Công văn 1045/2013/BKHĐT-KTĐN

Tải về

Công văn 1045/2013/BKHĐT-KTĐN về thực hiện Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
---------------
Số: 1045/BKHĐT-KTĐN
V/v: Triển khai thực hiện Văn kiện
Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------------------------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2013

Kính gửi:

- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91.

Thực hiện Văn kiện Quan hệ đối tác Busan (BPD) về Hợp tác phát triển hiệu quả được thông qua tại Diễn đàn cấp cao toàn cầu lần thứ tư về hiệu quả viện trợ (HLF-4) tại Busan, Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2011, với tư cách là Đồng chủ tọa Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và khu vực tư nhân xây dựng Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD).

Tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 6 (AEF-6) diễn ra vào ngày 04/12/2012 trước thềm Hội nghị thường niên Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) 2012, các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ đã nhất trí nội dung Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam để trình Hội nghị CG thường niên năm 2012 thông qua Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD).

Tại Hội nghị CG thường niên năm 2012 tổ chức tại Hà Nội ngày 10/12/2012, các đối tác phát triển đánh giá cao cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) nhằm cụ thể hóa các cam kết quốc tế trong BPD và hy vọng Văn kiện Quan hệ Đối tác Việt Nam (VPD) sớm được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để các bên triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, ngày 04/01/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 87/BKHĐT-KTĐN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD). Căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Công văn số 831/VPCP-QHQT ngày 25/01/2013 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đồng ý nội dung Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các đối tác phát triển triển khai thực hiện Văn kiện VPD, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện, bổ sung các chiến lược phát triển liên quan như Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Quý Cơ quan toàn văn Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) bằng tiếng Việt và tiếng Anh để quán triệt và tổ chức thực hiện.

I. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA VĂN KIỆN QUAN HỆ ĐỐI TÁC VIỆT NAM (VPD)

Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) là một văn bản đồng thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ với các cam kết đối tác và hành động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển ở Việt Nam theo tinh thần của Văn kiện BPD để đóng góp cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Việc xây dựng Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) đã được tiến hành thông qua tham vấn ý kiến rộng rãi tại các cuộc hội thảo, diễn đàn tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Hiệu quả viện trợ với các bộ, ngành, một số địa phương, đại diện các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và khu vực tư nhân. Ngoài ra, căn cứ Công văn số 9899/BKH-KTĐN ngày 27/11/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng), các địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An) cũng đã gửi các ý kiến đóng góp bằng văn bản, bày tỏ sự nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD).

Nội dung của Văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam được xây dựng dựa trên 4 nguyên tắc của Văn kiện BPD, đó là:

1. Phát huy vai trò làm chủ của Việt Nam đối với những ưu tiên phát triển

Để phát huy vai trò làm chủ, Chính phủ cam kết thực thi việc lãnh đạo và huy động sự tham gia của các đối tác phát triển trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển ở cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương; các đối tác phát triển cam kết ủng hộ Chính phủ thực hiện vai trò này.

Chính phủ và các đối tác phát triển nhất trí thực hiện 07 hành động cụ thể trong hợp tác phát triển như Chính phủ lãnh đạo việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 dựa trên các chính sách phát triển được xây dựng đầy đủ và các thể chế được tăng cường, bao gồm phát triển năng lực ở cấp quốc gia và cấp địa phương để đạt được các mục tiêu phát triển 5 năm một cách có hiệu quả, cải thiện hệ thống kế hoạch và ngân sách của Chính phủ để phản ánh tốt hơn nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi vào Ngân sách Nhà nước. Các đối tác phát triển cam kết ủng hộ Chính phủ phát huy vai trò làm chủ trong các ưu tiên phát triển thông qua việc nâng cao tính dự báo của các khoản vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chính phủ, thúc đẩy những nổ lực dỡ bỏ các khoản viện trợ có ràng buộc, sử dụng nhiều hơn các hệ thống của Chính phủ (đấu thầu, di dân giải phóng mặt bằng, quản lý tài chính…).

Việc thực hiện các cam kết đối tác và những hành động nêu trên sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng của công tác kế hoạch va lập ngân sách của Trung ương, cũng như của các bộ, ngành và các địa phương, nhất là phản ánh nguồn vốn ODA và vay ưu đãi vào ngân sách; hoàn thiện các hệ thống quản lý như đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán,... theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế; cải tiến các quy trình và thủ tục quản lý của cả phía Việt Nam và nhà tài trợ để thúc đẩy giải ngân vốn ODA...

2. Tập trung vào các kết quả phát triển

Để tập trung những nỗ lực vào các kết quả phát triển, Chính phủ cam kết thực hiện các chính sách và các biện pháp nhằm đảm bảo đạt được những chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch 5 năm trên ba trụ cột, đó là tăng trưởng nhanh và bền vững, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong Văn kiện VPD, Chính phủ cam kết xây dựng các khung đánh giá tình hình thực hiện dựa trên kết quả để đánh giá các thành tựu theo những mục tiêu của Kế hoạch 5 năm ở cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương; tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa trên tăng năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh và tính cạnh tranh quốc gia, quản lý nhà nước có hiệu quả; thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở các vùng dân tộc miền núi; cải thiện các hệ thống an sinh xã hội, giảm bớt sự bất bình đẳng về các cơ hội kinh tế, xã hội; tăng cường quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (NTP) về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Các nhà tài trợ cam kết ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ tập trung những nỗ lực để đạt được các kết quả phát triển trong thời kỳ 5 năm 2011-2015 thông qua việc sử dụng các khung kết quả quốc gia để xây dựng các chiến lược quan hệ đối tác giúp Việt Nam giám sát và đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chương trình và dự án ODA và các khoản vay ưu đãi.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay việc tập trung nguồn vốn ODA để góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện các cam kết này, các nhà tài trợ dựa vào những kết quả phát triển mà Chính phủ mong muốn đạt được đến năm 2015 để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch tài trợ cho Việt Nam, nhờ vậy nguồn vốn ODA và vay ưu đãi sẽ tập trung vào những chương trình và dự án ưu tiên cao của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

3. Huy động sự tham gia rộng rãi vào quá trình phát triển

Chính phủ và các nhà tài trợ coi trọng vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội, các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, khu vực tư nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Chính phủ cam kết tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ sự tham gia của các thực thể này vào quá trình phát triển với tư cách là người thụ hưởng, tham gia thực hiện và giám sát quá trình thực hiện ở các cấp.

Để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các bên vào quá trình phát triển, Chính phủ cam kết thực hiện các hành động cụ thể, chẳng hạn thúc đẩy xây dựng và thực hiện các chính sách và môi trường thể chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội trong nước và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài vào các chương trình nghị sự phát triển: Hỗ trợ việc thành lập Trung tâm thông tin về các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội trong nước nhằm mục đích điều phối các hoạt động hợp tác, tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin; thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong giám sát việc cung cấp và chất lượng các dịch vụ công.

Đối với sự tham gia của khu vực tư nhân, Chính phủ cam kết sẽ khuyến khích sự phát triển, tính cạnh tranh và ảnh hưởng tích cực của khu vực này, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với quá trình phát triển; tăng cường các khuôn khổ chính sách và thể chế để thúc đẩy đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP).

Trong tình hình hiện nay, vai trò của quan hệ hợp tác Nam-Nam giữa các nước đang phát triển với nhau ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới và khu vực. Hơn nữa, trong tình hình kinh tế khó khăn của thế giới, hợp tác Nam - Nam có thể bổ sung nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức phát triển cho quan hệ hợp tác Bắc - Nam. Chính vì vậy, trong Văn kiện VPD, Chính phủ cam kết thúc đẩy các hoạt động hợp tác Nam - Nam; tăng cường phát triển thương mại hai chiều và đầu tư với các quốc gia đang phát triển khác; tăng cường chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các quốc gia đang phát triển khác...

Trong VPD các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để nâng cao quan hệ đối tác với tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội trong nước và với khu vực tư nhân như thông qua hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm; hỗ trợ quan hệ hợp tác ba bên giữa Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác với việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.

Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng. Trong VPD, Chính phủ và các đối tác phát triển cam kết hợp tác và cùng hành động để thực hiện các chính sách và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Ở cấp ngành, các Nhóm quan hệ đối tác theo ngành và lĩnh vực (SPG và ISG) hoạt động như một cơ chế đối thoại chính sách phát triển và điều phối viện trợ ở cấp ngành. Chính vì vậy, trong Văn kiện VPD Chính phủ và các đối tác phát triển cam kết tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác của Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF); đảm bảo các nhóm quan hệ đối tác này tuân thủ các nguyên tắc trong quan hệ hợp tác phát triển có hiệu quả.

Việc Chính phủ và các nhà tài trợ cam kết tạo môi trường thuận lợi để huy động sự tham gia rộng rãi của các bên vào quá trình phát triển sẽ đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển, nhất là thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ chủ trương và các chính sách của Chính phủ; tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức phát triển đồng thời tăng cường sự theo dõi và giám sát, nhất là giám sát cộng đồng tại cơ sở đối với đầu tư công, bao gồm đầu tư từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.

4. Minh bạch và trách nhiệm giải trình

Chính phủ và các nhà tài trợ cam kết công khai các thông tin toàn diện và được mong đợi về hợp tác phát triển. Để đạt được cam kết này, trong VPD, Chính phủ và các nhà tài trợ cam kết công khai tất cả các thông tin và dữ liệu liên quan đến hợp tác phát triển trên các cổng thông tin điện tử của mình; hỗ trợ việc xây dựng một cơ sở dữ liệu ODA mới để tăng cường theo dõi hợp tác phát triển ở Việt Nam; tiến hành đánh giá chung định kỳ về tiến độ thực hiện các cam kết đã thỏa thuận nâng cao hiệu quả viện trợ.

Việc công khai hóa các thông tin, dữ liệu về chính sách, quy trình, thủ tục cung cấp và tiếp nhận vốn ODA và vốn vay sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch về nguồn lực công này, tạo thuận lợi để các bộ, ngành và địa phương, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa và khu vực tư nhân, trong việc tiếp cận nguồn ODA và vay ưu đãi. Công khai minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về ODA và vốn vay ưu đãi còn góp phần vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thất thoát và qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công.

II. KHUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VĂN KIỆN QUAN HỆ ĐỐI TÁC VIỆT NAM (VPD)

1. Khung kế hoạch thực hiện Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đối tác và các hành động cụ thể với những chỉ tiêu đo lường được nhằm hỗ trợ công tác theo dõi tiến độ và giám sát kết quả thực hiện. Trong khung này xác định rõ các cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp phía Việt Nam và đối tác phát triển. Việc theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) đồng bộ với cấp độ toàn cầu đối với Văn kiện BPD.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các đối tác phát triển triển khai thực hiện Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD), định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

III. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VĂN KIỆN QUAN HỆ ĐỐI TÁC VIỆT NAM (VPD)

1. Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức triển khai chiến lược truyền thông rộng rãi về Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) để nâng cao nhận thức của cả phía Việt Nam và phía các đối tác phát triển về tinh thần và nội dung của Văn kiện này, chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động nâng cao hiệu quả viện trợ ở các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Trên cơ sở quán triệt tinh thần và nội dung của Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD), các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển tổ chức thực hiện, chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan và đối tác phát triển xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể phù hợp với nhu cầu và định hướng ưu tiên của tổ chức, cơ quan và đơn vị mình, định kỳ cập nhật tiến độ và kết quả thực hiện, báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được sự hợp tác của Quý cơ quan./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ QHQT (VPCP);
- Lưu: VT, KTĐN, D (130).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)


Cao Viết Sinh

Đánh giá bài viết
1 65
Công văn 1045/2013/BKHĐT-KTĐN
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm