Nghị quyết 41-NQ/TW

Nghị quyết 41-NQ/TW - Bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành ngày 15/11/2004. Nghị quyết chỉ ra rằng bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại. Mời các bạn tham khảo.

BỘ CHÍNH TRỊ
******

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
********

SỐ 41-NQ/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2004

NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ SỐ 41-NQ/TW NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

I- TÌNH HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Những kết quả đó đã tạo tiền đề tốt cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động: đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số trong khi mật độ dân số đã quá cao, tình trạng đói nghèo chưa được khắc phục tại một số vùng nông thôn, miền núi, các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường trước những thách thức gay gắt.

Những yếu kém, khuyết điểm trong công tác bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa biến nhận thức, trách nhiệm thành hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành và từng người cho việc bảo vệ môi trường; chưa bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thường chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà ít quan tâm việc bảo vệ môi trường; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường của nhà nước, của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư rất hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; việc thi hành pháp luật chưa nghiêm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng thông qua đã khẳng định quan điểm phát triển đất nước là "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".

Để giải quyết các vấn đề về môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo quan điểm nêu trên, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đặc biệt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong toàn Đảng và toàn xã hội.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

A- QUAN ĐIỂM

1- Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

2- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

3- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.

4- Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.

5- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

B- MỤC TIÊU

1- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

2- Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

3- Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

C- NHIỆM VỤ

1- Các nhiệm vụ chung

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường

Bảo đảm yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các qui hoạch, dự án đầu tư; không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ việc gia tăng dân số cơ học, hình thành hệ thống các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực về dân số, giao thông, môi trường lên các thành phố lớn. Tập trung bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm; chủ động phòng tránh thiên tai; hạn chế và khắc phục xói lở ven biển và dọc các sông phù hợp với quy luật của tự nhiên; quan tâm bảo vệ môi trường biển.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn; chú trọng quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế, nghiên cứu khoa học. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Chú trọng bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Tích cực góp phần hạn chế tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu.

b) Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái

Ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái đã bị suy thoái nặng.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Từng bước khắc phục các khu vực bị nhiễm độc do hậu quả chất độc hoá học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

c) Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học

Chủ động tổ chức điều tra cơ bản để sớm có đánh giá toàn diện và cụ thể về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và về tính đa dạng sinh học ở nước ta.

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình, tập thể bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm hại của các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm.

Việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và phải gắn với bảo vệ môi trường trước mắt và lâu dài.

Thuộc tính văn bản: Nghị quyết 41-NQ/TW

Số hiệu41-NQ/TW
Loại văn bảnNghị quyết
Lĩnh vực, ngànhTài nguyên - Môi trường
Nơi ban hànhBộ Chính trị
Người kýNông Đức Mạnh
Ngày ban hành15/11/2004
Ngày hiệu lực15/11/2004
Đánh giá bài viết
1 277
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi