Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8 tỉnh Thanh Hóa

Tải về

Tài liệu kế hoạch bài dạy Giáo dục địa phương lớp 8 tỉnh Thanh Hóa

Tài liệu Giáo dục địa phương 8 Thanh Hóa - Giáo dục địa phương là một trong những nội dung học trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhằm giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết về nơi các em sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Sau đây là chi tiết tài liệu môn Giáo dục địa phương lớp 8 của tỉnh Thanh Hóa sẽ giúp các thầy cô có thêm tư liệu để chuẩn bị cho giáo án môn Giáo dục địa phương lớp 8.

Tài liệu giáo dục địa phương 8 Thanh Hóa

Chủ đề 1: Phát huy giá trị hò sông Mã trong phát triển du lịch ở Thanh Hóa

Là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, hò sông Mã vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị nhân văn độc đáo, luôn được người dân xứ Thanh xem là“thương hiệu nhận diện”, phản ánh sắc thái văn hóa truyền thống của địa phương. Nằm trong dòng chảy chung dưới sự tác động, ảnh hưởng của thời đại, các di sản văn hóa nói chung và hò sông Mã nói riêng đang dần mai một. Vì vậy, công tác bảo tồn, phục dựng di sản có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ các di sản văn hóa truyền thống. Bên cạnh công tác bảo tồn, cần đẩy mạnh khai thác du lịch từ giá trị của di sản hò sông Mã và xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, vừa đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

1. Đôi nét về xuất xứ hò sông Mã

Ở Thanh Hóa, trong các thể loại hò, hò sông nước là phổ biến nhất, vì có nhiều điệu hò và số lượng lời hò có hàng ngàn câu. Sở dĩ hò sông nước xứ Thanh phong phú và đa dạng như vậy, bởi từ xa xưa giao thông đường thủy ở Thanh Hóa rất phát triển, gồm 4 hệ thống: sông Hoạt, sông Mã, sông Yên và sông Bạng, cộng với chi lưu của sông Mã. Với chiều dài thủy trình gồm chục vạn tầm (mỗi tầm bằng 8 thước ta đời Hậu Lê, tức 2,56m). Xưa kia, khi đường bộ chưa được mở mang, phương tiện vận tải ô tô chưa có, trên các con sông ngang dọc xứ Thanh biết bao là những con đò dọc, đò ngang, thuyền chiến, thuyền tải quân sự, thuyền mành chở hàng xuôi ngược... Đó là cơ sở, cái nôi của các điệu hò sông nước ra đời. Hò sông nước là sản phẩm tinh thần của những người làm nghề chài lưới sông nước. Tiếng hò của các trai đò dọc giao duyên với các cô khách hàng đò, họ cùng hò lên để giãi bày nỗi lòng của người giang hồ sông nước. Tiếng hò thúc giục các cuộc đua thuyền trong các dịp lễ hội, tiếng hò hùng mạnh gấp gáp của các chiến binh trên các chiến thuyền. Tiếng hò lúc khoan thai khi con thuyền xuôi dòng mát mái. Tiếng hò nặng nhọc khi con thuyền ngược nước, tiếng hò dứt khoát khi con đò vượt thác và tiếng hò háo hức khi con thuyền cập bến... Tiếng hò sông nước đó đã một thời vang vọng suốt chiều dài lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu, những nhạc sĩ đầu tiên đặt danh xưng “hò sông Mã” cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này là Lê Quang Nghệ và Mai Hoàng Lan. Tuy nhiên, phạm vi sưu tầm tư liệu của họ cũng chỉ từ Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa) lên tuyến nguồn và góc độ sưu tầm chủ yếu là phần nhạc điệu. Nghiên cứu về điệu hò sông Mã còn có nhóm Lam Sơn, nhóm này có những nghiên cứu phân tích, nhưng chủ yếu trên văn bản lời hò của người sưu tầm về văn học dân gian. Cách đặt tên của dân gian chủ yếu là người lái đò thì gọi là “hò đò dọc”. Hò sông Mã không phải chỉ trong phạm vi sông Mã, mà bao gồm cả 4 tuyến đi dọc nối với sông Mã. Tuyến thứ nhất gọi là “tuyến Nguồn” từ Hàm Rồng - Bến Ngự (thành phố Thanh Hóa) đi Hồi Xuân (huyện Quan Hóa); tuyến thứ hai là “tuyến Vạn” bắt đầu từ Bến Ngự đến Ngã Ba Đầu nguồn theo sông Chu lên đến Trịnh Vạn, huyện Thường Xuân; tuyến thứ ba là “tuyến Kim Tân” khởi đầu từ Bến Ngự đến Hồ Nam rẽ sang sông Bưởi đi Kim Tân, huyện Thạch Thành và tuyến cuối cùng là “tuyến Lạch” từ Bến Ngự đến Ngã Ba Bông rẽ theo sông Lèn xuống Lạch Sung, huyện Nga Sơn. Cả 4 tuyến này từ xa xưa đều có đò dọc, hành trình theo định kỳ thường xuyên và có rất nhiều bến đậu liên quan đến các chợ trung tâm của các địa phương. Đò dọc là đò chở khách buôn hàng chuyến từ các chợ tỉnh, mỗi tháng có 6 phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27. Xưa kia bến trung tâm của đò dọc là bến Giàng vì tỉnh lỵ đặt ở làng Dương Xá. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) tỉnh lỵ mới chuyển về Thọ Hạc và từ đó Nam Ngạn - Bến Ngự mới trở thành bến trung tâm của đò dọc sông Mã (1).

2. Các làn điệu hò sông Mã

Hò sông Mã được chia ra nhiều làn điệu, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là 5 làn chính, gồm: Hò rời bến, Hò đò xuôi, Hò đò ngược, Hò vác cạn, Hò cập bến (2). Còn theo nhiều nhà nghiên cứu, hò sông Mã có gần 20 làn điệu, mỗi làn lại có nhiều lời khác nhau, luyến láy đa dạng. Hầu hết các điệu hò sông Mã được hát theo lối xướng - xô, đối - đáp. Sau câu bắt nhịp của người cầm cái, các trai đò sẽ phụ họa theo, chủ yếu là những câu ngắn như: “dô tả, dô tà”, “dô khoan, hò khoan”... Nếu Hò rời bến phải vang, nhộn nhịp, khẩn trương mời khách xuống thuyền, thì Hò ngược thác lại tỏ rõ sự nặng nhọc, vất vả của tốp trai đò khi chống sào đẩy thuyền ngược dòng nước, cả câu xướng và xô trong hò ngược thác đều ngắn gọn. Khi qua đền, chùa, đôi khi còn được nghe Hò niệm phật êm ái, nhẹ nhàng, cầu mong chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Khi thuyền đi sai lạch, vào bãi cát ngầm, trai đò vừa Hò mắc cạn, vừa lội xuống nước dùng sức vác thuyền hoặc dùng dây kéo thuyền qua chỗ sa lầy. Cùng với điệu hò khoan nhặt, lúc nặng nhọc, lúc miên man, tiếng mái chèo khua nước, tiếng chân giậm rộn rã xuống ván thuyền của trai đò đã tạo cho hò sông Mã nét khác biệt, độc nhất vô nhị. Đây chính là nét độc đáo nhất của hò sông Mã bởi tiếng giậm chân rộn rã lên mặt ván thuyền gắn với những giai điệu uyển chuyển nghe như nền đệm của nhạc cụ gõ. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: âm nhạc hò sông Mã mang những nét đặc sắc rất riêng và “đậm đà bản sắc dân tộc”. Hò sông Mã là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không chỉ bộc lộ nỗi lòng mình với quê hương đất nước, mà còn làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hò sông Mã đã theo các đoàn dân công đi tiếp lương, tải đạn, các đoàn thuyền nan và được ứng dụng cả trong hành trình kéo pháo vào trận địa, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hò sông Mã là một thể loại dân ca đặc biệt của người dân Thanh Hóa. Về hình thức, chúng bao gồm nhiều thể thơ khác nhau: thơ 4 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, song thất lục bát... nhưng phần lớn lời các làn điệu hò thuộc thể thơ lục bát. Nhịp điệu của các làn điệu hò chủ yếu là nhịp chẵn. Trong các chặng hò, nhịp điệu của các bài hò hoàn toàn khác nhau. Một mặt nhịp điệu phản ánh được hoạt động, tính chất nặng nhọc của công việc chèo đò, mặt khác nó phản ánh được tính chất dòng chảy của con sông và tâm trạng của những người chèo đò. Trong hò sông Mã, lời hò của làn điệu này có thể được sử dụng cho làn điệu khác. Tuy nhiên, nhịp điệu được sử dụng thì hoàn toàn thay đổi. Nhìn chung, hò sông Mã là làn điệu hò mở, việc ngắt nhịp không bị bó buộc trong một khuôn khổ nhất định. Người lĩnh xướng các làn điệu hò tùy theo khả năng của mình để ngắt nhịp sao cho phù hợp với nhịp chèo của các trai đò nhằm điều khiển nhịp chèo bằng âm nhạc. Vì thế, xét về số tiếng (âm tiết) nhịp của hò sông Mã có thể là 1 tiếng, 2 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào tốc độ đi của con đò, dòng chảy của con sông (3).

3. Thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Trước sự mai một của hò sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp cùng các tổ chức, viện nghiên cứu trong nước tiến hành công tác nghiên cứu, sưu tầm về di sản. Năm 1999, Viện Âm nhạc bắt tay thực hiện dự án Khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống tiểu vùng sông Mã và tổ chức nhiều chuyến điền dã, phỏng vấn, ghi lại những làn điệu, cách diễn xướng của chính các nghệ nhân đã từng tham gia hát những điệu hò sông Mã. Những nỗ lực này đã giúp Thanh Hóa khôi phục được 10 điệu hò và khoảng vài chục lời hò trong tổ khúc hò sông Mã (4). Trên cơ sở các tư liệu âm thanh và hình ảnh ghi lại được từ dự án, năm 2002, Viện Âm nhạc đã phát hành một CD các làn điệu hò sông Mã và một VCD có lời bình mang tính khoa học và phổ cập. Năm 2007, Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã ra đời với tổng số 25 hội viên do bà Trần Thị Huệ (trú tại huyện Hà Trung) làm Chi hội trưởng và đến năm 2018, Câu lạc bộ (CLB) Hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ được thành lập với tổng số 25 thành viên, do ông Nguyễn Văn Long (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) làm chủ nhiệm. Từ năm 2007, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Hà Trung và Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã tổ chức nhiều lớp dạy và học hát hò sông Mã; tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã (5). Hiện nay, hoạt động trình diễn, trao truyền nghệ thuật hò sông Mã ở tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào CLB Hò sông Mã. Đây được coi là lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đa số các nghệ nhân đều có sự đam mê, tự nguyện, tích cực tham gia học, hát và truyền dạy dân ca. Một số nghệ nhân - thành viên của CLB Hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ là những người thực hành dân ca hò sông Mã chủ yếu xuất thân từ tầng lớp nông dân, kinh doanh buôn bán, nghề thủ công, cán bộ cơ sở, hưu trí... CLB không có sự hướng dẫn về chương trình, nội dung hoạt động, cũng như kinh phí hỗ trợ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đều đặn, làm ảnh hưởng đến việc thực hành và trao truyền dân ca hò sông Mã tại cộng đồng. Toàn bộ trong số họ không ai sống bằng nghề hát chuyên nghiệp, mà chỉ tham gia sinh hoạt dân ca trong các CLB do chính quyền (thôn, xã, trung tâm văn hóa) thành lập, kinh phí hoạt động trong CLB chủ yếu là tự túc, tự nguyện. Ngoài ra, mặc dù các nghệ nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, song người thực hành di sản hiện nay chủ yếu ở tuổi trung niên, chưa thu hút được nhiều đội ngũ kế cận. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với việc duy trì, phát triển dân ca hò sông Mã hiện nay. Ngoài ra, lực lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày một ít do tuổi cao sức yếu không đủ sức để truyền dạy. Bên cạnh đó lớp trẻ bận học ở trường, ít người hào hứng học nên người kế thừa trong gia đình, cộng đồng ngày càng ít… Trong số các nghệ nhân hát hò sông Mã, số người biết truyền dạy một cách bài bản và có kỹ thuật không còn nhiều, truyền dạy chủ yếu bằng phương thức truyền miệng và dưới hình thức sinh hoạt CLB, một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống. Do vậy, nguồn lực truyền dạy dân ca ngày càng khó khăn, cần thiết phải có chương trình đào tạo đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận. Về hoạt động kiểm kê di sản, ngày 9-5-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn I (2011-2012). Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 4-8-2014 về việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành VHTTDL của tỉnh đã triển khai thành lập Ban kiểm kê cấp tỉnh và cấp huyện theo quy định; tổ chức các lớp tập huấn ở cấp tỉnh, cấp huyện để phổ biến quy định và hướng dẫn phương pháp tiến hành kiểm kê di sản. Theo kết quả báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2020, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, đã hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể hò sông Mã để đề xuất đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

.................

Mời các bạn tham khảo các bài khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
7 6.787
Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8 tỉnh Thanh Hóa
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm