Nghị định 150/2020/NĐ-CP về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Tải về

Nghị định 150 năm 2020

Ngày 25/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 150/2020/NĐ-CP về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 150/2020/NĐ-CP thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định 150/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021. Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần hết hiệu lực kể từ ngày 15/02/2020.

Nội dung Nghị định 150 năm 2020

CHÍNH PHỦ
_______

Số: 150/2020/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

Về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

____________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần được quy định tại Điều 4 Nghị định này bao gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh);

d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh;

đ) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là UBND cấp huyện);

e) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;

g) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;

h) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi là đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

2. Vốn nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập để chuyển thành công ty cổ phần là giá trị phần kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các nguồn quỹ thuộc sở hữu nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập được xác định theo công thức quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

3. “Thời điểm quyết định chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần” là ngày cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này ban hành quyết định chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

4. “Thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập để chuyển thành công ty cổ phần” là ngày cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

5. “Thời điểm công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập” là ngày cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này ban hành quyết định công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần.

6. “Thời điểm đơn vị sự nghiệp công lập chính thức chuyển thành công ty cổ phần” là ngày đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần lần đầu.

7. Bán đấu giá cổ phần” là hình thức bán công khai cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi cho các nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá.

8. “Tổ chức bán đấu giá cổ phần” là Sở giao dịch chứng khoán hoặc công ty chứng khoán hoặc trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này lựa chọn.

9. “Giá khởi điểm” là mức giá ban đầu thấp nhất của một cổ phần được chào bán ra bên ngoài do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá một cổ phần (10.000 đồng Việt Nam). Việc xác định giá khởi điểm được thực hiện thông qua tổ chức tư vấn đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi đã được xác định lại giá trị do cơ quan có thẩm quyền công bố.

10. “Chi phí chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập” là các khoản chi liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần từ thời điểm quyết định chuyển thành công ty cổ phần đến thời điểm bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp chuyển đổi và công ty cổ phần.

11. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại thời điểm chuyển đổi bao gồm viên chức quản lý, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Điều 4. Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty Cổ phần

Các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1. Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

2. Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

4. Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 5. Hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập

1. Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

2. Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Điều 6. Đối tượng và điều kiện mua cổ phần

1. Nhà đầu tư trong nước

a) Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tê được thành lập theo pháp luật Việt Nam, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam;

b) Nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Nhà đầu tư nước ngoài

a) Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam;

b) Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

3. Nhà đầu tư chiến lược:

a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này quyết định việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

b) Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện sau:

- Có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;

- Có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế;

- Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi;

- Có cam kết bằng văn bản đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm các nội dung sau:

+ Không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

+ Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp.

+ Các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường tổn thất theo thiệt hại thực tế và Nhà nước có quyền quyết định đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược đã mua.

c) Căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, lĩnh vực hoạt động và yêu cầu mở rộng phát triển của đơn vị, cơ quan phê duyệt phương án chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược.

d) Trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải đảm bảo việc đăng ký mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược được thực hiện trước thời điểm công bố thông tin bán cổ phần lần đầu ra công chúng, cụ thể như sau:

- Căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh và kế hoạch phát triển của đơn vị, Ban Chỉ đạo chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) chỉ đạo Tổ giúp việc quy định tại Điều 39 Nghị định này phối hợp cùng với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và tổ chức tư vấn (nếu có) xây dựng tiêu chí lựa chọn phù hợp với quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều này, tỷ lệ cổ phần chào bán và mục tiêu chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để đưa vào phương án chuyển đổi;

- Ban Chỉ đạo thẩm định phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, báo cáo cơ quan phê duyệt phương án chuyển đổi quy định tại Điều 39 Nghị định này;

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) các nội dung liên quan đến việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi, gồm: Thông tin giới thiệu về đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi; mục đích lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; tỷ lệ chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược; các quyền lợi và nghĩa vụ khi trở thành nhà đầu tư chiến lược; hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược; thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký. Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập và Bản Công bố thông tin về đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần;

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thực hiện rà soát hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược và tổng hợp danh sách các nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện tham gia mua cổ phần trình Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định.

Việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện tham gia mua cổ phần phải được thực hiện trước khi tổ chức bán đấu giá cổ phần công khai ra công chúng;

- Trên cơ sở danh sách các nhà đầu tư chiến lược đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ban Chỉ đạo xây dựng phương án bán và tổ chức bán đấu giá cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược;

- Căn cứ vào kết quả tổng hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, ký hợp đồng cam kết chính thức với các nhà đầu tư chiến lược trúng đấu giá và chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại Điều 34 Nghị định này.

đ) Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí khi đăng ký mua cổ phần và khối lượng đăng ký mua nhỏ hơn hoặc bằng số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi đã được duyệt, Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này quyết định thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được xác định theo giá khởi điểm.

e) Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí lựa chọn thực hiện đăng ký mua cổ phần và tổng số cổ phần các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua lớn hơn số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi đã được duyệt, Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên Sở giao dịch chứng khoán.

Việc tổ chức bán đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược được thực hiện sau khi bán đấu giá công khai ra công chúng với giá khởi điểm là giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng (Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược được xác định theo giá khởi điểm quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định này) và đảm bảo nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư có giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cổ phần bán ra.

g) Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí khi đăng ký mua cổ phần và tổng số cổ phần các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua bằng hoặc nhỏ hơn số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi đã được duyệt, Ban Chỉ đạo tiến hành thỏa thuận về số cổ phần bán ra và giá bán cổ phần cho từng nhà đầu tư chiến lược theo giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đẩu giá công khai ra công chúng, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được xác định theo giá khởi điểm.

h) Trường hợp nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi thường mọi tổn thất xảy ra theo đúng hợp đồng cam kết và quy định của pháp luật hiện hành.

h) Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc, ký quỹ bằng tiền hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mức đặt cọc, ký quỹ bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm.

Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư chiến lược không được nhận lại tiền đặt cọc hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp ký quỹ, bảo lãnh.

i) Việc tổ chức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải hoàn thành trước thời điểm Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Số cổ phần còn lại (chênh lệch giữa số cổ phần thực tế bán cho nhà đầu tư chiến lược với tổng số cổ phần đăng ký mua của các nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi được duyệt), Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này quyết định điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

4. Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm:

a) Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (trừ các thành viên là đại diện của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi);

b) Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh);

c) Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá;

d) Người có liên quan tổ chức và cá nhân quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Điều 7. Đồng tiền thanh toán và phương thức bán cổ phần lần đầu

1. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bằng đồng Việt Nam.

2. Việc bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo các phương thức sau:

a) Đấu giá công khai

- Phương thức đấu giá được áp dụng trong trường hợp bán đấu giá ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài;

- Việc tổ chức đấu giá công khai thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 39 có thể xem xét, quyết định tổ chức đấu giá tại các công ty chứng khoán hoặc trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản (trừ trường hợp quy định về bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này);

- Thông tin về đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và việc tổ chức đấu giá phải được công bố tại nơi bán đấu giá, trên các phương tiện thông tin đại chúng và công bố công khai trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ tối thiểu 20 ngày làm việc trước khi tổ chức bán đấu giá cổ phần;

- Giá bán theo phương thức đấu giá công khai là giá đấu thành công của từng nhà đầu tư. Nhà đầu tư trúng ở mức giá nào thì mua cổ phần ở mức giá đó nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.

b) Phương thức bảo lãnh phát hành

- Phương thức bảo lãnh phát hành là phương thức phát hành cổ phần với sự cam kết đảm bảo của tổ chức có chức năng bảo lãnh về việc thực hiện phân phối hết số lượng cổ phần bán ra bên ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp bảo lãnh phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về quyền mua, góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam.

Trường hợp không bán hết cổ phần, các tổ chức bảo lãnh phát hành có trách nhiệm mua hết số cổ phần còn lại theo giá bảo lãnh đã cam kết trong Hợp đồng bảo lãnh theo nguyên tắc không thấp hơn giá khởi điểm.

- Nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và Hợp đồng bảo lãnh phát hành cổ phiếu được ký kết giữa tổ chức bảo lãnh với đại diện có thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

c) Phương thức thỏa thuận trực tiếp

- Phương thức thỏa thuận trực tiếp là phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo kết quả thương thảo giữa Ban Chỉ đạo hoặc tổ chức được Ban Chỉ đạo ủy quyền với từng nhà đầu tư.

- Phương thức thỏa thuận trực tiếp chỉ được thực hiện:

+ Bán cho nhà đầu tư chiến lược trong các trường hợp: Các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần với số lượng bằng hoặc nhỏ hơn số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi đã được phê duyệt, hoặc chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần.

+ Bán cho các nhà đầu tư số cổ phần không bán hết theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

+ Bán cho người lao động và tổ chức công đoàn.

3. Tùy theo đối tượng và điều kiện mua cổ phần lần đầu, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này xác định phương thức bán cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều này cho phù hợp.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 8. Chi phí thực hiện chuyển đổi và thẩm quyền phê duyệt

1. Thẩm quyền phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí chuyển đổi:

a) Bộ trưởng các bộ, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí chuyển đổi đối với:

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

b) Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí chuyển đổi đối với:

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc UBND cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện;

c) Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí chuyển đổi đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí chuyển đổi đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

d) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung chi đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Các khoản chi phí chuyển đổi phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định hiện hành.

2. Chi phí thực hiện chuyển đổi bao gồm:

a) Các khoản chi phí trực tiếp tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi:

- Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

- Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;

- Chi phí lập phương án chuyển đổi, xây dựng Điều lệ;

- Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập;

- Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về đơn vị sự nghiệp công lập;

- Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;

- Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;

- Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.

b) Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (tổ chức tư vấn để xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án chuyển đổi, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định. Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.

c) Thù lao cho Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc:

- Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ. Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về tiền lương cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo hướng không còn quy định về mức lương cơ sở thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc.

d) Các chi phí khác có liên quan đến chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

3. Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị không xác định là chi phí chuyển đổi, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được tính vào chi phí hoạt động trong kỳ của đơn vị.

4. Chi phí chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần được lấy từ nguồn tiền thu từ bán cổ phần.

5. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập dừng thực hiện chuyển thành công ty cổ phần theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì chi phí chuyển đổi đã thực hiện được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm quyết định dừng chuyển đổi. Trường hợp việc tính chi phí này vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ dần tới kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập bị thâm hụt thì phần thiếu được bù đắp từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp số dư Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp không đủ bù đắp thì được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của năm tiếp theo.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần

1. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện việc cung cấp các loại dịch vụ sự nghiệp công trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa người quản lý và người lao động của đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm quyết định chuyển đổi và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc, thôi việc theo quy định của pháp luật.

Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức hoạt động có hiệu quả; kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ (gồm cả nợ thuê, nợ vay lại vốn vay ODA), hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính để xác định giá trị phần vốn nhà nước của đơn vị tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phẩn.

6. Tài sản thừa hoặc thiếu phát hiện sau khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần so với giá trị đơn vị sự nghiệp công lập đã công bố được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản thừa:

- Xử lý tăng vốn nhà nước tại công ty cổ phần đối với trường hợp công ty cổ phần có nhu cầu sử dụng và được Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua; đồng thời thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần;

- Trường hợp công ty cổ phần không có nhu cầu sử dụng: Thực hiện bàn giao tài sản cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công. Đối với công ty cổ phần chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện bàn giao các tài sản này cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để quản lý, xử lý theo quy định.

b) Đối với tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) được xử lý như sau:

Công ty cổ phần thực hiện giảm vốn nhà nước tại công ty cổ phần nếu có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần trong trường hợp Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không thông qua việc giảm vốn nhà nước tại công ty cổ phần.

Chương II. XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI CHUYỂN ĐỔI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Điều 10. Kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tồn tại về tài chính

1. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thực hiện chuyển đổi của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm:

a) Tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, nguồn vốn và các quỹ đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi đang quản lý, sử dụng, trong đó nêu rõ: Tài sản công tính vào thành phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi; tài sản công giao cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập quản lý không tính vào phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập; tài sản không tiếp tục sử dụng để bàn giao cho cơ quan quản lý tài sản công xử lý.

Đối với một số tài sản chuyên ngành của các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi mà việc tiếp cận tài sản để kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản không đảm bảo tính khả thi và hiệu quả: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi lập phương án kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản này để gửi lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan, trên cơ sở đó quyết định phương án kiểm kê phù hợp và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bàn giao cho đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi tài sản, các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm gắn với nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị sau chuyển đổi (trong trường hợp chưa bàn giao);

c) Đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi;

d) Lập bảng kê xác định chủng loại, số lượng, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có của đơn vị (trong đó bao gồm bảng kê tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý), xác định tài sản thừa thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa thiếu và trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Toàn bộ tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi đều phải được xác định giá trị, trừ các tài sản sau đây:

a) Tài sản đơn vị thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác và tài sản khác không phải là của đơn vị;

b) Tài sản không cần dùng, tài sản tồn đọng, tài sản chờ thanh lý;

c) Cơ sở nhà, đất và các tài sản công khác không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng và được bàn giao cho cơ quan quản lý tài sản công có thẩm quyền xử lý.

d) Tài sản công không được đưa vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Thông tin về các dự án, chương trình, đề tài khoa học công nghệ đang được triển khai của đơn vị sự nghiệp công lập và hướng xử lý đối với tài sản hình thành từ các chương trình, dự án, đề tài này phải được công bố cụ thể tại Bản Công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên, các đơn vị sự nghiệp cấp dưới phải thực hiện xác định giá trị theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập sở hữu 100% vốn điều lệ phải thực hiện xác định giá trị theo quy định về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp cấp dưới và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập sở hữu 100% vốn điều lệ phải trùng với thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp cấp trên được chuyển đổi.

Giá trị đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới và giá trị doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập sở hữu 100% vốn điều lệ đã xác định lại được tính vào giá trị của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

5. Trước khi xác định giá trị để chuyển đổi, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện:

a) Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện kiểm toán tại thời điểm xác định giá trị đơn vị theo chế độ Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có văn bản đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản kinh phí được cấp;

c) Có văn bản đề nghị cơ quan thuế thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra, quyết toán theo quy định của pháp luật về thuế, ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Nếu quá thời hạn này, các cơ quan chưa tiến hành kiểm tra, quyết toán thì đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi căn cứ vào số liệu đã báo cáo để thực hiện xác định giá trị theo quy định.

6. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán các khoản kinh phí, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền những tồn tại trước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Trường hợp đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết thì đơn vị phải ghi rõ những tồn tại này trong Biên bản xác định giá trị đơn vị chuyển đổi để có căn cứ tiếp tục giải quyết trong giai đoạn từ khi xác định giá trị đơn vị đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

7. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại Điều này.

Điều 11. Xử lý về đất đai

1. Trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, phương án sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng phương án sử dụng đất phù hợp với:

- Phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố;

- Lĩnh vực hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn về phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát việc sử dụng đất sau chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần không còn nhu cầu sử dụng đất đúng mục đích khi chuyển đổi thì xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Về hình thức sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi:

- Đối với diện tích đất đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm thì tiếp tục được thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm;

- Đối với diện tích đất đã được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần, đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất hoặc có thu tiền sử dụng đất, đất do đơn vị sự nghiệp công lập nhận chuyển nhượng thì đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Số tiền đơn vị sự nghiệp công lập đã nộp hoặc đã trả để thuê đất trả tiền một lần hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thì được xác định là khoản đã trả trước và được trừ vào tiền thuê đất mà công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập phải trả hàng năm theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.

Điều 12. Xử lý tài sản thừa thiếu, tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, tài sản thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn liên doanh, liên kết, tài sản kết cấu hạ tầng

1. Đối với tài sản thừa, thiếu phát hiện qua kiểm kê, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải phân tích làm rõ nguyên nhân và xử lý như sau:

- Đối với tài sản thiếu, phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, bồi thường vật chất theo quy định hiện hành. Trường hợp tài sản thiếu được xác định do nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác), đơn vị báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định ghi giảm tài sản theo quy định của pháp luật, số tiền bồi thường cho tài sản thiếu phát hiện qua kiểm kê (nếu có) được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đối với tài sản thừa, nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu thì ghi tăng tài sản, đưa vào phần tài sản xác định giá trị và tăng phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

2. Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Đến thời điểm xác định giá trị, các tài sản chưa xử lý, đơn vị có trách nhiệm tiếp tục bảo quản và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý và giao nhiệm vụ tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển giao các tài sản này cho Công ty mẹ để tiếp tục quản lý và thực hiện thanh lý, nhượng bán theo quy định.

Đối với phần diện tích nhà, đất không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng mà chưa hoàn thành việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao nhiệm vụ xử lý cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Đối với tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác, tài sản kết cấu hạ tầng thì không tính vào thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tài sản khác không phải của đơn vị thì không tính vào giá trị đơn vị để chuyển đổi.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại Điều này.

Điều 13. Xử lý tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án của đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản hình thành từ nguồn Quỹ phúc lợi, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

1. Đối với các tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án đang thực hiện, công trình bị đình hoãn theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm tiếp tục kế thừa, theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng các khoản chi phí của các dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa hình thành hiện vật, không có giá trị thu hồi như: chi phí lập phương án tiền khả thi, chi phí khảo sát, thiết kế công trình... thì đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của pháp luật hiện hành, phần tổn thất được xử lý vào kết quả hoạt động theo quy định.

2. Đối với công trình phúc lợi là nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi thì chuyển giao cho tổ chức công đoàn tại công ty cổ phần quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong công ty cổ phần theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan khác. Trường hợp tổ chức công đoàn và tập thể người lao động trong công ty cổ phần không có nhu cầu sử dụng các tài sản này thì được ủy quyền cho công ty cổ phần tổ chức thanh lý, nhượng bán theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Nguồn thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản sau khi trừ các chi phí có liên quan và nghĩa vụ thuế (nếu có) hoàn trả cho Quỹ phúc lợi. Đối với nhà ở cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị sự nghiệp công lập đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cấp thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà đất của địa phương để quản lý.

3. Tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi nếu có đầy đủ hồ sơ chứng từ phải được đánh giá lại và tính vào giá trị đơn vị để công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất, kinh doanh.

4. Tài sản được đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại Điều này.

Điều 14. Xử lý số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ khác theo quy định của pháp luật

1. Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc theo số tháng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi (Trường hợp chưa tròn tháng và có ngày lẻ thì số ngày lẻ từ 15 ngày trở lên được tính tròn 1 tháng, dưới 15 ngày không được tính). Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được hoàn thành trước thời điểm đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần.

2. Số dư bằng tiền của Quỹ bổ sung thu nhập/Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được chia cho người lao động đang làm việc theo Quy chế quản lý Quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập tối đa không quá 6 tháng lương thực hiện, phần còn lại được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập được tính vào giá trị phần vốn nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

4. Số dư các Quỹ đặc thù và Quỹ khác theo quy định của pháp luật

- Đối với phần kinh phí của Quỹ không hình thành từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc chênh lệch thu chi của đơn vị sự nghiệp công lập thì được chuyển giao cho doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục quản lý, sử dụng đúng mục đích của việc huy động và công khai tại đơn vị về việc huy động, sử dụng Quỹ;

- Đối với phần kinh phí của Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hoặc chênh lệch thu chi của đơn vị sự nghiệp công lập thì được tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Trường hợp không tách được nguồn kinh phí hình thành Quỹ thì số dư Quỹ đặc thù và Quỹ khác được tính vào giá trị phần vốn nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại Điều này.

Điều 15. Xử lý các khoản nợ phải thu

1. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu (bao gồm các khoản nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn, nợ đã quá hạn thanh toán), đồng thời thực hiện thu hồi các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Những khoản nợ không có đủ căn cứ để xác định là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định thì không được loại trừ ra ngoài giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập phải làm rõ nguyên nhân để xử lý theo nguyên tắc sau:

a) Xác định trách nhiệm xử lý bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến khoản nợ phải thu không xác định được khách nợ, phần tổn thất còn lại được xử lý theo quy định của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục theo dõi để xử lý thu hồi đối với những khoản nợ không chứng minh được là không có khả năng thu hồi.

2. Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập mà vẫn còn một số khoản nợ phải thu có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu và báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán; đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị đơn vị cũng như phương án chuyển đổi làm cơ sở bán đấu giá cổ phần.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi kèm theo đầy đủ hồ sơ, các tài liệu liên quan cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi kèm theo đầy đủ hồ sơ, các tài liệu liên quan cho công ty mẹ để xử lý.

4. Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ (như tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền công phải trả...) mà đơn vị sự nghiệp công lập đã thanh toán và hạch toán vào chi phí nhưng đến thời điểm xác định giá trị chưa hoàn thành: Đơn vị sự nghiệp công lập đối chiếu với hợp đồng, khối lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp để hạch toán giảm chi phí và hạch toán tăng chi phí trả trước khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi (tương ứng với phần hàng hóa, dịch vụ chưa được cung cấp hoặc thời gian thuê chưa thực hiện).

5. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại Điều này.

................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Doanh nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
2 163
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm