Hỏi đáp về phòng, chống tệ nạn xã hội 2024

Các tỉnh đang thực hiện tốt việc tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng các cuộc thi lớn, nhỏ, các cuộc tìm hiểu quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Trong bài viết này, Hoatieu.vn gửi đến bạn đọc Bộ câu hỏi về phòng, chống tệ nạn xã hội

Câu 1. Đề nghị cho biết quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV được pháp luật quy định như thế nào?

Vì sợ con bị phân biệt, kỳ thị ở trường học khi bạn bè biết mẹ bị HIV/AIDS, nên chị N đã giấu gia đình, kể cả khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà chị vẫn từ chối khám chữa bệnh. Có ý kiến nói rằng chị N phải bắt buộc chữa bệnh để phòng trừ lây nhiễm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chị N có quyền được giữ bí mật riêng tư liên quan đến bệnh này.

Trả lời:

Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Cụ thể là:

1. Về quyền, người nhiễm HIV có quyền sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khoẻ; học văn hoá, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối; các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Về nghĩa vụ, người nhiễm HIV có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác; thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết; thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV; các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 2. Pháp luật hiện hành nước ta nghiêm cấm những hành vi nào trong phòng chống HIV/AIDS?
Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống HIV/AIDS như sau:

- Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

- Đe dọa truyền HIV cho người khác.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

- Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

- Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.

- Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

- Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp do pháp luật quy định.

- Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

- Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

- Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Câu 3.  Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thực hiện phòng, chống HIV/AIDS?

Hỏi đáp về phòng, chống tệ nạn xã hội

Khi biết tin anh P nhiễm HIV, công ty đã sa thải vì cho rằng HIV là bệnh truyền nhiễm, nếu để anh P tiếp tục làm việc sẽ gây tâm lý hoang mang, không thoải mái cho người lao động khác trong công ty. Lý do mà công ty đưa ra để sa thải người lao động có phù hợp hay không?
Trả lời:

Lý do mà công ty sa thải anh P vì lý do nhiễm HIV là trái pháp luật. Điểm a khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 thì người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV.

Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc như sau:

- Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân.

- Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV.

- Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

Câu 4. Hiện nay có những biện pháp xã hội nào được áp dụng nhằm phòng, chống HIV/AIDS?

Trả lời:

Theo quy định tại các Điều 21, 22, 23,26 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 và Nghị định 108/2007/NĐ- CP ngày 26/6/2007của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rútgây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS, có thể nêu một số biện pháp luật được áp dụng để phòng, chống HIV/AIDS như sau:

1. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV có thể là: Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao gồm người mua dâm, bán dâm; người nghiện chất dạng thuốc phiện; người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục đồng giới; người thuộc nhóm người di biến động; người có quan hệ tình dục với người bán dâm, mua dâm, nghiện thuốc phiện, nhiễm HIV.

2. Tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS: Các cơ sở y tế có trách nhiệm tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS (Điều kiện thành lập và nội dung hoạt động của tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định).

Việc tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS trước và sau khi xét nghiệm HIV thực hiện như sau: Các trường hợp xét nghiệm HIV đều phải được tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV; Cơ sở xét nghiệm HIV có trách nhiệm tổ chức việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV; Chỉ những người đã được tập huấn về tư vấn phòng, chống HIV/AIDS mới được thực hiện việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.

3. Lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương có trách nhiệm lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống lao, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

Câu 5. Một số người muốn đi xét nghiệm HIV nhưng không muốn cung cấp tên, địa chỉ của mình do tâm lý còn e ngại, sợ người khác biết sẽ dị nghị. Theo bạn, có được lựa chọn hình thức này khi hỗ trợ, tư vấn HIV hay không?

Hỏi đáp về phòng, chống tệ nạn xã hội

Điều 27 Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2006 và Quyết định số 647/QĐ-BYT ngày 22/02/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện (Quyết định số 647/QĐ-BYT) quy định tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện là hình thức kết hợp giữa tư vấn và xét nghiệm HIV, trong đó đối tượng tư vấn hoàn toàn tự nguyện sử dụng và toàn quyền lựa chọn dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV vô danh hoặc tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ghi tên.

Theo đó, trường hợp nêu trên có thể lựa chọn hình thức tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện vô danh, tức là không cần cung cấp tên, địa chỉ của mình để tham gia vào quá trình tư vấn, xét nghiệm.

Việc tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện bao gồm các nội dung như tư vấn trước xét nghiệm, xét nghiệm HIV, tư vấn sau xét nghiệm HIV, tư vấn hỗ trợ tiếp tục.

Câu 6. Có một số công việc, ngành nghề trước khi tuyển dụng phải xét nghiệm HIV. Đề nghị cho biết đó là những ngành nghề, công việc nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sô điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Nghị định số 108/2007/NĐ-CP), danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng bao gồm:

1. Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Trong đó bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

2. Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Câu 7. Những đối tượng được hỗi trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế nhưng chưa có thẻ bảo hiểm y tế mà đến điều trị HIV/AIDS thì được hướng dẫn cấp thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?

Điều 2 Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến HIV/AIDS, quy định trường hợp người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế như sau:

- Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người bệnh thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc, trước ngày cuối cùng của tháng đó để lập danh sách hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế. Trường hợp người bệnh đến khám hoặc từ ngày người được phát hiện nhiễm HIV trong khoảng thời gian ít hơn 05 ngày tính đến ngày cuối tháng thì chuyển việc lập danh sách sang tháng tiếp theo;

- Trước ngày 15 hằng tháng, đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế của tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn (bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế và các bộ, ngành) và gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế do đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh gửi đến, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm rà soát để tránh cấp trùng lặp thẻ bảo hiểm y tế và cung cấp thông tin về thực trạng tham gia bảo hiểm y tế của từng người bệnh trong danh sách.

- Căn cứ thông tin do cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp và mức hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế đối với từng nhóm đối tượng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hằng năm, đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có trách nhiệm:

+ Lập danh sách người bệnh được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế từ nguồn do đơn vị phòng, chống HIV/AIDS được giao quản lý (nếu có) và danh sách người bệnh đề nghị địa phương hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế để gửi Sở Y tế, trong đó phải xác định cụ thể các trường hợp được hỗ trợ toàn bộ chi phí đóng bảo hiểm y tế và trường hợp được hỗ trợ một phần chi phí đóng bảo hiểm y tế;

+ Lập danh sách người bệnh không được hỗ trợ toàn bộ chi phí đóng bảo hiểm y tế (nếu có) và số tiền cụ thể mà người bệnh phải đóng để gửi cơ sở điều trị HIV/AIDS nơi người bệnh đăng ký điều trị.

Sau khi nhận được thông tin của đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Sở Y tế có trách nhiệm chuyển phần kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đã được phê duyệt cho Bảo hiểm xã hội vào trước ngày 10 của tháng đầu mỗi quý để thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trên đây là một phần của bộ câu hỏi về phòng, chống tệ nạn xã hội. Để đọc bản đầy đủ, mời các bạn tải tài liệu (Nút tải ở cuối bài)

Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 613
0 Bình luận
Sắp xếp theo