Tải Công văn 3972/BGDĐT-TTr 2023 về hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học mới doc, pdf

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học mới 2023 của Bộ giáo dục

Ngày 07/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3972/BGDĐT-TTr hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Công văn này được ban hành nhằm hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là các đơn vị) tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nội dung Công văn 3972/BGDĐT-TTr 2023

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3972/BGDĐT-TTr
V/v hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2023

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng.

Thực hiện Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ GDĐT hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Hướng dẫn các sở GDĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, phòng GDĐT; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là các đơn vị) tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành.

1.2. Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Bộ GDĐT.

1.3. Phát hiện những bất cập trong các văn bản về công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

1.4. Phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

2. Yêu cầu

2.1. Công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, nghiêm túc, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

2.2. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, nội dung quy định của pháp luật về thanh tra, quy định về công tác kiểm tra của địa phương, cơ sở giáo dục.

II. NỘI DUNG, QUY TRÌNH VÀ HỒ SƠ THANH TRA, KIỂM TRA

1. Nội dung

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục đại học và Công văn số 623/BGDĐT-TTr ngày 28/02/2022 của Bộ GDĐT về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và các văn bản hướng dẫn, quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở giáo dục, trong đó chú trọng tập trung các nội dung sau:

1.1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

b) Trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ sở giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý của sở GDĐT.

c) Công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên theo quy định trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý.

d) Việc thực hiện các chương trình, dự án, gói thầu thuộc trách nhiệm quản lý của sở GDĐT.

đ) Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó chú trọng việc bảo đảm và sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

e) Việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp; việc chuyển trường, chuyển lớp; ôn tập, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

g) Việc dạy thêm, học thêm; thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; dạy học ngoại ngữ, tin học; hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hoạt động liên kết đào tạo, phối hợp dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

h) Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

1.2. Cục Nhà trường - Bộ Quốc Phòng

Theo chức năng nhiệm vụ được giao tự xác định nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm phục vụ hiệu quả công tác quản lý của đơn vị, theo yêu cầu của Bộ GDĐT đối với các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý có tổ chức hoạt động dạy học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

1.3. Phòng Giáo dục và Đào tạo

a) Kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý của phòng GDĐT.

b) Việc thực hiện các chương trình, dự án, gói thầu thuộc trách nhiệm quản lý của phòng GDĐT.

c) Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc bảo đảm và sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

d) Việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp; việc chuyển trường, chuyển lớp; ôn tập, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

đ) Việc dạy thêm, học thêm; quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

e) Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

1.4. Cơ sở giáo dục

a) Việc thực hiện nhiệm vụ được giao của lãnh đạo đơn vị/bộ phận thuộc cơ sở giáo dục.

b) Việc thực hiện nhiệm vụ được giao của nhà giáo, nền nếp tổ chức, dạy học.

c) Hoạt động của bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ/học sinh; công tác tư vấn tâm lý học đường và hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa.

d) Hoạt động của tổ/khối/nhóm chuyên môn.

đ) Việc sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học, thư viện trong cơ sở giáo dục.

e) Công tác tài chính, tài sản và các khoản thu ngoài ngân sách.

g) Công tác kế toán, văn thư, hành chính, y tế trường học.

h) Việc thực hiện công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

g) Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

2. Trình tự, thủ tục và hồ sơ thanh tra, kiểm tra

2.1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, kiểm tra

a) Trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, các biểu mẫu, biên bản, báo cáo, kết luận thanh tra thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022 và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 06/2021/TT-TTCP).

b) Trình tự thủ tục tiến hành một cuộc kiểm tra và các biểu mẫu, biên bản kiểm tra thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra của đơn vị (nếu có), gồm các bước cơ bản sau:

- Ban hành quyết định kiểm tra (Mẫu số 01);

- Xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra (Mẫu số 02);

- Tiến hành kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Kết thúc kiểm tra trực tiếp, Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra (Mẫu số 03);

- Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra (Mẫu số 04);

- Xây dựng thông báo kết quả kiểm tra (nếu có) (Mẫu số 05).

2.2. Hồ sơ thanh tra, kiểm tra

a) Hồ sơ thanh tra thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP.

b) Hồ sơ kiểm tra thực hiện theo quy định kiểm tra của đơn vị (nếu có), bao gồm:

- Quyết định kiểm tra;

- Kế hoạch tiến hành kiểm tra;

- Báo cáo của đối tượng kiểm tra, báo cáo giải trình (nếu có);

- Biên bản kiểm tra;

- Tài liệu minh chứng thu nhận của đối tượng kiểm tra, đối tượng có liên quan;

- Báo cáo kết quả kiểm tra;

- Thông báo kết quả kiểm tra (nếu có);

- Nhật ký đoàn kiểm tra (nếu có).

III. TỔ CHỨC ĐOÀN THANH TRA, KIỂM TRA

1. Thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra

1.1. Chánh Thanh tra sở GDĐT quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết Giám đốc sở GDĐT quyết định kiểm tra.

1.2. Cục trưởng Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn kiểm tra theo quy định pháp luật.

1.3. Trưởng phòng GDĐT thành lập đoàn kiểm tra của Phòng theo quy định pháp luật.

1.4. Thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra nội bộ.

2. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra và các đối tượng liên quan

2.1. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra; trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra: Thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022 và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP.

2.2. Trách nhiệm của người ra quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm tra, người tham gia đoàn kiểm tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan: Thực hiện theo Quy định về công tác kiểm tra của đơn vị.

2.3. Trách nhiệm của người được cử tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra: Bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định và Hướng dẫn này. Tự rà soát và chịu trách nhiệm về các điều kiện, tiêu chuẩn cá nhân theo quy định tại khoản 3 Mục III Hướng dẫn này.

3. Điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra

3.1. Điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia đoàn thanh tra thực hiện theo Điều 28, Điều 29 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (Nghị định số 43/2023/NĐ-CP).

3.2. Điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia đoàn kiểm tra

Là cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Sở GDĐT, phòng GDĐT, viên chức của cơ sở giáo dục bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

- Có chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nội dung cuộc kiểm tra;

- Không trong thời gian bị kỷ luật, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.3. Những người không được tham gia đoàn kiểm tra

- Những người có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng kiểm tra.

- Những người có hành vi vi phạm về thanh tra, kiểm tra đã bị xử lý theo quy định pháp luật mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích không được tham gia đoàn kiểm tra.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

1.1. Kiện toàn tổ chức, đội ngũ Thanh tra Sở GDĐT, bố trí đủ số lượng tối thiểu, bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và bổ sung đội ngũ cán bộ, viên chức dự kiến trưng tập làm thành viên các đoàn thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu thực hiện Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020.

1.2. Ban hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định.

1.3. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

2. Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng

Ban hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc; xây dựng kế hoạch kiểm tra và chủ trì tổ chức kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo

3.1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý trên địa bàn có trọng tâm, trọng điểm bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học.

3.2. Phối hợp với Thanh tra huyện tham mưu thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định pháp luật.

4. Cơ sở giáo dục

4.1. Chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra nội bộ theo quy định tại các Điều 66, 67, 68 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023.

4.2. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ có trọng tâm, trọng điểm bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học; tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO, TỰ CHẤM ĐIỂM THI ĐUA

1. Các Sở GDĐT thực hiện tự chấm điểm thi đua công tác thanh tra, kiểm tra trên hệ thống phần mềm của Bộ GDĐT theo quy định.

2. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định tại Thông tư số 19/2020/TT-BGDĐT ngày 29/6/2020 của Bộ GDĐT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

3. Sở GDĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra năm học trước ngày 30/6 hằng năm (kèm minh chứng về hoạt động thanh tra, kiểm tra); báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về Thanh tra Bộ GDĐT theo địa chỉ: Số 35 đường Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại: 024.36231285; email: thanhtrachuyennganh@moet.gov.vn.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Quốc phòng (để phối hợp chỉ đạo);
- UBND tỉnh/TP trực thuộc trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Cổng TTĐT: Bộ GDĐT, Thanh tra Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

Văn bản có phụ lục biểu mẫu đính kèm, mời các bạn xem trong file tải về.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạoNgười ký:Phạm Ngọc Thưởng
Số hiệu:3972/BGDĐT-TTrLĩnh vực:Giáo dục
Ngày ban hành:07/08/2023Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 1.137
0 Bình luận
Sắp xếp theo