Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ

Tải về

Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Theo đó, Nghị định nêu rõ, hình thức vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng gồm:

Hình thức đơn làn có barrier, barrier tại trạm thu phí đường bộ sẽ mở cho phương tiện đi qua khi phương tiện có gắn thẻ đầu cuối hợp lệ và thực hiện thành công thanh toán tiền sử dụng đường bộ.

Hình thức đa làn tự do: tại khu vực trạm thu phí đường bộ chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Hình thức này chỉ áp dụng tại đầu vào của đường cao tốc.

Nội dung Nghị định 119/2024/NĐ-CP

NGHỊ ĐỊNH
Quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là phương tiện) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự thuộc đối tượng phải thu các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.

2. Chủ phương tiện là chủ sở hữu phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức khác được chủ sở hữu phương tiện giao quyền chiếm hữu, sử dụng phương tiện thuộc đối tượng phải thu các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện. Chủ phương tiện đồng thời là chủ tài khoản giao thông, chủ phương tiện thanh toán được quy định tại Nghị định này.

3. Thẻ đầu cuối là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

4. Phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện bao gồm:

a) Tiền sử dụng đường bộ bao gồm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo pháp luật về giá và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác;

b) Phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.

5. Cơ quan có thẩm quyền bao gồm:

a) Bộ Giao thông vận tải đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ có thu tiền sử dụng đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện do Bộ Giao thông vận tải quản lý;

b) Các bộ, ngành khác đối với các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện do bộ, ngành quản lý;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ có thu tiền sử dụng đường bộ và các dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện do địa phương quản lý.

6. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ là đơn vị được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các loại phí, giá, tiền dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ là đơn vị được cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị quản lý thu lựa chọn để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các loại phí, giá, tiền dịch vụ được quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

8. Đơn vị quản lý thu là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao quyền thu hoặc có quyền thu các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.

9. Đơn vị vận hành thu là tổ chức được đơn vị quản lý thu lựa chọn để vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu.

10. Điểm thu là nơi đặt trạm thu phí đường bộ hoặc là nơi lắp đặt các hệ thống thiết bị để tương tác với phương tiện, đọc các thông tin của phương tiện, thẻ đầu cuối và xử lý giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ hoặc các hình thức thanh toán khác đối với phương tiện được đơn vị quản lý thu chấp thuận.

11. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ là một thành phần của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải đầu tư, tổ chức quản lý, vận hành, khai thác để quản lý tập trung cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

12. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoặc của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường đường bộ (sau đây gọi chung là Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông) bao gồm các phân hệ, hệ thống phần cứng, phần mềm đặt tại trung tâm dữ liệu, phục vụ các yêu cầu, quy trình nghiệp vụ thanh toán điện tử giao thông. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông thực hiện thu nhận, xử lý các giao dịch được gửi về từ hệ thống thiết bị lắp đặt tại điểm thu và thực hiện các chức năng được quy định tại Nghị định này.

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Bảo đảm tính minh bạch của công tác thanh toán điện tử các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.

2. Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông. Mỗi phương tiện chỉ gắn 01 thẻ đầu cuối tại một thời điểm.

3. Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của chủ phương tiện theo quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm quyền được lựa chọn, sử dụng dịch vụ, tiện ích giá trị gia tăng của chủ phương tiện.

Điều 5. Những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ

1. Phá hủy, làm giả, xoá dữ liệu hoặc can thiệp nội dung thẻ đầu cuối; chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện tham gia giao thông này sang phương tiện tham gia giao thông khác.

2. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, đánh cắp dữ liệu, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.

3. Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình tham gia các hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

4. Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến dữ liệu cá nhân không đúng theo quy định của pháp luật.

5. Mở hoặc duy trì tài khoản giao thông nặc danh, mạo danh.

6. Các hành vi cố tình trốn tránh, gian lận trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

7. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

Chương II. HỆ THỐNG THANH TOÁN ĐIỆN TỬ GIAO THÔNG

Điều 6. Cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông

1. Thanh toán điện tử giao thông đường bộ được thực hiện tự động bởi Hệ thống thanh toán điện tử giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là hệ thống thanh toán điện tử giao thông).

2. Hệ thống thanh toán điện tử giao thông bao gồm các cấu thành sau:

a) Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện;

b) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ;

c) Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông;

d) Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu;

đ) Hệ thống đường truyền dữ liệu;

e) Các hệ thống, thiết bị, hạng mục khác bảo đảm hoạt động của Hệ thống thanh toán điện tử giao thông; bảo đảm kết nối liên thông giữa các cấu thành của hệ thống thanh toán điện tử giao thông với nhau.

Điều 7. Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện

1. Phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông. Việc gắn thẻ đầu cuối và kích hoạt thẻ đầu cuối do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.

3. Chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Thẻ đầu cuối được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ bảo hành trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ thời điểm gắn thẻ.

Điều 8. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ

1. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan, bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục;

b) Bảo đảm kết nối với các hệ thống, cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ được kết nối với các hệ thống, cơ sở dữ liệu sau đây:

a) Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông;

b) Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Thông tin trong cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ được quản lý tập trung tại Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

4. Chi phí quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ được lấy từ nguồn chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện và các nguồn tài chính được quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đường bộ.

Điều 9. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông

1. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, vận hành, khai thác để thực hiện các nội dung sau đây:

a) Mở và quản lý tài khoản giao thông;

b) Xác định chi phí chủ phương tiện phải trả đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cung cấp;

c) Kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi là tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt) theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này;

d) Hoàn trả doanh thu phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện cho các đơn vị quản lý thu.

2. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, vận hành, khai thác để thực hiện các nội dung sau đây:

a) Kết nối, sử dụng thông tin tài khoản giao thông từ Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ;

b) Xác định chi phí chủ phương tiện phải trả đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp;

c) Kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp của tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này;

d) Hoàn trả doanh thu phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện cho các đơn vị quản lý thu.

3. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan, bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục;

b) Bảo đảm kết nối với các hệ thống, cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông được kết nối với các hệ thống, cơ sở dữ liệu sau đây:

a) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ;

b) Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu;

Điều 10. Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu

1. Hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu phải được thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, vận hành bảo trì, kết nối với Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông để thực hiện các nội dung sau đây:

a) Xác định giao dịch của phương tiện giao thông tại điểm thu;

b) Xác định chi phí chủ phương tiện phải trả trong giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ chưa được xác định bởi Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

2. Đơn vị quản lý thu tổ chức đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống lắp đặt tại các điểm thu và quyết định chi phí quản lý, vận hành và bảo trì theo quy định tại Điều 41 Luật Đường bộ.

Chương III. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN GIAO THÔNG

Điều 11. Mở tài khoản giao thông

1. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông và cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.

2. Tại thời điểm thực hiện giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ, tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do tổ chức cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp thông qua hợp đồng dịch vụ với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

3. Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện; mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.

4. Đối tượng mở tài khoản giao thông bao gồm:

a) Chủ phương tiện là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;

b) Chủ phương tiện là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

5. Hồ sơ mở tài khoản giao thông phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin tài khoản giao thông theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

6. Xác thực thông tin chủ phương tiện mở tài khoản giao thông

a) Chủ phương tiện phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở tài khoản giao thông cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.

b) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu; xác minh thông tin nhận biết chủ phương tiện đối với trường hợp chủ phương tiện là tổ chức và xác thực thông tin nhận biết chủ phương tiện thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với chủ phương tiện là cá nhân.

7. Thông tin tài khoản giao thông phải được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đồng bộ sau khi mở hoặc sau mỗi lần có thay đổi thông tin với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Thông tin phương tiện thanh toán phải được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ đồng bộ sau khi kết nối hoặc sau mỗi lần có thay đổi hoặc bổ sung phương tiện thanh toán với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Các thông tin này phải được đồng bộ với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ trong vòng 06 giờ kể từ khi có sự cập nhật, thay đổi trên Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

8. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải công khai cho chủ phương tiện các điều khoản về việc đăng ký mở và sử dụng tài khoản giao thông; trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ mở tài khoản giao thông; phương thức và địa điểm ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản giao thông cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện và khả năng cung ứng của mình nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, chặt chẽ, đầy đủ của hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản giao thông.

9. Trong trường hợp có sự thay đổi thông tin trong hồ sơ mở tài khoản giao thông, chủ tài khoản giao thông phải thông báo cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để cập nhật trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày thay đổi. Chủ tài khoản giao thông chịu toàn bộ trách nhiệm trong trường hợp không thông báo cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo quy định tại khoản này.

Điều 12. Sử dụng tài khoản giao thông

1. Chủ phương tiện phải bảo đảm đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

2. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.

3. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này thì thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.

5. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sử dụng trực tiếp các tài khoản giao thông do mình quản lý để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cung cấp.

6. Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của chủ tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ sử dụng thông tin tài khoản giao thông thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện.

7. Trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông không duy trì được dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc sử dụng tài khoản giao thông để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên cơ sở đồng ý của chủ tài khoản giao thông.

Điều 13. Khoá tài khoản giao thông

1. Khóa tài khoản giao thông theo đề nghị của chủ tài khoản giao thông

a) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông khi có đề nghị của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ từ chối yêu cầu khóa tài khoản giao thông khi chủ tài khoản giao thông chưa thanh toán xong khoản nợ phải trả cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoặc Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ. Thông tin khoản nợ phải trả cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ được đồng bộ từ Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

c) Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tại khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

2. Khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

a) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

b) Ngay sau khi thực hiện khóa tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ phải thông báo cho chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao thông biết về lý do khóa tài khoản giao thông.

c) Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong văn bản yêu cầu khóa tài khoản giao thông hoặc trong văn bản yêu cầu chấm dứt khóa tài khoản giao thông.

Điều 14. Đóng tài khoản giao thông

1. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện đóng tài khoản giao thông trong các trường hợp sau:

a) Có đề nghị đóng tài khoản giao thông của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao thông và chủ tài khoản giao thông đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản giao thông;

b) Chủ tài khoản giao thông là cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị mất tích; Chủ tài khoản giao thông là tổ chức bị chấm dứt hoạt động, phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật;

c) Các trường hợp đóng tài khoản giao thông theo thỏa thuận giữa Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và chủ tài khoản giao thông;

d) Chủ tài khoản giao thông thực hiện một trong các hành vi không được thực hiện quy định tại Điều 5 của Nghị định này hoặc vi phạm thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Sau khi đóng tài khoản giao thông, chủ tài khoản giao thông muốn sử dụng tài khoản giao thông phải làm thủ tục mở tài khoản giao thông theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.

............

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:
Số hiệu:119/2024/NĐ-CPLĩnh vực:Giao thông
Ngày ban hành:30/09/2024Ngày hiệu lực:01/10/2024
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 21
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm