Quyết định số 137/2009/QĐ-TTG

Tải về

Quyết định số 137/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 137/2009/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống
tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng
-------------------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;

Xét đề nghị của Tổng Thanh tra,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều vụ việc tham nhũng, trong đó có những vụ việc lớn, phức tạp đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, qua đó góp phần quan trọng xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng ở một số nơi vẫn diễn ra phức tạp, thể hiện qua các hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, số lượng tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát và số đối tượng vi phạm pháp luật về chống tham nhũng, gây bức xúc đối với nhân dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đánh giá: tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng, loại trừ tham nhũng; đặc biệt là ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua, trong đó quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Ngay sau khi có Luật này, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt nội dung của Luật, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiến hành kế hoạch quán triệt, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời ban hành nhiều chỉ thị nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng. Do có những nỗ lực đó cho nên công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù đã đạt được kết quả trên, song qua theo dõi thực tế cũng cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phát huy vai trò của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiểu biết của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về hậu quả của tham nhũng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng còn chưa sâu; trách nhiệm của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng chưa cao. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành ở một số bộ, ngành, địa phương, song chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; nhiều nơi mới chỉ thực hiện trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chưa được tiến hành sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; chưa có ý thức tự giác, tự làm; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thời lượng tuyên truyền còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.

2. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng thì phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trước hết và chủ yếu là của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, phương châm thực hiện là vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Do vậy, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng trở thành một trong những giải pháp phòng ngừa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo về phòng, chống tham nhũng là vấn đề mới ở nước ta, chính vì lẽ đó mà thời gian qua việc giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở đào tạo, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung phòng, chống tham nhũng chưa được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng để giảng dạy, học tập thường xuyên trong các nhà trường. ở các trường đại học chuyên ngành về Luật và các trường cán bộ quản lý, mặc dù có đưa vấn đề này vào chương trình đào tạo, song nội dung còn đơn giản và thường chỉ được lồng ghép ở một phần nhỏ trong các môn học chính khóa khác. Hơn thế, việc tổ chức giảng dạy, học tập cũng chưa được chú trọng, còn thiếu bài bản và hệ thống. Do vậy, nhận thức của sinh viên, học viên và thậm chí của cả đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn rất hạn chế.

3. Nghiên cứu công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo của một số quốc gia cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giáo dục trong các nhà trường, như: Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore v.v... Qua giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đấu tranh chống tệ nạn này, nhất là trong việc phòng ngừa các hành vi tham nhũng. Điểm đáng chú ý là mặc dù đều đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào nhà trường, song đối tượng, phương pháp, cách thức giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo ở các quốc gia rất khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, pháp lý và trình độ nhận thức của đối tượng được giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo ở mỗi nước. Tại Trung Quốc, phương pháp giáo dục học sinh trong nhiều nhà trường là chương trình có những tiết học về các vụ án quan chức tham nhũng, song ấn phẩm dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở lại tập trung vào khía cạnh tích cực, nói về văn hóa truyền thống, tính cách và các tiêu chuẩn đối với học sinh; quá trình học tập, giáo viên cùng học sinh thảo luận về nạn tham nhũng tồn tại trong xã hội v.v... Đây chính là những vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu sáng tạo, phù hợp vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Xuất phát từ tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã yêu cầu “đưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng... vào chương trình giáo dục”, xác định đây là nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng. Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Hành chính quốc gia (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và các cơ quan chức năng liên quan triển khai việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Từ những vấn đề trên cho thấy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” nhằm xây dựng đạo đức xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh về phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là hết sức cần thiết.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

- Việc thực hiện Đề án “đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan Nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng;

- Phấn đấu đến hết năm 2011 thực hiện xong việc đưa nội dung về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Trung học phổ thông; trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; trường thuộc lực lượng vũ trang.

2. Yêu cầu

- Xây dựng nội dung cơ bản của chương trình, tài liệu giảng dạy về phòng, chống tham nhũng cho các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Trung học phổ thông, trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; trường thuộc lực lượng vũ trang;

- Việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phải khẩn trương, song đảm bảo về chất lượng, phù hợp với từng đối tượng; quá trình thực hiện phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm thông qua việc thực hiện thí điểm giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo về nội dung phòng, chống tham nhũng;

- Chương trình, nội dung giáo dục phải gắn với tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, bảo đảm việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng những vấn đề lý luận phù hợp, chú trọng việc thực hành kiến thức, kỹ năng được giảng dạy trong các nhà trường;

- Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng phải gắn với việc nâng cao đạo đức xã hội; tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng.

3. Phạm vi

Đề án “đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” được thực hiện đối với trường học và cơ sở giáo dục, đào tạo như sau:

- Các trường Trung học phổ thông;

- Các Đại học, Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề (gọi chung và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp);

- Các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan Nhà nước; trường thuộc lực lượng vũ trang, thuộc tổ chức chính trị - xã hội.

Riêng đối với các đối tượng là cán bộ, công chức thì nội dung phòng, chống tham nhũng chỉ đưa vào các lớp thuộc chương trình bồi dưỡng chính trị, quản lý Nhà nước đối với chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và ngạch tương đương.

Đánh giá bài viết
1 339
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm