Bộ GD-ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020

Dự kiến sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020. Trả lời báo chí trong chuyến công tác kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh covid-19 trong trường học tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, Bộ GDĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học.

1. Dự kiến lùi thời điểm kết thúc năm học do dịch Covid 19

Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có một số địa phương báo cáo Bộ GDĐT việc sẽ cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2 sau 2 tuần tạm nghỉ để phòng, phòng chống dịch covid-19. “Tôi được biết lãnh đạo những địa phương này trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế và Sở GDĐT, đã cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh ở địa phương để đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại” - Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Giáo dục, do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên các địa phương cần cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại, chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GDĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).

Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết” - Bộ trưởng khẳng định.

2. Đề xuất lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7

Học kỳ II sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7, lịch thi THPT quốc gia được lùi lại đến cuối tháng 7, theo dự thảo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 17/2.

Sở Giáo dục và Đào tạo trình Thường trực UBND TP HCM dự thảo kiến nghị cho phép học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghỉ học hết tháng 3; điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020. Tiếp đó, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thời gian năm học 2019-2020 được điều chỉnh: học kỳ II bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7; kỳ thi THPT quốc gia dời đến cuối tháng 7 (những năm trước đều là tháng 6).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc này nhằm giúp các cơ sở chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; thực hiện kế hoạch năm học đồng bộ trong cả nước. Việc này còn giúp học sinh và phụ huynh yên tâm, chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình và cá nhân.

So với chỉ đạo của Thường trực UBND TP HCM ngày 14/2, dự thảo trên có hai điểm mới: đề xuất cho nghỉ hết tháng 3 để tránh dịch nCoV không chỉ dành cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục mà còn áp dụng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý); ngoài điều chỉnh thời gian năm học, dự thảo còn bổ sung đề xuất lùi thời gian thi THPT quốc gia.

Năm nay, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu học sinh. Những năm gần đây, có khoảng 800.000-900.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia mỗi năm.

Đề xuất của TP HCM được nhiều lãnh đạo trường học và phụ huynh đồng tình bởi cho rằng, sức khoẻ của học sinh và xã hội là quan trọng nhất trong bối cảnh dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một số trường lại cho rằng, đề xuất trên là vội vàng, chưa cần thiết.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở ngoại thành TP HCM cho rằng, nhiều trường có sĩ số lớp cao hơn tiêu chuẩn (45-50 em), chưa kể không đủ cơ sở vật chất để dạy hai buổi. Do đó, việc tổ chức dạy học bù để đảm bảo chương trình theo tiến độ trên là rất khó. "Chương trình thì không thể bớt, cũng không thể bắt các em học thứ bảy, chủ nhật được. Nghỉ thêm phải tính toán, cân nhắc rất kỹ", ông nói.

Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng, việc sắp xếp thời gian biểu học tập để bù cho hai tháng không đơn giản. Kế hoạch học tập hằng năm chỉ có hai tuần dự trữ cùng với các kỳ thi cuối cấp, ngành giáo dục sẽ khó xoay xở. Chưa kể, nghỉ học kéo dài sẽ khiến học sinh bị hụt kiến thức và giảm động lực học tập. Với nhiều phụ huynh có con em nhỏ tuổi, việc sắp xếp để trông nom, chăm sóc chúng tốn nhiều công sức, thời gian.

Ông Ngai đề xuất ngành giáo dục cân nhắc kỹ, có thể đến cuối tháng 2 xem xét diễn biến dịch bệnh, tham khảo ý kiến ngành y tế và cấp trên để đưa ra quyết định.

Hiện, 63 địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ phòng dịch, trong đó 8 địa phương cho nghỉ thêm một tuần đến 23/2, 55 tỉnh thành cho nghỉ hết tháng 2. Trước đó các em đã nghỉ 7-16 ngày dịp Tết Canh Tý. Đây là lần đầu tiên học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học kéo dài.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
1 562
0 Bình luận
Sắp xếp theo