Cách xử lý hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội

Hiện nay, hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo........ diễn ra ngày càng nhiều. Vậy Cách xử lý hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như thế nào, chúng ta cùng đi tìm hiểu.

1. Cách xử lý hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội

Trong thời gian qua, có những hacker dùng biện pháp kỹ thuật xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin, phương tiện điện tử của người khác để thay đổi thông tin, cơ sở dữ liệu, chiếm quyền sử dụng các tài khoản số trên mạng xã hội. Pháp luật nước ta có bảo vệ tài khoản mạng xã hội không và những hành vi nói trên bị xử lý như thế nào?

Khoản 3 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 đã nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác. Do đó, việc hacker cố tình lấy cắp thông tin đăng nhập, thay đổi thông tin đăng nhập của chủ tài khoản là hành vi trái pháp luật.

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP đang có hiệu lực và Nghị định 15/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, hành vi này bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn quy định thêm: Hành vi xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng bị phạt lên đến 50 triệu đồng.

Có những hacker chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, rồi còn đòi nạn nhân đưa tiền chuộc, hoặc dùng tài khoản chiếm đoạt được để lừa đảo chiếm đoạt tài sản những người khác. Với số tiền chiếm được dưới 2 triệu đồng, hành vi này có thể bị phạt lên tới 70 triệu đồng theo Điều 74 Nghị định 174/2013/NĐ-CP; và lên tới 100 triệu đồng theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, như số tiền chiếm được từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc có tổ chức, tái phạm, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có thủ đoạn uy hiếp tinh thần chủ tài khoản mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản (ví dụ yêu cầu chuyển khoản một số tiền để chuộc lại tài khoản), người phạm tội sẽ bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự hiện hành, hình phạt cao nhất là 10 năm tù, đồng thời có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài khoản rồi giả danh chủ tài khoản, lợi dụng lòng tin của bạn bè, người thân của chủ tài khoản để lấy tiền, tài sản, sẽ bị truy cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy mức độ có thể bị phạt đến 20 năm tù hoặc chung thân.

Như vậy, tài khoản mạng xã hội cũng là một tài sản được pháp luật bảo vệ, và hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng. Do đó, nếu bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội và bị tống tiền hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản, người dân hãy yên tâm mình được pháp luật bảo vệ, và nên tố cáo hành vi vi phạm tới các cơ quan có thẩm quyền như công an tỉnh, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), để được hướng dẫn và giải quyết.

Cách xử lý hành vi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội

2. Tội lừa đảo CĐTS qua mạng Facebook

Hỏi: Tôi đã bị lừa gạt hết thảy là 1 triệu 6 trăm 50 ngàn với hình thức giao dịch bằng thẻ Viettel do 1 tài khoản có tên facebook là A có số điện thoại là 0121 405 **** và địa chỉ là B. Lúc đầu tôi chỉ muốn giao dịch mua bán một con mèo Anh lông dài bình thường giá là 8 triệu đồng, tôi đã giao tiền đầy đủ nhưng bên kia không trả hàng cho tôi, rồi sau đó tôi có gọi giục nhưng bị chặn số điện thoại và chặn luôn cả facebook, và sau này tôi mới biết là người này đã lừa rất nhiều người như vậy rồi chứkhông phải riêng mình tôi?

1. Lừa đảo và các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là như thế nào ?

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

- Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản

- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối

Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.

Lưu ý: thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

- Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự

- Trường hợp hành vi gian dối, hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chí bị truy cứu những tội danh tương ứng đó. Ví dụ, như hành vi gian dối làm tem giả, vé giả …( Điều 164 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017), hành vi gian dối trong cân đong đo đếm, tình gian, đánh tráo hàng ( Điều 162 Bộ luật hình sự), hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194 Bộ luật hình sự), hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón thuốc thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 158 Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự 2015) đều có dấu hiệu gian dối.

Dấu hiệu khác: Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự là như thế nào ?

Theo Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

- Tố giác của cá nhân;

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

- Người phạm tội tự thú.

Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm đơn trình báo lên công an điều tra hình sự cấp quận/huyện nơi bạn đang cư trú hợp pháp để được giải quyết.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục khiếu nại tố cáo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
1 459
0 Bình luận
Sắp xếp theo