Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn
Chương trình giáo dục phổ thông mới môn tiếng Hàn
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 27/12/2018, môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể được tổ chức giảng dạy từ lớp 6 đến hết lớp 12. Dưới đây là nội dung chi tiết của chương trình môn tiếng Hàn giáo dục phổ thông mới, mời các bạn cùng tham khảo.
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
CHƯƠNG TRÌNH MÔN TIẾNG HÀN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT
ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
MỤC LỤC
I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC...........................................................................................3
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH .......................................................3
III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH..............................................................................5
1. Mục tiêu chung......................................................................................................5
2. Mục tiêu cụ thể..................................................................................................... 5
IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT ............................................................................................5
1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung .............................................. 5
2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù....................................................................6
V. NỘI DUNG GIÁO DỤC........................................................................................14
1. Nội dung khái quát...............................................................................................14
2. Nội dung cụ thể ...................................................................................................15
VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC..............................................................................37
VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC......................................................................38
VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH.......................39
Nội dung cụ thể Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn mới như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
1. Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12, giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các chủ đề và kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, chữ Hàn, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện, phát triển các kĩ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
2. Chương trình môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam* với tổng thời lượng là 735 tiết (mỗi tiết là 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá. Chương trình được chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn của học sinh tương đương với Bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn của học sinh tương đương với Bậc 2; Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 420 tiết (trong 4 năm học), dành cho giai đoạn 2 là 315 tiết (trong 3 năm học). Nội dung chương trình được xây dựng theo hệ thống các chủ đề, bao gồm các lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, về đất nước, con người, văn hoá Hàn Quốc, Việt Nam và các nước khác trên thế giới nhằm cung cấp kiến thức ngôn ngữ, tri thức văn hoá, xã hội liên quan đến các chủ điểm, chủ đề và rèn luyện, phát triển kĩ năng giao tiếp tiếng Hàn cơ bản, bồi dưỡng khả năng vận dụng ngôn ngữ toàn diện cho học sinh.
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình tuân thủ và chi tiết hóa các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về định hướng chung cho tất cả các môn và định hướng xây dựng chương trình môn Ngoại ngữ.
2. Chương trình được thiết kế dựa trên các cơ sở lí luận và kết quả nghiên cứu mới nhất về khoa học giáo dục, tâm lí học, ngôn ngữ học và phương pháp dạy học ngoại ngữ; kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Ngoại ngữ của Việt Nam và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình giáo dục nói chung và chương trình môn Ngoại ngữ nói riêng những năm gần
đây, nhất là của những quốc gia phát triển; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
3. Chương trình được biên soạn theo đường hướng giao tiếp, đảm bảo hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn cho học sinh thông qua các hoạt động giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức về ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, chính tả), văn hoá và xã hội là phương tiện để hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp.
4. Chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra thể hiện qua việc chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) cho mỗi bậc học và mỗi năm học, đảm bảo tính liên thông và tiếp nối giữa Bậc 1 và Bậc 2, giữa các cấp học, năm học trong từng bậc của môn Tiếng Hàn; đảm bảo tích hợp giữa các chủ điểm và chủ đề, tích hợp 4 kĩ năng giao tiếp, tích hợp giữa ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2, tích hợp với nội dung có liên quan của các môn học khác trong chương trình Giáo dục phổ thông. Chương trình được cấu trúc xoay quanh hệ thống chủ điểm và chủ đề. Một chủ điểm bao gồm nhiều chủ đề. Các chủ điểm và chủ đề có mối liên quan chặt chẽ với nhau, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và môi trường sinh hoạt, học tập của học sinh. Hệ thống chủ điểm và chủ đề được lặp lại, mở rộng và phát triển theo từng cấp, từng năm học. Sau khi học xong Chương trình, học sinh đạt trình độ tiếng Hàn Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
5. Chương trình đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với từng điều kiện dạy học tiếng Hàn của các vùng miền, địa phương, không quy định bắt buộc mà chỉ đưa ra định hướng nội dung dạy học cụ thể, một mặt để chương trình mở, mềm dẻo và linh hoạt, mặt khác để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
Chương trình môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 cung cấp cho học sinh kiến thức ngôn ngữ, kĩ năng ngôn ngữ cơ bản, giúp học sinh bước đầu có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn một cách tương đối độc lập trong những tình huống giao tiếp cơ bản của cuộc sống thường nhật, tạo hứng thú và hình thành thói quen học tập ngoại ngữ suốt đời.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Trang bị cho người học những kiến thức tiếng Hàn cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cơ bản phù hợp với tình huống trong giao tiếp hằng ngày ở trình độ Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
b) Hình thành năng lực sử dụng tiếng Hàn như một ngoại ngữ ở trình độ sử dụng ngôn ngữ một cách độc lập, thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chú trọng hai kĩ năng nghe và nói để từ đó giúp người học có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn một cách tự tin trong những tình huống giao tiếp hằng ngày;
c) Trang bị cho người học những hiểu biết cần thiết về văn hoá, đất nước và con người Hàn Quốc, phục vụ cho mục tiêu học tập của người học; d) Tạo hứng thú và thói quen học tập ngoại ngữ suốt đời.
IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực chung
Chương trình môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).
2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù
Môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực tiếng Hàn như sau:
Giai đoạn 1
Sau khi kết thúc giai đoạn 1, học sinh cần đạt trình độ tiếng Hàn Bậc 1 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là:
“Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân, bạn bè...
Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.
Trình độ tiếng Hàn Bậc 1 được phân thành 4 bậc nhỏ, tương đương với 4 năm học:
Bậc 1.1: Năm học thứ 1
Bậc 1.2: Năm học thứ 2
Bậc 1.3: Năm học thứ 3
Bậc 1.4: Năm học thứ 4
Giai đoạn 2
Sau khi kết thúc giai đoạn 2, học sinh cần đạt trình độ tiếng Hàn Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là:
“Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hằng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”.
Trình độ tiếng Hàn Bậc 2 được phân thành 3 bậc nhỏ tương ứng với 3 năm học tiếp theo:
Bậc 2.1: Năm học thứ 5
Bậc 2.2: Năm học thứ 6
Bậc 2.3: Năm học thứ 7
- Chia sẻ:Vũ Thị Thái Lan
- Ngày:
Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn
440,2 KB 26/08/2021 1:57:20 CHBài liên quan
-
Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Pháp
-
Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga
-
Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến