Sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ văn THPT
Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm môn Văn 11
Nhằm hỗ trợ các thầy cô trong việc chuẩn bị báo cáo các bài sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ Văn, hoatieu.vn xin được chia sẻ mẫu bài sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ văn THPT. Sau đây là nội dung chi tiết báo cáo sáng kiến kinh nghiệm Văn lớp 11, mời các bạn cùng tham khảo và tải về sử dụng.
BÁO CÁO KẾT QUẢ
NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG SÁNG KIẾN
1. LỜI GIỚI THIỆU
Có ý kiến cho rằng, mọi sự thay đổi trong văn học đều bắt nguồn từ sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Do vậy, đi sâu khám phá quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam là bước đi ngắn nhất để chúng ta đến gần với cái bản chất nội tại của tác phẩm, nắm được sự thay đổi, cách tân và vận động của cả một giai đoạn, một thời kì văn học trung đại, đồng thời nêu bật được sức hấp dẫn của thời kì văn học này cũng như khẳng định những giá trị không lỗi thời của nó về sau.
Nghiên cứu quan niệm con người trong văn học không giống với việc tìm hiểu quan niệm con người trong các học thuyết triết học. Con người trong văn học là sự ý thức về con người, là cách hiểu về con người và cuộc đời làm cơ sở cho việc sáng tạo ra các hình tượng nghệ thuật, hòa tan trong sự miêu tả các hình tượng sống động. Nhiệm vụ của người nghiên cứu là vạch ra quan niệm ấy như là cái lý bên trong của hình tượng. Quan niệm con người trong văn học phong phú và sinh động hơn nhiều so với quan niệm triết học. Tùy theo cách cảm nhận, đồng cảm của nhà văn đối với các số phận, tính cách cá nhân mà quan niệm về con người cá nhân được mở ra, mỗi tác giả, mỗi thời đại đều có thêm những đường nét mới. Xem xét văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX qua một số hiện tượng chủ yếu, tiêu biểu ta có thể hình dung được một quá trình phát triển của quan niệm cá nhân trong văn học. Đó tuy không phải là vấn đề hoàn toàn mới đối với cảm thụ văn học, nhưng là nhiệm vụ mới của lý luận văn học và lịch sử văn học.
Suốt mười thế kỉ trung đại, văn học Việt Nam đã kết tinh nhiều giá trị thâm sâu, trở thành niềm tự hào cho hậu thế. Văn học trung đại Việt Nam đến nay vẫn là một sức hút mãnh liệt đối những nhà nghiên cứu học thuật trong và ngoài nước, là nơi thể nghiệm và đạt được nhiều thành tựu của nhiều hệ thống lí thuyết nghiên cứu văn học. Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu di sản này, chúng ta càng thêm gắn bó với truyền thống cao đẹp của dân tộc. Bởi lẽ “Mỗi tác giả với thiên tài của mình và giới hạn của thời đại, phản ánh một thời kì lịch sử, đánh dấu một bước tiến của văn học, làm giàu thêm cho tư tưởng, tình cảm và tiếng nói Việt Nam”(Phạm Văn Đồng). Chúng ta có thể tìm thấy trong di sản này những điều giúp tìm lại quá khứ vinh quang nhưng không ít phần gian khó của dân tộc, để rồi từ đó có thể nhìn lại hiện tại một cách thấu đáo hơn và hướng về tương lai một cách tin tưởng hơn. Đối với nhà trường THPT, di sản này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, quan điểm, lí tưởng thẩm mĩ... cho học sinh, thông qua những thành quả nổi bật của người xưa trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, kết tinh trong các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu.
Chương trình Ngữ văn THPT có một số lượng tương đối lớn các văn bản thuộc thể loại thơ trữ tình trung đại. Đó là các văn bản nghệ thuật được các nhà thơ Việt Nam sáng tác trong thời kì phong kiến. Các tác giả thơ trữ tình trung đại phần nhiều là những thi nhân nổi tiếng, tâm hồn nặng những nỗi đời. Làm thơ với họ là mượn cảnh, mượn việc để kí thác tâm sự, bày tỏ nỗi lòng nhân thế theo quan điểm thời đại “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo”.
Qua thực tế giảng dạy thơ trữ tình trung đại Việt Nam ở trường THPT có thể nhận thấy: Đây là thể loại văn học tương đối khó, hơn nữa các tác phẩm văn học trung đại được tính từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX đã cách chúng ta hơn mười thế kỉ, đến với thế hệ trẻ dưới mái trường phổ thông thế kỉ XXI đã có khoảng cách rất xa về thời gian. Vì thế, người giảng dạy gặp khó khăn trong soạn giảng, nhiều học sinh ít hứng thú, không tích cực trong giờ học những bài văn học cổ. Vấn đề đặt ra là phải có những biện pháp tối ưu nhằm giúp giáo viên và học sinh đạt hiệu quả cao trong giảng dạy và học tập thơ trữ tình trung đại Việt Nam.
Đổi mới căn bản, toàn diện là yêu cầu của giáo dục hiện nay. Việc xây dựng, áp dụng những hướng tiếp cận, phương pháp mới trong dạy học bộ môn để nâng cao hiệu quả dạy và học là yêu cầu phải được giải quyết. Đặc biệt, với xu hướng học lệch, học theo ban, chọn ngành nghề theo khối hiện nay tạo ra rất nhiều bất cập trong việc lựa chọn môn học. Các môn xã hội có xu hướng bị coi nhẹ. Môn Ngữ văn cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Nhiều học sinh cho rằng Ngữ văn là môn khoa học xã hội, tính ứng dụng không cao, không thiết thực với cuộc sống, công việc. Từ đó, dẫn đến tình trạng chán học văn, hoặc học mang tính đối phó.
Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có đổi mới phương pháp, tìm hướng tiếp cận mới trong dạy học môn Ngữ văn, tạo hứng thú, nâng cao năng lực học tập cho học sinh, giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, biết cảm thông, yêu thương chia sẻ với những số phận, cuộc đời thông qua mỗi trang sách, thông qua từng tác phẩm là điều rất cần thiết. “Văn học là nhân học” học văn là để hình thành nhân cách con người. Và Ngữ văn là môn học quan trọng giúp học sinh có kỹ năng giao tiếp ứng xử trong cuộc sống. Tìm hướng tiếp cận, đổi mới phương pháp, từ đó tạo hứng thú trong học tập cho học sinh, khơi gợi, đánh thức niềm đam mê với văn học, tìm về với giá trị đời sống tâm hồn của con người là vấn đề được đặt ra và cần phải giải quyết.
Luận ngữ có câu: “Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng say mà học”. Yếu tố cảm xúc, say mê chính là động lực lớn thúc đẩy, nuôi dưỡng sự cố gắng, nỗ lực học tập không ngừng của mỗi chúng ta.
Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn và điều khiển quá trình học tập của học sinh, hơn ai hết giáo viên phải tìm, xây dựng hướng tiếp cận mới, phương pháp mới để phát huy tính tích cực sáng tạo của người học, tạo hứng thú, hưng phấn, khơi dậy đam mê học tập ở học sinh.
Có thể nói, cốt lõi của việc tạo hứng thú, tạo tâm thế hưng phấn, tích cực cho học sinh trong học tập bộ môn nói chung và môn Ngữ văn nói riêng là đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo hướng lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm, học trò là người chủ động khám phá, lĩnh hội kiến thức, người thầy đóng vai trò là người tổ chức, chỉ đạo. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm những hướng tiếp cận bài học linh hoạt, khoa học, hợp lí nhằm tạo hứng thú học tập của học sinh trong dạy học Ngữ văn là rất cần thiết.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, kết hợp kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của bản thân, với mong muốn nâng cao hiệu quả dạy và học, mong muốn học sinh luôn hứng thú, chủ động, yêu thích những tác phẩm văn học trung đại tôi chọn đề tài: “Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII-XIX qua một số tác phẩm thơ trữ tình trong chương trình Ngữ văn 11(Tự tình – Hồ Xuân Hương; Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ; Bài ca ngắn đi tên bãi cát – Cao Bá Quát; Câu cá mùa thu – Nguyễn Khuyến; Thương vợ - Trần Tế Xương) ”.
2. TÊN SÁNG KIẾN
“Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII-XIX qua một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11(Tự tình – Hồ Xuân Hương; Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ; Bài ca ngắn đi tên bãi cát – Cao Bá Quát; Câu cá mùa thu – Nguyễn Khuyến; Thương vợ - Trần Tế Xương) ”.
3. TÁC GIẢ SÁNG KIẾN:
- Họ và tên: Đàm Thị Phượng
4. CHỦ ĐẦU TƯ TẠO RA SÁNG KIẾN:
- Đàm Thị Phượng – Trường THPT Yên Lạc 2 – Vĩnh Phúc
5. LĨNH VỰC ÁP DỤNG SÁNG KIẾN
Áp dụng trong giảng dạy học sinh lớp 11 môn Ngữ văn, đặc biệt là các lớp chuyên văn và bồi dưỡng học sinh tham gia kì thi chọn học sinh giỏi các cấp môn Ngữ văn.
6. NGÀY SÁNG KIẾN ĐƯỢC ÁP DỤNG LẦN ĐẦU.
Từ ngày 03/09/2018
7. MÔ TẢ BẢN CHẤT CỦA SÁNG KIẾN
7.1. Tổng quan các vấn đề nghiên cứu
7.1.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của tôi khi nghiên cứu vấn đề này là tìm được những hướng tiếp cận mới, phương pháp dạy học tích cực nhằm tạo được hứng thú học tập môn Ngữ văn của học sinh khi học môn Ngữ văn nói chung và Văn học trung đại Việt Nam nói riêng. Đồng thời, qua thực trạng, tìm hiểu được nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng tới việc học văn của học sinh, từ đó đề xuất một số biện pháp tạo hứng thú học tập môn Ngữ văn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng học tập môn Văn cho học sinh THPT. Cụ thể:
* Kiến thức
- Giúp học sinh: Nắm được những biểu hiện của con người cá nhân trong Văn học trung đại thế kỉ XVIII – XIX thông qua một số tác phẩm thơ được học trong chương trình Ngữ văn 11.
* Năng lực
- Giúp hình thành ở các em các năng lực: Năng lực tự học. Năng lực tự giải quyết vấn đề, thu thập thông tin liên quan đến văn bản. Năng lực sáng tạo. Năng lực giao tiếp, trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về ý nghĩa của văn bản. Năng lực hợp tác, trao đổi, thảo luận. Năng lực sử dụng ngôn ngữ bày tỏ quan điểm, cảm nhận sau khi đọc văn bản. Năng lực thưởng thức văn học, cảm thụ thẩm mĩ. Năng lực vận dụng kiến thức liên môn: lịch sử, địa lý…; Tích hợp kiến thức sách vở và đời sống; Tích hợp tự thân: Đọc văn - Tiếng việt - Làm văn.
* Kĩ năng
- Biết cách đọc - hiểu một tác phẩm thơ trữ tình trung đại.
- Biết vận dụng những hiểu biết trên vào việc làm bài văn nghị luận văn học.
* Thái độ
- Biết trân quý những giá trị văn học truyền thống.
- Có ý thức tìm tòi về thể loại, từ ngữ, hình ảnh trong thơ trung đại Việt Nam.
- Tình yêu và cảm xúc trước vẻ đẹp của các đối tượng thẩm mĩ.
Hơn nữa, qua đề tài này tôi mong rằng có thể góp phần nào đó trong việc bồi dưỡng tâm hồn người học, như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: “Học văn là làm cho tâm hồn mỗi con người phong phú thanh cao và yêu đời hơn, người học văn sẽ có ý thức được và không bao giờ là người thô lỗ, cục cằn”.
7.1.2. Bản chất của đối tượng nghiên cứu
Để đạt được những mục đích trên, cần hoàn thành những nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu bối cảnh lịch sử của Văn học Việt Nam thời kì trung đại, các khái niệm: Văn học trung đại là gì, con người cá nhân là gì… để từ đó giúp học sinh có cái nhìn bao quát về vấn đề.
- Biểu hiện của con người cá nhân trong Văn học trung đại thế kỉ XVIII – XIX trong sự so sánh với con người cá nhân trong văn học những thế kỉ trước.
- Biểu hiện của con người cá nhân trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương.
- Cung cấp một số đề để học sinh luyện tập.
7.1.3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng: Con người cá nhân trong Văn học trung đại Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu: Chuyên đề tập trung vào làm rõ những biểu hiện của con người cá nhân trong Văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX qua năm tác phẩm thơ tiêu biểu được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11: Tự tình (Hồ Xuân Hương), Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ), Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát), Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến), Thương vợ (Trần Tế Xương).
7.1.4. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành đề tài này, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp sau đây:
- Phương pháp nghiên cứu lí luận: nghiên cứu lí luận về văn học trung đại, con người cá nhân trong văn học và phương pháp cảm nhận thơ trữ tình trung đại để nắm được đặc trưng và cách thức dạy học.
- Phương pháp điều tra và khảo sát: Khảo sát sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo; các bài viết, bài phân tích của một số nhà giáo, nhà nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam, về các tác phẩm được học trong chương trình ngữ văn ở trường phổ thông. Dự giờ lên lớp của thầy giáo, cô giáo ở trường để nắm bắt tình hình dạy học văn nói chung cũng như dạy học các bài thơ trung đại nói riêng.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Dùng để xử lý các tư liệu và ý kiến nghiên cứu của các nhà giáo, nhà phê bình, nghiên cứu nhằm làm rõ các quan điểm trong việc giảng dạy tác phẩm thơ trung đại.
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Thiết kế giáo án thực nghiệm, hướng dẫn học sinh chữa các dạng đề nhằm tìm ra phương pháp tốt nhất cho việc giảng dạy thơ trung đại trong nhà trường phổ thông…
7.1.5. Giới hạn về không gian của phương pháp nghiên cứu
Chuyên đề được đề cập với đồng nghiệp và thực nghiệm sư phạm qua các em học sinh lớp 11C, 11D và các em học sinh tham gia dự kì thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018-2019.
7.1. MÔ TẢ NỘI DUNG SÁNG KIẾN
7.2.1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
7.2.1.1. Giới thuyết về Văn học trung đại
Trung đại là một thời đại văn hoá lớn trong lịch sử nhân loại. Đó là thời đại ra đời những quốc gia châu Âu, những nhà nước hiện đại. Những ngôn ngữ hiện đại mà các nước châu Âu đang sử dụng cũng hình thành vào thời trung đại. Có thể nói, nhiều giá trị văn hoá làm nền tảng cho văn minh hiện đại cũng bắt nguồn từ thời trung đại. Với nhiều đặc điểm loại hình, khái niệm thời trung đại cũng được vận dụng vào lịch sử phương Đông, có tính đến những nét đặc thù ở từng quốc gia cũng như trong toàn khu vực.
Thời trung đại Việt Nam không phải là “đêm trường trung cổ” như quan niệm của sử gia châu Âu, mà là thời đại phát triển rực rỡ của dân tộc. Đây là thời kỳ mà hầu hết các truyền thống quý báu của dân tộc đều hình thành. Văn học, ngôn ngữ đã phát triển và đạt tới đỉnh cao. Tâm hồn Việt Nam, nhân cách Việt Nam được khẳng định và được biểu hiện thành văn. Không thể hiểu được văn hoá, văn học, con người Việt Nam hiện đại mà không nghiên cứu kỹ lưỡng thời kỳ văn học này.
Về mặt văn hoá, thời trung đại không đơn giản là một bước lùi trong tiến trình văn minh mà là một bước tiến. Đó là thời đại văn hoá lớn trong lịch sử nhân loại. Đối với các quốc gia phương Đông như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, … thời trung đại là thời kỳ hình thành toàn bộ những di sản văn háo thành văn của minh.
Về mặt thời gian, các sử gia chia thời trung đại Châu Âu ra làm ba:
- Sơ kỳ: Từ TK V - TK XI
- Trung kỳ: Từ TK XII – TK XV.
- Mạt kỳ: Từ TK XVI – TK XVII.
Cần chú ý độ dài cụ thể của thời trung đại ở từng khu vực, từng quốc gia có những điểm xê dịch đánh kể.
Văn học trung đại được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: văn học cổ; văn học cổ điển; văn học thời phong kiến,… Nhưng năm 1980, Nicôlin, đề nghị dùng khái niệm văn học trung đại, sau đó nhiều người dùng nên trở thành quen thuộc.
Văn học trung đại Việt Nam là một thời kỳ văn học, một quá trình của văn học dân tộc, trải dài suốt mười thế kỷ. Dùng khái niệm văn học trung đại để chỉ thời kỳ này của văn học Việt Nam là có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, đấy là văn học chịu sự chi phối của tư tưởng, quan điểm, thẩm mỹ thời trung đại. Hết TK XIX, văn học trung đại cũng hết vai trò lịch sử và nó được thay thế bằng văn học thuộc loại hình khác – loại hình văn học hiện đại mang đậm tính hiện đại của văn học thế giới từ đầu TK XX.
Văn học trung đại Việt Nam rất khó xác định cụ thể năm bắt đầu và năm kết thúc mà chỉ nên nói bắt đầu vào TK X và kết thúc vào những năm cuối TK XIX. Đây là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay quy ước và đang chờ đợi sự bàn bạc sâu thêm.
7.2.1.2. Con người cá nhân và con người cá nhân trong Văn học trung đại Việt Nam
7.2.1.2.1. Những tiền đề xã hội ảnh hưởng đến việc xây dựng hình tượng con người cá trong Văn học Việt Nam trung đại.
a. Cơ sở lịch sử, xã hội, kinh tế, văn hoá
Năm 1497 (cuối TK XV), vị minh quân Lê Thánh Tông băng hà, nhà Lê bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng. Bước vào TK XVI, những mâu thuẫn trong lòng chế độ phong kiến đã bộc lộ một cách dữ dội, dẫn đến sự bùng nổ phong trào nông dân khởi nghĩa và những cuộc xung đột triền miên giữa các tập đoàn phong kiến nhà Lê. Quốc gia phong kiến bước vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài.
Ba mươi năm (1497 - 1527), có đến sáu hoàng đế nhà Lê thay nhau ở ngôi. Không có ai để lại dấu ấn gì trên vũ đài chính trị, có chăng là một Lê Uy Mục nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, người đương thời gọi đó là Vua Quỷ [Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỉ thực lục, kỉ nhà Lê, quyển 14, tờ 39-a], hay Lê Tương Dực chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo mất cơ nghiệp, trộm cướp nổi lên, nguy cơ bị diệt vong bắt đầu ở đây [Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỉ thực lục, kỉ nhà Lê, quyển 15, tờ 1-a], sự khủng hoảng trầm trọng trong cung đình và hiện tượng xung đột diễn ra gay gắt (nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân do Lê Hy, Trịnh Hưng và Lê Minh Triệt lãnh đạo ở Nghệ An, năm 1512; khởi nghĩa của Trần Công Ninh ở Yên Lãng - Vĩnh Phúc, năm 1516, …) đã đẩy nhà Lê lao nhanh xuống vực thẳm của sự diệt vong.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, lập nên nhà Mạc. Nhưng rồi nhà Mạc cũng có những hạn chế nhất định trong công cuộc chấn hưng lại đất nước.
Từ đây bắt đầu cuộc tranh giành Lê - Mạc (Đàng Trong và Đàng Ngoài). Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung không thu phục được lòng người, nhiều bậc nho sĩ tài năng hoặc bỏ đi ở ẩn, hoặc lẩn tránh tìm phò nhà Lê. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn Lê Ninh xưng là Lê Chiêu Tông ở Thanh Hóa (Namtriều). Cuộc chiến tranh Lê - Mạc diễn ra [sử cũ còn gọi đây là cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều]. 60 năm (1533 - 1592), hai bên huy động mọi lực lượng đánh nhau cả thảy 38 trận, kết quả cuối cùng Nam triều đè bẹp được Bắc triều. Kể từ năm 1592, nhà Lê lại đóng đô tại kinh thành Thăng Long (sử cũ gọi đây là triều đại Lê Trung Hưng).
Chiến tranh Lê - Mạc vừa dứt, lại bắt đầu cuộc chiến Trịnh - Nguyễn. Phò nhà Lê chưa đạt thành sở nguyện, năm 1545 Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc đầu độc chết. Con rể của Kim là Trịnh Kiểm thâu tóm quyền bính. Con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng nhanh trí tìm đường vào Nam mưu nghiệp dài lâu. Cuộc đối đầu lâu dài và quyết liệt giữa họ Nguyễn và nhà Trịnh thực sự bắt đầu từ năm 1627. Liên tiếp trong 45 năm trời (1627 - 1672) hai bên đánh nhau cả thảy 7 trận lớn nhỏ nhưng bất phân thắng bại. Cuối cùng hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến.
Nhà Nguyễn sau khi định đô ở Thuận Hóa, các chúa Nguyễn bằng nhiều cách thức khác nhau không ngừng mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam. Đến cuối TK XVII, đất Đàng Trong đã mở tới vùng Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Đất Thuận Hoá (Huế) trở thành kinh đô mới kể từ thời gian này.
Sang TK XVIII, lịch sử, xã hội Việt Nam có những biến động lớn.
Dưới sự thống trị của triều đình phong kiến chuyên chế, cùng với sự áp bức bóc lột của bọn quan lại, cường hào địa phương, đời sống của người nông dân ngày càng bần cùng khổ sở. Mất mùa, thiên tai xảy ra liên tiếp trong những năm đầu TK XVI, làm cho đời sống của nông dân lại càng thêm điêu đứng. Tình hình đó đã tất yếu dẫn tới sự bùng nổ hàng loạt các cuộc nông dân khởi nghĩa nhằm lật đổ bộ máy thống trị chuyên chế. Nguyễn Danh Phương (1741 - 1751) lập căn cứ ở Tam Đảo rồi làm chủ được một vùng đất rộng lớn ở Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Phú Thọ, …; Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751) nối chí lớn của lãnh tụ Nguyễn Cừ gây chấn động dữ dội khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra còn có các cuộc khởi nghĩa lớn khác của Hoàng Công Chất (1739 - 1769), Lê Duy Mật (1738 - 1770). Đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn (1771 - 1802). Hơn một thế kỷ thanh gươm yên ngựa, anh em nhà Nguyễn Tây Sơn mà tiêu biểu là vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã ghi những dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc. Năm 1785, Nguyễn Huệ chỉ huy đội chiến thuyền phá tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh phò Lê, cưới công chúa Ngọc Hân (con vua Lê Hiển Tông). Năm 1789, Nguyễn Huệ xưng hoàng đế rồi kéo quân ra Bắc phá tan tành 29 vạn quân Thanh xâm lược bằng trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.
Phong trào nông dân đã liên tục nổ ra như bão táp. Một mặt nó làm lay động đến tận gốc rễ nền thống trị vốn đã mục nát của triều đình nhà Lê, góp phần đẩy nhanh triều đại này tới chỗ diệt vong. Nhưng mặt khác, nó cũng góp phần làm thức tỉnh ở người dân ý thức, dân chủ, tự do, tinh thần đấu tranh vì công bằng xã hội, đồng thời cũng làm cho họ ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò và sứ mạng của mình trước lịch sử.
Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, triều đình Tây Sơn lại lục đục mâu thuẫn. Điều kiện đó đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh nhanh chóng giành lại quyền cai trị đất nước. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt quốc hiệu Việt Nam, lãnh thổ nước ta thống nhất hoàn toàn và có hình dạng cơ bản giống như ngày nay. Do sự bảo thủ, bế quan toả cảng nghiêm ngặt, năm 1858 bằng nhiều lý do khác nhau, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Lịch sử dân tộc bước sang trang mới.
Về kinh tế và văn hoá cũng có nhiều biến động.
Với tiềm lực lao động mạnh mẽ của nhân dân lao động cùng với chính sách khuyến khích thương nghiệp của các chúa Trịnh, nền kinh tế hàng hóa nước ta ở TK XVII đã có nhiều chuyển biến; thành thị trở nên phồn thịnh, sầm uất.
Thủ công nghiệp với tính chất là nghề phụ gia đình của nông dân ngày càng phát triển rộng khắp. Trong những nghề thủ công đương thời, nghề làm giấy và nghề khắc ván in phát triển. Đây là tiền đề hết sức quan trọng cho việc truyền bá và lưu hành văn chương.
Sự mục ruỗng của guồng máy nhà nước phong kiến thống trị đương thời đã trực tiếp tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến toàn bộ quá trình suy vi của Nho giáo. Chế độ thi cử thời vua Lê, chúa Trịnh không ổn định. Theo Phan Huy Chú chỉ trong vòng chưa đầy trăm năm 1678 - 1765, các đời vua Lê, chúa Trịnh nối nhau đã có đến 12 lần thay đổi phép thi Hương. Chính sự mất ổn định trầm trọng này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sự chán chường trong tâm lý chung của các thế hệ học trò đương thời. Triều đình lại cho bán học vị công khai với giá cả rõ ràng, sinh đồ ba quan là một ví dụ điển hình.
Sau sự kiện 1527, tầng lớp Nho sĩ xuất hiện hai xu hướng:
Xu hướng thứ nhất chịu ra làm quan (tức xuất sĩ) tuy thu hút được nhiều Nho sĩ, nhưng lực lượng của xu hướng này có hai vấn đề rất đáng lưu ý: một là họ bị phân chia thành hai khối, hai phe đối nghịch nhau, hoặc là theo Nam triều (triều Lê) hoặc là theo Bắc triều (triều Mạc). Họ cùng học chung sách vở, nghe giảng chung một đạo lý, nhưng lại hiển đạt ở hai nơi và đứng trên hai chiến tuyến. Họ thường công kích nhau. Nhưng dù theo Lê hay Mạc thì Nho gia vẫn cứ là Nho gia, họ cũng có nhiều điểm tương đồng trong nhận thức. Hai là: đối với lực lượng Nho sĩ lập danh chốn quan trường này là bản thân sự liên giữa họ với nhau cũng rất lỏng lẻo. Sống giữa thời loạn, việc thiếu niềm tin cậy lẫn nhau cũng là điều bình thường. Và chính điều bình thường này đã góp phần làm cho thời loạn càng thêm loạn.
Xu hướng thứ hai của lực lượng Nho sĩ sau sự kiện năm 1527 là lánh mình ẩn dật (tức là xử sĩ). Thực ra, rất ít ai vừa đỗ đạt xong lại chịu xa lánh quan trường. Lực lượng xử sĩ trong giai đoạn này gồm hai bộ phận chính: một là những người thật sự uyên thâm, đa văn quảng kiến nhưng không chịu đi thi. Số này không nhiều và trong thực tế, ảnh hưởng xã hội của họ cũng không rộng lắm. Hai là những người từng đỗ đạt, từng được bổ nhiệm làm quan nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì buồn nản, trao trả chức tước cho triều đình rồi trở về. Số này đông hơn và ảnh hưởng của họ đối với xã hội cũng rộng lớn hơn.
Nho giáo suy thoái, Phật giáo lại có cơ hội phát triển. Từ đầu TK XV, ngay sau khi rút khỏi vũ đài chính trị và tư tưởng (nhường chỗ cho Nho giáo), Phật giáo đã tìm cách phát triển và củng cố vị trí của mình trong lòng xã hội. Từ TK XVI trở đi, ở Đàng Ngoài, chùa chiền được trùng tu và xây dựng liên tiếp, người xuất gia tu hành ngày một đông. Trong số họ nhiều khi có cả những người đã từng là môn đồ của cửa Khổng sân Trình trước đây (Phạm Thái là một ví dụ điển hình; Nguyễn Du; Nguyễn Gia Thiều ảnh hưởng từ Phật giáo cũng không ít).
Một số dòng Thiền tông cũ hồi sinh, nổi bật nhất là dòng Lâm Tế, dòng Thiền tông mới là Lân Giác ra đời; trong đời sống tư tưởng của đông đảo xã hội Đàng Ngoài, những quy phạm có nguồn gốc đạo đức từ Phật giáo ngày càng được đề cao và chùa chiền thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp.
Ở Đàng Trong, ngay từ đầu Phật giáo rất được đề cao. Và từ đó đến mãi các thế kỷ sau, Phật giáo chiếm vai trò quan trong về mặt tư tưởng của cư dân xứ hoang hoá này.
Cũng có thể nói, ở thời kỳ này có cuộc hội nhập giữa Đạo giáo với văn hoá dân tộc. Ở Đàng Ngoài, vua Lê - chúa Trịnh nhiều lần đến viếng hoặc cầu đảo ở các đền, miếu và Đạo quán. Ở Đàng Trong chúa Nguyễn cũng rất cởi mở với Phật giáo và Đạo giáo. Tóm lại, lúc bấy giờ nhiều người lên tiếng quảng bá cho quan điểm Tam giáo đồng nguyên hoặc Tam giáo đồng quy nhưng đời sống tư tưởng cũng chẳng phải vì thế mà có được cuộc hội nhập thực sự hài hoà giữa Nho, Phật và Đạo.
b. Cơ sở văn học
Trước hết cần nói đến lực lượng sáng tác.
Trong văn học Việt Nam trung đại, nhà Nho vẫn là lực lượng sáng tác cơ bản. Đối với nhà Nho đỗ đạt, vấn đề xuất - xử tương ứng với hai thái độ ứng xử; hành - tàng luôn luôn đặt ra (phần lớn là ngay trong bản thân từng nhà Nho)... Đây chính là chỗ khó khăn cho nhà nghiên cứu khi phân thành hai loại hình tác giả. Tuy nhiên có thể thấy, cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, bối cảnh không gian, thời gian tồn tại cho từng loại, kéo theo đó là cái nhìn, quan niệm của họ về con người và thế giới có những điểm khác nhau... Từ đây, trên một mức độ nhất định cũng có thể khái quát thành hai loại nhà Nho hành đạo và ẩn dật hai loại hình được coi là chính thống trong văn học trung đại Việt Nam. Nhà Nho hành đạo muốn thực hành những nguyên tắc của đạo lý Nho gia, sẵn sàng dấn thân nhập cuộc thực hiện lí tưởng trí quân trạch dân, mong ước một xã hội phong kiến mẫu mực theo mô hình Nghiêu Thuấn. Hình tượng tác giả hiện lên trong sáng tác của họ luôn với tư cách là con người hành động, thực tiễn, ưu thời mẫn thế, sẵn sàng xả thân vì Nghĩa. Sáng tác của nhà Nho hành đạo mang đậm màu sắc đạo lý, mang tính quy phạm cao; quy phạm trên cả hai phương diện nội dung, tư tưởng và hình thức, thể loại, ngôn ngữ.
Nhà Nho ẩn dật, vẻ ngoài lại như là một biểu hiện đối cực của loại nhà Nho hành đạo. Họ phủ nhận việc hành đạo nhưng là loại hành đạo ngu trung, thiếu tỉnh táo. Tác giả ẩn dật (không chỉ có riêng nhà Nho) trong văn học Việt Nam có thể kể từ Huyền Quang Lý Đạo Tái, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Dữ đến Ngô Thế Lân, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến. Đề cao và bảo toàn Danh - Tiết là đặc điểm cơ bản, chủ đạo trong ý thức, tư tưởng của tác giả ẩn dật. Để thực hiện điều này trước hết họ tìm đến một môi trường, một không gian vô trần, cô tịch, tránh mọi mối liên hệ xã hội (Thực ra cũng khó tránh được những dăng mắc của lưới đời, không ít trường hợp phải chấp nhận bi kịch. Câu chuyện Sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích; giấc mơ làm một Đào Tiềm của Yên Đổ là những bằng chứng sinh động cho bi kịch vừa nêu). Họ coi thường danh lợi, quên cả dòng thời gian thế sự vì trong núi không có lịch, tự nhận về mình bao nhiêu thứ dại dột, ngu hèn, tăm tối (chỉ là một cách nói phản ngữ). Hình tượng nhà Nho giữ Tiết là hình tượng đẹp nhất trong sáng tác của tác giả ẩn dật.
Khác với hai loại trên, nhà Nho tài tử ra đời muộn (từ TK XVIII), khi trong xã hội đã xuất hiện những yếu tố mới: đô thị, tư tưởng thị dân. Con người phát hiện ra mình là một thực thể tồn tại thực sự với những nhu cầu, khát vọng sống cá nhân. Nhà Nho tài tử, gốc, dĩ nhiên vẫn là Nho nhưng càng ngày càng xa rời những quy phạm, chuẩn mực khắt khe, giáo điều của đạo lý Nho giáo. Giá trị cao nhất trong quan niệm về con người, về nhân sinh đối với họ là Tài (nhất là tài văn chương nghệ thuật cầm, kỳ, thi, hoạ) và Tình (đặc biệt là tình đối và giai nhân). Tài gắn liền với Tình, với Sắc, với hưởng thụ. Chính họ là lớp nhà Nho tạo nên trào lưu nhân đạo chủ nghĩa độc đáo trong văn học nửa sau TK XVIII - nửa đầu TK XIX. Kiểu tác gia này rất nhạy cảm với các vấn đề mới nảy sinh, trong đó tự ý thức về bản thân mình, khẳng định cái tài hoa, độc đáo, sự sáng tạo trong nghệ thuật là khát vọng vươn tâm thời đại lúc bấy giờ.
Thứ hai, truyền thống trữ tình của văn học dân tộc và sự trỗi dậy của những tư tưởng, tình cảm mới, văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trung đại, đậm tính trữ tình. Đây là cơ sở tốt nhất để các tác giả tự bộc lộ tư tưởng, tình cảm cá nhân của riêng mình.
Từ TK XVI, đặc biệt là từ TK XVIII, con người luôn sống trong tâm trạng lo âu, phấp phỏng, sầu buồn, họ chìm trong triền miên đau khổ bởi nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân sâu xa gây nên là các thế lực thống trị Chính vì thế chưa bao giờ hình tượng con người cá nhân xuất hiện trong văn học nhiều như thế.
Thời kỳ này, con người phát hiện ra mình là một thực thể tồn tại thực sự với tất cả những nhu cầu khát vọng cao nhất của nó.
Như vậy cơ sở để xây dựng hình tượng con người cá nhân trong văn học trung đại có thể hiểu ngắn gọn là:
Thứ nhất, ở thời kỳ ổn định và phát triển của nhà nước phong kiến, mối quan tâm hàng đầu của văn học chính là hình tượng con người công dân gắn bó với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Ý thức trách nhiệm, những tình cảm công dân lớn lao, cao cả được đặc biệt đề cao.
Thứ hai, trong giai đoạn nhà nước phong kiến trượt dài trên cái dốc suy thoái, con người cá nhân với ý thức cá tính, tài năng với nhu cầu tự khẳng định và khát vọng mãnh liệt về tự do, tình yêu, hạnh phúc lại là hình tượng trung tâm của các tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả. Sự chuyển biến từ chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người công dân đến chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người cá nhân thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học Việt Nam trung đại.
Thứ ba, con người cá nhân hình thành và phát triển mạnh mẽ ở văn Việt Nam trung đại giai đoạn hậu kỳ đã trở thành một động lực nội sinh quan trong góp phần hình thành phong trào Thơ Mới xuất sắc 1932 - 1945.
7.2.1.2.2. Con người cá nhân và con người cá nhân trong Văn học trung đại Việt Nam
a. Con người cá nhân trong văn học
Vậy con người cá nhân trong văn học là gì? Con người cá nhân trong văn học là sự phản ánh cái tôi của tác giả, là sự giãi bày, diễn tả thế giới tư tưởng, tình cảm riêng tư của tác giả. Nói cách khác, con người cá nhân trong văn học chính là sự tự khắc họa tâm tư, tình cảm, ý chí của tác giả được thể hiện thông qua những tác phẩm mà họ sáng tác. Tùy theo từng giai đoạn văn học, từng thời kỳ văn học mà con người cá nhân có những đặc điểm khác nhau.
b. Con người cá nhân trong Văn học trung đại
Trong thời kỳ ổn định và phát triển của nhà nước phong kiến, mối quan tâm hàng đầu của văn học chính là hình tượng con người công dân gắn bó với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Ý thức trách nhiệm, những tình cảm công dân lớn lao, cao cả được đặc biệt đề cao. Bên cạnh đó, con người cá nhân với ý thức cá tính, tài năng với nhu cầu tự khẳng định và khát vọng mãnh liệt về tự do, tình yêu, hạnh phúc lại là hình tượng trung tâm của các tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả. Sự chuyển biến từ chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người công dân đến chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người cá nhân thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học Việt Nam trung đại.
- Nói đến văn học Việt Nam thời trung đại, một trong những vấn đề quan trọng cần được đặc biệt lưu tâm là vấn đề thể hiện con người. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, “Con người trong văn học chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng triết học, thần học mỗi thời”
Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của ba hệ tư tưởng Nho - Phật – Lão; con người trong văn học trung đại, do đó cũng mang đậm dấu ấn của ba triết thuyết này ở chủ trương phi ngã của Nho giáo, vong ngã của Lão - Trang và vô ngã của Phật giáo...
Tuy nhiên “cả Đạo, Phật, Nho, tam giáo đều chủ trương lý thuyết phá ngã, vô ngã, vô kỷ, nhưng không hề là một sự diệt ngã tuyệt đối. Trái lại, tất cả đều dựa vào phẩm chất cá nhân để giải phóng cho cái ngã nội tại khao khát tự do được bước sang một thế giới khác, không gò bó, tạm bợ”.
Điều này khiến văn học trung đại, tuy chịu sự quy định chặt chẽ của tính quy phạm nhưng con người cá nhân vẫn được thể hiện một cách phong phú, sinh động.
Văn học trung đại Việt Nam tồn tại trong thế lưỡng phân thành hai thành phần chính: Văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Sự song hành của hai thành phần văn học này tạo nên hiện tượng song ngữ khiến văn học trung đại phát triển với những biểu hiện vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau, tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng: vừa mang tính qui phạm, vừa phá vỡ qui phạm; vừa cao nhã, quý phái vừa bình dị, đơn sơ; vừa tiếp thu lại vừa từ bỏ dần các yếu tố văn hóa Hán, văn học Hán.
Chịu sự chi phối của hệ thống thi pháp trung đại, đồng thời không ngừng sáng tạo theo tiếng gọi của cảm xúc bản ngã, nhà sáng tác thời trung đại giống như “người nghệ sĩ múa một tay còn tay kia bị cột vào truyền thống”.
Con người trong văn học trung đại theo đó cũng có sự thay đổi theo nhiều chiều kích khác nhau, lúc nghiêm trang trong vòng khuôn thước kinh điển, lúc bứt phá dữ dội để tâm hồn rung động và thăng hoa bằng những cảm xúc chân thật và mãnh liệt vốn có của con người.
Cần thấy rằng, đã là văn học viết thì dù là văn học trung đại hay văn học hiện đại cũng đều tồn tại bản ngã, tồn tại con người cá nhân, cá thể.
Chỉ có điều nếu xã hội hiện đại tự do, cởi mở khiến các nhà văn, nhà thơ có một cõi riêng để tự do sáng tạo, để cái tôi trữ tình tha hồ vùng vẫy, thể hiện hết những cung bậc cảm xúc của mình thì xã hội trung đại với những quy định nghiêm nhặt khiến nhà sáng tác dù muốn dù không cũng phải chịu sự ràng buộc của khuôn phép, của lề lối kinh điển.
Con người cá nhân, cá thể do đó cũng không được thể hiện một cách phóng khoáng, cởi mở như trong văn học hiện đại. Song điều đáng quý là mặc dù chịu sự chi phối của tính quy phạm, người ta vẫn nhìn thấy trong văn học trung đại những tâm hồn nghệ sĩ phá cách; biết yêu, say, rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và con người; biết sống bằng những cảm xúc riêng tư từ trong thẳm sâu con tim mình.
Các nhà văn, nhà thơ ngoài những lúc hướng về “khuôn vàng thước ngọc” vẫn tự tìm cho mình một con đường sáng tạo riêng để cái tôi cá nhân, cá thể lên tiếng.
Lịch sử văn học chứng minh rằng, chỉ khi nào văn học ly tâm thì mới xuất hiện những tiếng nói nghệ thuật đích thực, mới xuất hiện những tác giả văn học lớn. Những kiệt tác để đời của những đấng tài hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… phần lớn được sáng tạo trong những giây phút ly tâm của tâm hồn họ.
Nói như Nguyễn Hữu Sơn: “Trong những trạng huống bức xúc, những cảnh ngộ dễ khơi gợi niềm trắc ẩn trong tâm hồn nhà nghệ sĩ… sẽ là lúc bột khởi những rung động nghệ thuật đích thực, từ đó khởi động những suy cảm cá nhân”
Lúc này văn học nói lên tiếng nói của mình để bênh vực, ngợi ca, yêu thương, trân trọng con người. Chính vì thế văn học chuyển từ cảm hứng yêu nước sang cảm hứng nhân văn, nhân đạo. Con người được đề cao trong văn học là con người cá nhân.
Những con người có sự cựa quậy về cái tôi bản ngã, phản ứng lại lễ giáo phong kiến; những con người mất dần niềm tin vào những giá trị của đạo đức nhà Nho, cảm nhận được sự cô độc, lạc lõng đồng thời không ngừng khát khao về tình yêu và hạnh phúc.
Có thể kể ra một số hình ảnh con người nổi bật như: con người bi kịch, con người khát vọng trong “Truyện Kiều, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm”, thơ Nôm Hồ Xuân Hương…; con người khủng hoảng niềm tin trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát; con người tự phản tỉnh trong “Cung oán ngâm”, thơ Nguyễn Công Trứ….
Lúc này văn học nói lên tiếng nói của mình để bênh vực, ngợi ca, yêu thương, trân trọng con người. Chính vì thế văn học chuyển từ cảm hứng yêu nước sang cảm hứng nhân văn, nhân đạo. Con người được đề cao trong văn học là con người cá nhân.
Những con người có sự cựa quậy về cái tôi bản ngã, phản ứng lại lễ giáo phong kiến; những con người mất dần niềm tin vào những giá trị của đạo đức nhà Nho, cảm nhận được sự cô độc, lạc lõng đồng thời không ngừng khát khao về tình yêu và hạnh phúc.
Có thể kể ra một số hình ảnh con người nổi bật như: con người bi kịch, con người khát vọng trong “Truyện Kiều, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm”, thơ Nôm Hồ Xuân Hương…; con người khủng hoảng niềm tin trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát; con người tự phản tỉnh trong “Cung oán ngâm”, thơ Nguyễn Công Trứ….
Riêng đối với văn học trung đại con người cá nhân cũng được thể hiện ở mức độ đậm nhạt và qua nhiều bình diện khác nhau. Cụ thể, ý thức về con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam trải qua hai giai đoạn với những hình thái khác nhau. Từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII về cơ bản con người cá nhân được “khẳng định trên bình diện tinh thần, như một thực thể tinh thần, siêu nghiệm dưới các hình thức tu dưỡng, lựa chọn xuất xử, hoàn thiện nhân cách, tự hạn chế nhu cầu vật chất, tự đối lập với thói tục. Con người cá nhân tự khẳng định mình bằng cách gắn mình với đạo, với tự nhiên, với nghĩa vụ trong sự nghiệp chung của của cộng đồng. Yếu tố quyền lợi cá nhân chưa được chú ý. Còn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, “con người trong văn học đã kêu to lên nhu cầu về quyền sống cá nhân, quyền hưởng hạnh phúc cá nhân như một quyền tự nhiên”.
Qua quá trình khảo sát ta có thể khẳng định rằng, con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam có một quá trình tự ý thức chậm chạp, lâu dài nhưng mạnh mẽ. Tuy qua từng thời kì lịch sử có chịu ảnh hưởng của ý thức hệ thống trị đương thời nhưng không bao giờ đóng khung trong ý thức hệ đó, mà phản ánh quá trình vận động, giải phóng cá tính của con người trong thực tế đời sống.
........................................................
Mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết toàn bộ nội dung mẫu bài sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ Văn THPT.
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Gợi ý cho bạn
-
Đáp án thi tìm hiểu Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Cao Bằng 2023
-
Đáp án thi trắc nghiệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 2023 Kỳ 3
-
Bài phát biểu của thân nhân liệt sỹ hay nhất năm 2024
-
Hành động thực tế để thể hiện lòng yêu nước?
-
Thường xuyên chứng kiến cảnh phụ huynh đến đón con nơi cổng trường không đội mũ bảo hiểm
-
Đáp án Cuộc thi chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa 2024
-
Đáp án Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật Quảng Ngãi 2023 đợt 2
-
Tài liệu học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho đoàn viên 2024
-
(Tuần 4) Đáp án thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2024
-
Bài thu hoạch môn Mỹ thuật - Chương trình giáo dục tổng thể 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Bài thu hoạch, bài dự thi
Đáp án thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về an toàn giao thông 2021
Đáp án Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử thành phố Hải Phòng 2023
Liên hệ trách nhiệm bản thân khi tham gia không gian mạng
Diễn văn khai mạc thi giáo lý
Đáp án Tìm hiểu pháp luật trực tuyến về an toàn giao thông Bình Định 2024
Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển năm 2024