Thông tư 111/2016/TT-BTC về chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Tải về

Thông tư 111/2016/TT-BTC - Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Thông tư 111/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Công văn 4341/BGDĐT-KHTC về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo

Nghị định 116/2016/NĐ-CP hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn

Thông tư 111/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016 và thay thế Thông tư 218/2013/TT-BTC.

BỘ TÀI CHÍNH
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 111/2016/TT-BTC Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2016

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công;

Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định số 16/2016/NĐ-CP), bao gồm cả viện trợ không hoàn lại thực hiện theo cơ chế cho vay lại, viện trợ theo cơ chế cấp phát được giải ngân cùng với vốn vay và viện trợ hỗ trợ ngân sách.

2. Các khoản ODA viện trợ không hoàn lại thực hiện cơ chế cấp phát từ ngân sách nhà nước và được giải ngân riêng cho dự án hoặc dự án thành phần độc lập thuộc một chương trình, dự án sử dụng vốn ODA vay, vốn vay ưu đãi, được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư trên, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

3. Trong trường hợp các quy định về quản lý tài chính tại Thông tư này có sự khác biệt với các Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thì áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đối ứng của phía Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu thống nhất với Điều 3 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 78/2010/NĐ-CP).

Điều 4. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

1. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch vốn hàng năm và được quản lý theo các quy định hiện hành áp dụng đối với vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư công.

2. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi tuân thủ quy trình lập, chấp hành, hạch toán ngân sách nhà nước, kiểm toán, quyết toán, kiểm tra đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

3. Quy trình quản lý, thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, xử lý rủi ro cho vay lại thực hiện theo các quy định của Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP, quy định của pháp luật về cho vay lại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các văn bản hướng dẫn.

Điều 5. Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

1. Đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi:

a) Cấp phát toàn bộ từ ngân sách nhà nước đối với các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

b) Cấp phát một phần, cho vay lại một phần với tỷ lệ vay lại cụ thể vốn vay ODA, cho vay lại một phần hoặc toàn bộ đối với vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Nguồn vốn vay lại tính vào bội chi của ngân sách địa phương và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Đối với các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần:

a) Cấp phát một phần đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

b) Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần theo tỷ lệ thu hồi vốn được cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi làm phần đóng góp của địa phương trong dự án đối tác công - tư (PPP) thực hiện cơ chế cho vay lại toàn bộ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, trừ trường hợp quy định của pháp luật về cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định khác.

Chương II

XÁC ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC VÀ CƠ CHẾ CHO VAY LẠI ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI

Điều 6. Xác định cơ chế tài chính trong nước trong quá trình đề xuất, phê duyệt chương trình, dự án

1. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đều phải xác định cơ chế tài chính trong nước qua các giai đoạn, cụ thể như sau:

a) Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

b) Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

c) Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Văn kiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

Đánh giá bài viết
1 2.303
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm