Tải Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng file Doc, Pdf

Tải về

Ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Theo đó, Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp đựng Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp đựng Huy hiệu và được thưởng 03 lần mức lương cơ sở;

Nội dung Nghị định số 98/2023/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
__________

Số: 98/2023/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

_______________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ  Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 5 Điều 11; khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 14; khoản 4 Điều 25; khoản 7 Điều 34; khoản 6 Điều 35; khoản 5 Điều 36; khoản 5 Điều 37; khoản 5 Điều 38; khoản 4 Điều 39; khoản 4 Điều 40; khoản 4 Điều 41; khoản 7 Điều 42; khoản 7 Điều 43; khoản 7 Điều 44; khoản 3 Điều 45; khoản 3 Điều 46; khoản 3 Điều 47; khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 53; khoản 5 Điều 79; khoản 3 Điều 81; khoản 3 Điều 82; khoản 7 Điều 83; khoản 7 Điều 84; khoản 2 Điều 85; khoản 5 Điều 90; khoản 9 Điều 93 của Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây gọi chung là Nghị định).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cá nhân người Việt Nam, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, hộ gia đình; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cơ quan, tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước gồm: Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

2. Các danh hiệu thi đua cấp Nhà nước gồm: “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

3. Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà cá nhân, tập thể phải đảm nhiệm hoặc được giao.

4. Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhân dân, của Nhà nước hoặc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, văn hóa, thể thao và các lĩnh vực khác ở trong nước hoặc khu vực, thế giới.

5. Tổ chức kinh tế khác là tổ chức kinh tế được đăng ký thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật, có hoạt động sản xuất kinh doanh với mục đích phát triển kinh tế; có điều lệ, cơ cấu tổ chức rõ ràng, địa chỉ cụ thể, có tài sản để hoạt động; có tư cách pháp nhân.

Điều 4. Nguyên tắc xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng

1. Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn.

2. Cấp có thẩm quyền khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ theo quy định.

3. Kết quả khen thưởng thành tích đột xuất, thi đua theo chuyên đề không dùng làm căn cứ để đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng.

4. Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.

Trường hợp cá nhân, tập thể bị kỷ luật, sau khi chấp hành xong thời gian kỷ luật, cá nhân, tập thể lập được thành tích thì thành tích khen thưởng được tính từ thời điểm chấp hành xong thời gian thi hành kỷ luật.

5. Thời gian nghỉ thai sản đối với cá nhân theo quy định được tính để xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

6. Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.

7. Thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cá nhân là nữ lãnh đạo, quản lý được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung. Trường hợp cá nhân nữ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng được quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian để xét khen thưởng quá trình cống hiến thực hiện theo quy định chung.

Chương II. DANH HIỆU THI ĐUA; ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

Mục 1. DANH HIỆU CỜ THI ĐUA CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 5. “Cờ thi đua của Chính phủ”

1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng cho tập thể đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Thi đua, khen thưởng, được cụm, khối thi đua do bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức bình xét, đánh giá, so sánh, lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên trong cụm, khối thi đua đạt mức tiêu biểu xuất sắc trong số các thành viên của cụm, khối thi đua.

Số lượng tập thể được xét, đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” theo quy định tại khoản 1 Điều này không quá 20% tổng số tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua và đạt tiêu chuẩn tặng cờ thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh.

2. Tập thể được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Thi đua, khen thưởng đạt các tiêu chuẩn:

a) Có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh;

b) Thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;

c) Thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Tập thể quy định tại khoản 2 Điều này được cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức đánh giá, so sánh, bình xét, lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên trong cụm, khối thi đua suy tôn là tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua.

3. Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng cho tập thể quy định tại khoản 3 Điều 25 của Luật Thi đua, khen thưởng đạt tiêu chuẩn:

a) Đối với cấp bộ: Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức phong trào thi đua, các cuộc vận động để huy động sự tham gia tích cực của đoàn viên, hội viên;

b) Đối với cấp tỉnh: Đạt nhiều thành tích nổi trội trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội; có mô hình mới, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao; là đơn vị tiêu biểu xuất sắc so với các tỉnh trong cụm thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức.

Tập thể đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này được bộ, ban, ngành, tỉnh xét chọn, lập danh sách đề nghị khen thưởng; Bộ Nội vụ tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định hồ sơ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định này.

Mục 2. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG QUÁ TRÌNH CỐNG HIẾN VÀ KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH CAO

Điều 6. Quy định chung về khen thưởng quá trình cống hiến

1. Thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến quy định như sau:

a) Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 là những người tham gia cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

b) Cán bộ tiền khởi nghĩa là người tham gia cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

c) Cán bộ hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ là người có thời gian tham gia công tác liên tục từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

d) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong thời gian từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954;

đ) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ là người tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

e) Người hoạt động liên tục ở chiến trường miền Nam là người hoạt động liên tục ít nhất 10 năm ở chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Trường hợp hoạt động liên tục ở chiến trường từ trước năm 1960 thì thời gian hoạt động liên tục tính đến tháng 01 năm 1973. Trường hợp vào chiến trường từ năm 1964 thì thời gian hoạt động liên tục tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

g) Cán bộ công tác trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là người tham gia công tác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Thời gian, chức vụ xét khen thưởng:

a) Bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi có thông báo nghỉ chế độ hưu trí hoặc có quyết định nghỉ hưu mà chưa được khen thưởng quá trình cống hiến (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần). Trường hợp cá nhân đã được khen thưởng quá trình công hiên, sau đó tiếp tục công tác và có thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng được khen thưởng quá trình cống hiến thì được tiếp tục xét, khen thưởng quá trình cống hiến đối với thời gian công tác, giữ chức vụ của giai đoạn công tác sau này và được đề nghị tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác theo quy định nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn;

b) Cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để được tính khen theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để tính tiêu chuẩn khen thưởng theo chức vụ thấp hơn liền kề (nếu chức vụ liền kề đó thuộc tiêu chuẩn khen thưởng quá trình cống hiến);

c) Cá nhân trong cùng một thời gian đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau thì lấy chức vụ cao nhất để làm căn cứ áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng;

d) Cá nhân thực hiện yêu cầu luân chuyển, điều động hoặc do sắp xếp tổ chức được cấp có thẩm quyền quyết định, giữ chức vụ thấp hơn trước khi luân chuyển, điều động, sắp xếp tổ chức khi xem xét khen thưởng được lấy chức vụ trước khi luân chuyển, điều động, sắp xếp tổ chức và được tính thời gian liên tục theo chức vụ đó để làm căn cứ xét khen thưởng;

đ) Những trường hợp đã được khen thưởng quá trình cống hiến, không thực hiện điều chỉnh khen thưởng theo quy định mới về chức danh tương đương. Những trường hợp chưa được khen thưởng quá trình cống hiến, đối chiếu với quy định nếu đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đề nghị xét khen thưởng quá trình cống hiến.

3. Điều kiện áp dụng khen thưởng:

a) Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp. Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì thời gian, chức vụ sau khi kết nạp Đảng lần sau được xét khen thưởng;

b) Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc, quân hàm, hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước).

4. Bộ Nội vụ xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.

Điều 7. Quy định chức danh tương đương để xét khen thưởng quá trình cống hiến

1. Chức danh Bộ trưởng và tương đương: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức (Ủy viên Trung ương dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được xác định vị trí thứ bậc và hưởng các chế độ, chính sách theo chức vụ đang công tác); Trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

2. Chức danh Thứ trưởng và tương đương: Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội có đảng đoàn); Trợ lý các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; Trợ lý Thường trực Ban Bí thư; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Chức danh Tổng cục trưởng và tương đương: Tổng cục trưởng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân dân; Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó trưởng ban chuyên trách hoặc Ủy viên chuyên trách các ban chỉ đạo ở Trung ương; ban chỉ đạo do Thủ tướng, Phó Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo; Trợ lý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân; Giám đốc Truyền hình Quốc hội; Tổng Giám đốc cổng thông tin điện tử Chính phủ; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Phó Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội; Phó bí thư chuyên trách công tác đảng ở các Đảng ủy: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chức danh tương đương theo quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cụ thể hóa chức danh, chức vụ tương đương theo phân cấp quản lý cán bộ.

4. Chức danh Phó tổng cục trưởng và tương đương: Phó tổng cục trưởng; Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia; Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phó Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội có đảng đoàn); Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội không có đảng đoàn); Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân; Phó Giám đốc Truyền hình Quốc hội; Phó Tổng Giám đốc cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Chánh án Toà án nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Giám đốc học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chức danh tương đương theo quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cụ thể hóa chức danh, chức vụ tương đương theo phân cấp quản lý cán bộ.

5. Chức danh Vụ trưởng và tương đương: Vụ trưởng, cục trưởng, viện trưởng, trưởng ban và tương đương thuộc ban, cơ quan của Đảng; bộ, ngành, cơ quan ngang bộ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; Trưởng ban đảng, cơ quan trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; Ủy viên Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Tổng Thư ký Liên hiệp Hội ở trung ương; Thư ký các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Vụ trưởng, trưởng các cơ quan, đơn vị và tương đương của các cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ khối trực thuộc trung ương; Vụ trưởng và tương đương của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trưởng cơ quan, đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp cao; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Phó giám đốc các học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Vụ trưởng, cục trưởng, trưởng cơ quan, đơn vị và tương đương thuộc tổng cục và tương đương tổng cục; Giám đốc sở, trưởng cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương cấp tỉnh; Bí thư quận, huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy; Phó tổng thư ký liên hiệp hội ở trung ương; trưởng ban, đơn vị các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội có đảng đoàn); Phó chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội không có đảng đoàn) và các chức danh tương đương theo quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cụ thể hóa chức danh, chức vụ tương đương theo phân cấp quản lý cán bộ.

6. Chức danh Phó vụ trưởng và tương đương: Phó vụ trưởng, phó cục trưởng, phó viện trưởng, phó trưởng ban và tương đương thuộc các ban, cơ quan của Đảng; bộ, ngành, cơ quan ngang bộ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; Phó trưởng ban đảng, cơ quan trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố; Thư ký các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương đương, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương; Phó vụ trưởng, phó trưởng các cơ quan, đom vị và tương đương của các cơ quan thuộc Chính phủ; Phó giám đốc sở, phó trưởng các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương ở cấp tỉnh; Phó bí thư quận, huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy viên Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Phó vụ trưởng và tương đương của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, phó trưởng các cơ quan, đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó vụ trưởng, phó trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tổng cục và tương đương tổng cục; Phó trưởng ban, đơn vị các hội quần chúng có đảng đoàn do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương (đối với các tổ chức hội có đảng đoàn); Trưởng các hội cấp tỉnh được giao biên chế.

7. Chức danh tương đương huyện Ủy viên trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 gồm: Trưởng ban, ngành cấp huyện; Huyện đội phó; Phó Bí thư, Phó chủ tịch các đoàn thể cấp tỉnh; Ủy viên ban của tỉnh, Ủy viên tỉnh đội, Ủy viên an ninh của tỉnh.

8. Chức danh tương đương trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Điều 8. “Huân chương Sao vàng”

“Huân chương Sao vàng” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 của Luật Thi đua, khen thưởng, có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không phạm khuyết điểm lớn và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

1. Tham gia cách mạng từ năm 1935 về trước, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Trung ương Cục, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Khu ủy, Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương hoặc được phong quân hàm Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Có quá trình tham gia liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.

4. Có quá trình công tác liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, 02 nhiệm kỳ từ 08 đến 10 năm.

Điều 9. “Huân chương Hồ Chí Minh”

“Huân chương Hồ Chí Minh” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của Luật Thi đua, khen thưởng, có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không phạm khuyết điểm lớn và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

1. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1935 về trước, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Thứ trưởng hoặc chức vụ tương đương hoặc được phong quân hàm Trung tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, hoạt động liên tục, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Xứ Ủy viên, Khu Ủy viên, Bộ trưởng hoặc chức vụ tương đương hoặc được phong quân hàm Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Có quá trình tham gia liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc chức vụ tương đương 01 nhiệm kỳ từ 03 đến 05 năm hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

4. Có quá trình công tác liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ:

Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, 01 nhiệm kỳ từ 03 đến 05 năm.

Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục 02 nhiệm kỳ từ 08 đến 10 năm hoặc được phong quân hàm Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân từ 10 năm trở lên.

Điều 10. “Huân chương Độc lập” hạng Nhất

“Huân chương Độc lập” hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của Luật Thi đua, khen thưởng, có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân và đạt được một trong các tiêu chuẩn sau đây:

1. Tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, hoạt động liên tục và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, Thứ trưởng hoặc chức vụ tương đương; Trung tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Tham gia hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Bộ trưởng hoặc chức vụ tương đương; Khu Ủy viên, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương 02 nhiệm kỳ từ 08 đến 10 năm; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Tham gia hoạt động liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ:

Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội 01 nhiệm kỳ từ 03 đến 05 năm. Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ trưởng và tương đương từ 13 đến 15 năm; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân từ 10 năm trở lên.

............................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Chính sách của chuyên mục Pháp Luật được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Tải Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng file Doc, Pdf
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Trần Lưu Quang
Số hiệu:98/2023/NĐ-CPLĩnh vực:Chính sách
Ngày ban hành:31/12/2023Ngày hiệu lực:01/01/2024
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
2 1.172
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm