Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ

Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

CHÍNH PHỦ
------------------

Số: 34/2010/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ
_________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính);

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ;

b) Các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

d) Các hành vi vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

đ) Các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ;

e) Các hành vi vi phạm khác liên quan đến giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.

2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo).

2. Các loại xe tương tự ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát xi.

3. Các loại xe tương tự mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân tối đa là 400 kg.

4. Xe máy điện là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h.

5. Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (bao gồm cả xe đạp điện).

6. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 50 km/h, trừ các xe quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Thời gian sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm là khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.

Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi là Nghị định số 128/2008/NĐ-CP).

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải do người có thẩm quyền được quy định tại các Điều 47, 48, 49 và Điều 50 của Nghị định này tiến hành.

3. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Đánh giá bài viết
4 6.301
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi