Công văn 6188/BYT-KH-TC thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Công văn 6188/BYT-KH-TC - Thực hiện giá dịch vụ khám,
chữa bệnh bảo hiểm y tế

Công văn 6188/BYT-KH-TC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo lộ trình 02 bước: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 01/3/2016 và mức giá bao gồm các chi phí trên và chi phí tiền lương, được thực hiện từ 01/7/2016.

Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế số 41/2014/TTLT-BYT-BTC

Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Quyết định 959/QĐ-BHXH về Quy định thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

BỘ Y TẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 6188/BYT-KH-TC
V/v thực hiện giá dịch vụ KB, CB bảo hiểm y tế
bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh/TP.

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2016

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương (theo danh sách đính kèm)

Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (sau đây gọi tắt là Thông tư 37). Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo lộ trình 02 bước, cụ thể như sau:

Bước 1: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 01/3/2016;

Bước 2: Mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 nêu trên và chi phí tiền lương, được thực hiện từ 01/7/2016. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét quyết định.

Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã thực hiện xong mức giá của bước 1. Về việc thực hiện bước 2 của lộ trình: Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5/2016 của Chính phủ; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 23/5/2016; Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê xây dựng các phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dự báo vấn đề tác động đến chỉ số giá tiêu dùng để xem xét, quyết định thời điểm điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó đã thống nhất phương án điều chỉnh thành 04 đợt (không điều chỉnh vào tháng 9 là thời điểm năm học mới), khoảng 15-16 tỉnh, thành phố/đợt để việc điều chỉnh giá tác động vào CPI khoảng 0,4-0,6%/đợt, tương đương khoảng dưới 2% cho cả 04 đợt điều chỉnh bước 2.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 9796/BTC-HCSN ngày 15/7/2016, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 5649/NHNN-DBTK ngày 25/7/2016, của Tổng cục Thống kê tại công văn số 468/TCTK-TKG ngày 05/7/2016, diễn biến tình hình giá cả thị trường tháng 8/2016 và dự báo tháng 9 năm 2016; Bộ Y tế thông báo thời điểm thực hiện bước 2 giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả tiền lương quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 37, cụ thể như sau:

1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cả trung ương và địa phương) trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85% thực hiện mức giá bao gồm cả chi phí tiền lương theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 37 từ ngày 12/8/2016 (Có danh sách các tỉnh, thành phố tại phụ lục kèm theo).

2. Các đơn vị, địa phương còn lại (trừ các đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư 37 và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trung ương và địa phương trên địa bàn 16 tỉnh/thành phố nêu trên) tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư 37 cho đến khi Bộ Y tế có văn bản thông báo thời điểm thực hiện cụ thể đối với các đơn vị, địa phương.

Việc thực hiện mức giá bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người cận nghèo... vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Mức giá có tiền lương chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT nên không ảnh hưởng đến người chưa tham gia BHYT. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố 16 tỉnh, thành nêu trên:

  • Thông báo và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương theo đúng hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính tại Thông tư 37 nêu trên và các văn bản liên quan.
  • Tiếp tục truyền thông về lợi ích của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh/thành phố thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế gắn với điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo các văn bản của Bộ Y tế: Công văn số 3893/BYT-KH-TC ngày 24/6/2016 về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC, công văn số 9913/BYT-KH-TC ngày 16/12/2015 về việc chuẩn bị triển khai Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Bộ Y tế thông báo để các đơn vị, địa phương biết và triển khai thực hiện.

Nơi nhận:KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
  • Như trên;
  • Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
  • Các đ/c Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
  • Văn phòng Chính phủ;
  • Bộ Tài chính;
  • NHNN Việt Nam;
  • Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thống kê;
  • BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh/TP;
  • Sở Y tế các tỉnh/TP; Y tế các Bộ, ngành;
  • Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế;
  • Vụ HCSN, Cục Quản lý Giá - BTC;
  • Lưu: VT, KH-TC(4).
Phạm Lê Tuấn
Đánh giá bài viết
1 445
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi