Môn âm nhạc trong Chương trình phổ thông có những đặc điểm nào?

Trong chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT), môn Âm nhạc tạo cơ hội cho HS được phát triển năng lực thẩm mĩ để phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần. Vậy môn âm nhạc trong Chương trình phổ thông có những đặc điểm nào?

1. Đặc điểm môn Âm nhạc

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn tả cảm xúc, thái độ, nhận thức và tư tưởng của con người. Âm nhạc là một phần thiết yếu của các nền văn hóa, gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Âm nhạc làm phong phú những giá trị tinh thần của nhân loại, là phương tiện giúp con người khám phá thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong nhà trường, giáo dục âm nhạc góp phần giúp học sinh (HS) hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần. Thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục, giáo dục âm nhạc còn góp phần phát triển các phẩm chất như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng những năng lực: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Âm nhạc là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Thông qua nội dung và hình thức học tập đa dạng, giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho HS được trải nghiệm và phát triển các năng lực thẩm mỹ đặc thù ở môn học này như: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu âm nhạc.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung môn Âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Âm nhạc là môn học bắt buộc. Nội dung bao gồm những kiến thức và kỹ năng về hát, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Ở giai đoạn này, giáo dục âm nhạc giúp HS trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc, nhằm phát triển năng lực thẩm mỹ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống. Thời lượng dạy học ở mỗi lớp là 35 tiết/ năm học.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Âm nhạc là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. Nội dung trọng tâm bao gồm những kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát và hợp xướng, chơi 4 nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Mục tiêu chương trình là giúp HS hoàn thiện các kỹ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội; nhận thức, biết trân trọng, bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc. Thời lượng dạy học ở mỗi lớp là 70 tiết/năm học. Bên cạnh đó, HS có thể tự chọn các chuyên đề học tập với thời lượng 35 tiết/năm học.

2. Đổi mới đáng chú ý môn Âm nhạc trong Chương trình phổ thông mới

Thứ nhất là đổi mới về định hướng. Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, tập trung phát triển năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực âm nhạc (năng lực âm nhạc), với 3 thành phần: Thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Để phát triển được những năng lực đó, HS cần học các nội dung: Hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc, thông qua những phương pháp dạy học phù hợp. Chương trình được xây dựng theo định hướng mở (không qui định số lượng bài hát, bài tập nhạc cụ, đọc nhạc...) để tác giả SGK và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Thứ hai là đổi mới về nội dung. Chương trình xác định được nội dung GD với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; lần đầu tiên nội dung nhạc cụ được dạy học trong trường phổ thông. Bên cạnh đó, chương trình điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: Hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc...

Thứ ba là đổi mới về phương pháp dạy học. Chương trình xác định HS cần được tiếp cận âm thanh trước khi học kí hiệu âm nhạc, tiếp cận lí thuyết thông qua trải nghiệm thực hành; lí thuyết âm nhạc không học tách biệt mà tích hợp trong các nội dung hát, nhạc cụ, đọc nhạc. Chương trình cũng định hướng vận dụng một số phương pháp dạy học phổ biến trên thế giới như: Chơi tiết tấu bằng động tác tay, chân, đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay, nghe và cảm thụ âm nhạc...

Thứ tư là đổi mới về phạm vi GD. Lần đầu tiên môn Âm nhạc được dạy học ở cấp THPT.

Nói về mục tiêu chung của môn Âm nhạc mới, theo ThS Lê Anh Tuấn, môn Âm nhạc giúp HS hình thành, phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động học tập đa dạng để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc. Nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống. Có đời sống tinh thần phong phú với những phẩm chất cao đẹp, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triểncác năng lực chung của HS.

Những năng lực âm nhạc mà Chương trình môn Âm nhạc hình thành cho HS gồm năng lực thể hiện âm nhạc; năng lực cảm thụ và hiểu biết âm nhạc; năng lực ứng dụng và sáng tạo âm nhạc.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
2 9.974
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm