Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP

Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------

Số:03/2012/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ NHẤT “NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định chung nhằm bảo đảm thi hành đúng và thống nhất Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS.

Điều 2. Về nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các vụ việc dân sự

1. Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Chương III Phần thứ nhất của BLTTDS, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tố tụng dân sự được thực hiện như sau:

a) Tòa dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại các điều 25, 26, 27 và 28 của BLTTDS;

b) Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận;

c) Toà lao động có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về lao động quy định tại Điều 31 và Điều 32 của BLTTDS;

d) Trong trường hợp căn cứ vào hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà khó xác định được tranh chấp hoặc yêu cầu đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách nào, thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân công cho một Toà chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách khác, thì Toà chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung, nhưng cần ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định theo đúng hướng dẫn tạiĐiều 3 của Nghị quyết này.

2. Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ việc tương ứng được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

Điều 3. Về cách ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định dân sự

Ngoài việc ghi số và năm ban hành bản án, quyết định thì ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được ghi như sau:

1. Đối với bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về dân sự

a) Về việc ghi ký hiệu:

- Đối với bản án sơ thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-ST

Ví dụ: Số: 20/2013/DS-ST

- Đối với bản án phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-PT

Ví dụ: Số: 10/2013/DS-PT

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-GĐT

Ví dụ: Số: 05/2013/DS-GĐT

- Đối với quyết định tái thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-TT

Ví dụ: Số: 01/2013/DS-TT

b) Về việc ghi trích yếu:

- Cần xác định tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 25 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của bản án, quyết định.

Ví dụ: Tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 25 của BLTTDS thì ghi: “V/v tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam”.

- Trong trường hợp tại khoản tương ứng của Điều 25 của BLTTDS quy định nhóm tranh chấp thì cần ghi cụ thể tranh chấp được giải quyết.

Ví dụ: Tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết là tranh chấp về hợp đồng dân sự được quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 25 của BLTTDS, thì cần ghi cụ thể tranh chấp về hợp đồng dân sự gì; nếu là hợp đồng thuê nhà ở thì ghi: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự thuê nhà ở”; nếu là hợp đồng vận chuyển hành khách thì ghi: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự vận chuyển hành khách”.

2. Đối với quyết định giải quyết việc dân sự

a) Về việc ghi ký hiệu:

- Đối với quyết định sơ thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-ST

Ví dụ: Số: 01/2013/QĐDS-ST

- Đối với quyết định phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-PT

Ví dụ: Số: 10/2013/QĐDS-PT

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-GĐT

Ví dụ: Số: 15/2013/QĐDS-GĐT

- Đối với quyết định tái thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-TT

Ví dụ: Số: 10/2013/QĐDS-TT.

b) Về việc ghi trích yếu:

Cần xác định yêu cầu cụ thể mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 26 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của quyết định.

Ví dụ: Yêu cầu mà Tòa án thụ lý giải quyết là yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 26 của BLTTDS, thì ghi: “V/v yêu cầu tuyên bố một người mất tích”.

3. Đối với bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, thì việc ghi ký hiệu và trích yếu được thực hiện tương tự như việc ghi ký hiệu và trích yếu đối với bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về dân sự, nhưng thay ký hiệu “DS” bằng ký hiệu tranh chấp hoặc yêu cầu tương ứng: “HNGĐ”; “KDTM”; “LĐ”.

Ví dụ:

- Đối với bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại thì ghi: Số: 09/2013/KDTM-ST.

- Đối với quyết định sơ thẩm giải quyết yêu cầu về lao động thì ghi: Số: 10/2013/QĐLĐ-ST.

Điều 4. Về quy định tại khoản 9 Điều 25 và khoản 6 Điều 26 của BLTTDS

1. Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng tranh chấp với nhau về việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 9 Điều 25 của BLTTDS.

2. Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật và cùng có yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 6 Điều 26 của BLTTDS.

Điều 5. Về quy định tại khoản 10 Điều 25 và khoản 7 Điều 26 của BLTTDS

1. Đối với tài sản bị cưỡng chế để thi hành án nhưng có tranh chấp về quyền sở hữu thì đương sự, người có tranh chấp (quy định tại Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự) có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án quy định tại khoản 10 Điều 25 BLTTDS để yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu, phân chia tài sản chung.

Ví dụ 1: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng. Do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án thông báo cho A về việc cưỡng chế quyền sử dụng đất là tài sản của A. C và D cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của A, C và D nên khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của C và D trong khối tài sản chung của A, C và D. Trong trường hợp này Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự và khoản 10 Điều 25 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng. Do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án đã cưỡng chế quyền sử dụng đất mang tên A để thi hành án. C cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của mình nhờ A đứng tên hộ nên khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trường hợp này, Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự, khoản 10 Điều 25 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

2. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự) thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của BLTTDS, cụ thể như sau:

a) Có căn cứ cho rằng đó là tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án để bảo đảm thi hành án;

b) Có căn cứ cho rằng đó là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án;

c) Có căn cứ cho rằng quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, thì yêu cầu xác định quyền sử dụng đất của người đó để bảo đảm thi hành án;

d) Có căn cứ cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Ví dụ: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng nhưng do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án thông báo cho A về việc cưỡng chế quyền sử dụng đất là tài sản của A nhưng A cho rằng quyền sử dụng đất này là tài sản chung của A và C. Do A và C không tự phân chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và không khởi kiện. Trường hợp này, nếu B yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự và khoản 7 Điều 26 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 6. Về quy định tại Điều 29 của BLTTDS

1. Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

a) Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (theo Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác của về đăng ký kinh doanh);

b) Doanh nghiệp(theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp);

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã);

d) Cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

2. Mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.

3. Hoạt động kinh doanh, thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại. Hoạt động kinh doanh, thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh, thương mại mà còn bao gồm cả các hoạt động khác phục vụ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thương mại.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn A được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Hoạt động của Công ty A không chỉ giới hạn ở việc may sản phẩm là hàng dệt may để phục vụ thị trường mà còn bao gồm cả hành vi mua nguyên vật liệu về để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thuê xe ô tô để đưa công nhân đi làm, đi nghỉ hàng năm theo chế độ hoặc mua một số ti vi để cho công nhân giải trí sau giờ làm việc,...

4. Đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 29 của BLTTDS thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại; nếu chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận, thì tranh chấp đó là tranh chấp về dân sự quy định tại khoản 4 Điều 25 của BLTTDS.

5. Về các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS cần phân biệt như sau:

a) Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

b) Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Đánh giá bài viết
5 4.051
0 Bình luận
Sắp xếp theo