Thủ tục đăng ký thường trú tại huyện, tỉnh, thành phố mới nhất

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ. Công dân khi đăng ký hộ khẩu thường trú phải đáp ứng các điều kiện đăng ký thường trú và thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú theo Luật cư trú sửa đổi số 36/2013/QH13Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:

1. Đăng kí thường trú là gì?

Thủ tục đăng ký thường trú

Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của luật cư trú năm 2006 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, công dân có quyền lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú phù hợp với mình.

Điều 18 luật cư trú năm 2006 quy định: "Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.”

Tùy thuộc vào địa phương công dân muốn đăng kí thường trú mà pháp luật quy định khác nhau về điều kiện đăng kí. Đối với trường hợp đăng kí thường trú tại tỉnh, Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

2. Đăng ký thường trú tại các tỉnh

Theo Điều 19 Luật Cư trú 2006, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh được tiến hành tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Điều 21 Luật cư trú).

2.1. Hồ sơ đăng ký thường trú

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu (trong trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện; thị xã, thành phố thuộc tỉnh);

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội)

3.1. Điều kiện được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Điều kiện được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Luật Cư trú sửa đổi 2013 như sau (thuộc một trong các trường hợp):

- Có chỗ ở hợp pháp (thuê, mượn, ở nhờ); Có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên đối với đăng ký thường trú tại huyện, thị xã; 02 năm với đăng ký thường trú tại quận;

- Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột…;

- Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

- Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

Trừ trường hợp nhập hộ khẩu với người thân, thì người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải được người cho thuê, mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản và bảo đảm, có xác nhận điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.

Người đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

3.2. Hồ sơ đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Hồ sơ đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu (trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã);

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp;

- Tài liệu chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như: Xác nhận thời hạn tạm trú; Quyết định điều động tuyển dụng; Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc xác nhận của Công an quận, huyện, thị xã nơi công dân trước đây đã đăng ký thường trú về việc công dân đã đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương đó....(hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA).

Thời hạn giải quyết: 15 ngày.

4. Đăng ký thường trú tại Hà Nội

Hà Nội cũng là thành phố trực thuộc Trung ương tuy nhiên lại là Thủ đô của Việt Nam nên còn chịu sự điều chỉnh bởi Luật Thủ đô.

Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 nêu rõ:

Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.

Vì thế, so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, Hà Nội sẽ có một số điểm khác khi đăng ký thường trú. Cụ thể sẽ thay đổi điều kiện về trường hợp đăng ký thường trú có chỗ ở hợp pháp và có thời gian tạm trú. Người đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội phải đáp ứng:

- Đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên;

- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở;

- Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Các trường hợp còn lại (nhập hộ khẩu vào nhà người thân/do điều động, tuyển dụng/trước đây đã đăng ký thường trú) thực hiện như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Nơi nộp hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú tại Hà Nội cũng thực hiện giống như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 3.510
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng