Bài dự thi tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang

Tải về

Bài dự thi tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân

hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết bài dự thi tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang để bạn đọc cùng tham khảo. Bài dự thi nêu rõ về truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân tại các tỉnh. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết tại đây.

Bài dự thi tìm hiểu lực lưỡng vũ trang nhân dân

Câu hỏi 1: Tại sao ngày 17/4/1947 được xác định là ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang?

Trả lời:

Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng; thực hiện nghị quyết của Đảng về tổ chức, xây dựng, huấn luyện, hoạt động và phát triển Lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I và sắc lệnh số 230/SL ngày 30/11/1946 của Chủ tịch nước về việc thành lập các Ban chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội dân quân, thực hiện thông tư của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Chiến khu X, ngày 17/4/1947 Tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập (nay là Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang) với 30 cán bộ, chiến sĩ, cơ cấu tổ chức gồm có: Ban Chính trị, Ban Quân sự, Ban Tổ chức và một số cán bộ làm công tác quân báo; đồng chí Phạm Cương làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Vũ Tuấn làm Chính trị viên. Đồng thời, chi bộ Đảng Tỉnh đội được thành lập, gồm 20 đảng viên do đồng chí Vũ Tuấn làm Bí thư. Chi bộ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Tuyên Quang, đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu X về công tác quân sự - quốc phòng. Và được Bộ Tư Lệnh Quân khu 2 quyết định công nhận ngày 17/4 là ngày truyền thống của LLVT tỉnh, Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, LLVT tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương.

Câu hỏi 2: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều trận đánh của Quân và dân tỉnh Tuyên Quang đã đi vào lịch sử, đồng chí hãy cho biết thời gian, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của những trận đánh tiêu biểu đó?

Trả lời:

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp LLVT Tuyên Quang đã tham gia đánh 48 trận, trong đó có 30 trận độc lập, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực, tiêu diệt 1.289 tên địch, làm 240 tên bị thương; bắn chìm, bắn cháy 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 01 máy bay, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự của địch. Quân Pháp không những bị đánh thiệt hại nặng mà còn phải chịu những nỗi kinh hoàng và sự khiếp đảm khi dấn thân vào đất Tuyên Quang, lính Pháp đã gọi Tuyên Quang là "Nghĩa địa khổng lồ". Một số trận đánh tiêu biểu diễn ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là:

* Trận Bình Ca (12/10/1947) - Chiến thắng “mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên Sông Lô”.

* Trận Địa lôi Km 7 (22/10/1947) - Nỗi kinh hoàng của quân Pháp.

* Trận Đèo Gà - Cầu Cả (05/11/1947) - Trận đánh thể hiện ý chí quyết tâm tiêu diệt địch của quân dân ta.

* Trận Khe Lau (10/11/1947)- Bể lửa thiêu đốt quân giặc.

* Trận Bình Ca (12/10/1947) - Chiến thắng “mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên Sông Lô”

Ngày 12/10/1947, đoàn tàu chiến của địch từ Đoan Hùng ngược Sông Lô lên đến Bình Ca, từ trận địa mai phục phía tả ngạn, bộ đội tiểu đoàn 42, trung đoàn 174 dùng súng Ba-zô-ca bắn chìm một pháo thuyền địch. Sáng ngày 13/10/1947, quân Pháp đổ bộ lên bến Bình Ca định tiến vào Sơn Dương. Bộ đội cùng với du kích địa phương đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, giật mìn địa lôi và nhất tề xông lên đánh giáp lá cà với địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Quân Pháp buộc phải tháo lui xuống tàu rút chạy về thị xã Tuyên Quang. Chiến thắng Bình Ca là chiến thắng đầu tiên của quân và dân ta trên mặt trận Sông Lô. Sau đó, vào ngày 03/11/1947, cũng tại Bình Ca, quân ta đã phục kích đánh thắng một cuộc đổ bộ của 200 quân Pháp, diệt hơn 100 tên, thu nhiều vũ khí. Trận Bình Ca (12/10/1947) và các trận đánh sau đó ở khu vực này đã góp phần bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía tây An toàn khu của Trung ương. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi: "Trận Bình Ca Tiểu đoàn 42 đã đánh lui 1 trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô".

* Trận Địa lôi Km 7 (22/10/1947) - Nỗi kinh hoàng của quân Pháp

Ngày 22/10/1947, đội tự vệ Thành Tuyên cùng du kích Yên Sơn và bộ đội tổ chức phục kích tại km 7 đường Tuyên Quang đi Hà Giang, thuộc địa phận xã Trung Môn - Yên Sơn. LLVT tỉnh đã sử dụng bốn quả bom câm (thu được của địch) được cải tạo thành những trái địa lôi. Khi đoàn quân địch gồm 500 lính, nhiều lừa, ngựa thồ lọt vào trận địa, tự vệ ta giật dây điểm hỏa. Ba quả địa lôi nổ tung, xé tan đội hình quân địch, gần 100 tên chết tại chỗ và bị thương. Địch bị thiệt hại nặng phải quay lại thị xã Tuyên Quang. Bộ đội, du kích ta lại cắt rừng đón đánh tiếp ở km 5 diệt thêm 30 tên nữa. Trận địa lôi km 7 là trận đánh điển hình về tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, dùng vũ khí địch đánh địch của LLVT Tuyên Quang. Địch kinh hoàng gọi trận này là "Tiếng nổ của hỏa ngục".

* Trận Đèo Gà - Cầu Cả (05/11/1947) - Trận đánh thể hiện ý chí quyết tâm tiêu diệt địch của quân dân ta

Bị quân ta chặn đánh liên tiếp, mất sức chiến đấu, không thực hiện được kế hoạch hợp điểm, quân Pháp buộc phải bỏ Chiêm Hoá rút lui về thị xã Tuyên Quang. Nắm được ý đồ của địch, ngày 05/11/1947 du kích các xã Hoà Phú, Yên Nguyên phối hợp với bộ đội bố trí phục kích địch suốt từ Đèo Gà tới cầu Cả. Tại trận địa phục kích chính ở cầu Cả, bộ đội, du kích đã tiêu diệt gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí, sau đó tiếp tục truy kích địch trên suốt dọc đường chúng rút chạy về thị xã Tuyên Quang.

* Trận Khe Lau (10/11/1947) - Bể lửa thiêu đốt quân giặc

Bị thua đau ở nhiều nơi, quân Pháp không còn đủ sức chiến đấu buộc phải tháo chạy khỏi Chiêm Hoá theo đường sông. Ta chọn Khe Lau, nơi gặp nhau của sông Gâm và sông Lô thuộc ba xã Phúc Ninh, Thắng Quân, Tân Long làm trận địa phục kích. Quân và dân Yên Sơn đã cùng bộ đội đào hầm hào, bí mật khênh pháo, bố trí trận địa cả hai bên bờ sông. Chiều ngày 10/11/1947, đoàn tầu địch xuôi về tới Khe Lau. Hai khẩu sơn pháo 75 và Ba-Zô-Ca đồng loạt phát hoả. Cả ba tầu chiến và ca nô địch bị trúng đạn, bốc cháy. Binh lính địch liều chết nhảy xuống sông bơi vào bờ, đều bị bộ đội và dân quân ta tiêu diệt. Xăng dầu loang trên mặt sông bắt lửa cháy ngùn ngụt. Sông Lô trở thành dòng sông máu lửa đối với quân thù. Trận Khe Lau ta đã nhấn chìm một ca nô, hai tầu chiến, diệt gần 300 tên địch, thu nhiều vũ khí.

Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đánh giá: Đây là một trong 10 trận đánh thắng lớn của ta trong chiến dịch Việt Bắc - Thu đông năm 1947. Chiến thắng Khe Lau góp phần đánh quỵ giang đoàn Kéc-Ga-Ra-Vát của địch trên sông Lô. Là trận phát huy được yếu tố chủ động, bí mật, bất ngờ, sáng tạo trong lựa chọn cách đánh, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm chiến đấu, chiến thắng và sự phối hợp tác chiến chặt chẽ của quân và dân Tuyên Quang với bộ đội chủ lực.

Đến cuối tháng 12 năm 1947, bị tổn thất nặng nề, giặc Pháp phải rút khỏi Tuyên Quang, rút khỏi Việt Bắc. LLVT Tuyên Quang đã góp phần quan trọng vào chiến thắng sông Lô oai hùng, bẻ gẫy gọng kìm phía Tây của quân Pháp, đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của chúng, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của ta sang giai đoạn mới. Đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng đánh giá: "Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên sông Lô và trên con đường Tuyên – Hà, tuy chỉ tiêu diệt, trên 1.000 quân tinh nhuệ của địch nhưng đã khiến cho lính địch hoảng sợ mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai lệch kế hoạch của địch mà còn phá một phần lớn kế hoạch tiến công Việt Bắc. Giá trị của trận Sông Lô chính là ở đó".

Mời bạn đọc cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung thông tin

Đánh giá bài viết
4 3.460
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm