Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT

Tải về

Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------

Số: 26/2013/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2013

GIỐNG THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư về quản lý giống thủy sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này quy định quản lý về điều kiện sản xuất kinh doanh, chất lượng, khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Thông tư này không bao gồm nội dung kiểm dịch giống thủy sản; cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng, khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống thủy sản: Là các loài động vật, thực vật thuỷ sản kể cả trứng, phôi, tinh trùng và ấu trùng của chúng sử dụng để sản xuất giống, làm con giống cho nuôi thương phẩm, nuôi làm cảnh, nuôi giải trí.

2. Giống thuỷ sản mới: Là giống thuỷ sản lần đầu tiên được nhập vào hoặc lần đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam.

3. Giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực gồm: Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei/ Penaeus vannamei), tôm sú (Penaeus monodon), cá tra (Pangasius hypophthalmus), cá rô phi (Oreochoromis spp).

4. Tạo giống: Là việc chọn, lai, thụ tinh hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật di truyền khác để tạo ra một giống mới.

5. Ương giống thủy sản: Là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn biến thái phát triển hoàn thiện để thành con giống.

6. Dưỡng giống thủy sản: Là việc nuôi con giống thủy sản tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong một thời gian sau khi được vận chuyển từ trại sản xuất giống về để phục hồi sức khỏe, tăng kích cỡ giống.

7. Khảo nghiệm giống thủy sản: Là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi giống thủy sản trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống đó.

8. Kiểm định giống thủy sản: Là việc kiểm tra, đánh giá lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh, đặc tính của giống thủy sản sau khi đưa ra sản xuất hoặc làm cơ sở công bố chất lượng giống thủy sản phù hợp tiêu chuẩn.

Điều 3. Phí, lệ phí

1. Phí, lệ phí trong công tác quản lý giống thủy sản được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

2. Chi phí khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản thực hiện theo hợp đồng, thỏa thuận giữa cơ sở khảo nghiệm, kiểm định với cơ sở có giống thủy sản cần khảo nghiệm, kiểm định dựa trên các định mức cơ bản của Bộ Tài chính và chi phí thực tế.

Chương II

ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN

Điều 4. Điều kiện đối với cơ sở sinh sản giống thủy sản

Tổ chức, cá nhân thực hiện cho sinh sản giống thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thuỷ sản hoặc Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền;

3. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan có chức năng cấp;

4. Có nơi cách ly theo dõi sức khoẻ giống thuỷ sản mới nhập về. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống đáp ứng theo QCVN 02-15:2009/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thuỷ sản;

5. Có bảng hiệu, địa chỉ rõ ràng;

6. Phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thuỷ sản và đảm bảo chất lượng giống thuỷ sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

7. Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản, nội dung ghi chép quy định tại mục A, Phụ lục 2 và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là ba (03) năm.

Đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản đã đăng ký áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương trở lên, thực hiện lập hồ sơ quản lý quá trình sản xuất giống theo tiêu chí quy định của quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và hướng dẫn của tổ chức có thẩm quyền đánh giá, chứng nhận.

Điều 5. Điều kiện đối với cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản

Tổ chức, cá nhân thực hiện ương, dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

1. Đáp ứng các quy định tại Khoản 1, 2, 3, 5, 6, Điều 4 Thông tư này;

2. Có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống: Hệ thống bể, ao ương, dưỡng giống thủy sản; nguồn nước sạch và hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; thiết bị, dụng cụ đảm bảo cho việc ương, dưỡng giống thủy sản.

3. Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi trong quá trình ương, dưỡng giống thủy sản, nội dung ghi chép quy định tại mục B, Phụ lục 2 và thực hiện lưu giữ hồ sơ tối thiểu là hai (02) năm.

Điều 6. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ

1. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ

Tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ phải đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

a) Đáp ứng các quy định tại khoản 1, 2, 4, 5, 6, 7 Điều 4 Thông tư này.

b) Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.

2. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ chủ lực.

Tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ chủ lực phải đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

a) Đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có đàn giống thủy sản đảm bảo chất lượng: giống thuần chủng hoặc giống đã được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc có phẩm cấp giống là kết quả của đề tài, dự án nghiên cứu/chọn tạo đã được công nhận cấp Bộ hoặc cấp nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân trước khi sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực phải gửi văn bản thông báo đến Tổng cục Thuỷ sản để tổng hợp, theo dõi và quản lý (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

Chương III

CHẤT LƯỢNG GIỐNG THỦY SẢN

Điều 7. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống thủy sản

1. Cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản tự công bố tiêu chuẩn áp dụng. Trình tự xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn được thực hiện theo Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, Thông tư 29/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN.

2. Cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản gửi 01 bộ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đến cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương để cập nhật và theo dõi quản lý.

3. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản theo đúng hồ sơ đã công bố.

Điều 8. Chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy giống thủy sản

Việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thực hiện theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2012 về việc hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Chất lượng giống thủy sản

1. Chất lượng con giống thủy sản đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Đảm bảo theo Tiêu chuẩn cơ sở đã công bố;

b) Trước khi lưu thông phải thực hiện kiểm dịch theo quy định;

c) Khi vận chuyển giống về cơ sở để ương, dưỡng thành giống lớn phải có hóa đơn ghi xuất xứ rõ ràng, có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc mua giống để ương thành giống lớn hoặc nơi tiếp nhận có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề ương giống.

2. Chất lượng giống thủy sản bố mẹ đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Đảm bảo theo Tiêu chuẩn cơ sở đã công bố;

b) Trước khi lưu thông phải thực hiện kiểm dịch theo quy định.

3. Chất lượng giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Đáp ứng các quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Được kiểm tra xét nghiệm các bệnh trước khi cho sinh sản theo quy định tại Mục 1 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đánh giá bài viết
1 319
Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm