Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2019
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2019 - Dự thảo Luật bảo vệ môi trường mới nhất
Luật bảo vệ môi trường hiện hành hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT. Sau đây là bản dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi mới nhất của Bộ tài nguyên môi trường dự kiến sẽ được trình lên để Quốc hội xem xét thảo luận với nhiều điểm mới đáng chú ý.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./20…/QH13 (DỰ THẢO SỐ 2) | Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
LUẬT
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (sửa đổi)
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Môi trường là hệ thống các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.
2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.
3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.
4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.
6. Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường
7. Sức khỏe môi trường đề cập đến mọi yếu tố vật lý, hóa học, sinh học và các yếu tố liên quan khác trong môi trường tác động đến sức khỏe con người; bao gồm việc đánh giá và kiểm soát các yếu tố môi trường có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nhằm phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe con người.
8. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
9. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
10. Sự cố ô nhiễm môi trường là việc phát tán, thải bất thường với lượng lớn chất ô nhiễm nguy hại ra môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng, tác động hoặc có nguy cơ ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường xung quanh, hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và sức khỏe con người.
11. Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm.
12. Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
13. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
14. Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
15. Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.
16. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
17. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.
18. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.
19. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.
20. Quy hoạch bảo vệ môi trường là quy hoạch ngành quốc gia, sắp xếp, phân bố không gian, phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định.
21. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
22. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
23. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.
24. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
25. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
26. Tín chỉ các-bon là sự chứng nhận hoặc giấy phép có thể giao dịch thương mại liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
27. Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.
28. Kỹ thuật tốt nhất hiện có là các kỹ thuật và phương thức quản lý hiệu quả, tiên tiến, phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm trong từng giai đoạn của quá trình sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường.
29. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, xóm, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự.
30. Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành cho phép chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành toàn bộ hoặc một phần công trình dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các yêu cầu, điều kiện bảo vệ môi trường cụ thể.
31. Vận hành thử nghiệm là việc vận hành kiểm tra hiệu quả các công trình bảo vệ môi trường của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn thực hiện sản xuất thử nghiệm, chưa cung ứng sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường.
32. Vận hành thương mại là hoạt động đưa dự án đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào vận hành và cho ra sản phẩm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đó.
33. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải ở thể rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
34. Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.
35. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
36. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
37. Nguồn tiếp nhận nước thải là nơi nước thải được xả vào, bao gồm: Hệ thống thoát nước, sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, vùng nước biển ven bờ, vùng biển và nguồn tiếp nhận khác.
38. Khí thải là chất thải tồn tại ở trạng thái khí hoặc hơi phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động khác.
39. Phân định chất thải là quá trình phân biệt một vật chất là chất thải hay không phải là chất thải, chất thải nguy hại hay chất thải thông thường và xác định chất thải đó thuộc một loại hoặc một nhóm chất thải nhất định với mục đích để phân loại và quản lý trên thực tế.
40. Phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có các quy trình quản lý khác nhau.
41. Vận chuyển chất thải là quá trình chuyên chở chất thải từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo hoạt động thu gom, lưu giữ (hay tập kết) tạm thời, trung chuyển chất thải và sơ chế chất thải tại điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển.
42. Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải.
43. Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với các quy trình quản lý khác nhau.
44. Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.
45. Thu hồi năng lượng từ chất thải là quá trình thu lại năng lượng từ việc chuyển hóa chất thải.
46. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (chuyển hóa thành phần vật chất, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly các yếu tố có hại trong chất thải, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
47. Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
48. Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải.
49. Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải (kể cả hoạt động tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải).
50. Kiểm kê khí thải công nghiệp là việc xác định lưu lượng, tính chất và đặc điểm của các nguồn thải khí thải công nghiệp theo không gian và thời gian xác định.
51. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu nộp một khoản tiền vào nơi quy định để đảm bảo cho việc giảm thiểu, khắc phục các rủi ro môi trường do hoạt động nhập khẩu phế liệu gây ra.
52. Nước làm mát là nước phục vụ mục đích giải nhiệt cho thiết bị, máy móc trong quá trình sản xuất không tiếp xúc trực tiếp với nguyên vật liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng trong các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
53. Cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải là cơ sở hoạt động phù hợp với chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư, văn bản đăng ký đầu tư và các giấy tờ khác tương đương; có nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ được sử dụng cho hoạt động tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải (bao gồm các loại chất thải: sinh hoạt, công nghiệp thông thường, y tế thông thường) đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
54. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung là tên gọi chung của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, cụm công nghiệp và các khu chức năng thuộc khu kinh tế.
55. Sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khoẻ, đồng thời phải đáp ứng tiêu chí nhãn sinh thái và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận.
56. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (tên tiếng Anh là Persistent Organic Pollutant - gọi tắt là chất POP) là chất hữu cơ có độc tính cao, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng tích lũy sinh học trong con người và động vật và lan truyền trong môi trường được quy định trong Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
57. Chất nguy hại khó phân hủy (tên tiếng Anh là Persistent Toxic Substance - gọi tắt là PTS) là chất có độc tính cao, khó phân hủy, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người cần được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường.
58. Kiểm toán chất thải là công cụ để kiểm tra, đánh giá, xác định loại hình, thành phần và khối lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
59. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
60. Nhãn xanh Việt Nam là nhãn được cấp cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường; cho bao bì, thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
61. Đánh giá tác động đa dạng sinh học (BIA) là một quá trình phân tích, dự báo tác động của dự án đầu tư cụ thể đến đa dạng sinh học để đưa ra biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu bảo toàn đa dạng sinh học, sử dụng lâu bền các bộ phận hợp thành của đa dạng sinh học và phân phối công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ các nguồn tài nguyên di truyền.
62. Bồi hoàn đa dạng sinh học là các kết quả bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học có thể đo đếm được của các hành động được thiết kế để bù đắp cho các tổn thất đa dạng sinh học còn lại do việc triển khai một dự án đầu tư gây ra đối với đa dạng sinh học sau khi đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học.
63. Cảnh quan là một khu vực được tạo thành do tương tác của các yếu tố tự nhiên (địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật), nhân văn (sử dụng đất, quần cư, các hoạt động kinh tế-xã hội…) theo thời gian. Cảnh quan bao gồm cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân sinh, trong đó, cảnh quan thiên nhiên là cảnh quan được tạo thành từ các thành phần tự nhiên, chưa hoặc rất ít bị tác động của con người.
64. Bảo vệ cảnh quan là hành động để bảo tồn và duy trì các thành phần, cấu trúc, chức năng quan trọng của cảnh quan.
65. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.
Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường
1. Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; được thực hiện trên cơ sở xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các-bon; ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên.
2. Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
3. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; trong đó doanh nghiệp, người dân đóng vai trò hạt nhân, chịu trách nhiệm chính, kết hợp với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, hưởng lợi các giá trị, dịch vụ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên phải bị xử lý, khắc phục ô nhiễm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
5. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia. Bảo đảm các tiêu chuẩn, yêu cầu về bảo vệ môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới nhằm hội nhập quốc tế và ngăn ngừa sự chuyển dịch ô nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
4. Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
5. Thải chất ô nhiễm chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải bỏ các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào môi trường đất, nước và không khí.
6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quá giá trị giới hạn theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá giá trị giới hạn theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài trái quy định của pháp luật.
10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.
11. Nhập khẩu phương tiện, máy móc, thiết bị, tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
12. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm chứa chất ô nhiễm, yếu tố độc hại vượt quá giá trị giới hạn theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
13. Phá hoại, xâm chiếm trái phép cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
14. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
15. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.
16. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật được bảo vệ theo quy định của pháp luật, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
17. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.
Chương II.
CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG
Mục 1. CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 6. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia
1. Nội dung chính của chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia gồm:
a) Quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn chiến lược;
b) Các chỉ tiêu và nhiệm vụ chiến lược;
c) Các giải pháp chiến lược;
d) Các đề án thực hiện chiến lược.
2. Thời kỳ chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia là 10 năm, tầm nhìn là từ 30 năm đến 50 năm.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Mục 2. QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 7. Căn cứ lập và thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường
1. Căn cứ lập quy hoạch bảo vệ môi trường bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:
a) Chiến lược bảo vệ môi trường trong cùng giai đoạn phát triển;
b) Kịch bản biến đổi khí hậu trong cùng giai đoạn phát triển;
c) Quy định về phân vùng môi trường.
2. Thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn là từ 30 năm đến 50 năm.
Điều 8. Phân vùng môi trường
1. Phân vùng môi trường là một nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường và được thực hiện căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện tự nhiên, sức chịu tải của môi trường, mức độ đa dạng sinh học, rủi ro môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu;
b) Mức độ nhạy cảm về môi trường;
c) Đặc điểm kinh tế, xã hội.
2. Môi trường được phân vùng theo các cấp độ nhạy cảm sau đây:
a) Vùng nhạy cảm cấp độ 1: là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: khu dân cư tập trung, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước cấp cho mục đích sinh hoạt và vùng có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm đặc biệt khác cần bảo vệ nghiêm ngặt.
b) Vùng nhạy cảm cấp độ 2: là vùng hạn chế tác động, bao gồm: vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng thuộc khu di sản thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên, rạn san hô, cỏ biển, thủy sinh quan trọng cần được bảo vệ.
c) Vùng nhạy cảm cấp độ 3: là vùng khác còn lại trên địa bàn quản lý.
3. Việc kiểm soát các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo phân vùng môi trường được thực hiện như sau:
a) Không quy hoạch, phát triển dự án khai thác khoáng sản; xây dựng kho chứa hóa chất độc hại, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu có yếu tố độc hại đối với với môi trường; xây dựng cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, vị trí thải bỏ chất thải rắn, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất ô nhiễm độc hại, có hoạt động xâm hại đến các đối tượng, yếu tố cần bảo vệ nghiêm ngặt trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt;
b) Hạn chế quy hoạch, phát triển dự án đầu tư xâm hại lớn đến đối tượng cần bảo vệ, phát thải lượng lớn chất ô nhiễm độc hại trong vùng hạn chế tác động; các dự án đầu tư trong vùng hạn chế tác động phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, phải được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp phép về giá trị giới hạn và tổng lượng thải chất ô nhiễm độc hại ra môi trường và chịu sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt về môi trường đó;
c) Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm soát quy hoạch phát triển, dự án đầu tư trong vùng hạn chế tác động; lộ trình dừng hoạt động hoặc di dời dự án đầu tư đang hoạt động trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế tác động không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí cụ thể và hướng dẫn việc xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn tác động trên thực tế; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế tác động môi trường.
Điều 9. Quy hoạch bảo vệ môi trường và nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh
1. Nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gồm:
a) Định hướng về phân vùng môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 8 Luật này;
b) Chỉ tiêu, định hướng xác lập các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu dự trữ sinh quyển, các vùng nước cần bảo vệ, các khu vực cần được bảo vệ chất lượng môi trường, các khu vực ô nhiễm, suy thoái cần được cải tạo, phục hồi.
c) Định hướng về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ xử lý, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh;
d) Định hướng về điểm, thông số, tần suất quan trắc của mạng lưới các điểm, trạm quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí quốc gia, liên tỉnh và tỉnh.
2. Nội dung chính về bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng gồm:
a) Phương hướng xác lập các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu dự trữ sinh quyển, các vùng nước cần bảo vệ, các khu vực cần được bảo vệ chất lượng môi trường, các khu vực ô nhiễm, suy thoái cần được cải tạo, phục hồi;
b) Phương hướng tổ chức không gian các khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, liên tỉnh, bao gồm vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến và phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý.
3. Nội dung chính về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh gồm:
a) Phân vùng môi trường trên phạm vi tỉnh theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế tác động môi trường và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;
b) Xác định mục tiêu, chỉ tiêu bảo tồn đa dạng sinh học; xác định tên gọi, vị trí địa lý, quy mô diện tích, tổ chức và biện pháp quản lý đối với các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu dự trữ sinh quyển, các vùng nước cần bảo vệ, các khu vực cần được bảo vệ chất lượng môi trường, các khu vực ô nhiễm, suy thoái cần được cải tạo, phục hồi trên địa bàn;
c) Phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ xử lý, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;
d) Phương án về điểm, thông số, tần suất quan trắc của mạng lưới các điểm, trạm quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí quốc gia, liên tỉnh và tỉnh đã được định hướng trong quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường; quy định mẫu, nội dung chi tiết quy hoạch bảo vệ môi trường, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh.
6. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường, việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Mục 3. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Điều 10. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược
1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:
a) Quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
b) Điều chỉnh quy hoạch của đối tượng quy định tại điểm a khoản này mà thay đổi mục tiêu của quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
2. Danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Luật này.
Điều 11. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược
1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
2. Đánh giá môi trường chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng quy hoạch.
3. Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung quy hoạch.
4. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch gửi báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.
5. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thuộc nguồn vốn lập quy hoạch do cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
1. Tổng quan về quy hoạch.
2. Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
3. Các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường chịu sự tác động của quy hoạch.
4. Phân tích, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu của quy hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.
5. Phân tích, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện quy hoạch.
6. Phân tích, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trong việc thực hiện quy hoạch.
7. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
8. Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, hạn chế, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch.
9. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện quy hoạch và kiến nghị hướng, biện pháp xử lý.
10. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung và ban hành mẫu báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Điều 13. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
1. Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch, trừ quy định tại điểm b khoản này;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
2. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:
a) Cơ sở pháp lý được sử dụng để lập quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;
b) Các phương pháp được sử dụng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (bao gồm phương pháp sử dụng, cách sử dụng phương pháp);
c) Các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường liên quan đến quy hoạch nêu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
d) Các vấn đề môi trường chính đã được dự báo, nhận dạng khi triển khai thực hiện quy hoạch;
đ) Các đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;
e) Các đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện quy hoạch;
g) Các giải pháp được đề xuất để duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;
h) Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của quy hoạch được đề xuất bổ sung, điều chỉnh; các vấn đề môi trường đã được nhận diện nhưng chưa được điều chỉnh trong quy hoạch;
i) Những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích trong quá trình thực hiện quy hoạch.
4. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
b) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
c) Bản dự thảo quy hoạch.
5. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan; tổ chức thẩm định, đánh giá theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là 25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
7. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày họp hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tới cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch.
8. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và gửi lại cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:
a) Văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
b) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được hoàn chỉnh;
c) Dự thảo quy hoạch đã được hoàn chỉnh.
9. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được hoàn chỉnh, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có văn bản báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, gửi cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch để tổng hợp vào báo cáo thẩm định quy hoạch.
10. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
..................................
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2019
1,5 MB 23/12/2019 11:39:00 SABài liên quan
-
Thông tư 20/2019/TT-BTNMT
-
Luật chứng khoán 2023 số 54/2019/QH14
-
Thông tư 84/2019/TT-BTC Hỗ trợ nạn nhân theo quy định phòng chống mua bán người
-
Phụ cấp của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo Thông tư 13
-
Những chính sách mới về lương của giáo viên 2024
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác