Suy nghĩ về phẩm chất và số phận người nông dân trong chế độ cũ

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc là một trong những tác phẩm phản ánh rõ nhất về cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về số phận người nông dân trong xã hội cũ hay và chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các bạn học sinh khi học môn Ngữ văn.

1. Dàn ý suy nghĩ về phẩm chất và số phận người nông dân trong chế độ cũ

Truyện ngắn lão Hạc đã cho em những suy nghĩ về phẩm chất của người nông dân
trong xã hội cũ.

Đó là:

- Phẩm chất tốt đẹp, trong sạch

- Chắt chiu, tằn tiện

- Giàu lòng tự trọng, không bị tha hóa,... (không làm phiền hàng xóm kể cả lúc chết )

- Giàu tình thương yêu, biết hi sinh vì con,.. (với con trai ,với con chó Vàng)

-> Số phận của người nông dân: Nghèo khổ, bần cùng và không lối thoát

2. Truyện ngắn lão Hạc cho em những suy nghĩ gì về phẩm chất và số phận người nông dân trong chế độ cũ

Trước cách mạng tháng Tám, số phận của người nông dân gặp nhiều đau khổ bất hạnh điển hình là nhân vật lão Hạc là số phận cho chúng ta cái nhìn rõ nhất về sự bóc lột tàn nhẫn. Với nhân vật lão Hạc, nhà thì nghèo, vợ mất sớm, con trai không cưới được vợ quẫn trí bỏ nhà đi đồn điền cao su. Lão thui thủi sống một mình cô đơn làm bạn với cậu Vàng. Tai họa dồn dập đổ xuống cuộc đời lão. Một trận ốm đã lấy đi hết tiền mà lão dành dụm được suốt bao nhiêu năm qua. Rồi không còn gì, ăn chẳng đủ ăn, không ai mướn lão làm việc, cuối cùng lão đành bán cậu Vàng. Nhưng vì cái nghèo rồi sợ tiêu lạm vào tiền để lại cho con trai, khiến lão chọn cái chết. Và cũng vì sự ân hận với cậu Vàng, lão kết liễu cuộc đời mình bằng cách ăn bả chó. Lão Hạc đã làm gì mà để rơi vào hoàn cảnh khốn khổ đến vậy? Tất cả là do xã hội cũ hành hạ. Thật đáng thương cho con người số phận ấy.

3. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về số phận người nông dân trong xã hội cũ

Vẻ đẹp nhân cách cùng số phận bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ được thể hiện rất rõ trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của Ngô Tất Tố và "Lão Hạc" của Nam Cao. Thật vậy, cuộc đời của họ đã được tái hiện rất chân thực trước mắt người đọc. Về vẻ đẹp, cả nhân vật lão Hạc và chị Dậu đều là những người giàu tình yêu thương. Chị Dậu là người vợ có tình yêu thương chồng tha thiết, điều này được thể hiện rất rõ qua từng cử chỉ chị chăm sóc người chồng đau ốm. Không những vậy, tình yêu đó chính là động lực và nguồn sức mạnh để một người nông dân thấp cổ bé họng như chị dám đứng lên đánh lại cai lệ và người nhà lí trưởng. Vì chồng, chị nhún nhường để cầu xin chúng tha cho chồng chị; nhưng về sau khi chúng nhất định mang chồng chị đi đánh trói, chị đã lăn xả đánh lại bọn chúng để bảo vệ chồng đến cùng. Cũng như chị Dậu, lão Hạc là người rất yêu thương con trai mình. Thương con trai vì không đủ tiền cưới vợ nên bỏ đi đồn điền cao su, lão đã chăm sóc tử tế cho kỷ vật con lão để lại: cậu Vàng. Càng thương con bao nhiêu, lão càng chấp nhận sống cuộc đời khổ sở bấy nhiêu: ăn củ ráy, sung luộc, rau má,...Tận cùng của bế tắc nghèo khổ, lão đã chọn cách tự tử để bảo toàn tài sản cho con trai khi trở về. Tiếp theo, chúng ta có thể thấy, nếu như chị Dậu là người phụ nữ có tinh thần phản kháng mạnh mẽ thì lão Hạc là người tìm đến cái chết để không bị tha hóa. Tuy chị Dậu là người phụ nữ thấp cổ bé họng nhưng giờ chị là trụ cột của một gia đình; thế nhưng khi bị dồn vào tận cùng bế tắc, chị đã chống lại bọn chúng, đây chính là sự đấu tranh cho công bằng, cho sự phản kháng của chị. Còn lão Hạc đã tìm đến bả chó để tự vẫn; như một sự tự trừng phạt lương tâm và để kết thúc tháng ngày đói kém tuyệt vọng chứ quyết không đi theo vết xe đổ của Binh Tư. Đó là số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, là vì không có tiền đóng sưu mà phải bán con, bán chó. Vì nghèo mà phải bán người bạn thân nhất để rồi kết thúc bằng cái chết đau đớn. Họ đều bị dồn vào bế tắc cuộc sống. Tóm lại, người nông dân trong xã hội cũ tuy có số phận đau khổ nhưng họ cũng là những con người với những phẩm chất tốt đẹp cao quý.

4. Đoạn văn nêu suy nghĩ của em về số phận người nông dân trong xã hội cũ siêu ngắn

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc là một trong những tác phẩm phản ánh rõ nhất về cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Họ là người sống khổ cực vì bị áp bức bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng. Cuộc sống của họ lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ có những phẩm chất đáng quý là trong sạch, lương thiện, giàu tình thương yêu. Họ quyết liệt phản kháng hoặc thậm chí dám chọn cái chết để giữ gìn phẩm chất trong sạch của mình. Điều đó cho ta thấy: người nông dân trong xã hội cũ có một sức mạnh tiềm tàng, họ không giàu có về vật chất nhưng có giàu về tình cảm, sáng ngời phẩm chất cao quý.

5. Suy nghĩ về phẩm chất và số phận người nông dân trong chế độ cũ

Bài viết do Hoatieu.vn biên soạn và làm tài liệu tham khảo cho bạn đọc, không copy qua website khác phục vụ cho mục đích thương mại.

Hình ảnh người nông dân là một trong những nguồn đề tài đầy màu sắc được khai thác rất nhiều trong văn thơ, đặc biệt trong giai đoạn văn học hiện đại trước cách mạng Tháng Tám 1945, hình tượng người nông dân đa số đều xuất hiện trong hình ảnh nghèo khổ, chắt chiu từng đồng vẫn không đủ ăn, cái xã hội đè ép con người đến hơi thở cuối cùng bởi sưu cao thuế nặng, bởi cường quyền ác bá sẽ khiến một số người bị bần cùng hóa, tha hóa, đánh mất đi lòng tự trọng như Chí Phèo, hay người bà trong "Một bữa no". Nhưng đâu đó, vẫn có những con người dù hoàn cảnh bất hạnh, cơ cực vẫn cố gắng giữ lấy phẩm giá của mình, như Lão Hạc, chị Dậu.

Chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố là một hình tượng tiêu biểu như thế. Chị là người phụ nữ điển hình của xã hội xưa, chị tần tảo, lam lũ nhưng vẫn không đủ ăn. Gia đình chị đã trở thành hạng cùng đinh, chồng ốm đau, sưu cao thuế nặng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ. Để có tiền, chị phải bán mọi thứ trong nhà, bán cả đàn chó mới đẻ, bán cả con đi ở đợ, đứa con gái ngoan ngoãn mà chị mang nặng đẻ đau. Đến đây, chúng ta có thể cảm nhận rõ nỗi đau day dứt của chị khi bán cái Tý cho nhà Nghị Quế. Cuộc đời chị bất hạnh nối tiếp khổ đau khi chạy vạy mãi mới nộp đủ sưu cho chồng thì bọn lí trưởng ác bá lại bắt chị nộp thêm cả tiền sưu cho người em chồng đã chết. Chao ôi, người chết mà vẫn phải nộp thuế người đã đủ cho ta thấy sự vô nhân tính, bất công của chế độ xã hội cũ. Chúng hung hăng muốn bắt đi người chồng đau ốm của chị, trong hoàn cảnh không thể chịu đựng được, cơn giận "tức nước vỡ bờ" đã thôi thúc chị hành động. Chị xông tới đánh trả quyết liệt sau những lời van xin không có kết quả. Hành động bộc phát của chị cho thấy chị Dậu là một người phụ nữ đảm đang, yêu chồng thương con, nhưng chị cũng là người quyết đoán, có tinh thần phản kháng, không chịu cường quyền áp bức. Đây cũng là hình ảnh chân thực về cuộc sống của người nông dân "một cổ hai tròng" trước cách mạng Tháng Tám.

Còn với Lão Hạc, nhân vật của nhà văn Nam Cao lại mang đến màu sắc khác về người nông dân với cuộc sống mòn mỏi chờ đợi và hy vọng mong manh vào cuộc sống. Con trai Lão Hạc đi đồn điền cao su sáu bảy năm chưa về, ở cái nơi dễ vào khó ra ấy thì không rõ sống chết ra sao. Mình Lão còm cõi ở nhà làm bạn với chú chó nhỏ là cậu Vàng. Xa con, vợ chết sớm, Lão coi cậu Vàng như người bạn tâm sự, lão âu yếm nó như người ông hiền hòa với đứa cháu ngoan. Nhưng cái đói cái nghèo đã ép Lão phải bán đi cậu Vàng. Chao ôi, nhìn Lão kể lại chuyện bán chó với thầy giáo Thứ mà xót xa, Lão khóc hu hu, mếu máo như một đứa trẻ. Bán chó xong, Lão vô cùng dằn vặt, cuối cùng Lão chọn ra đi bằng một liều bả cho xin được của Binh Tư. Lão chết đau đớn, tủi hờn trong sự bàng hoàng, xót xa của mọi người. Cái chết của Lão Hạc cho thấy lão là người rất đôn hậu, cao cả, lão khóc huhu ân hận vì bán chó, lão cảm giác như mình là kẻ có tội, lương tâm lão bị dày vò vì nhớ đến ánh mắt của con chó khi bị bắt. Đến cuối, lão chọn cái chết để bảo vệ phẩm giá của mình, bảo vệ mảnh vườn vì thương con trai. Lão chết cũng không muốn phiền lụy đến làng xóm. Lão đau đớn mà chết, nhưng với lão có lẽ đây lại là cái chết thanh thản, kết thúc một cuộc đời cơ cực, thấp cổ bé họng.

Đến ngày nay, khi đọc lại những áng văn của nhà văn Nam Cao và Ngô Tất Tố, chúng ta vẫn còn thấy rõ giá trị hiện thực, nhân văn của câu chuyện. Dù hoàn cảnh sống túng quẫn, bi thảm, người nông dân trong chế độ xưa vẫn giữ trọn phẩm chất đẹp đẽ, trong sáng của mình. Tựa như trong màn đêm u tối, tâm hồn họ vẫn tỏa sáng. Và với ngọn đèn của Đảng chỉ lối sau này, họ chính là lực lượng mạnh mẽ nhất làm nên chiến thắng của cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính những người nông dân cơ cực đã tự đứng lên giải phóng chính mình, phá bỏ gông cùm, trở thành lực lượng nòng cốt của quân cách mạng trong cuộc kháng chiến gian khổ, trường kì, đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
34 35.936
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm