Thể lệ cuộc thi Tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác"

Tải về

Ngày 6/9/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” ban hành Kế hoạch số 01-KH/BTC tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác”. Dưới đây là toàn văn Thể lệ cuộc thi Tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác" được hoatieu.vn đăng tải.

THỂ LỆ CUỘC THI

Tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác"

(ban hành kèm theo Kế hoạch số 01-KH/BTC, ngày 06-9-2019 của Ban Tổ chức Cuộc thi)

-------------------

I. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN DỰ THI

1- Đối tượng dự thi:

- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

- Chiến sĩ các lực lượng vũ trang.

- Đoàn viên, hội viên Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Học sinh (từ trung học cơ sở trở lên), Sinh viên.

- Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh và các đối tượng khác quan tâm tới Cuộc thi.

(Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, tổ Thư ký không được tham gia dự thi).

2- Quy mô tổ chức Cuộc thi

Cuộc thi được tổ chức ở 2 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện (và tương đương).

3- Hình thức dự thi: Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi viết.

4- Thời gian tổ chức Cuộc thi

* Thời gian tổ chức Cuộc thi: Từ tháng 9/2019 đến hết tháng 01/2020.

* Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện (và tương đương)

- Tổ chức phát động, tiếp nhận bài dự thi; chấm bài, tổng kết, trao giải và lựa chọn bài dự thi có chất lượng tốt gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh theo cơ cấu số lượng như sau:

+ Các huyện uỷ, thành uỷ: mỗi đơn vị 50 bài.

+ Các Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ: mỗi đơn vị 30 bài.

- Thời gian hoàn thành trước ngày 06/01/2020.

* Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh: tổ chức tiếp nhận, chấm bài dự thi, tổng kết và trao giải vào dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020).

5- Địa chỉ nhận bài dự thi

* Cấp huyện và tương đương

Người dự thi gửi bài dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện và tương đương (qua cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Cuộc thi).

* Cấp tỉnh

Bài dự thi của các huyện uỷ, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy gửi trực tiếp về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (qua phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) theo số lượng quy định.

- Để phục vụ công tác lưu trữ và tuyên truyền, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh không trả lại bài dự thi của các đơn vị.

II. BÀI DỰ THI HỢP LỆ VÀ BÀI DỰ THI KHÔNG HỢP LỆ

1. Bài dự thi hợp lệ

- Bài dự thi được viết tay hoặc đánh máy bằng Tiếng Việt, giấy cỡ A4 (font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14). Khuyến khích những bài dự thi trình bày rõ ràng, sạch đẹp; có hình ảnh minh hoạ, tư liệu phong phú, sinh động; đóng thành quyển.

- Bài dự thi ghi rõ thông tin cá nhân (họ tên, giới tính, tuổi, nghề nghiệp, đơn vị học tập, công tác, số CMND, nơi thường trú, số điện thoại, địa chỉ email).

- Bài dự thi trình bày rõ ràng, mạch lạc; đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật. Nguồn tư liệu, tài liệu tham khảo phục vụ cho bài dự thi phải đảm bảo tính chính xác do cơ quan có thẩm quyền ban hành; có chú thích hoặc trích dẫn nguồn tư liệu tham khảo rõ ràng.

2. Bài dự thi không hợp lệ

- Bài dự thi không đúng với quy định tại mục 1.

- Bài dự thi sao chép giống nhau hoàn toàn, nộp quá thời hạn quy định.

- Nếu bài dự thi mà phát hiện vi phạm Thể lệ Cuộc thi thì sẽ không được chấm xét giải.

III. CÁCH CHẤM THI

1. Điểm thi và phương pháp tính điểm

1.1. Điểm thi: Tổng điểm tối đa bài dự thi là 100 điểm, trong đó:

- Nội dung: 90 điểm.

- Hình thức: 10 điểm.

(Có thang, biểu điểm cụ thể do Ban Tổ chức, Ban Giám khảo quy định).

1.2. Phương pháp chấm thi, tính điểm

- Các bài dự thi do 02 thành viên Ban Giám khảo chấm độc lập. Điểm của bài dự thi là điểm trung bình cộng của 02 thành viên Ban giám khảo.

- Trong trường hợp điểm bài dự thi của 02 thành viên Ban Giám khảo chênh lệch nhau từ 20 điểm trở lên (theo thang điểm 100) thì Trưởng Ban Giám khảo phân công thêm thành viên khác chấm điểm lại đối với bài dự thi đó, điểm của bài thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo.

1.3. Xếp loại

Kết quả bài dự thi được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Trường hợp có nhiều bài dự thi bằng điểm nhau thì bài dự thi nào có phương pháp trình bày chặt chẽ, logic; có nhiều tư liệu tham khảo; hình ảnh minh hoạ phong phú, sinh động sẽ được ưu tiên lựa chọn.

IV- BAN GIÁM KHẢO, TỔ THƯ KÝ

1- Ban Giám khảo

- Ban Giám khảo gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban Giám khảo phân công nhiệm vụ cho các thành viên; có trách nhiệm điều hành công việc chấm thi và giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động chấm thi. Đối với các vấn đề phát sinh ngoài phạm vi giải quyết, báo cáo Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi quyết định.

- Trước khi chấm thi, Ban Giám khảo họp thống nhất cách chấm thi, tính điểm và xếp loại; đảm bảo chấm thi khách quan, trung thực, chính xác.

- Ban Giám khảo tham mưu với Ban Tổ chức Cuộc thi trong việc đánh giá, xếp loại, trao giải, báo cáo kết quả chấm thi.

2- Tổ Thư ký

- Giúp việc cho Ban Tổ chức, Ban Giám khảo; giữ mối liên hệ với các thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo.

- Chuẩn bị các văn bản liên quan đến quá trình tổ chức chầm thi; ghi chép, tổng hợp, báo cáo kết quả chấm thi; tuân thủ các nguyên tắc bảo mật trong quá trình chấm thi và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Tổ chức Cuộc thi phân công.

3- Quyền và trách nhiệm của người dự thi

- Chấp hành nghiêm Thể lệ Cuộc thi do Ban Tổ chức Cuộc thi quy định.

- Người dự thi đạt giải được nhận giải thưởng hoặc có quyền ủy quyền cho người khác khi tổng kết, trao giải Cuộc thi.

- Người dự thi được quyền khiếu nại, làm đơn phúc khảo về kết quả chấm thi. Thời gian khiếu nại, phúc khảo không quá 10 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày Ban Tổ chức Cuộc thi công bố kết quả.

V- KINH PHÍ TỔ CHỨC CUỘC THI

- Kinh phí tổ chức Cuộc thi được trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên của cấp ủy các cấp.

- Ban tuyên giáo các huyện, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ tham mưu, lập dự trù kinh phí trình cấp uỷ phê duyệt; bố trí kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, tổ chức Cuộc thi ở cấp mình.

VI- CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

1. Giải tập thể: (Dành cho các đơn vị tổ chức tốt Cuộc thi ở cấp mình, có nhiều bài dự thi có chất lượng cao) gồm:

- 01 giải Nhất, trị giá 5.000.000 đồng.

- 02 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

- 03 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.

- 10 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng.

2. Giải thưởng cá nhân là những bài dự thi có chất lượng cao, gồm:

- 01 giải Nhất, trị giá 5.000.000 đồng.

- 02 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

- 03 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng.

- 10 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng.

VII- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Thể lệ Cuộc thi được phổ biến tới các thành viên Ban Tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký; các huyện uỷ, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

- Căn cứ vào tình hình thực tế Cuộc thi và chất lượng bài dự thi, Ban Tổ chức có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thể lệ Cuộc thi cho phù hợp.

- Mọi thông tin chi tiết về Cuộc thi, liên hệ với Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, số 76A, phố Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình; điện thoại: 0227.3742042 (hoặc liên hệ đồng chí Tô Sỹ Chức - Trưởng phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, sđt 038.980.9868; đồng chí Đoàn Minh Thuỳ - Chuyên viên phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, sđt 0948.543.775)

----------------------------

Đánh giá bài viết
1 168
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm