Quyết định 1462/QĐ-BYT Kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế 2021-2023
Quyết định số 1462/QĐ-BYT 2021
Quyết định 1462/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2023.
Ngày 05/03/2021, Bộ Y tế ra Quyết định 1462/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2023.
Cụ thể, mục tiêu của Kế hoạch như sau: năm 2021, ít nhất 90% nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại 24 tỉnh, thành phố được tiêm vắc xin cúm mùa; năm 2022, triển khai tại 30 tỉnh, thành phố; năm 2023, đạt tỷ lệ tối thiểu 90% nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại 24 tỉnh, thành phố được tiêm vắc xin cúm mùa tại 35 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, tổng số vắc xin dự kiến khoảng 617.200 liều, trong đó: năm 2021 sử dụng khoảng 136.000 liều do PIVI hỗ trợ; năm 2022 sử dụng khoảng 215.900 liều, năm 2023 khoảng 265.300 liều, một phần do PIVI hỗ trợ, một phần do Việt Nam chi trả.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nội dung Quyết định 1462 2021 BYT
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1462/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SỬ DỤNG VẮC XIN CÚM MÙA CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2023.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2023”.
Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị tổ chức thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông(Bà): Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng các Cục: Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Dược; Viện trưởng các Viện: Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia và khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tại Điều 1 và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
SỬ DỤNG VẮC XIN CÚM MÙA CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2023
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1462/QĐ-BYT ngày 05 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Đặc điểm của bệnh cúm mùa và các biện pháp dự phòng
- Cúm mùa là bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính do nhiễm vi rút với biểu hiện như sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 - 30% trẻ em và 5 - 10% người lớn mắc bệnh cúm; trung bình các vụ dịch cúm gây bệnh cho khoảng 500 - 800 triệu người/năm, trong đó khoảng 5 triệu trường hợp bị bệnh cúm nặng và 290.000 - 650.000 trường hợp tử vong. Việt Nam là một trong những điểm nóng trong khu vực về bệnh cúm, bao gồm cả cúm mùa. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Một số đại dịch cúm đã từng xảy ra trong lịch sử loài người như đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919), đại dịch cúm châu Á (1957-1958), đại dịch cúm Hồng Kông (1968-1969). Do đặc tính biến đổi thường xuyên của vi rút cúm cùng với khả năng trao đổi các vật chất di truyền giữa các chủng cúm khác nhau như cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) có thể dẫn đến tạo ra chủng cúm mới có độc lực cao và khả năng lây lan mạnh. Không chỉ gây những ảnh hưởng nặng nề về tuổi thọ và sức khỏe của người mắc cúm, bệnh cúm gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế do chi phí chăm sóc y tế, nghỉ việc, nghỉ học và gây xáo trộn xã hội.
- Sử dụng vắc xin cúm mùa là biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc dự phòng tích cực và chủ động các bệnh dịch, trong đó có bệnh cúm và nhiều lợi ích, hiệu quả đầu tư kinh tế, phát triển và bảo vệ sức khỏe giống nòi... Trong hơn 60 năm qua, nhiều loại vắc xin cúm đã được sử dụng. Các loại vắc xin cúm mùa sử dụng hiện nay là vắc xin tam liên. Vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin là tương đối cao 70-90%. Ở những người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Việc sử dụng vắc xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già, giảm 85% nguy cơ bị hội chứng cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.
- Nhóm nhân viên y tế (NVYT) là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh cúm và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị. Việc bác sỹ nghỉ làm do bị mắc bệnh gây nên gánh nặng về kinh tế do phải chi phí điều trị, chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh, trong khi đó nếu họ đi làm khi đang mắc bệnh cúm chính là nguồn lây nhiễm vi rút cúm tới các bệnh nhân khác đang được điều trị tại các cơ sở y tế nơi họ làm việc. Tuy nhiên việc tiêm vắc xin cúm mùa ở NVYT vẫn gặp phải những khó khăn do nhận thức rằng bệnh cúm không phải là bệnh nguy hiểm đối với những người lao động trưởng thành, khỏe mạnh cũng như quan niệm sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin cúm mùa của chính các NVYT.
2. Việc sử dụng vắc xin cúm mùa tại Việt Nam
Hiện nay tại Việt Nam vắc xin cúm mùa chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ, bao gồm các vắc xin nhập khẩu được cấp phép lưu hành tại Việt Nam như Vaxigrip (Sanofi Pasteur), Influvac (Abbott) và GC Flu (Green Cross). Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, khoảng 600.000 liều vắc xin được sử dụng, số vắc xin cúm trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh, với khoảng 2 triệu liều được sử dụng (2019-2020). Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin cúm mùa IVACFLU-S, đây là vắc xin cúm mùa bất hoạt tam liên (phòng 3 chủng cúm: A/H1N1, A/H3N2 và B). Vắc xin này đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2019. Theo nhà sản xuất, số lượng vắc xin cúm đã được sử dụng khoảng 130.000 liều/năm.
3. Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vắc xin cúm
- Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vắc xin cúm (PIVI) do Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu (TFGH) thiết lập với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh cúm và nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh bằng cách cung cấp vắc xin cúm miễn phí cho các quốc gia đối tác. PIVI bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và đã có 15 quốc gia tham gia với gần 4 triệu liều vắc xin cúm mùa được cung ứng.
- Năm 2017, với sự hỗ trợ của Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), đã hỗ trợ 11.000 liều vắc xin để triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho NVYT tại 29 cơ sở y tế công lập tại 4 tỉnh: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Năm 2019, Việt Nam đã tham gia là thành viên của PIVI và PIVI đã hỗ trợ 21.000 liều vắc xin Vaxigrip để triển khai tiêm cho 20.988/26.025 NVYT (hơn 80%) tại 153 cơ sở y tế tại 4 tỉnh Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Đắk Lắk. Việc triển khai kế hoạch này được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia của NVYT với số liều vắc xin sử dụng đạt tỷ lệ cao, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Năm 2020, với sự hỗ trợ 136.000 liều vắc xin của PIVI, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho NVYT tại 24 tỉnh, thành phố và loại vắc xin sử dụng cho kế hoạch này là IVACFLU-S do Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Theo chính sách của PIVI, PIVI cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cúm mùa cho NVYT trong vòng 05 năm kể từ năm 2019. Năm 2021, PIVI tiếp tục hỗ trợ 136.000 liều vắc xin để triển khai tiêm cho 24 tỉnh, thành phố. Năm 2022 - 2023 số liều vắc xin sẽ giảm dần và phần đối ứng của chính phủ Việt Nam sẽ tăng dần. Số lượng vắc xin và địa bàn triển khai sẽ được trao đổi cụ thể hàng năm.
- Việc tham gia PIVI và triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho đối tượng NVYT tại các cơ sở y tế với sự hỗ trợ của PIVI trong giai đoạn Việt Nam chưa đưa vắc xin cúm mùa sản xuất trong nước vào chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như chuẩn bị trong trường hợp cần ứng phó với đại dịch, đồng thời tranh thủ được nguồn hỗ trợ từ nước ngoài là rất cần thiết.
4. Căn cứ pháp lý
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc Hội.
- Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Thư ngày 22/5/2018 của Tổ chức Nhóm hành động về sức khỏe toàn cầu (TFGH) về việc hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
NVYT làm việc tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại một số tỉnh, thành phố được tiêm miễn phí vắc xin cúm mùa.
2. Mục tiêu cụ thể
- NVYT tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại 24 tỉnh, thành phố được tiêm vắc xin cúm mùa năm 2021, đạt tỷ lệ ≥ 90% (danh sách chi tiết tại Phụ lục 1).
- NVYT tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại 30 tỉnh, thành phố được tiêm vắc xin cúm mùa năm 2022, đạt tỷ lệ ≥ 90%.
- NVYT tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác tại 35 tỉnh, thành phố được tiêm vắc xin cúm mùa năm 2023, đạt tỷ lệ ≥ 90%
(Danh sách chi tiết các tỉnh, thành phố của năm 2022 và năm 2023 được xác định sau khi thực hiện xong năm 2021 và thống nhất với PIVI)
III. NỘI DUNG
1. Xác định loại vắc xin
- Thời gian triển khai: Năm 2021-2023.
- Đầu mối thực hiện: Cục Y tế dự phòng.
- Đơn vị phối hợp: USCDC, PIVI.
- Nội dung hoạt động:
+ Năm 2021: PIVI cung cấp vắc xin IVACFLU-S do Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
+ Năm 2022-2023: Cục Y tế dự phòng trao đổi tiếp với PIVI về loại vắc xin cung ứng cho Việt Nam.
2. Triển khai tiêm vắc xin cúm tại 24 tỉnh, thành phố năm 2021
2.1. Đối tượng và phạm vi triển khai
- Đối tượng: NVYT bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế khác đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế dự phòng và khám chữa bệnh, trừ NVYT đã tiêm vắc xin cúm mùa trong thời gian 01 tháng trước khi triển khai kế hoạch.
- Tiêu chí lựa chọn và phạm vi triển khai: 24 tỉnh, thành phố đã triển khai năm 2020 bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang.
Bảng 1. Phạm vi, số đối tượng tiêm vắc xin cúm năm 2021 (chi tiết tại phụ lục 1)
TT | Khu vực | Số tỉnh triển khai | Tổng số nhân viên y tế | |
1 | Miền Bắc | 9 | 75.893 | |
2 | Miền Trung | 5 | 30.980 | |
3 | Tây Nguyên | 3 | 16.560 | |
4 | Miền Nam | 7 | 44.663 | |
Cộng | 24 | 168.096 |
2.2. Điều tra, lập danh sách đối tượng
- Thời gian triển khai: Trước khi xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng tối thiểu 01 tháng
- Đầu mối thực hiện: Các cơ sở tiêm chủng
- Đơn vị phối hợp: TTYT quận/huyện, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (sau đây viết tắt là TTKSBT) 24 tỉnh, thành phố, Cục Y tế dự phòng.
- Nội dung triển khai:
+ TTKSBT 24 tỉnh, thành phố tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện việc rà soát và đăng ký tiêm chủng cho NVYT.
+ Cơ sở tiêm chủng tổng hợp danh sách cán bộ, NVYT đăng kí tiêm chủng vắc xin cúm mùa và thông báo số lượng nhân viên đăng ký tiêm cho TTYT quận, huyện.
+ TTYT quận, huyện tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng và số lượng NVYT đăng ký tiêm chủng trên địa bàn và thông báo cho TTKSBT.
+ TTKSBT 24 tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng và số lượng NVYT đăng ký tiêm chủng tại tỉnh, thành phố, thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Dự án TCMR Quốc gia, khu vực để được cung ứng vắc xin.
2.3. Xây dựng kế hoạch tiêm chủng:
- Thời gian triển khai: Quý II/2021.
- Đầu mối thực hiện: TTKSBT 24 tỉnh, thành phố.
- Đơn vị phối hợp: Cục Y tế dự phòng, các Viện VSDT, Viện Pasteur, Sở Y tế, Dự án TCMR Quốc gia, TTKSBT 24 tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế có thực hiện tiêm vắc xin cúm mùa.
- Nội dung triển khai:
TTKSBT tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tiêm chủng cụ thể của tỉnh, thành phố trình Sở Y tế phê duyệt trong Quý II/2021: hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai theo quy định.
2.4. Hướng dẫn triển khai kế hoạch
- Thời gian triển khai: Quý II/2021.
- Đầu mối thực hiện: Cục Y tế dự phòng
- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế, Dự án TCMR Quốc gia, các Viện VSDT, Viện Pasteur, TTKSBT 24 tỉnh, thành phố.
- Nội dung hoạt động:
+ Cục Y tế dự phòng tổ chức 03 hội thảo cho 4 khu vực để tổng kết kết quả tiêm vắc xin cúm mùa năm 2020 và hướng dẫn việc triển khai kế hoạch cho 24 tỉnh, thành phố năm 2021.
+ TTKSBT 24 tỉnh, thành phố hướng dẫn việc triển khai kế hoạch cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.
2.5. Truyền thông
- Thời gian triển khai: Quý II/2021
- Đầu mối thực hiện: Cục Y tế dự phòng.
- Đơn vị phối hợp: Các Viện VSDT, Viện Pasteur, Sở Y tế, TTKSBT 24 tỉnh, thành phố.
- Nội dung hoạt động:
+ TTKSBT 24 tỉnh, thành phố sử dụng các tài liệu truyền thông do Cục Y tế dự phòng cung cấp hoặc phối hợp với Cục Y tế dự phòng xây dựng thêm các tài liệu truyền thông (áp phích, tờ rơi, sổ tay, thông điệp truyền thông) về bệnh cúm và việc sử dụng vắc xin cúm mùa.
+ Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiến hành truyền thông về bệnh cúm và việc sử dụng vắc xin cúm tại các cơ sở y tế đã đăng ký tiêm.
+ Các cơ sở y tế thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của NVYT về bệnh cúm mùa và việc sử dụng vắc xin cúm tại đơn vị trước khi đăng ký và trong suốt quá trình triển khai tiêm chủng.
2.6. Tập huấn
- Thời gian triển khai: Quý II/2021
- Đầu mối thực hiện: TTKSBT 24 tỉnh, thành phố.
- Đơn vị phối hợp: Các Viện VSDT, Viện Pasteur, Sở Y tế.
- Nội dung hoạt động:
TTKSBT 24 tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn về tiêm chủng vắc xin cúm mùa cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế chưa triển khai tiêm chủng năm 2020.
2.7. Cung ứng vắc xin cúm mùa
- Thời gian: Quý III/2021
- Đầu mối thực hiện: Nhà sản xuất/nhà phân phối
- Đơn vị phối hợp: Cục Y tế dự phòng, PIVI, các Viện VSDT, Viện Pasteur, Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) khu vực, Sở Y tế, TTKSBT 24 tỉnh, thành phố, TTYT quận/huyện, cơ sở tiêm chủng.
- Nội dung hoạt động:
+ Nhà sản xuất/nhà phân phối thông báo kế hoạch cung ứng vắc xin cho Cục Y tế dự phòng, Dự án TCMR khu vực và PIVI.
+ Cục Y tế dự phòng thông báo số lượng vắc xin dự kiến cung ứng cho từng tỉnh, thành phố, Dự án TCMR khu vực và nhà sản xuất/nhà phân phối.
+ Nhà sản xuất/nhà phân phối giao vắc xin đến kho của Dự án TCMR khu vực theo số lượng do Cục Y tế dự phòng thông báo. Dự án TCMR khu vực bảo quản vắc xin tại kho của đơn vị mình và cấp phát vắc xin cho các TTKSBT tỉnh, thành phố trên địa bàn quản lý trước khi triển khai 01 tháng.
+ TTKSBT tỉnh, thành phố tiếp nhận và bảo quản vắc xin cúm mùa tại kho tỉnh, thực hiện việc cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận/huyện và các đơn vị tổ chức tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng 1 tuần.
* Việc giao nhận vắc xin tiến hành theo quy định và có biên bản giao nhận theo mẫu tại Phụ lục 2.
2.8. Tổ chức tiêm chủng
a) Hình thức tiêm chủng
Tổ chức theo từng đợt, triển khai cuốn chiếu tại các cơ sở thực hiện tiêm chủng, sử dụng hệ thống tiêm chủng sẵn có và trong thời gian ngắn nhất.
b) Cơ sở thực hiện tiêm chủng
Đối với các đơn vị được cấp giấy chứng nhận/tự công bố cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tiêm chủng TTKSBT tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, TTKSBT tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động theo quy định.
c) Tổ chức thực hiện:
- Thời gian triển khai: Quý III, IV/2021.
- Đầu mối thực hiện: Cơ sở tiêm chủng.
- Đơn vị phối hợp: Cục Y tế dự phòng, Dự án TCMR Quốc gia, TTKSBT 24 tỉnh, thành phố, TTYT quận, huyện, các cơ sở y tế thực hiện tiêm vắc xin cúm mùa.
- Nội dung triển khai:
+ Các đơn vị tổ chức tiêm chủng vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, Thông tư số 34/2018/TT-BYT và các hướng dẫn của Bộ Y tế. TTKSBT tỉnh, thành phố hỗ trợ các đơn vị tổ chức tiêm chủng vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả.
+ Trong trường hợp chưa sử dụng hết số vắc xin được cung cấp, Sở Y tế chỉ đạo TTKSBT tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch bổ sung tiêm vắc xin cho NVYT tại các cơ sở y tế khác để sử dụng hiệu quả vắc xin. Việc tiêm chủng cần hoàn thành trước tháng 12 năm 2021.
+ Trong trường hợp số lượng vắc xin được cung ứng thấp hơn nhu cầu thực tế. TTKSBT tỉnh, thành phố báo cáo Dự án TCMR khu vực để điều phối trong khu vực hoặc Cục Y tế dự phòng để được điều phối vắc xin giữa các khu vực.
....................................................
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Y tế sức khỏe được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Tải Quyết định 1462/QĐ-BYT .pdf
791,5 KB 06/03/2021 9:24:23 SA
Cơ quan ban hành: | Bộ Y tế | Người ký: | Đỗ Xuân Tuyên |
Số hiệu: | 1462/QĐ-BYT | Lĩnh vực: | Y tế |
Ngày ban hành: | 05/03/2021 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: |
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Bài liên quan
-
Mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án
-
Chứng chỉ chức danh giáo viên là gì? Thi ở đâu?
-
Đánh đập, hành hạ vật nuôi 2024 bị xử phạt thế nào?
-
Công văn số 492/UBND-KGVX về công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2021-2022 Hà Nội
-
Lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 TP HCM
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác