Nghị định 96/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm lĩnh vực bảo vệ biên giới quốc gia

Tải về

Nghị định 96/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Dẫn dắt người khác vào biên giới trái phép bị phạt đến 03 triệu đồng

Đây là nội dung mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ngày 24/8/2020.
Cụ thể, phạt tiền từ 02-03 triệu đồng với những hành vi như: Dẫn dắt, tạo điều kiện cho người, phương tiện vào hoạt động trái phép trong khu vực biên giới đất liền; Đi lại quá phạm vi quy định trong khu vực biên giới đất liền, trừ trường hợp là cư dân biên giới; Quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện trong vùng cấm.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 03-05 triệu đồng nếu thực hiện một trong những hành vi sau: Cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép của cơ quan Công an có thẩm quyền; Cư dân biên giới qua biên giới làm ruộng, rẫy; Sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới của người khác để qua lại biên giới; Cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới.

Đặc biệt, phạt từ 20-30 triệu đồng, trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vận chuyển thi hài, hài cốt, xác động vật trái phép qua biên giới.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2020.

Nội dung Nghị định 96 2020

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 96/2020/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

_______________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

2. Các hành vi vi phạm hành chính xảy ra ở khu vực biên giới không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

b) Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;

d) Tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập;

đ) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

3. Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng;

c) Trục xuất.

3. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

e) Buộc rời khỏi khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu;

g) Buộc tiêu hủy giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới hết giá trị sử dụng;

h) Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định;

i) Buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu đối với mốc quốc giới, cọc dấu, điểm cơ sở, bia chủ quyền, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới, biển báo trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng;

k) Buộc lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan;

l) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ, giấy phép xuống tàu;

m) Tạm dừng thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với phương tiện Việt Nam, tạm dừng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh đối với phương tiện nước ngoài.

4. Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung.

Điều 4. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5, điểm a khoản 7 Điều 6; điểm a khoản 5 Điều 7; điểm b khoản 8 Điều 8; điểm d khoản 2 Điều 9; Điều 11 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Chương II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới;

b) Đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;

b) Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;

c) Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

d) Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, giấy phép xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1; điểm c, điểm d khoản 2 Điều này;

c) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

4 Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phân công trình không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng không đúng với giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 6. Hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

b) Tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực biên giới đất liền không đúng quy định;

c) Không thông báo, khai báo, đăng ký hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, lưu trú, tạm trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cư dân biên giới sử dụng giấy tờ xuất, nhập cảnh biên giới hết giá trị để qua lại biên giới;

b) Cư dân biên giới đi quá phạm vi quy định khi được phép qua lại biên giới;

c) Cung cấp thông tin không đúng sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới;

d) Người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế), vành đai biên giới không có giấy tờ theo quy định;

đ) Người nước ngoài vào vành đai biên giới không trình báo với đồn Biên phòng sở tại;

e) Cư dân biên giới chăn thả gia súc, gia cầm qua biên giới.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cư dân biên giới cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới;

b) Canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới;

c) Vi phạm quy tắc hoạt động của tàu thuyền trên sông, suối biên giới;

d) Không trình báo với đồn Biên phòng hoặc Công an cấp xã sở tại về mục đích, thời gian, danh sách người, số lượng phương tiện, nội dung và phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới;

đ) Ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong vùng cấm.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền nhưng không cử người đi cùng, không thông báo với Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến;

b) Không chấp hành quyết định tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới của người có thẩm quyền;

c) Dẫn dắt, tạo điều kiện cho người, phương tiện vào hoạt động trái phép trong khu vực biên giới đất liền;

d) Đi lại quá phạm vi quy định trong khu vực biên giới đất liền, trừ trường hợp là cư dân biên giới;

đ) Quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện trong vùng cấm.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép của cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Cư dân biên giới qua biên giới làm ruộng, rẫy;

c) Cư dân biên giới qua lại biên giới không có giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới theo quy định của pháp luật;

d) Cư dân biên giới qua lại biên giới không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại của cư dân biên giới;

đ) Sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới của người khác để qua lại biên giới;

e) Cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Đốt cây khai hoang trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền;

b) Xâm cư ở khu vực biên giới đất liền;

c) Sử dụng vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ trái phép trong vành đai biên giới nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cơ quan, tổ chức hoạt động trong vành đai biên giới không thông báo cho đồn Biên phòng sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động;

b) Vào vành đai biên giới không có giấy tờ theo quy định và không trình báo cho đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại, trừ cư dân biên giới;

c) Đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng vật gây nổ, chất có độc, xung điện trên sông suối, trong lòng đất khu vực biên giới.

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển thi hài, hài cốt, xác động vật trái phép qua biên giới.

9. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Chôn thi hài, hài cốt, xác động vật, dịch chuyển mồ mả trong vành đai biên giới;

b) Nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền.

10. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Bắn, phóng, thả, điều khiển các phương tiện bay trong khu vực biên giới hoặc qua biên giới;

b) Khai thác khoáng sản trong phạm vi 500 mét tính từ đường biên giới trên đất liền;

c) Lắp đặt các thiết bị lưu giữ hóa chất nguy hiểm và xây dựng nơi xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3; điểm đ khoản 4; khoản 6; điểm c khoản 7; điểm b khoản 9; khoản 10 Điều này;

b) Tịch thu giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới quy định tại điểm a, điểm c khoản 2; điểm a khoản 3; điểm đ, điểm e khoản 5 Điều này;

c) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1; điểm d, điểm đ khoản 2; điểm c, điểm đ khoản 3; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 4; điểm b khoản 6; điểm b khoản 7; khoản 8; điểm a khoản 9; khoản 10 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc rời khỏi khu vực biên giới đất liền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1; điểm d, điểm đ khoản 2; điểm d, điểm đ khoản 3; điểm b, điểm d khoản 4; điểm a khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không có giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6; điểm c khoản 10 Điều này;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8; điểm a khoản 9 Điều này;

d) Buộc tiêu huỷ hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm có nội dung độc hại, buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 7; khoản 8; điểm a khoản 9; điểm c khoản 10 Điều này;

đ) Buộc tiêu hủy giấy tờ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 7. Hành vi vi phạm quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Điều khiển phương tiện ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu không có giấy tờ về phương tiện hoặc sử dụng giấy tờ về phương tiện không đúng quy định của pháp luật hoặc không đúng với mục đích hoạt động tại cửa khẩu biên giới đất liền;

b) Điều khiển phương tiện vận tải liên vận xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đất liền không có phù hiệu gắn trên phương tiện, không có giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ hết giá trị đối với một trong các loại giấy tờ theo quy định của Hiệp định vận tải đường bộ mà Việt Nam đã ký kết với các nước có chung đường biên giới và quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Đưa đón người, chuyên chở, xếp dỡ hàng hoá tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền không đúng địa điểm quy định, đi vào khu vực cấm.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3 .000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hoặc cản trở việc kiểm tra, kiểm soát, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc hoạt động không đúng lĩnh vực ghi trong giấy phép;

b) Cản trở các hoạt động lưu thông hợp pháp tại khu vực cửa khẩu;

c) Gây mất an ninh, trật tự hoặc lôi kéo, kích động, xúi giục, giúp người khác gây mất an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền;

d) Không chấp hành quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền của người có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế để hành khách du lịch nước ngoài đưa phương tiện cơ giới vào tham gia giao thông không đúng quy định;

b) Hành khách du lịch nước ngoài được phép đưa phương tiện cơ giới vào tham gia giao thông tại Việt Nam nhưng điều khiển phương tiện cơ giới đi quá phạm vi hoặc thời gian cho phép.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đổ, xả, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đá hoặc các vật khác vào Quốc môn, các công trình khác thuộc khu vực Quốc môn.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; điểm a, điểm c khoản 2; khoản 4; điểm b khoản 5; khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới đất liền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; điểm a khoản 2; điểm b khoản 5; khoản 6 Điều này;

b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, khôi phục cảnh quan khu vực cửa khẩu đối với hành vi vi phạm tại khoản 6 Điều này;

c) Tạm dừng thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với phương tiện Việt Nam, tạm dừng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh đối với phương tiện nước ngoài đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 8. Hành vi vi phạm về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới biển, khu vực hạn chế hoạt động nằm trong khu vực biên giới biển không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

b) Tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực biên giới biển không đúng quy định;

c) Không khai báo hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, tạm trú, lưu trú trái phép trong khu vực biên giới biển.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Người nước ngoài vào khu vực biên giới biển (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) không có giấy tờ theo quy định;

b) Ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong khu vực hạn chế hoạt động;

c) Sau 24 giờ không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công an cấp xã, đồn Biên phòng sở tại về họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu, ngày kết thúc làm việc, nội dung công việc, nơi làm việc, tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước ngoài làm việc khi sử dụng người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế trong khu vực biên giới biên hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển;

d) Quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện ở khu vực có biển cấm nằm trong khu vực biên giới biển.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển có một trong những hành vi sau:

a) Điều khiển tàu thuyền, phương tiện đường thủy nội địa không có biển số đăng ký hoặc tạo số đăng ký không đúng quy định;

b) Không mang theo các loại giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực) sau: Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu thuyền theo quy định; danh sách thuyền viên hoặc sổ danh bạ thuyền viên (đối với tàu cá), hoặc chứng chỉ thuyền viên; giấy chứng nhận bảo hiểm thuyền viên; giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; giấy tờ liên quan đến hàng hoá trên tàu thuyền; sổ nhật ký hành trình.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển không đúng mục đích.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với phương tiện trong các trường hợp pháp luật quy định; không chấp hành các quyết định theo thủ tục hành chính.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Đưa phương tiện đường bộ vào khu vực biên giới biển (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường từ 10 ngày trở lên mà không thông báo bằng văn bản cho Bộ đội Biên phòng sở tại về số lượng người, phương tiện, biển kiểm soát, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động;

b) Người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phù hợp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện hàng không khi tiến hành hoạt động hàng không dân dụng, kinh tế, thương mại, du lịch, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường trong khu vực biên giới biển không thực hiện đúng quy định pháp luật về hàng không Việt Nam và quy định về quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không sử dụng các biện pháp ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại khi vận chuyển, bốc, dỡ các loại hàng hóa, thiết bị có khả năng gây hại đối với tài nguyên, sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường biển trong vùng nước nội thủy, lãnh hải;

b) Sử dụng vật liệu nổ không có kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có kế hoạch nhưng không thông báo cho Ủy ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh sở tại theo quy định;

c) Thăm dò, khai thác hải sản, nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên do các bộ, ngành chủ quản cấp phép nhưng không thông báo cho Ủy ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh sở tại;

d) Khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật, cổ vật trong vùng nước nội thủy, lãnh hải khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

9. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu thiết bị, công trình trên biển hoặc không đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải và cảnh báo nguy hiểm thích hợp đối với thiết bị, công trình trong vùng nước nội thủy, lãnh hải.

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không tháo dỡ thiết bị, công trình trên biển khi hết hạn sử dụng;

b) Tàu thuyền nước ngoài đi vào nội thủy Việt Nam không xin phép cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

11. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Sử dụng thiết bị thu phát vô tuyến điện ở khu vực hạn chế hoạt động, vùng cấm nằm trong khu vực biên giới biển;

b) Bắn, phóng, thả, điều khiển các phương tiện, vật thể gây hại cho an ninh, trật tự, kinh tế, an toàn, an ninh hàng hải;

c) Sử dụng phương tiện đường thủy cập mạn tàu thuyền nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền trong vùng nước nội thủy, lãnh hải.

12. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2; điểm d khoản 8; điểm a, điểm b khoản 11 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2; điểm a khoản 3; khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép vận tải, kinh doanh, xây dựng, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường, khai thác hải sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 6; điểm c khoản 8 Điều này;

d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1; điểm a, điểm d khoản 2; khoản 7; điểm b khoản 10; khoản 11 Điều này.

13. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc rời khỏi khu vực biên giới biển đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2; khoản 5; điểm a khoản 6; điểm b khoản 10; điểm a, điểm b khoản 11 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ thiết bị, công trình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 10 Điều này.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đển 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Thuyền viên nước ngoài khi đi bờ không xuất trình giấy phép đi bờ, giấy phép cấp cho thuyền viên nước ngoài nghỉ qua đêm trên bờ; đi bờ quá thời gian quy định ghi trong giấy phép đi bờ;

b) Người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam không xuất trình giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp khi xuống tàu hoặc không chấp hành các quy định ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thuyền viên nước ngoài đi bờ không có giấy phép đi bờ, đi bờ ngoài phạm vi quy định ghi trong giấy phép đi bờ;

b) Người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam không có giấy phép xuống tàu; điều khiển phương tiện cập mạn tàu thuyền nước ngoài không có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho người điều khiển phương tiện cập mạn tàu nước ngoài;

c) Cho người khác sử dụng giấy phép đi bờ hoặc giấy phép xuống tàu; sử dụng giấy phép đi bờ hoặc giấy phép xuống tàu của người khác;

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đón tiếp người nước ngoài vào khu vực cửa khẩu cảng mà không thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không chấp hành hoặc cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng;

b) Người đi trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa không có tên trong danh sách thuyền viên, danh sách hành khách đã khai báo, đăng ký khi đến, rời cửa khẩu cảng;

c) Không giữ đúng trạng thái niêm phong đối với hồ sơ biên phòng khi tàu thuyền quá cảnh, chuyển cảng;

d) Thuyền viên, hành khách nước ngoài trở lại tàu thuyền sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh và rời tàu, từ tàu thuyền nước ngoài trở lại nội địa khi đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh nhưng không thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Gây mất an ninh, trật tự hoặc lôi kéo, kích động, xúi giục, giúp người khác gây mất an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng;

b) Thuyền viên, hành khách tự ý rời khỏi tàu thuyền khi chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh hoặc đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh;

c) Hành khách nước ngoài quá cảnh không làm thủ tục nhập cảnh khi rời khỏi khu vực quá cảnh tại cửa khẩu cảng;

d) Đưa tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới vào hoạt động tại khu vực cửa khẩu cảng thuộc lĩnh vực quy định phải được cấp phép nhưng không có giấy phép;

đ) Thuyền trưởng tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, phương tiện thủy nội địa đến, rời cửa khẩu cảng không cung cấp cho Biên phòng cửa khẩu cảng thông tin về phương tiện, hàng hóa, các thông tin liên quan đến an ninh, trật tự khi có yêu cầu;

e) Chủ phương tiện, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền đăng ký phương tiện thủy nội địa đến, đi với Biên phòng cửa khẩu cảng chậm thời gian theo quy định.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không chấp hành quyết định kiểm tra, giám sát biên phòng đối với người, tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, phương tiện thủy nội địa, các phương tiện khác của Việt Nam và nước ngoài ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng trong các trường hợp pháp luật quy định;

b) Đưa hàng hóa trái phép lên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa hoặc từ tàu thuyền, phương tiện đường thủy xuống trong khu vực cửa khẩu cảng;

c) Không giữ đúng trạng thái niêm phong đối với vũ khí, vật liệu nổ và hàng hóa khi tàu thuyền quá cảnh, chuyển cảng;

d) Có sự thay đổi về thuyền viên, hành khách sau khi đã hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu thuyền nhưng người làm thủ tục không khai báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ biên phòng điện tử;

đ) Người làm thủ tục khai báo không đầy đủ, không chính xác các thông tin theo quy định của pháp luật về thủ tục biên phòng điện tử cảng biển sau thời hạn được phép sửa đổi, bổ sung hồ sơ biên phòng điện tử;

e) Không khai báo thông tin về vũ khí, vật liệu nổ, người trốn trên tàu (nếu có) theo quy định;

g) Người làm thủ tục không đề nghị Biên phòng cửa khẩu cảng hủy hồ sơ thủ tục biên phòng điện tử theo quy định đối với tàu thuyền đã hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử nhưng thay đổi kế hoạch đến, rời cửa khẩu cảng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chủ phương tiện, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền không đăng ký phương tiện thủy nội địa đến, đi với Biên phòng cửa khẩu cảng theo quy định;

b) Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm trên tàu thuyền không áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi phát hiện có người trốn trên tàu;

c) Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cho thuyền viên, hành khách rời tàu thuyền, những người không có trách nhiệm xuống tàu thuyền trước khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh hoặc sau khi đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh;

d) Chủ phương tiện, thuyền trưởng để phương tiện thủy neo đậu tại vùng nước cảng quá 24 giờ mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền khi đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

b) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu cảng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2; điểm a, điểm b khoản 3; điểm a, điểm d khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại giấy phép đi bờ, giấy phép xuống tàu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 10. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ công trình biên giới, biển báo trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vẽ, viết thêm, tẩy xoá chữ trên các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực cửa khẩu”, “khu vực biên giới biển” và các biển báo về khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng, công trình biên giới.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hỏng các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” và các biển báo khác trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm xê dịch, tháo dỡ, phá hủy các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” và các biển báo khác trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tự ý cắm các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của công trình biên giới.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phá, dỡ hoặc làm hư hỏng kết cấu, thiết bị của công trình biên giới mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi làm giả các biển báo, “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này.

Điều 11. Hành vi vi phạm các quy định về xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới, cửa khẩu

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo bằng văn bản trước 03 ngày làm việc cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đồn Biên phòng sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động khi khảo sát, thiết kế, thi công, triển khai thực hiện các dự án, công trình trong khu vực biên giới, cửa khẩu;

b) Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình đã được cấp phép trong khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng chủ đầu tư không thông báo bằng văn bản cho Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sở tại trước 03 ngày làm việc.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng dự án, công trình có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng chủ đầu tư không thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, đồn Biên phòng sở tại.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Khảo sát, thiết kế, thi công, triển khai thực hiện các dự án, công trình; xây dựng dự án, công trình có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan khi thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đồ án có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này không đúng địa điểm hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia, hư hại mốc quốc giới, cột cờ, bia chủ quyền, cọc dấu, điểm cơ sở, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, công trình biên giới, công trình phòng thủ.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3, khoản 4 Điều này;

c) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Buộc lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu đối với mốc quốc giới, cột cờ, bia chủ quyền, cọc dấu, điểm cơ sở, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, công trình biên giới, công trình phòng thủ vùng biển, môi trường biển, hải đảo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

..............................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Trách nhiệm hình sự  được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Nghị định 96/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm lĩnh vực bảo vệ biên giới quốc gia
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:96/2020/NĐ-CPLĩnh vực:Trách nhiệm hình sự
Ngày ban hành:24/08/2020Ngày hiệu lực:10/10/2020
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 205
Văn bản liên quan
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm