Bán vé tàu giả, xử lý thế nào?

Xử phạt về hành vi bán vé giả

Bán vé tàu giả, xử lý thế nào? HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn quy định xử phạt về hành vi bán vé giả. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu vé tàu giả. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

Vào những dịp cao điểm như Tết, cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng nhiều. Đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, người đi làm ai cũng đều háo hức đặt vé xe, vé tàu để về quê ăn Tết. Lợi dụng nhu cầu và lòng tin của người dân, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng chiêu thức bán vé “giả” cho hàng khách để thu lợi bất chính.

Xử phạt về hành vi bán vé giả

Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã phát hiện nhiều trường hợp người dân mua phải vé tàu giả cho các chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán. Hành vi vi phạm này không những vậy gây ra trở ngại, khó khăn cho việc kiểm soát vé mà còn gây thiệt thòi cho hành khách.

Theo Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định như sau:

Điều 72. Xử phạt các hành vi vi phạm về sử dụng vé tàu giả và bán vé tàu trái quy định

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sử dụng vé tàu giả để đi tàu.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định;

b) Mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển vé tàu giả;

b) Bán vé tàu giả;

c) Tàng trữ vé tàu giả.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này bị tịch thu vé tàu giả;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này bị tịch thu toàn bộ số vé tàu hiện có;

c) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều này bị tịch thu toàn bộ vé tàu giả.

5. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Như vậy, đối với từng hành vi vi phạm, mức độ ảnh hưởng, khả năng gây hậu quả sẽ có sự khác biệt và nhóm hành vi về vận chuyển, bán, tàng trữ vé tàu giả sẽ thuộc nhóm phải chịu trách nhiệm hành chính nặng nhất. Bên cạnh đó, ngoài hình thức phạt tiền theo các khoản nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu vé tàu giả. Ngoaif ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, hành vi bán vé giả nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm, buôn bán tem giả, vé giả như sau:

Điều 202. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả

1. Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;

b) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;

d) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quy định trên, tùy vào hành vi, số lượng vé bán ra thị trường, tổng giá trị vé giả có mệnh giá,…mà việc làm và bán vé giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 2015.

Do vậy, trường hợp khi mua phải vé giả, người dân nên trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất hoặc nhà ga nơi bán vé về sự việc để được giải quyết kịp thời đồng thời ngăn chặn hành động sai trái của bên bán vé giả.

Đánh giá bài viết
2 107
0 Bình luận
Sắp xếp theo