Thông tư hướng dẫn nới room chứng khoán số 123/2015/TT-BTC

Tải về

Hướng dẫn nới room chứng khoán - Thông tư 123/2015/TT-BTC

Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư này được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, xét theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thông tư này áp dụng với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng lưu ký, tổ chức kinh doanh chứng khoán và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2015.

BỘ TÀI CHÍNH
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 123/2015/TT-BTCHà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2015

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn hoạt động giao dịch, đầu tư chứng khoán và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không bao gồm các hoạt động đầu tư sau của nhà đầu tư nước ngoài:

a) Hoạt động đầu tư quy định tại Điều 22, Điều 27, Điều 28 Luật Đầu tư;

b) Hoạt động góp vốn thành lập, giao dịch cổ phần của công ty không phải là công ty đại chúng hoặc phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, trừ việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài;

b) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Ngân hàng lưu ký, tổ chức kinh doanh chứng khoán;

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bản sao hợp lệ là bản sao được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật liên quan.

2. Đại diện có thẩm quyền của tổ chức nước ngoài là:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thư ký công ty hoặc Giám đốc (Tổng Giám đốc) của tổ chức nước ngoài, chủ sở hữu tổ chức nước ngoài;

b) Người có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức nước ngoài hoặc theo thỏa thuận góp vốn hoặc theo các tài liệu tương đương của tổ chức nước ngoài có đủ thẩm quyền để ký các tài liệu và thực hiện các công việc quy định tại Thông tư này;

Chương II

ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Điều 3. Hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài

1. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam dưới các hình thức sau:

a) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác; đầu tư góp vốn, mua, bán, hoán đổi cổ phần theo quy định pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Gián tiếp đầu tư dưới hình thức ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ, chi nhánh tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài quản lý.

2. Trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 4. Đăng ký mã số giao dịch chứng khoán

1. Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo trình tự sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài nộp đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này cho thành viên lưu ký;

b) Thành viên lưu ký thẩm định hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài và khai báo các thông tin theo quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này trên hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

Điều 5. Thay đổi phải báo cáo cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam

1. Trước khi thực hiện thay đổi, nhà đầu tư nước ngoài phải thông qua thành viên lưu ký, báo cáo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về những nội dung sau đây:

a) Thay đổi đại diện giao dịch;

b) Chuyển danh mục đầu tư giữa các tài khoản lưu ký theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

2. Hồ sơ báo cáo về các thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Báo cáo thay đổi theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này (bản cứng hoặc bản sao có xác nhận của ngân hàng lưu ký toàn cầu gửi dưới hình thức điện tín), kèm theo bản sao văn bản ủy quyền cho thành viên lưu ký thực hiện báo cáo;

b) Tùy vào nội dung thay đổi, các tài liệu bổ sung bao gồm:

  • Tài liệu có liên quan về đại diện giao dịch mới quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư này (nếu có), kèm theo thông báo về việc chấm dứt ủy quyền hoạt động cho đại diện giao dịch cũ;
  • Báo cáo chi tiết về danh mục đầu tư trên tài khoản lưu ký cũ theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này; hợp đồng nguyên tắc hoặc thông báo của thành viên lưu ký cũ về việc thanh lý hợp đồng lưu ký; hợp đồng nguyên tắc về việc mở tài khoản lưu ký mới hoặc bản sao văn bản ủy quyền cho hoạt động lưu ký tại Việt Nam; hồ sơ đề nghị tất toán tài khoản lưu ký hoặc chuyển khoản chứng khoán theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Điều 6. Đình chỉ giao dịch, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán

1. Nhà đầu tư nước ngoài bị đình chỉ giao dịch tối đa sáu (06) tháng trong các trường hợp sau:

a) Khi phát hiện hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc hồ sơ bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ;

b) Nhà đầu tư nước ngoài báo cáo, cung cấp tài liệu không trung thực, không chính xác, không kịp thời theo yêu cầu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định pháp luật;

Điều 7. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp

1. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài được mở một (01) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một (01) ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.

2. Mọi hoạt động chuyển tiền để thực hiện các giao dịch, đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, các thanh toán khác liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài; nhận và sử dụng cổ tức, lợi tức được chia, mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam để chuyển ra nước ngoài và các giao dịch khác có liên quan đều phải thực hiện thông qua tài khoản này.

Điều 8. Tài khoản lưu ký chứng khoán

1. Trường hợp lưu ký tài sản tại ngân hàng lưu ký:

a) Sau khi đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài được mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký theo nguyên tắc cứ mỗi một mã số giao dịch chứng khoán được cấp thì chỉ được mở duy nhất một tài khoản lưu ký chứng khoán.

Quy định tại điểm này không áp dụng đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lưu ký chứng khoán tại tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty chứng khoán;

b) Việc mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký thực hiện theo các quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Mọi bút toán thanh toán, lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện trên tài khoản này.

Chương III

NGHĨA VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 9. Nghĩa vụ trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm:

a) Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, tham gia đấu giá chứng khoán theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải tách biệt riêng các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư trong nước và của chính công ty, bảo đảm việc đầu tư chứng khoán, mua cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam;

Điều 10. Nghĩa vụ báo cáo trong hoạt động đầu tư nước ngoài

1. Thành viên lưu ký phải lập và lưu trữ hồ sơ, chứng từ về các hoạt động lưu ký tài sản trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư nước ngoài. Các tài liệu này phải được cung cấp cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền, kể cả các tài liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định về thông tin và bảo mật thông tin nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

2. Thành viên lưu ký phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ hàng tháng số liệu thống kê về tài khoản lưu ký và danh mục tài sản của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp thành viên lưu ký là chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng một trăm phần trăm (100%) vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam thì phải bổ sung báo cáo về hoạt động đầu tư, danh mục đầu tư của mình theo mẫu quy định tại phần IV Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

SỞ HỮU NƯỚC NGOÀI TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Điều 11. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

1. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng; doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Nghị định số 60/2015/NĐ-CP).

Điều 12. Nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng về sở hữu nước ngoài

1. Công ty đại chúng có các hoạt động làm thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin. Các trường hợp phải báo cáo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài bao gồm:

a) Công ty đại chúng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài;

b) Khi đăng ký công ty đại chúng hoặc chào bán, phát hành chứng khoán, công ty đại chúng thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài;

Điều 13. Trình tự, thủ tục, hồ sơ báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng

1. Hồ sơ báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng quy định tại điểm a, d và đ khoản 1 Điều 12 Thông tư này bao gồm các tài liệu sau:

a) Giấy thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

b) Tài liệu bổ sung bao gồm:

- Trường hợp là công ty đại chúng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP thì bổ sung:

Trích dẫn địa chỉ và thông tin đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp lệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác minh công ty hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài; biên bản họp và nghị quyết của hội đồng quản trị về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài (trong trường hợp công ty không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài) hoặc biên bản họp, nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc hạn chế sở hữu nước ngoài và điều lệ công ty có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (trong trường hợp công ty có hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài);

Điều 14. Trình tự, thủ tục, hồ sơ chấp thuận cho tổ chức nước ngoài được sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán

1. Tổ chức nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 21 và khoản 24 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP muốn sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải thông qua tổ chức kinh doanh chứng khoán mà mình muốn sở hữu gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ tại tổ chức kinh doanh chứng khoán bao gồm:

a) Giấy đề nghị chấp thuận giao dịch làm tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% vốn điều lệ tổ chức kinh doanh chứng khoán theo mẫu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hợp đồng nguyên tắc về giao dịch cổ phần, phần vốn góp giữa các bên tham gia giao dịch (nếu có); kèm theo văn bản của tổ chức nước ngoài uỷ quyền cho tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận giao dịch;

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 và thay thế cho Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký hoàn thiện hệ thống để tổ chức triển khai cấp mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Thông tư này.

2. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực, việc cấp mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện trên cơ sở bộ hồ sơ lập theo quy định tại Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hoặc bộ hồ sơ lập theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên lưu ký và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Xuân Hà

Đánh giá bài viết
1 438
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm