Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là một cây đại thụ trong nền văn học của dân tộc. Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc, là người học giỏi, tài cao đức trọng. Sau một thời gian làm quan ông đã cáo quan lui về ở ẩn, sống cuộc đời bình dị chốn thôn quê. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ các bài văn mẫu thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm để các bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm 1491 và mất năm 1585, thọ 95 tuổi. Ông học rộng, đức trọng, tài cao. Mãi đến năm 45 tuổi mới đi thi và đã đậu Trạng nguyên dưới triều nhà Mạc. Sau một thời gian làm quan, ông về sống ở quê nhà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) mở trường dạy học, đào tạo được nhiều nhân tài, dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân,... Lúc ống mất, vua nhà Mạc trung phong là Trình Ọuốc Công.

Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với các danh hiệu: Tuyết Giang Phu Tử. Bạch Vân cư sĩ, Trạng Trình...

Ông còn là nhà thơ lớn của Đại Việt, để lại 2 tác phẩm thơ: Bạch Vân am thi tập bằng chữ Hán trên nghìn bài, Bạch Vân quốc ngữ thi lập bằng chữ Nôm có vài trăm bài.

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hàm súc, điêu luyện, vừa cổ điển, vừa đậm đà phong vị dân gian, giàu suy tư, triết lí, đề cao tình nghĩa, đề cao chữ “nhàn”, xa lánh bon chen danh lợi, yêu hòa bình, lên án chiến tranh.

2. Dàn ý thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

1. Mở bài: Giới thiệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho tài đức vẹn toàn, là một người có nhiều đóng góp lớn trong thi đàn văn học Việt Nam.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về tiểu sử

– Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 -1585), quê ở làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

– Ông đỗ trạng nguyên năm 1535, sau đó ra làm quan dưới triều nhà Mạc.

– Là một người tính ngay thẳng, không ưa xu nịnh luồn củi. Có lần ông dâng sớ lên triều đình muôn vạch tội bọn lộng thần nhưng nhà vua không nghe theo. Ông cáo quan về quê dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân và sống cuộc đời ẩn dật ở quê nhà.

– Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, biết nhìn xa trông rộng, nhiều lần ông đã mách bảo kín đáo cho vua chúa nhằm hạn chế chiến tranh, chết chóc cho người vô tội.

b. Giới thiệu về sự nghiệp

– Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc, ông đế lại khoảng 700 bài thơ chữ Hán và hơn 170 bài thơ chữ Nôm.

– Tư tưởng trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu là những giáo huấn, những triết lí ca ngợi chí khí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, phê phán những thói xấu trong xã hội.

3. Kết bài

– Nguyễn Bỉnh Khiêm là tấm gương sáng về tài năng và nhân cách. Tấm gương đó còn sáng soi đến mãi ngày nay và sau này.

Sau đó, từ dàn ý chung này các em học sinh sẽ thêm những chi tiết cụ thể, những thông tin, nhận định của mình về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và các em sẽ có được dàn ý chi tiết cho đề bài Thuyết mình về Nguyễn Bỉnh Khiêm.

3. Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, cả hai thân mẫu đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Nhất là phụ mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tương truyền bà là người giỏi giang văn tài và tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và sau này, tài học vấn uyên thâm của ông đã vượt xa thầy. Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.

Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535. Lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông hy vọng triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà học giả uyên thâm, một trí thức dân tộc đã nhìn thấy điều đó. Và ông hy vọng: với nhân vật này, triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đó gây ra.

Nhưng niềm tin đó bị thất vọng. Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ ông hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).

Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt. Các truyền thuyết trên đây muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài tiên đoán, đo nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh. Vả lại còn truyền thuyết nữa về Trạng Trình với tập Trình quốc công sấm ký. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...

Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông "không bận tâm đi vào xu hướng duy lý... đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.

Tuy nhiên, "một hạn chế dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép biện chứng, nhưng vẫn nặng về duy tâm. Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín chứ chưa phải là vòng tròn xoáy ốc. Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu dịch... ông đã nhận được trong nền giáo dục Nho học đương thời, cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo đức kinh. Đó cũng là những hạn chế đương nhiên của rất nhiều nhà triết học cổ đại" (Đào Thái Tôn).

Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.885
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi