Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
Nghị định số 130 2021 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
- Nghị định số 130/2021/NĐ-CP
- Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
- Mục 1. VI PHẠM HÀNH CHỈNH TRONG LĨNH VỰC BẢO TRỢ, TRỢ GIÚP XÃ HỘI
- Điều 6. Vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội
- Điều 7. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội
- Điều 8. Vi phạm về hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội
- Điều 9. Vi phạm quy định về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ chi trả
- Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ
- Điều 11. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
- Điều 12. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh
- Điều 13. Vi phạm quy định về trách nhiệm giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục
- Điều 14. Vi phạm quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật
- Điều 15. Vi phạm quy định về tham gia giao thông dành cho người khuyết tật, người cao tuổi
- Điều 16. Vi phạm quy định về thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật
- Điều 17. Vi phạm về xác định mức độ khuyết tật
- Điều 18. Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi
- Điều 19. Vi phạm quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
- Điều 20. Vi phạm một số quy định khác đối với người khuyết tật, người cao tuổi
- Mục 2. VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẺ EM
- Điều 21. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
- Điều 22. Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em
- Điều 23. Vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn
Ngày 30/12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Theo đó, đối với hành vi bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu.
Nghị định số 130/2021/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ _______ Số: 130/2021/NĐ-CP
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
_______________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này xảy ra trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm:
a) Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính;
b) Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính: các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ sở tôn giáo; tổ chức dịch vụ chi trả; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở dịch vụ khác.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản.
3. Người có thẩm quyền xử phạt.
4. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 4. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với cơ sở dịch vụ, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ;
c) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cá nhân, tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ không an toàn, không thân thiện, gây tổn hại cho trẻ em hoặc bán chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em;
d) Tước quyền sử dụng giấy phép đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên môi trường mạng;
đ) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, đ, h và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát;
b) Buộc hoàn trả các khoản tiền đã thu trái pháp luật;
c) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu;
d) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có);
đ) Buộc chịu mọi chi phí để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho trẻ em;
e) Buộc thực hiện công khai chính xác thông tin theo quy định, buộc cải chính thông tin sai sự thật;
g) Buộc chấm dứt việc nhận chăm sóc thay thế, chuyển hình thức chăm sóc thay thế trẻ em phù hợp;
h) Buộc di dời cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em do đặt không đúng phạm vi;
i) Buộc thực hiện kịp thời các biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu an toàn;
k) Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em;
l) Buộc chi trả cho người cao tuổi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước;
m) Buộc chi trả đủ số tiền trợ cấp cho đúng đối tượng;
n) Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung;
o) Buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật;
p) Buộc gỡ bỏ tin, bài trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình, xuất bản phẩm điện tử;
q) Buộc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;
r) Buộc xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em;
s) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng, thiết bị lắp đặt trái phép.
4. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm b, g và n khoản 3 Điều này thực hiện như sau:
a) Đối với biện pháp buộc hoàn trả các khoản tiền đã thu trái pháp luật: trường hợp không xác định được người để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Đối với biện pháp buộc chấm dứt việc nhận chăm sóc thay thế, chuyển hình thức chăm sóc thay thế trẻ em phù hợp, dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung: người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định từ Điều 38 đến Điều 45 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân vi phạm.
Chương II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Mục 1. VI PHẠM HÀNH CHỈNH TRONG LĨNH VỰC BẢO TRỢ, TRỢ GIÚP XÃ HỘI
Điều 6. Vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 10 người trở lên.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khai báo gian dối để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng;
c) Khai báo gian dối để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;
b) Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 4 Điều này.
Điều 7. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội để trục lợi;
b) Bắt buộc đối tượng bảo trợ xã hội lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a, b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.
Điều 8. Vi phạm về hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lưu trữ các loại hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;
c) Cấp không đủ hoặc cấp không bảo đảm chất lượng vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường; vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trong hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Không cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất của cơ sở trợ giúp xã hội sai mục đích;
b) Thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật;
c) Không bảo đảm một trong các điều kiện về môi trường, y tế, vệ sinh, cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên;
d) Không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cơ sở hoạt động mà không đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật.
6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c, điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả cho đối tượng bảo trợ xã hội các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 4 Điều này;
c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ chi trả
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chi trả trợ cấp không đủ mức cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Chi trả trợ cấp không đúng thời hạn cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Chi trả trợ cấp không đúng đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả đủ số tiền trợ cấp cho đúng đối tượng đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này.
Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;
b) Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;
c) Tráo đổi hàng cứu trợ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 11. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;
c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 12. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật;
b) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho một trong các đối tượng: người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 13. Vi phạm quy định về trách nhiệm giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
b) Không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
c) Không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng;
d) Từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật;
đ) Đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật;
e) Không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
g) Cản trở quyền học tập của người khuyết tật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục;
b) Không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở giáo dục.
Điều 14. Vi phạm quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tư vấn việc làm cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định cho người khuyết tật sau khi tổ chức hoạt động đào tạo từ 06 tháng trở lên;
b) Không có đủ chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo và không bảo đảm hình thức, thời gian đào tạo phù hợp với người khuyết tật;
c) Không cấp văn bằng, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Vi phạm quy định về tham gia giao thông dành cho người khuyết tật, người cao tuổi
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
1. Không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi;
2. Người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi;
3. Từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng.
Điều 16. Vi phạm quy định về thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông, bao gồm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số vi phạm một trong các quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng không đúng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 17. Vi phạm về xác định mức độ khuyết tật
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
b) Thực hiện không đầy đủ phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
b) Không thực hiện phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;
b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;
c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều này.
Điều 18. Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng;
b) Cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về sở hữu tài sản, quyền tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi và các quyền hợp pháp khác;
c) Không miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội đối với người cao tuổi;
d) Không ưu tiên người cao tuổi nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
đ) Không thực hiện chi trả khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người cao tuổi theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc hoàn trả cho người cao tuổi các khoản tiền đã thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc chi trả cho người cao tuổi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 1 Điều này;
d) Buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh (nếu có) cho người cao tuổi bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.
Điều 19. Vi phạm quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật;
b) Không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật;
c) Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 20. Vi phạm một số quy định khác đối với người khuyết tật, người cao tuổi
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cưỡng ép người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Ép buộc người cao tuổi làm những việc trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Trả thù, đe dọa người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.
Mục 2. VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẺ EM
Điều 21. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;
b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.
Điều 22. Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho ttẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 23. Vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;
b) Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng, ép buộc làm trung gian giao dịch hoạt động bóc lột trẻ em;
b) Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật;
c) Bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng trẻ em làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
d) Bóc lột sức lao động trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để bóc lột sức lao động của trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này.
........................
Tải Nghị định 130/2021/NĐ-CP .pdf
05/01/2022 11:25:38 SA
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Số hiệu: | 130/2021/NĐ-CP | Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 30/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2022 |
Loại văn bản: | Nghị định | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Trần Lan
- Ngày:
Bài liên quan
-
Cách tính điểm trung bình môn học kỳ năm học 2024 nhanh nhất
-
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em, người lớn
-
Hướng dẫn về Giấy chuyển tuyến khi khám chữa bệnh BHYT tại TP.HCM
-
Các địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm Lịch 2024
-
Cách gia hạn thẻ bảo hiểm y tế online
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Hành chính
Các trường hợp miễn tập sự đối với viên chức, công chức
Quyết định 16/2016/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật
Nghị định 128/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô 2024
Công văn 2591/BNV-TCBC về quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế
Quyết định 902/QĐ-BNV 2019
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác