Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT

Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
----------------------

Số: 34/2010/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2010

THÔNG TƯ
Quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa
_____________________

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Điều 2. Vị trí và chức năng của Cảng vụ đường thuỷ nội địa

1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa là cơ quan trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Cảng vụ đường thuỷ nội địa có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vùng nước cảng thủy nội địa là vùng nước trước cầu cảng, vùng neo đậu phương tiện và luồng vào cảng, vùng nước dành cho dịch vụ cung ứng, vùng chuyển tải hàng hóa (nếu có), được quy định tại quyết định công bố cảng thuỷ nội địa.

2. Vùng nước bến thủy nội địa là vùng nước trước bến và vùng neo đậu phương tiện, luồng vào bến (nếu có), được quy định tại giấy phép hoạt động của bến thuỷ nội địa.

Chương II
PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 4. Phạm vi quản lý

1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa quản lý các cảng, bến thuỷ nội địa (trừ bến khách ngang sông) đã được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động.

2. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam bao gồm:

a) Cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia;

b) Cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hành chính hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên;

c) Cảng, bến thuỷ nội địa do một tổ chức, cá nhân quản lý khai thác cùng nằm trên một khu đất vừa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia vừa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa địa phương; hoặc vừa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia vừa nằm trên vùng nước cảng biển.

3. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải bao gồm:

a) Cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa địa phương;

b) Cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương;

c) Cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên vùng nước cảng biển thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển; kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

3. Không cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn hoặc cảng, bến không đủ điều kiện pháp lý hoạt động.

4. Thông báo tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

6. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời.

7. Giám sát việc khai thác, sử dụng cầu tàu, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa tạm ngừng khai thác cầu tàu, bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.

8. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

9. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến thủy nội địa để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa.

10. Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong khu vực cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.

Đánh giá bài viết
1 451
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi