương nợ”
Nam nhi thời Trần với sức mạnh và trái tim của mình, một lòng hiến dâng cho đất nước và tổ quốc. Nếu như bậc nữ nhi chỉ ở nhà chăm con, chăm mẹ, ngày đêm lo chuyện bếp có sáng, cơm có ngon, canh có ngọt thì người nam tử phải hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. Đã là phận làm trai thì phải có công danh sự nghiệp thì mới đáng phận làm trai. Dẫu đã hiến dâng tất cả nhưng người nam nhi thời Trần ở đây vẫn cảm thấy còn vương nợ với vua, với nhân dân và với đất nước. Đây là một sự khiêm tốn. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng có câu thơ về chí làm trai thời xưa:
“Chí làm trai nam, bắc, đông, tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”
Đó là chân lý, là nguyên tắc sống của những bậc nam nhi thời xưa, quả thật đây chính là một điều vô cùng ý nghĩa và đáng quý.
Dẫu là cống hiến tất cả, dẫu là hy sinh rất nhiều nhưng người nam tử thời Trần vẫn cảm thấy bấy nhiêu chưa đủ để xứng đáng là một người bề tôi của vua:
“Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Người nam tử thời Trần vì tổ quốc và đất nước mà dành trọn cuộc đời của mình ở quân đội, ở chiến trường. Họ phải hy sinh đi hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình để đổi lấy phận trung với vua. Những người mẹ già ngày đêm vẫn lo lắng cho họ, những người vợ đảm đang cùng đàn con thơ mong ngóng người chồng, người cha trở về. Thế nhưng những người lính vẫn phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để đánh đổi hạnh phúc của đất nước, trong đó có những người thân yêu của họ.
Như vậy qua đây ta có thể thấy được những vẻ đẹp của người nam tử thời Trần. Họ không chỉ là những người có tấm lòng yêu nước, ý thức được trách nhiệm công dân của mình, có sức mạnh về thể chất và tinh thần mà còn là những nam tử có công danh nhưng lại rất khiêm tốn.
Trên đây là top những bài Vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng hay nhất. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Top 4 bài Phân tích hào khí Đông A trong bài Tỏ Lòng hay nhất
Vẻ đẹp người tráng sĩ trong bài thơ Tỏ lòng (4 mẫu)
Top 8 bài phân tích Cảnh ngày hè hay nhất
5 bài cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày hè hay nhất
Top 7 bài cảm nhận Cảnh ngày hè sâu sắc nhất
Top 7 mẫu cảm nhận về bài thơ Tỏ Lòng hay chọn lọc
- Chia sẻ:Minh Ngọc
- Ngày:
Top 8 bài Vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng hay chọn lọc
224,5 KB 29/11/2021 3:36:00 CHTải Vẻ đẹp con người và thời đại nhà Trần qua bài thơ Tỏ lòng .doc
29/11/2021 3:55:11 CH
Gợi ý cho bạn
-
Top 10 mẫu phân tích bài thơ Bếp lửa hay chọn lọc
-
Phân tích 8 câu đầu Việt Bắc hay nhất
-
(29 mẫu) Mở bài Việt Bắc siêu hay
-
Top 8 bài phân tích Hầu trời siêu hay
-
Top 20 mẫu phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ siêu hay
-
Top 5 bài cảm nhận Những đường Việt Bắc của ta siêu hay
-
Top 8 mẫu phân tích bài thơ Tỏ lòng hay nhất
-
Top 4 bài cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng siêu hay
-
Top 4 bài cảm nhận về bài thơ Đất Nước hay nhất
-
Top 8 bài phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo siêu hay
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2025 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2025
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2025
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2025
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27