Top 6 Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh Diều năm học 2023-2024

Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh Diều năm học 2023 - 2024, bao gồm TOP 6 đề thi có kèm theo cả đáp án để học sinh ôn tập, rèn luyện kiến thức nhằm đạt kết quả tốt nhất giữa HK1. Đây là bộ đề thi được HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp nhằm mục đích giúp cho các em học sinh có thêm tài liệu hữu ích trong quá trình ôn tập và chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa kì sắp tới đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo Đề thi giữa kì 1 Văn 6 mới nhất.

Bộ Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều có đáp án rất dài, HoaTieu.vn không thể trình bày hết được. Để xem trọn bộ đề thi giữa HKI môn Văn 6, bạn đọc tải file file về máy. 

1. Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh Diều số 1

(Đề số 1)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NHỮNG ĐIỀU BỐ YÊU

Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu”

"Con ong làm mật”, “Mù u! bướm vàng”...

Sau yêu cái chỗ con nằm

Thơm mùi sữa với chiếu thâm mấy quầng

Yêu sao ngang dọc, dọc ngang

Những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà.

Thêm yêu dìu địu nước hoa

Khi con muỗi đốt, bà xoa nhẹ nhàng

Và yêu một góc mặt bàn

Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.

Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”

Bước đi chập chững, mặt trời nhòm coi

Bao ngày, bao tháng dần trôi

Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con.

Để khi con vắng một hôm

Bố ngơ ngần nhớ, quên cơm bữa chiều.

Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.

(NGUYỄN CHÍ THUẬT, Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 35, 1999)

Ghi lại chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 9):

Câu 1. Bài thơ “Những điều bố yêu” được viết theo thể thơ nào?

A. Thể thơ tự do

B. Thể thơ lục bát

C. Thể thơ năm chữ

D. Thể thơ bốn chữ

Câu 2. Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của ai?

A. Người bố

B. Người con

C. Người mẹ

D. Người bà

Câu 3. Cách ngắt nhịp nào thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ?

A. Ngày con khóc tiếng chào đời /

Bố thành vụng dại / trước lời hát ru

Cứ "À ơi, / gió mùa thu”

“Con ong làm mật”, / “Mù u bướm vàng”...

B. Ngày con / khóc tiếng / chào đời

Bố thành / vụng đại / trước lời / hát ru

Cứ “À /ơi, gió / mùa thu”

“Con ong /làm mật”, / “Mù u /bướm vàng”...

C. Ngày con / khóc tiếng chào đời

Bố thành / vụng dại trước lời hát ru

Cứ "À /ơi, gió mùa thu”

“Con ong làm mật, / “Mù u bướm vàng”...

D. Ngày con khóc tiếng / chào đời

Bố thành vụng dại trước lời / hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu” /

“Con ong làm mật, / “Mù u bướm vàng”...

Câu 4. Điệp từ nào được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ?

A. Con

B. Bao

C. Bố

D. Yêu

Câu 5. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”?

A. So sánh

B. Nhân hoá

C. Ấn dụ

D. Liệt kê

Câu 6. Hai dòng thơ nào nói được tất cả những điều mà người bố yêu?

A. Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru.

B. Và yêu một góc mặt bàn

Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.

C. Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”

Bước đi chập chững, mặt trời nhòm coi.

D. Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.

Câu 7. Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng nào được gieo vần với nhau?

A. Đời - lời; ru - thu - u

B. Đời - ru; thu - u - vàng

C. Chào - hát; ru - thu - u

D. Đời - lời; hát - thu - u

Câu 8. Bài thơ “Những điều bố yêu” có điểm gì khác với bài thơ “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên) và “Về thăm mẹ” (Đinh Nam Khương)?

A. Viết về tình cảm gia đình

B. Viết theo thể thơ lục bát

C. Diễn tả tâm trạng của người cha

D. Thể hiện tình cảm sâu nặng

Câu 9. Bài “Những điều bố yêu” giống các bài thơ và ca dao (Bài 2) ở điểm nào?

A. Đều là ca dao

B. Đều là thể thơ lục bát

C. Đều thể hiện tình cảm cha con

D. Đều là thơ hiện đại

Câu 10. Viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 dòng) phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ: “Những điều bố yêu”.

Đáp án đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh Diều số 1

Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đáp án

B

A

A

D

C

D

A

C

B

Câu 10.

- Tạo lập đoạn văn 5-7 dòng phát biểu cảm nghĩ về bài thơ.

- Nội dung đoạn văn cần nêu được cảm nghĩ cụ thể của học sinh về bài thơ và nêu lí do vì sao bài thơ đem lại cảm nghĩ đó cho bản thân.

* Đoạn văn mẫu:

Bài thơ là lời thủ thỉ tâm tình của cha muốn gửi con. Ngày con sinh ra đời là ngày cha hạnh phúc nhất. Ngày con còn bé, bố mẹ yêu thương luôn quan tâm dõi theo từng bước con đi, hạnh phúc khi thấy con chập chững bước đi, vui ngày con cất tiếng nói đầu tiên chào đời. Với cha, con là món quà vô giá cho bố mẹ, có con gia đình đầm ấm hạnh phúc sum vầy. Xa con một chút thôi cũng đủ khiến bố ngẩn nhơ nhớ, mong chờ. Đọc bài thơ con thấy ấm áp trong lòng, nghẹn ngào tình cha, tình mẹ luôn dành những điều tốt đẹp, sánh bước cùng con trên bước đường đời.

2. Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều số 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Cánh diều

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 6

Thời gian làm bài: 60 phút

(không kể thời gian phát đề)

Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

CÂU CHUYỆN ỐC SÊN

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!"

"Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh" - Ốc sên mẹ nói.

"Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

"Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy".

"Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

"Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy".

Ốc sên con bật khóc, nói: "Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta".

"Vì vậy mà chúng ta có cái bình!" - Ốc sên mẹ an ủi con - "Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta".

(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Thanh niên, 2009)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm): Em hãy chỉ ra tác dụng của các dấu ngoặc kép được sử dụng trong văn bản.

Câu 3 (1 điểm): Vì sao Ốc sên con lại bật khóc và cảm thấy mình đáng thương?

Câu 4 (1 điểm): Em có đồng ý với lời động viên an ủi của Ốc sên mẹ không? Vì sao?

Phần 2: Tạo lập văn bản (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Tự lập là một đức tính tốt. Em đã làm gì để thể hiện mình là người tự lập trong học tập và trong sinh hoạt hàng ngày. Viết đoạn văn ngắn 5-7 câu trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 2 (5 điểm): Khi Thánh Gióng ra trận, mẹ đã đến bên ngựa sắt để tiễn đưa chàng. Hãy viết bài văn kể lại cuộc chia tay xúc động ấy.

Đáp án đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều số 2

Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự.

Câu 2 (0,5 điểm): Tác dụng của các dấu ngoặc kép được sử dụng trong văn bản: Đánh dấu các lời thoại của nhân vật.

Câu 3 (1 điểm): Ốc sên con bật khóc và cảm thấy mình đáng thương vì không được bầu trời bảo vệ như chị sâu, không được lòng đất che chở như em giun đất mà phải luôn tự mình đeo chiếc bình vừa nặng vừa cứng trên lưng.

Câu 4 (1 điểm): Có 2 tình huống:

+ Không dựa vào trời, không dựa vào đất mà chỉ dựa vào bản thân, sống tự lập.

+ Vừa phải tự lập là chính nhưng cũng rất cần sự trợ giúp của gia đình và người thân khi cần thiết.

Phần 2: Tạo lập văn bản (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

- Đảm bảo hình thức đoạn văn, dung lượng 5-7 câu.

- Xác định đúng vấn đề: Suy nghĩ về đức tính tự lập.

- Triển khai các ý như:

+ Giới thiệu: Đức tính tự lập rất cần thiết trong cuộc sống.

+ Biểu hiện của tự lập: Tự mình đi học; học và làm bài kiểm tra không quay cóp, sử dụng tài liệu, tự chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp, ….

+ Hiện trạng ngày nay: Nhiều bạn thiếu tính tự lập, dựa dẫm, chờ đợi người khác,…cần phê phán.

+ Bài học: Chăm chỉ rèn luyện bản thân, giúp đỡ mọi người xung quanh,…

Câu 2 (5 điểm): Khi Thánh Gióng ra trận, mẹ đã đến bên ngựa sắt để tiễn đưa chàng. Hãy viết bài văn kể lại cuộc chia tay xúc động ấy.

a. Hình thức:

- Thể loại: Tự sự

- Ngôi kể: Thứ nhất hoặc thứ 3.

- Bố cục đầy đủ, mạch lạc.

- Diễn đạt rõ ràng, biết hình thành các đoạn văn hợp lí. Không mắc lỗi về câu.

- Rất ít lỗi chính tả. Ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc.

b. Nội dung:

- Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

- Thân bài : Kể lại diễn biến câu chuyện từ mở đầu đến kết thúc.

+ Đảm bảo đầy đủ các nhân vật và sự việc chính.

+ Đảm bảo thứ tự trước sau của sự việc: Nguyên nhân dẫn đến cuộc chia tay, sự việc ngày chia tay, giây phút chia tay, kết thúc buổi chia tay,…

- Kết bài : Kết thúc câu chuyện và nêu cảm nghĩ: xúc động, tự hào, biết ơn,…

3. Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh Diều số 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Cánh diều

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 6

Thời gian làm bài: 60 phút

(không kể thời gian phát đề)

Đọc văn bản “Em bé thông minh” (sgk Ngữ văn 6 Cánh diều tập 1, trang 31) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Câu 1. Nhân vật nổi bật trong truyện cổ tích “Em bé thông minh” là ai?

A. Viên quan

B. Em bé

C. Vua

D. Cha em bé

Câu 2. Sự thông minh của em bé được thể hiện qua việc gì?

A. Xin con trâu và thúng gạo làm lộ phí vào kinh

B. Lên được vào sân rồng và khóc um lên

C. Cùng cha khăn gói tìm đường vào kinh

D. Hoá giải được các câu đố oái oăm của quan, vua

Câu 3. Truyện “Em bé thông minh” kể về cuộc đời của kiểu nhân vật nào?

A. Nhân vật bất hạnh

B. Nhân vật có tài năng

C. Nhân vật ngốc nghếch

D. Nhân vật thông minh

Câu 4. Cách trả lời của em bé trong truyện có điểm nào đáng chú ý?

A. Hỏi lại người thách đố bằng một tình huống khó tương tự

B. Hỏi lại người hỏi bằng câu hỏi cần nhiều thời gian mới có đáp án

C. Trả lời vòng vo, không tập trung vào câu hỏi của người hỏi

D. Trả lời thẳng vào các câu thách đố kèm theo sự hài hước, trẻ thơ

Câu 5. Việc tạo ra những tình huống thách đố khác nhau đã giúp cho câu chuyện như thế nào?

A. Có màu sắc hoang đường, kì ảo

B. Có sắc thái hài hước, hồn nhiên

C. Trở nên hấp dẫn, không nhàm chán

D. Trở nên căng thẳng, dữ dội hơn

Câu 6. Chi tiết cuối văn bản “Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu." cho thấy điều gì?

A. Vua rất đồng cảm với hai cha con em bé

B. Vua đã chấp nhận thua em bé thông minh

C. Vua rất quý trọng những người thông minh

D. Vua rất thương yêu những người dân nghèo

Câu 7. Qua nội dung câu chuyện, tác giả dân gian muốn đề cao điều gì nhất?

A. Sự sáng suốt, thận trọng của nhà vua

B. Sự lém lỉnh, hồn nhiên của em bé

C. Sự hấp dẫn về nội dung của các câu đố

D. Sự thông minh, trí khôn của con người

Câu 8. Truyện “Em bé thông minh” khác với truyện “Thạch Sanh” ở điểm nào?

A. Không có các chi tiết đời thường

B. Không có các chi tiết thần kì

C. Kết thúc có hậu

D. Có nhân vật vua

Câu 9. Điểm giống nhau giữa truyện “Em bé thông minh” và truyện “Thạch Sanh” là:

A. Có nhân vật anh hùng

B. Có nhân vật gian ác

C. Thể hiện ước mơ của nhân dân về những người có tài năng

D. Thể hiện ước mơ của nhân dân về cuộc sống hạnh phúc

Câu 10. Từ câu chuyện “Em bé thông minh”, có hai ý kiến khác nhau được nêu ra:

a) Ý kiến 1: Người thông minh không cần thử thách.

b) Ý kiến 2: Thử thách là cơ hội để rèn luyện trí thông minh.

Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao?

Đáp án Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh Diều số 3

Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đáp án

B

D

D

A

C

C

D

B

C

Câu 10: Học sinh đồng tình với ý kiến nào cũng được miễn là lí giải được vì sao em tán thành ý kiến ấy. Năng lực thực của các em phụ thuộc vào việc lí giải vì sao chứ không phải là tán thành ý kiến nào.

4. Đề thi giữa kì 1 môn Văn 6 Cánh diều năm 2023 số 4

Trường THCS.........

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I
Môn Ngữ văn lớp 6
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

SỰ TÍCH CÂY VÚ SỮA

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi, không nghe lời mẹ. Một lần, bị mẹ mắng, cậu giận mẹ bỏ đi. Cậu la cà, dạo chơi khắp nơi, mẹ cậu ở nhà lo lắng không biết cậu ở đâu nên rất buồn. Bà ngày ngày mẹ ngồi ở bậc cửa ngóng con trở về.

Thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu mất. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.

- Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bảo vệ mình, về với mẹ thôi.

Cậu vội tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu gọi mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! – Cậu gục xuống, ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, cây xanh đó bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa be bé trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to mọng rơi vào tay cậu bé.

Cậu bé cắn một miếng thật to, câu thốt lên:

- Chát quá!

Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cậu thốt lên:

- Cứng quá!

Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẻ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào:

- Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ.

Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về đứa con thân yêu.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

(Nguồn: https://www.cotich.net)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Truyện Sự tích cây vú sữa thuộc thể loại nào?

A. Truyện cổ tích.

B. Truyện đồng thoại.

C. Truyền thuyết.

D. Thần thoại.

Câu 2. Câu chuyện trong tác phẩm được kể bằng lời của ai?

A. Lời của nhân vật cậu bé.

B. Lời của người kể chuyện.

C. Lời của nhân vật người mẹ.

D. Lời của cây vú sữa.

Câu 3. Vì sao cậu bé bỏ nhà ra đi?

A. Vì ham chơi, không nghe lời mẹ.

B. Vì thích la cà, dạo chơi.

C. Vì bị mẹ mắng, cậu giận mẹ.

D. Vì không thích ở nhà.

Câu 4. Thành ngữ nào sau đây diễn tả cuộc sống khi được mẹ chăm sóc?

A. Cơm no áo ấm.

B. Ăn cần ở kiệm.

C. Ăn đói mặc rách.

D. Ăn chay nằm đất.

Câu 5. Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của người mẹ?

A. Vì cậu bé không nghe lời.

B. Vì lo lắng không biết cậu bé ở đâu.

C. Vì quá đau buồn và kiệt sức.

D. Vì mãi trông ngóng cậu bé trở về.

Câu 6. Điều gì khiến cậu bé oà lên khóc?

A. Cậu đói, rét và bị bắt nạt.

B. Đi lâu cậu nhớ đến mẹ.

C. Lâu quá cậu mới được ăn.

D. Cậu hiểu được ý câu nói của cây.

Câu 7. Giải thích nào phù hợp với chi tiết: Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây.

A. Cậu bé về nhà không thấy mẹ.

B. Cảm thấy thân cây như bàn tay mẹ.

C. Nhìn thấy mặt lá đỏ hoe.

D. Vì cậu không còn ai chăm sóc.

Câu 8. Nhận xét nào sau đây đúng với truyện Sự tích cây vú sữa?

A. Khuyên nhủ con phải biết vâng lời mẹ.

B. Giải thích nguồn gốc cây vú sữa.

C. Phê phán việc không nghe lời mẹ.

D. Sự hối hận của người con.

Câu 9. Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc tác phẩm.

Câu 10. Em có nhận xét gì về sự hoá thân thành cây xanh người mẹ trong truyện?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Em hãy kể lại một truyện cổ tích hoặc truyền thuyết bằng lời văn của mình.

Đáp án Đề thi Văn 6 Cánh Diều giữa kì 1 số 4

PhầnCâuNội dungĐiểm
IĐỌC HIỂU6,0
1A0,5
2B0,5
3C0,5
4A0,5
5C0,5
6D0,5
7B0,5
8B0,5

9

- HS nêu được cụ thể bài học; ý nghĩa của bài học.

- Lí giải được lí do nêu bài học ấy.

1,0

10

- Nêu lí do dẫn đến sự hoá thân của người mẹ.

- Đánh giá ý nghĩa, giá trị tư tưởng, nghệ thuật của chi tiết này.

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sự

0,25

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Kể lại một truyện cổ tích hoặc truyền thuyết.

0,25

c. Kể lại câu chuyện

HS có thể triển khai cốt truyện theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Sử dụng ngôi kể phù hợp.

- Giới thiệu truyện.

- Thuật lại các sự kiện chính trong truyện: bắt đầu – diễn biến – kết thúc.

- Cảm nghĩ về câu chuyện đã kể.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời kể sinh động, lối kể sáng tạo.

0,5

.........................

Trên đây là Đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6 sách Cánh Diều năm học mới. 

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên nhóm Lớp 6 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
46 12.060
0 Bình luận
Sắp xếp theo