Quyết định 1893/QĐ-TTg 2019 Chương trình phát triển y dược cổ truyền

Quyết định số 1893/QĐ-TTg

Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 1893/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền – phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 90% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

-------------

Số: 1893/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030

-------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Y dược cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

b) Phát triển nền y dược cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam.

c) Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh.

d) Phát triển toàn diện y dược cổ truyền trong tất cả các khâu: tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu, áp dụng vào phòng bệnh và khám chữa bệnh, nuôi trồng dược liệu, bảo tồn các cây con làm thuốc quý hiếm, sản xuất thuốc.

đ) Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiên đai.

2. Mục tiêu

Phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể:

a) Phát triển toàn diện y dược cổ truyền

- Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Đến năm 2025: 95% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 90% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Đến năm 2030: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến; đến năm 2025: tuyến trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 30%; đến năm 2030: tuyến trung ương đạt 20%; tuyến tỉnh đạt 25%; tuyến huyện đạt 30% và tuyến xã đạt 40%.

- Tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị.

- Tăng tỉ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO); giảm dần tỉ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

b) Kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại

- Đến năm 2025: 100% bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền, bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y học hiện đại; 100% cán bộ được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh; 10% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền tuyến tỉnh trở lên được đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất chế phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

- Đến năm 2030: 15% Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng được đầu tư trang thiết bị bào chế, sản xuất các dạng bào chế hiện đại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả; 100% bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về y học hiện đại; xây dựng, chuẩn hóa tài liệu đào tạo, tài liệu chuyên môn về kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại dùng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh, số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lồng ghép giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền.

b) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về y dược cổ truyền, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

- Phát hiện, chứng minh khoa học và thương mại hóa thuốc/bài thuốc cổ truyền; khuyến khích sử dụng thuốc/bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu được nuôi trồng trong nước trong khám chữa bệnh;

- Nghiên cứu về tính vị và tác dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y học cổ truyền và y học hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh;

- Nghiên cứu lựa chọn về các bài thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y dược cổ truyền và y dược hiện đại có tác dụng trong điều trị một số chứng bệnh, bệnh;

- Nghiên cứu chứng minh các phương thức chẩn trị và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc an toàn, hiệu quả;

- Nghiên cứu tuyển chọn tạo các chế phẩm thuốc cổ truyền có hiệu quả tốt, an toàn, có ưu thế hơn thuốc hóa dược và có giá trị kinh tế cao;

- Nghiên cứu khoa học chứng minh an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc cổ truyền kết hợp với thuốc hóa dược theo giai đoạn bệnh;

- Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán bệnh nhăm xây dựng bộ tiêu chí chân đoán bệnh, thể bệnh theo y học cổ truyền;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để bào chế các bài thuốc y học cổ truyền dưới dạng bào chế hiện đại.

c) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, chú trọng “Nghiên cứu xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn năng lực bậc đại học cho ngành y dược cổ truyền”.

d) Tiếp tục thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị các bệnh viện y dược cổ truyền theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phát triển y tế cơ sở thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền.

đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh y dược cổ truyền và hoạt động mua bán, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

e) Phát huy vai trò các hiệp hội, hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền trong việc tham gia ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền, phát triển dược liệu, thương mại hóa sản phẩm, thuốc cổ truyền.

g) Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền; về các thành tựu của y dược cổ truyền, tổ chức các hoạt động tôn vinh danh y, thầy thuốc y dược cổ truyền; tăng cường công tác quản lý thông tin, tuyên truyền, quảng cáo về y dược cổ truyền.

h) Hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về y dược cổ truyền, tập trung hợp tác trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và học tập kinh nghiệm các nước có nền y dược cổ truyền phát triển.

4. Kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí thực hiện Chương trình được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Khuyến khích việc xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Y tế

- Tổ chức thực hiện Chương trình; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Chương trình trước ngày 30 tháng 11 hằng năm; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình vào năm 2025 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

- Căn cứ Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược và các luật liên quan, nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định về y dược cổ truyền, trong đó quy định các cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển y dược cổ truyền; nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng Dự án Luật Y dược cổ truyền.

- Tổ chức xây dựng các đề án, thực hiện các nhiệm vụ tại Danh mục các đề án, nhiệm vụ ưu tiên ban hành kèm theo Quyết định này.

- Chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển y dược cổ truyền; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình.

b) Bộ Tài chính: Bố trí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy trình trong nuôi trồng dược liệu, công nhận giống dược liệu.

- Phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo phát triển nuôi trồng các loại dược liệu, chú trọng các loại dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao.

d) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trong việc đổi mới mô hình đào tạo y, dược cổ truyền.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng ban hành chuẩn chương trình đào tạo bậc đại học ngành y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

đ) Bộ Công Thương

Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối các sản phẩm của y dược cổ truyền; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại các sản phẩm y dược cổ truyền.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện việc bảo vệ, khai thác, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen dược liệu.

g) Bộ Khoa học và Công nghệ

- Chỉ đạo tăng cường nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền; ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về lĩnh vực y dược cổ truyền.

- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến các bài thuốc y học cổ truyền, các phương pháp khám và điều trị bằng y học cổ truyền.

h) Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí: Tăng cường thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thông tin, quảng cáo về y dược cổ truyền, xử lý nghiêm các vi phạm.

i) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương, bố trí ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tinh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục: NN, CN, KTTH, QHQT, QHĐP, PL, TCCV, KSTT;

- Lưu: VT, KGVX (2b)

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Vũ Đức Đam

Phụ lục

DANH MỤC, CÁC ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN

(Kèm theo Quyết định số 1893 /QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

--------------

TT

Tên nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Cấp phê duyệt

Thời

gian

hoàn

thành

1

Đề xuất về Nghị định về y dược cổ truyền

Bộ Y tế

Bộ Tư pháp

Chính phủ

2021

2

Nghiên cứu xây dựng đề xuất về Luật Y dược cổ truyền

Bộ Y tế

Bộ Tư pháp

Chính phủ

2024

3

Đề án đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

Bộ Y tế

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Y tế

2021

4

Đề án sửa đổi, bổ sung chương trình đào cho bác sĩ y học cổ truyền và bác sĩ đa khoa ở bậc đại học và sau đại học

Bộ Y tế

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Y tế

2021

5

Đề án sưu tầm, hiệu đính, chú giải một số tác phẩm lớn về y, dược cổ truyền của các tác giả lớn Việt Nam

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan

Bộ Y tế

Hàng

năm

6

Đề án nghiên cứu về tính vị và tác

dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế

7

Đề án kế thừa, phát triển kinh nghiệm khám chữa bệnh của các danh y và các phương pháp chữa bệnh dân gian bằng y học cổ truyền.

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế

2021

8

Phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Y dược cổ truyền (Mỗi năm phê duyệt và triển khai ít nhất 05 đề tài/nhiệm vụ KHCN)

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế

và các bộ, ngành có liên quan

Bộ Khoa học và Công nghệ

Hàng

năm

9

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về y học cổ truyền: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; phác đồ điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế

Hàng

năm

10

Đề án đánh giá năng lực của bác sĩ y học cổ truyền sau khi tốt nghiệp và nhu cầu của nhà tuyển dụng

Bộ Y tế

Bộ Y tế

2022

11

Đề án xây dựng, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế

Hàng

năm

12

Đề án nghiên cứu thành tập trung tâm bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền tại các vùng miền, địa phương để kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền đặc thù cho các vùng miền, địa phương; trung tâm thương mại y dược cổ truyền tại các miền: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên

Bộ Y tế

UBND các tỉnh

Bộ Y tế

2025

13

Đề án đánh giá thực trạng đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn dược liệu trong nước

Bộ Y tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Y tế

2022

14

Đề án phổ cập phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở

Bộ Y tế

Bộ Y tế

2020

15

Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về y dược cổ truyền

Bộ Y tế

Bộ Nội vụ

Bộ Y tế

2022

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Y tế sức khỏe được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 74
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi