Review sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ

“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là cuốn sách vẽ nên một bức tranh rộng lớn về tâm lý của người trẻ. Nhưng đáng tiếc, những người trẻ ấy chưa từng được lắng nghe.

Cảm nhận sách Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ

Trong ký ức của nhiều người, tuổi thơ là một cái gì đó ngọt ngào, đầy ắp những kỷ niệm lấp lánh và thực sự đáng nhớ . Nhưng cũng có những người tuổi thơ chỉ là chuỗi ngày mệt mỏi, kiệt sức và đầy nước mắt bởi không được lắng nghe, thấu hiểu.

Và điều không vui tưởng chừng hiếm gặp ấy lại hiện hữu trong cuốn sách “Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” của Đặng Hoàng Giang như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ hãy suy xét lại những hành vi, suy nghĩ mà họ đã đặt lên đôi vai của con trẻ từ trước tới nay.

“Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” được chia làm 3 phần chính gồm: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai và Trong ngục tù của tình yêu. Mỗi phần là những câu chuyện của những người trẻ, họ kể lại câu chuyện của mình một cách trần trụi, để lộ từng góc khuất tâm hồn mà họ chưa từng chia sẻ cùng ai.

Mở đầu cuốn sách là câu chuyện của bạn trẻ Phương Anh (20 tuổi) đã bỏ học và làm ở một tiệm làm bánh. Thế giới tuổi thơ của cô là những ngày không mấu hạnh phúc, nổi loạn và chai lì với mọi thứ. Mỗi lần nhìn lại, cô vẫn còn bị ám ảnh bởi những lần bố mẹ cãi vã vì những thứ gọi là tình thương, trách nhiệm với con cái. Dù vậy, Phương Anh vẫn yêu thương người khác, vẫn có những ước mơ, khát vọng cho một cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình.

Cuốn sách cũng là lời tâm sự của Lâm và Xuân Dương - những bạn trẻ đã có một tuổi thơ không êm đềm như nhiều người khác. Xuân Dương từng mặc cảm vì cấu trúc gia đình không bình thường, thường xuyên bị mọi người dèm pha, dị nghị. Còn Lâm lại lớn lên trong sự kỳ vọng quá lớn của người mẹ đến mức bị trầm cảm.

Review sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ

Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện về những đứa bé đáng lẽ ra phải được vô tư sống, hồn nhiên giữa cuộc đời nhưng lại đang chơi vơi, không thể tìm được chính mình. Những câu chuyện được gợi lại khi nhân vật chính trong đó đã quyết định bỏ lại tuổi thơ lại đằng sau nhưng lại chưa thực sự bước vào thế giới của người lớn theo những chuẩn mực chung của xã hội như: có việc làm ổn định, lập gia đình, sinh con đẻ cái…

Thay vào đó là góc nhìn “hậu tuổi thơ” của một người ở tuổi hai mươi, họ chỉ đơn giản là hồi tưởng lại để chia sẻ cho mọi người nên những nhân vật trong “Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” trở nên rất gần gũi, chân thật và khiến người đọc dễ dàng bắt gặp chính mình trong đâu đó cuốn sách này.

Bạn có thể là một đứa bé phải chịu sự dèm pha, dè bỉu từ người khác hay đứa trẻ bị trầm cảm do gia đình ép buộc phải học theo truyền thống của gia đình. Hoặc cũng có thể bạn sẽ thấy mình trong vai trò ông bố, bà mẹ - những người đang nhân danh tình thương và đang ép buộc con cái phải làm những điều mà chúng không hề cảm thấy hạnh phúc. Hoặc cũng có thể bạn đang là những người phán xét, dèm pha và vô tình làm đau những đứa trẻ ở xung quanh.

Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: Tình yêu nếu không đi kèm sự hiểu biết có thể gây tra tấn và khiến người nhận cảm thấy ngạt thở. Vậy nên, đừng biến yêu thương thành gánh nặng cho cả người yêu thương và người được yêu thương. Hãy yêu thương chỉ vì yêu thương, xin đừng nhân danh tình thương để ngụy biện cho những áp lực, tổn thương mà bạn gây ra cho những đứa trẻ.

“Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” dẫn chúng ta vào một thế giới với những nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn mang danh là “ngoan” và “trưởng thành”. Hay từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, cô độc và bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu của cha mẹ.

Suy cho cùng tất cả chúng ta đều mong muốn được sống hạnh phúc mỗi ngày, kể cả những đứa trẻ cũng vậy, chúng đều khao khát được yêu thương, lắng nghe và chia sẻ. Ở đâu đó quanh chúng ta, những câu chuyện về những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, không được lắng nghe và luôn khao khát được yêu thương, được sống cho chính bản thân mình vẫn không hề hiếm gặp.

Dù đó là những câu chuyện buồn, không đáng nhớ nhưng nó lại gợi lên niềm hy vọng mãnh liệt vào một xã hội văn minh, con cái được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ và được tôn trọng.

Sau tất cả, khi biết nhìn thẳng vào đó để biết phấn đấu, nỗ lực và thoát ra khỏi những điều mà người khác áp đặt lên đôi vai nhỏ bé cũng là lúc những nhân vật trong “Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” của mình sẵn sàng cho hành trình chữa lành những vết thương đã âm ỉ hoặc bùng cháy dữ dội suốt những năm tháng tuổi thơ.

Để rồi từ đó, họ có thể thấu hiểu chính mình, yêu thương, trân trọng bản thân và sống hạnh phúc mà không còn phải sợ hãi với những áp lực mà người khác đặt lên đôi vai của họ.

Và xin nhắn gửi đến các bậc phụ huynh, những người lớn rằng hãy đừng nhân danh tình yêu thương để bao biện cho những ích kỷ của mình mà làm tổn thương con trẻ.

Trẻ em không phải là robot được lập trình sẵn để sống theo mọi ước muốn, để khỏa lấp khiếm khuyết của bố mẹ chúng trong quá khứ. Xin hãy để chúng được sống, được thỏa sức vùng vẫy và được là chính mình trong những năm tháng tuổi thơ.

Cuốn sách tuy đầy những cuộc đời buồn, nhưng vẫn ánh lên niềm hi vọng về lòng thấu cảm. Nhiều nhân vật đã và đang trên con đường chữa lành bản thân, nhiều phụ huynh cũng đang học cách tìm lại chính mình. Để rồi chúng ta tin một ngày nào đó, những gia đình ấy, từng cá nhân ấy sẽ đi đến bình an, một sự "ổn định" đích thực.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 236
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm