Cảm nhận và phân tích có giống nhau không?

Phân biệt phân tích và cảm nhận trong nghị luận tác phẩm văn học

Cảm nhận và phân tích có giống nhau không? Đây là câu hỏi được khá nhiều bạn học sinh quan tâm trước khi đi vào làm bài phân tích hay cảm nhận 1 tác phẩm văn học. Vậy thế nào phân tích tác phẩm văn học? Cảm nhận văn học là gì? Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số kiến thức bổ ích giúp các bạn đọc phân biệt sự khác nhau giữa “phân tích” và “cảm nhận” trong văn học để làm bài đúng trọng tâm và không bị lạc đề.

Phân tích là gì?

Khi đề bài yêu cầu phân tích, tức là đòi hỏi học sinh phải xem xét tác phẩm một cách toàn diện, khách quan từ hình thức đến nội dung. Nếu là thơ thì phải tìm hiểu ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu… Nếu là truyện thì phải tìm hiểu nhân vật, nghệ thuật kể, ý nghĩa cốt truyện… Điều quan trọng là khi gặp dạng đề này, cần phân tích dẫn chứng trước, rút ra nhận xét, đánh giá sau.

Thế nào là cảm nhận?

Cảm nhận là trình bày những suy nghĩ, cảm xúc, nhận xét , đánh giá của mình về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cảm nhận thường xoáy vào những ấn tượng chủ quan của người viết về những điểm sáng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Vì vậy, người viết cần lắng nghe, chắt lọc những cảm xúc, những rung động của chính mình xem yếu tố nào gây ấn tượng sâu đậm nhất. Ấn tượng về tác phẩm càng sâu đậm bao nhiêu thì bài viết cảm nhận càng xúc động, sâu sắc bấy nhiêu.

Có thể nói, cảm nhận thiên về “cảm”, còn phân tích thì nghiêng về “hiểu”. Nếu như phân tích tác động vào nhận thức, trí tuệ thì cảm nhận tác động vào cảm xúc, tâm hồn. Tuy nhiên, trong bài viết cũng cần lồng ghép giữa hai yếu tố này. Phân tích mà không có cảm nhận thì bài viết dễ khô khan. Ngược lại, cảm nhận mà không có phân tích thì cảm nhận ấy thiếu cơ sở thuyết phục. Trong cảm nhận, cần có phân tích để dào sâu, làm đòn bẩy, làm điểm tựa cho cảm xúc thăng hoa cất cánh. Nói cách khác, mọi rung động, cảm xúc của người viết phải bắt nguồn từ sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…, nhân vật hay chủ đề tác phẩm.

Ví dụ: Cho đoạn thơ:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi “

(Trích “Sang thu” – Hữu Thỉnh)

Đề 1: Hãy phân tích đoạn thơ trên.

Sang thu, cảnh vật thời tiết thay đổi. Tất cả còn những dấu hiệu của mùa hạ nhưng dang giảm dần mức độ, cường độ, từ gay gắt chuyển hóa thành dịu êm. Phép tiểu đối giữa “nắng” và mưa”, “vẫn còn” và “đã vơi” thể hiện sự phân hoá mong manh giữa hai mùa. Bởi vì làm sao có thể đong đếm đầy vơi những dấu hiệu thiên nhiên lúc giao mùa? Khi đất trời sang thu, những hàng cây lâu năm không còn bất ngờ trước những tiếng sấm chuyển mùa nữa. “Sấm” và “hàng cây đứng tuổi” là những hình ảnh ẩn dụ. “Sấm” biểu thị cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, thường điềm tĩnh, chín chắn trước những vang động sóng gió của cuộc đời.

Từ những thay đổi của mùa thu thiên nhiên, liên tưởng đến những thay đổi của mùa thu đời người để rồi ta thấu hiểu ra rằng: hãy biết chấp nhận, bình tĩnh sống với lòng tin. Hãy mở rộng lòng mình để yêu thiên nhiên, đất nước, con người…

Đề 2: Hãy trình bày cảm nhận về đoạn thơ trên.

Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp, bão giông của mùa hạ nhưng mức độ đã khác rồi. Để ý sẽ thấy cái gì cũng đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Cái “đứng tuổi” của cây là cái chốt để mở sang một thế giới khác: thế giới sang thu của hồn người. Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét bão giông hay đó chính là sự từng trải, chín chắn của con người sau những dâu bể của cuộc đời?

Ở cái tuổi ấy, con người một mặt sâu sắc thêm, mặt khác lại khẩn trương gấp gáp hơn, vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Thì ra, trước mắt việc đi mãi, ngoảnh đầu thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ: bỗng chợt thu. Đời người vất vả, tất bật, bận rộn lo toan, bỗng chốc thấy mái tóc pha sương: sững sờ mình cũng đã sang thu.

Nhan đề “Sang thu” vừa bao trùm lại vừa thấm vào cảnh vật: hương quả sang thu, ngọn gió, mànsương sang thu… Nhưng trong từng cảnh sang thu của thiên nhiên đất trời tạo vật là lồng lộng hồn người sang thu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
17 17.711
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm