Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt

Tải về

Ngày 30/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt.

Theo đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt trong các trường hợp quỹ tín dụng nhân dân bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền; quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Nội dung Thông tư 37/2024/TT-NHNN

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2024/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CHO VAY ĐẶC BIỆT

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về cho vay đặc biệt.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng.

2. Thông tư này không quy định:

a) Việc cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tổ chức tín dụng và việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

b) Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 193 của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Các tổ chức tín dụng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, của tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên cho vay đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

2. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là bên nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Mục 4 Chương X của Luật Các tổ chức tín dụng hoặc bên nhận chuyển giao theo quy định tại khoản 39 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

3. Bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác.

4. Gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt là việc bên cho vay chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian vượt quá thời hạn cho vay đặc biệt đã thỏa thuận hoặc đã được quy định tại Quyết định cho vay đặc biệt.

5. Hướng dẫn chi trả tiền gửi là văn bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành hoặc phê duyệt trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có nội dung về việc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả tiền gửi cho người gửi tiền từ tiền vay đặc biệt.

6. Khoản lãi phải thu là quyền đòi nợ của tổ chức tín dụng đối với số dư nợ lãi phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (không bao gồm khách hàng là tổ chức tín dụng).

7. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bên vay đặc biệt đặt trụ sở chính.

8. Phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 là phương án quy định tại khoản 38 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 (sau đây gọi là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010).

9. Phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là một trong các phương án cơ cấu lại quy định tại khoản 29 Điều 4 và Mục 4 Chương X của Luật Các tổ chức tín dụng.

10. Phương án phục hồi là một trong các phương án cơ cấu lại quy định tại khoản 29 Điều 4 và Mục 2 Chương X của Luật Các tổ chức tín dụng.

11. Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là một trong các phương án cơ cấu lại quy định tại khoản 29 Điều 4 và Mục 3 Chương X của Luật Các tổ chức tín dụng.

12. Quyền đòi nợ là quyền đòi nợ của tổ chức tín dụng đối với số dư nợ gốc phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (không bao gồm khách hàng là tổ chức tín dụng).

13. Quyết định cho vay đặc biệt là Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

14. Thời hạn cho vay đặc biệt là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày bên cho vay đặc biệt giải ngân tiền cho vay đặc biệt đến ngày bên vay đặc biệt phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo Quyết định cho vay đặc biệt (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt) hoặc theo thỏa thuận giữa bên cho vay đặc biệt và bên vay đặc biệt (đối với trường hợp tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt).

15. Tổ chức tín dụng hỗ trợ là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 39 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng.

16. Văn bản hướng dẫn cho vay đặc biệt là văn bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành để hướng dẫn tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bên nhận chuyển giao bắt buộc và các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cho vay đặc biệt theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt.

Điều 4. Các trường hợp cho vay đặc biệt

1. Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

b) Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

c) Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được phê duyệt;

d) Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ phục hồi theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt.

2. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

b) Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.

3. Tổ chức tín dụng khác (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) cho vay đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

b) Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

c) Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được phê duyệt.

Điều 5. Nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt

1. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

a) Nội dung về xử lý khoản vay đặc biệt đã vay tại phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (sau đây gọi là phương án cơ cấu lại) của bên vay đặc biệt phải phù hợp với quy định về thời hạn, lãi suất, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay đặc biệt tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Thông tư này, trừ quy định tại điểm b khoản này;

b) Trường hợp việc sửa đổi, bổ sung khoản vay đặc biệt đã vay có nội dung lãi suất là 0%/năm hoặc không có tài sản bảo đảm thì được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 193 của Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

a) Việc cho vay đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư này và phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được phê duyệt của bên vay đặc biệt;

b) Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 172, khoản 7 Điều 183 của Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

a) Việc cho vay đặc biệt được thực hiện theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt và văn bản hướng dẫn cho vay đặc biệt (nếu có); đối với nội dung về trình tự Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt, ký hợp đồng cho vay đặc biệt, nhận cầm cố, nhận thế chấp tài sản bảo đảm, giải ngân cho vay đặc biệt không được quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt hoặc văn bản hướng dẫn cho vay đặc biệt thì thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Thông tư này;

b) Việc sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay đặc biệt chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Chương III Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 183 của Luật Các tổ chức tín dụng.

4. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư này, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng tiền vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc ký hợp đồng cho vay đặc biệt, nhận tài sản bảo đảm (nếu có), giải ngân, trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) và các nội dung khác có liên quan thực hiện theo quy định nội bộ của bên cho vay đặc biệt, thỏa thuận giữa bên cho vay đặc biệt và bên vay đặc biệt, phù hợp với quy định của pháp luật về cho vay đặc biệt và phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được phê duyệt của bên vay đặc biệt (nếu có).

5. Đối với khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.

6. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Luật Các tổ chức tín dụng.

7. Trong trường hợp một bên vay đặc biệt phải trả nợ nhiều khoản vay đặc biệt của nhiều bên cho vay đặc biệt, nếu bên vay đặc biệt không đủ nguồn để trả hết nợ vay đặc biệt thì trả nợ theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số dư nợ (bao gồm cả gốc, lãi) của từng bên cho vay đặc biệt tại thời điểm trả nợ.

8. Việc nhận, xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Điều 6. Chuyển khoản vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước, khoản vay của quỹ tín dụng nhân dân tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thành khoản vay đặc biệt

1. Kể từ ngày tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt, khoản vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng đó tại Ngân hàng Nhà nước được chuyển thành khoản vay đặc biệt:

a) Trong trường hợp số dư vay tái cấp vốn còn trong hạn, số dư nợ gốc vay tái cấp vốn được chuyển thành số dư nợ gốc vay đặc biệt, số dư nợ lãi vay tái cấp vốn được chuyển thành số dư nợ lãi vay đặc biệt;

b) Trong trường hợp số dư vay tái cấp vốn đã quá hạn, số dư nợ gốc vay tái cấp vốn quá hạn được chuyển thành số dư nợ gốc vay đặc biệt quá hạn, số dư nợ lãi vay tái cấp vốn chậm trả (kể cả số dư nợ lãi phát sinh đối với số tiền tái cấp vốn tổ chức tín dụng phải trả theo quy định nhưng chưa được trả đúng hạn) chuyển thành số dư nợ lãi vay đặc biệt chậm trả;

c) Ngoài các yếu tố quy định tại điểm a và b khoản này, các yếu tố còn lại của khoản vay đặc biệt được tiếp tục thực hiện theo cơ chế vay tái cấp vốn của khoản vay tái cấp vốn.

2. Kể từ ngày quỹ tín dụng nhân dân được đặt vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản vay của quỹ tín dụng nhân dân tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được chuyển thành dư nợ gốc, lãi của khoản vay đặc biệt và tiếp tục thực hiện theo cơ chế cho vay của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với quỹ tín dụng nhân dân.

3. Việc chuyển khoản vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước thành khoản vay đặc biệt được quy định tại văn bản của Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Điều 7. Thẩm quyền ký các văn bản trong hồ sơ đề nghị vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, hợp đồng cho vay đặc biệt

Thẩm quyền ký các văn bản trong hồ sơ đề nghị vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, hợp đồng cho vay đặc biệt của bên vay đặc biệt là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền (sau đây gọi là người đại diện hợp pháp) của bên vay đặc biệt. Trường hợp người đại diện theo ủy quyền ký, hồ sơ đề nghị vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn vay đặc biệt, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, hợp đồng cho vay đặc biệt phải có văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 8. Trình tự Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt

1. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung khoản vay đặc biệt (bao gồm cả sửa đổi, bổ sung trong trường hợp xử lý khoản vay đặc biệt đã vay tại phương án cơ cấu lại, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt), trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, bên vay đặc biệt gửi đến Ban kiểm soát đặc biệt 04 bộ hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt.

Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Giấy đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, trong đó nêu rõ nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung, căn cứ, lý do đề nghị và cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về cho vay đặc biệt;

b) Văn bản, tài liệu liên quan đến đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt (nếu có).

2. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này, trường hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt gửi 02 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ); trường hợp phương án phục hồi của bên vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung, Ban kiểm soát đặc biệt gửi thêm 01 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

Khi gửi hồ sơ đề nghị, Ban kiểm soát đặc biệt gửi kèm theo văn bản của Ban kiểm soát đặc biệt kiến nghị cụ thể nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt.

3. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của bên vay đặc biệt và văn bản của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về đồng ý hay không đồng ý đối với đề nghị của bên vay đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị, các văn bản ý kiến quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ đề nghị, các văn bản ý kiến để lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt có nội dung về tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt là giấy tờ có giá, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ đề nghị của bên vay đặc biệt để lấy ý kiến Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

5. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ quy định tại khoản 4 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Đồng ý hay không đồng ý đối với đề nghị của bên vay đặc biệt, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do, trừ quy định tại điểm b khoản này;

b) Ý kiến đối với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại khoản 3 Điều này (trường hợp phương án phục hồi của bên vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung).

6. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ quy định tại khoản 4 Điều này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt đối với nội dung về tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt là giấy tờ có giá.

7. Trường hợp văn bản ý kiến của các đơn vị chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều này, trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản ý kiến, Vụ Chính sách tiền tệ gửi văn bản đề nghị đơn vị liên quan bổ sung ý kiến. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Vụ Chính sách tiền tệ, đơn vị được đề nghị gửi văn bản bổ sung ý kiến.

8. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản ý kiến của các đơn vị quy định tại khoản 3, 5, 6 và 7 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, đề xuất, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt.

9. Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của bên vay đặc biệt, văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định cho vay đặc biệt; trường hợp không đồng ý với đề nghị của bên vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi bên vay đặc biệt nêu rõ lý do.

Chương II. NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHO VAY ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG BỊ RÚT TIỀN HÀNG LOẠT

Điều 9. Mục đích sử dụng tiền vay đặc biệt

1. Trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt, bên vay đặc biệt chỉ được sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại bên vay đặc biệt.

2. Trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bên vay đặc biệt chỉ được sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại bên vay đặc biệt; việc sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là tổ chức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đối với từng bên vay đặc biệt cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ban kiểm soát đặc biệt.

3. Các đối tượng được chi trả quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không bao gồm:

a) Người có liên quan của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 24 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về người có liên quan của tổ chức tín dụng;

b) Người điều hành, người quản lý của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 25, khoản 26 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ người điều hành, người quản lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử, chỉ định, bổ nhiệm;

c) Người có liên quan của cá nhân, tổ chức là người quản lý, người điều hành, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 24 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về người có liên quan của cá nhân, tổ chức (nếu có).

4. Đối tượng quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều này được xác định kể từ ngày:

a) Bên vay đặc biệt có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi bị rút tiền hàng loạt theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Ngân hàng Nhà nước có văn bản đặt bên vay đặc biệt vào kiểm soát đặc biệt (trong trường hợp bên vay đặc biệt được kiểm soát đặc biệt trước ngày được quy định tại điểm a khoản này).

5. Trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và có hướng dẫn chi trả tiền gửi thì đối tượng được chi trả, đối tượng không được chi trả, khoản tiền gửi được chi trả thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này và hướng dẫn chi trả tiền gửi.

Điều 10. Số tiền cho vay đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định số tiền cho vay đặc biệt trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của tổ chức tín dụng đề nghị vay đặc biệt.

Điều 11. Thời hạn cho vay đặc biệt, gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt

1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thời hạn cho vay đặc biệt, bảo đảm dưới 12 tháng.

2. Ngân hàng Nhà nước xem xét việc gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của bên vay đặc biệt hoặc phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay tại phương án cơ cấu lại đang trình Ngân hàng Nhà nước (nếu có); thời gian gia hạn mỗi lần dưới 12 tháng.

Điều 12. Lãi suất

1. Lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với hình thức cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá (sau đây gọi là lãi suất cho vay cầm cố của Ngân hàng Nhà nước) tại ngày giải ngân cho vay đặc biệt, ngày bắt đầu gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt.

2. Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn gần nhất của khoản cho vay đặc biệt.

3. Không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả.

Điều 13. Tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt

1. Khoản cho vay đặc biệt phải có tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Cầm cố: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành); trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước;

b) Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc);

c) Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại quy định tại điểm b khoản này), trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp khác.

2. Trường hợp bên vay đặc biệt đã sử dụng hết tài sản bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều này, bên vay đặc biệt có thể sử dụng các tài sản sau đây làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn thời hạn vay đặc biệt và không phải áp dụng các quy định tại khoản 4, 5 Điều này đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ:

a) Thế chấp quyền đòi nợ;

b) Thế chấp khoản lãi phải thu.

3. Giá trị tài sản bảo đảm:

a) Giá trị của các tài sản bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

.............

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Ngân hàng Nhà nước Việt NamNgười ký:Phạm Thanh Hà
Số hiệu:37/2024/TT-NHNNLĩnh vực:Ngân hàng
Ngày ban hành:30/06/2024Ngày hiệu lực:01/07/2024
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 18
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm