Bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng được quy định như thế nào?

Quyền riêng tư của mỗi người là rất quan trọng. Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, do vậy lại càng đáng lưu tâm để bảo vệ chúng. Vậy, Bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng được quy định như thế nào? Bài viết này Hoatieu.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.

1. Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP thì thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng được quy định như sau:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

2. Biện pháp bảo vệ bí mật đời sống riêng tư cho trẻ trên môi trường mạng

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ như sau:

  • Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
  • Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
  • Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng được quy định như thế nào?

3. Biện pháp hỗ trợ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng

Căn cứ quy định tại Điều 37 Nghị định 56/2017/NĐ-CP thì biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên mạng như sau:

  • Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
  • Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

4. Biện pháp xử phạt hành vi trao đổi thông tin cá nhân khác trên mạng

Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về Vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;
  • Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
  • Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;
  • Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
  • Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

Ngoài ra, đối với hành vi làm mất an toàn thông tin của người khác trên mạng xã hội còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các quy định trên.

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Quyền bất khả xâm phạm của trẻ em, Bao nhiêu tuổi được gọi là trẻ em từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 197
0 Bình luận
Sắp xếp theo