Sử dụng súng trái phép phạt thế nào 2024?

Sử dụng súng trái phép phạt thế nào 2024? Ở nước ta, việc sử dụng súng đạn là một điều khá xa lạ trong cuộc sống đời thường. Đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp lý nước ta. Vậy hành vi sử dụng súng trái phép sẽ bị phạt ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn.

Quy định về sử dụng súng ở Việt Nam 2022
Quy định về sử dụng súng ở Việt Nam 2022

1. Sử dụng súng trái phép phạt bao nhiêu tiền?

Theo Khoản 5 Điều 304 và Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 ( SĐBS 2017) quy định người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Khoản 5 Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Nghị đinh quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình đã ghi nhận về việc xử lí vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

b) Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

c) Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Nếu hành vi sử dụng trái phép vũ khí của người vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 02 điều luật 304 và 306 BLHS thì người phạm tội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt tiền có thể lên đến 40 triệu đồng và bị tịch thu tang vật.

2. Sử dụng súng trái phép phạt tù bao nhiêu năm?

Hình ảnh minh họa một số lực lượng vũ trang được sử dụng súng khi thực hiện nhiệm vụ.
Hình ảnh minh họa một số lực lượng vũ trang được sử dụng súng khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt về tội dụng súng trái phép như sau:

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.

b) Làm chết 03 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy người nào sử dụng súng trái phép mà súng đó được giám định kết luận là “vũ khí quân dụng” thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và có thể phải chịu mức hình phạt tù từ 01 năm đến 07 năm ở khoản 1; từ 05 năm đến 12 năm ở khoản 2; từ 10 năm đến 15 năm ở khoản 3; tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân ở khoản 4 Điều 304 BLHS.

3. Mức hình phạt khi sử dụng súng tự chế

Người nào chế tạo, sử dụng trái phép súng tự chế mà súng đó được giám định kết luận là súng săn hoặc vũ khí thô sơ hoặc vũ khí thể thao thì người đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao” (nếu người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) theo Điều 306 Bộ luật Hình sự, có mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm ở khoản 1; từ 01 năm đến 05 năm tù ở khoản 2.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Việc sử dụng súng tự chế gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác, tuỳ mức độ hành vi, hậu quả thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tuỳ thuộc kết quả giám định khẩu súng tự chế trên, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự (nếu kết luận giám định kết luận súng tự chế đó là vũ khí quân dụng).

Nếu hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí tự chế của người vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 304, 306, 123, 134 BLHS thì người phạm tội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt tiền có thể lên đến 40 triệu đồng và bị tịch thu tang vật.

4. Luật sử dụng súng ở Việt Nam

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019:

Vũ khí quân dụng bao gồm:

a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp; được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân; và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ; súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng; xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;

Như vậy súng được coi là vũ khí quân dụng và hành vi sử dụng súng trái phép bị nghiêm cấm; theo Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ

1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.

.............

Như vậy, việc sử dụng súng trái với quy định là hành vi bị cấm ở Việt Nam. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới cho phép dân thường có thể sử dụng súng để tự vệ, Việt Nam nghiêm cấm sử dụng súng trong dân. Chỉ có các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nghiệm vụ được giao mới được sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật.

Thực tế, việc sử dụng vũ khí phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới dễ dẫn đến những cuộc nổi loạn, bạo động và gây ra nhiều cái chết thương tâm. Do đó, nhờ quy định cấm sử dụng súng trong dân mà góp phần ổn định và duy trì ANTT, sự bình yên cho xã hội.

Có lẽ đây cũng là một trong những lí do làm cho Việt Nam trở thành cái tên tiêu biểu của quốc gia có chỉ số hạnh phúc và an toàn nhất thế giới.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin về quy định sử dụng súng trái phép theo pháp luật hiện hành. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Phổ biến pháp luậtHỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.391
0 Bình luận
Sắp xếp theo