Tài liệu ôn tập thi tuyển chức danh kế toán trường học

Tải về

Tài liệu ôn tập thi tuyển chức danh kế toán trường học được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây là các nội dung lí thuyết ôn thi kế toán trường học quan trọng kèm theo phần bài tập vận dụng chi tiết sẽ giúp các bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo bổ ích khi thi uyển chức danh kế toán trường học. Sau đây là nội dung chi tiết tài liệu thi viên chức kế toán trường học file doc, mời các bạn cùng tham khảo.

Tài liệu thi viên chức kế toán trường học

Nội dung lí thuyết thi viên chức kế toán trường học

PHẦN LÝ THUYẾT:

1. QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG NHÀ TRƯỜNG

1.1. Chức năng của tài chính:

Theo quan điểm hiện hành, tài chính Việt Nam có hai chức năng cơ bản sau:

1.1.1. Chức năng phân phối:

Chức năng phân phối của tài chính biểu hiện bản chất của phạm trù tài chính và được vận dụng vào đời sống kinh tế xã hội để phân phối của cải vật chất thông qua tiền tệ.

  • Về nội dung: Phân phối tài chính là sự phân chia các nguồn lực tài chính mà chủ yếu là tổng sản phẩm quốc dân theo những tỷ lệ và xu hướng nhất định để tạo lập các quỹ tích lũy và tiêu dùng. Quỹ tích lũy nhằm phục vụ việc tái sản xuất mở rộng, đầu tư phát triển kinh tế. Quỹ tiêu dùng nhằm phục vụ tiêu dùng cho nhà nước và cá nhân.
  • Về hình thức: Quá trình phân phối của tài chính chỉ diễn ra dưới hình thức giá trị và luôn luôn gắn liền với việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.
  • Về phạm vi: Phân phối tài chính bắt nguồn từ phân phối kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng xã hội và tái đầu tư.
  • Về mục đích: Chức năng phân phối hướng vào việc giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, cơ sở thực hiện tái sản xuất mở rộng, xác lập cơ cấu kinh tế - xã hội hợp lí làm nền tảng cho quá trình phát triển phù hợp với các qui luật khách quan.

1.1.2. Chức năng giám đốc:

Là sự giám sát các hoạt động kinh tế thông qua sự vận động của vốn tiền tệ từ nơi làm ra sản phẩm quốc dân đến nơi có nhu cầu, nhằm đảm bảo cho các quỹ tiền tệ được phân phối và sử dụng một cách tốt nhất, hợp lý nhất. Chức năng này tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện trong cả trước, trong và sau các hoạt động tài chính.

Trong thực tiễn chức năng này có ý nghĩa rất quan trọng và có những đặc trưng sau:

  • Về đối tượng: Đối tượng giám đốc của tài chính là giám đốc phân phối các nguồn tài chính trong xã hội, giám đốc việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quĩ tiền tệ ở tất cả các khâu của hệ thống tài chính.
  • Về hình thức: Giám đốc tài chính là giám đốc bằng đồng tiền đối với các hoạt động tài chính. Do đó trở thành một hình thức giám đốc nhanh nhạy và hiệu quả cao vì mọi kết quả đều được biểu hiện dưới hình thái giá trị.
  • Về phạm vi: Giám đốc của tài chính có phạm vi rộng, là giám đốc từ khâu đầu đến khâu cuối của chu kỳ phân phối sản phẩm quốc dân và được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động khách nhau của tài chính.
  • Về mục đích: Mục đích của giám đốc tài chính là nhằm thúc đẩy phân phối các nguồn tài chính của xã hội cân đối, hợp lý phù hợp với các quy luật kinh tế và đòi hỏi của xã hội; thúc đẩy việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ theo mục đích đã định với hiệu quả cao; thúc đẩy chấp hành tốt Luật tài chính.

Nguồn tài chính trong nhà trường:

Nguồn tài chính là một yếu tố cơ bản trong khái niệm tài chính. Nguồn tài chính là tiền tệ đang vận động độc lập trong quá trình phân phối bộ phận tài sản quốc dân mà chủ yếu là tổng sản phẩm quốc dân để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ cho các mục đích xác định.

Trong cơ chế thị trường hiện nay ở Việt Nam, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đang phát triển theo hướng xã hội hóa và đa dạng hóa mục tiêu, chương trình, loại hình trường lớp và các loại hình giáo dục, đào tạo nhằm mục đích nâng cao trình độ dân trí của toàn thể dân cư trong xã hội. Điều này được thể hiện ở chỗ bên cạnh các trường công, đã phát triển trường bán công, trường dân lập, tư thục ở các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, nguồn tài chính trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục bao gồm nhiều nguồn như: ngân sách nhà nước, đóng góp của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế; đóng góp của nhân dân; nguồn tự tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo thông qua kênh nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; nguồn hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Xuất phát từ nội dung đổi mới trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phần chi cho giáo dục từ ngân sách nhà nước hiện nay được giới hạn trong trách nhiệm của nhà nước cho từng lĩnh vực hoạt động của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Giáo dục – đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, của toàn xã hội nên ngành giáo dục có nhiều khả năng khai thác và tạo lập vốn.

Trong nhà trường, nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cấp, còn có cả nguồn thu sự nghiệp của nhà trường bao gồm:

  • Các loại phí, lệ phí hiện hành theo quy định: Học phí; quỹ xây dựng do học sinh đóng góp; các lệ phí tuyển sinh, thi cử.
  • Các khoản thu gắn với hoạt động của nhà trường: các khoản thu từ các hoạt động cung ứng dịch vụ gắn với hoạt động của nhà trường, khai thác cơ sở vật chất dịch vụ do nhà trường cung cấp; thu từ các hoạt động sản xuất, bán sản phẩm thực hành tại các xưởng trường, sản phẩm thí nghiệm.
  • Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật như tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng từ các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ, thu từ thanh lý nhượng bán tài sản cố định không sử dụng nữa.
  • Ngoài các khoản thu sự nghiệp nêu trên, các trường phổ thông được phép huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động hợp pháp của nhà trường theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

1.3. Nội dung chi trong nhà trường:

Nội dung chi trong nhà trường bao gồm:

1.3.1. Chi thường xuyên:

Nhà trường được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên theo những nội dung sau:

a) Chi hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của nhà trường:

  • Chi cho cán bộ giáo viên và lao động hợp đồng: Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng; phụ cấp lương; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp trích nộp bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ hiện hành.
  • Chi cho học sinh: Chi học bổng, trợ cấp xã hội, tiền thưởng; chi cho các hoạt động văn hóa thể dục thể thao của học sinh.
  • Chi quản lý hành chính: Chi điện, nước, xăng dầu, vệ sinh môi trường, mua vật tư văn phòng, dịch vụ công cộng, công tác phí, hội nghị phí, thông tin liên lạc, tuyên truyền, cước phí điện thoại, fax...
  • Chi nghiệp vụ giảng dạy, học tập:

+ Chi mua sách, báo, tạp chí, tài liệu giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, thiết bị vật tư thí nghiệm, thực hành, chi phí cho giáo viên và học sinh đi tham quan, học tập...

+ Chi phí thuê giáo viên hợp đồng giảng dạy, chi trả tiền dạy vượt giờ cho giáo viên của nhà trường.

+ Chi cho công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và thi học sinh giỏi.

  • Chi mua sắm sửa chữa thường xuyên: Chi mua sắm dụng cụ thay thế, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng.

b) Chi cho hoạt động thực hiện vụ thu phí, lệ phí

c) Chi cho các hoạt động dịch vụ như chi thực hiện các hợp đồng lao động sản xuất, khoa học công nghệ, cung ứng dịch vụ đào tạo, dự án liên kết đào tạo, thực hành thực tập, bao gồm chi tiền lương, tiền công, nguyên vật liệu, khấu hao tài sản cố định, nộp thuế theo quy định của pháp luật...

1.3.2. Chi không thường xuyên:

Chi không thường xuyên gồm:

  • Chi nghiên cứu đề tài khoa học, công nghệ của cán bộ, giáo viên;
  • Chi thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên;
  • Chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia;
  • Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Chi thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp thẩm quyền giao;
  • Chi thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo chế độ do nhà nước quy định (nếu có);
  • Chi đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án đước cấp thẩm quyền phê duyệt;
  • Chi thực hiện các dự án từ nguồn viện trợ nước ngoài;
  • Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

1.4. Các hình thức quản lý tài chính

1.4.1. Quản lý theo lối dự toán

a) Thế nào là đơn vị dự toán

Đơn vị dự toán là những đơn vị hành chính sự nghiệp (sự nghiệp giáo dục, kinh tế, văn hóa và các cơ quan dân chính đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang...) hoạt động bằng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hay cấp trên cấp phát, hoặc nguồn kinh phí khác như: hội phí, học phí, kinh phí được tài trợ, thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ...

b) Đơn vị dự toán giáo dục và đào tạo được chia làm 3 cấp:

  • Đơn vị dự toán cấp I: là cơ quan chủ quản ngành giáo dục và đạo tạo thuộc trung ương và địa phương. Đơn vị dự toán cấp I (Là kế toán cấp I) trực tiếp quan hệ với cơ quan tài chính cung cấp.
  • Đơn vị dự toán cấp II: là đơn vị trực thuộc đơn vị dự toán cấp I, chịu sự lãnh đạo trực tiếp về tài chính và quan hệ cấp phát vốn của đơn vị dự toán cấp I (kế toán cấp II).
  • Đơn vị dự toán cấp III: trực thuộc đơn vị dự toán cấp I và II, chịu sự lãnh đạo trực tiếp về tài chính và quan hệ cấp phát vốn của đơn vị dự toán cấp I hoặc cấp II, là đơn vị cuối cùng thực hiện dự toán (kế toán cấp III).

c) Nhiệm vụ của đơn vị dự toán

Điều 26 Luật Ngân sách Nhà nước đã qui định nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán như sau:

  • Tổ chức việc lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi được giao;
  • Tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao, nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật; chi đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng và tiết kiệm;
  • Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thu chi ngân sách các đơn vị trực thuộc;
  • Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị theo đúng mục đích, đúng chế độ và có hiệu quả;
  • Chấp hành đúng chế độ kế toán, thống kê của nhà nước, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách theo chế độ quy định.

Đơn vị hoạt động được gọi là đơn vị dự toán. Đơn vị dự toán có tài khoản riêng, được nhà nước cấp kinh phí để hoạt đông, quyết toán với nhà nước.

1.4.2. Quản lý theo lối hạch toán kinh tế

Hạch toán kinh tế (phương pháp quản lý kinh tế): là tính toán sao cho tiền thu về bù đắp được mọi chi phí kể cả chi phí để đầu tư phát triển nhà trường.

Đối với các loại hình trường không dùng nguồn vốn của nhà nước phải quản lý tài chính theo hình thức này.

  • Trách nhiệm của kế toán trong quản lý tài chính nhà trường:

Tài chính được xem là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong nhà trường. Tài chính cho hoạt động giáo dục trong nhà trường là chính sách vận động đồng tiền để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo học sinh. Bản chất của vấn đề tài chính cho giáo dục, vấn đề đầu tư cho giáo dục là sự thực hiện đầu tư cho phát triển, cho việc hoàn thiện mục tiêu nhân cách. Quản lý tài chính trong trường học là quản lý việc thu chi một cách có kế hoạch, tuân thủ được các chế độ tài chính, sư phạm đã quy định và tạo ra được chất lượng giáo dục.

Điều tiên quyết trong công tác quản lý tài chính là phải bảo đảm đúng luật, công khai, minh bạch. Đồng thời, kế toán cần phải nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình là sử dụng nguồn tài chính sao cho tiết kiệm mà có hiệu qủa cao nhất và biết tổ chức, phân phối, sử dụng các nguồn tài chính hợp lý nhằm phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập ngày càng tốt, đưa nhà trường ngày càng phát triển đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Trong công tác quản lý tài chính, phải tuân thủ các chế độ, các quy định tài chính, phải liêm khiết trong công tác quản lý tài chính trong nhà trường.

...............................

Bài tập vận dụng thi viên chức kế toán trường học

Bài 1:

A. Tại trường mầm non A tháng 2/N có các tài liệu sau (đvt :1000đ).

I. Số dư đầu tháng 2N:

- TK 111 : 300.000

- TK 112 : 240.000

- TK 008 : 900.000

- Các tài khoản khác có số dư hợp lý

II. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh:

1. Ngày 4/2 PT 0034 Rút Dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên về nhập quỹ tiền mặt: 100.000

2. Ngày 6/2 PC 0023 Chi tiền mặt trả tiền điện nước dùng cho hoạt động thường xuyên: 60.000

3. Ngày 7/2 GBN 0012 Rút tiền gửi mua nguyên vật liệu đưa vào sử dụng cho dự án A: 27.000

4. Ngày 9/2 PT 0035 Rút Tiền gửi kho bạc về quỹ tiền mặt để chi lương:120.000

5. Ngày 10/2 PC 0024 Chi lương đợt 1 cho cán bộ viên chức trong đơn vị: 120.000

6. Ngày 15/2 GBC 0042 Thu sự nghiệp bằng Tiền gửi kho bạc:75.500

7. Ngày 16/2 PT 0036 Thu hộ cấp dưới bằng tiền mặt 53.000.

8. Ngày 18/2 PT 0037 Thu phí, lệ phí bằng tiền mặt :25.360.

9. Ngày 19/2 PT 0038Tạm ứng kinh phí bằng tiền mặt số tiền 50.000

10. Ngày 20/2 Số thu phí, lệ phí phải nộp cho nhà nước là 40.000.

11. Ngày 22/2 PC 0025 Nộp cho Nhà nước các khoản thu phí, lệ phí :40.000 bằng tiền mặt

12. Ngày 23/2 GBC 0043 Nhận lệnh chi tiền bằng Tiền gửi kho bạc: 200.000

13. Ngày 29/2 PT 0039 Rút Tiền gửi kho bạc về quỹ tiền mặt để chi theo lệnh chi tiền : 200.000

14. Ngày 30/2 PC 0026 Chi tiền mặt cho hoạt động thường xuyên theo lệnh chi tiền: 200.000

B. Yêu cầu: Định khoản và ghi vào sơ đồ tài khoản các nghiệp vụ trên.

Bài 2

A. Tại trường mầm non Hoa Mai trong tháng 3/N có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau (đvt:1.000đ), các tài khoản có số dư hợp lý.

1. Nhận thông báo dự toán kinh phí hoạt động do cơ quan tài chính duyệt cho quý I/N số tiền 80.000

2. Ngày 5/3 PT 130 rút dự toán kinh phí hoạt động về nhập quỹ tiền mặt là 30.000

3. Ngày 5/3 PC 149, chi trả lương và phụ cấp khác cho viên chức là 17.000 phụ cấp lương là 2.000

4. Ngày 7/3 PC 150 chi mua vật liệu nhập kho dùng cho hoạt động sự nghiệp số tiền 16.500

5. Ngày 8/3 PT 131, thu học phí của học sinh, số tiền 135.000

6. Ngày 9/3 PC 151 gửi tiền mặt vào ngân hàng số tiền 50.000

7. Ngày 12/3 PC 153 chi trả phụ cấp học bổng sinh viên, số tiền 12.000

8. Ngày 14/3 PC 154 chi trả tiền điện thoại, tiền điện là 5.540 ghi chi hoạt động thường xuyên

9. Ngày 15/3 PC 155 chi mua tài liệu phục vụ hoạt động hành chính sự nghiệp ghi chi hoạt động thường xuyên là 10.850

10. Ngày 25/3, PC 156, chi hoạt động nghiệp vụ và chuyên môn được ghi chi thường xuyên là 9.800

11. Ngày 25/3 nhận cấp phát bằng lệnh chi tiền để chi tiêu đột xuất (hội thảo chuyên đề) số tiền 12.000 đơn vị nhận được giấy báo có của kho bạc nhà nước.

12. Ngày 27/3 PC 132, rút tiền gửi kho bạc về quỹ tiền mặt là 12.000

13. Ngày 27/ PC 157 chi cho hội thảo chuyên đề là 12.000

B. Yêu cầu:

1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

2. Phản ánh vào sơ đồ tài khoản kế toán biết tiền mặt tồn quỹ đầu tháng 3 là 50.000

Bài 3

A. Tại ĐV HCSN H tháng 10/N có các tài liệu sau (Đvt :1000đ)

I. Số dư đầu tháng 10/N.

- TK 111: 3.500.000

- TK 112 (Ngân hàng): 1.500.000

- TK 112 (Kho bạc): 250.000

- TK 511: 770.000

- Các tài khoản khác có số dư hợp lý

II. Các nghiệp vụ phát sinh trong tháng như sau:

1. Ngày 1/10 PT 101 Tạm ứng kinh phí nhập quỹ tiền mặt để chi hoạt động thường xuyên 100.000

2. Ngày 3/10 PC 321 Chi tiền mặt mua vật liệu nhập kho 25.000

3. Ngày 4/10 GBN 0031 Chi trả lương lao động hợp đồng bằng tiền gửi 50.000

4. Ngày 8/10 GBC 0231 Thu nợ khách hàng A bằng Tiền gửi ngân hàng 750.000

5. Ngày 9/10 GBN 0032, PC 322 Cấp kinh phí cho đơn vị cấp dưới bằng Tiền gửi Kho bạc 120.000, bằng tiền mặt 80.000

6. Ngày 11/10 PT 102 Thu phí, lệ phí bằng tiền mặt 30.000

7. Ngày 13/10 GBC 234 Ngân hàng gửi giấy báo có số tiền thanh lý tài sản cố định khách hàng trả là 72.000

8. Ngày 15/10 Số thu phí, lệ phí phải nộp cho Ngân sách Nhà nước 800.000

9. Ngày 20/10 PC 00323 Nộp tiền mặt cho Ngân sách Nhà nước số thu, lệ phí phải nộp 800.000

10. Ngày 23/10 GBC 235 Nhận lệnh chi tiền bằng Tiền gửi kho bạc 720.000 cho hoạt động thường xuyên.

11. Ngày 24/10 PC 324 Chi tạm ứng bằng tiền mặt cho viên chức A 5.000 đi công tác.

12. Ngày 26/10 Nhận viện trợ 200.000 của tổ chức M bằng Tiền gửi Kho bạc, đơn vị chưa có chứng từ ghi thu, ghi chi.

13. Ngày 27/10 PT 103 Rút Tiền gửi Kho bạc về quỹ tiền mặt để chi theo chi theo lệnh chi 720.000.

14. Ngày 28/10 Đơn vị thanh toán tạm ứng kinh phí với kho bạc ngày 1, số kinh phí tạm ứng đơn vị ghi tăng nguồn kinh phí thường xuyên

15. Ngày 29/10 PC 325 Chi theo lệnh chi gồm các khoản trong dự toán bằng tiền mặt 720.000.

16. Ngày 30/10 Đơn vị có chứng từ ghi thu ghi chi về nghiệp vụ nhận viện trợ ngày 26.

B. Yêu cầu:

1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và ghi sơ đồ tài khoản các nghiệp vụ.

2. Mở và ghi vào sổ kế toán :Sổ quỹ, Nhật ký chungtrong hình thức NKC

Bài 4:

A. Tài liệu tại ĐV HCSN X tháng 8/N có các tài liệu sau: (đvt :1000đ).

I. Số dư đầu tháng 8:

- TK 111: 530.000

- TK 112: 700.000

- Các tài khoản khác có số dư hợp lý

II. Trong tháng có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh sau:

1. Ngày 2/8 Rút Dự toán kinh phí về tài khoản Tiền gửi kho bạc thuộc kinh phí dự án: 280.000, kinh phí hoạt động thường xuyên: 920.000

2. Ngày 3/8 Rút Tiền gửi kho bạc về quỹ tiền mặt thuộc Kinh phí hoạt động thường xuyên là 920.000, Kinh phí dự án là 280.000

3. Ngày 4/8 Chi tiền mặt trả lương viên chức 640.000, trả học bổng sinh viên 120.000

4. Ngày 6/8 Thu đào tạo theo hợp đồng bằng tiền mặt 1.000.000

5. Ngày 8/8 Nộp tài khoản Tiền gửi kho bạc số tiền mặt thu thu được 1.100.000

6. Ngày 11/8 Thu học phí các hệ đào tạo bằng tiền mặt 1.240.000

7. Ngày 14/8 Nộp tiền mặt vào kho bạc 1.240.000

8. Ngày 17/8 Chi tiền mặt tạm ứng cho viên chức 15.200

9. Ngày 17/8 Chi tiền mặt mua vật liệu văn phòng đã nhập kho theo giá mua 68.800,

10. Ngày 18/8 Chi phí hội họp định kỳ tháng ghi chi thường xuyên bằng tiền mặt 6.000

11. Ngày 20/8 trả nhà cung cấp M 50.000 bằng tiền gửi kho bạc.

12. Ngày 24/8 Thanh toán số thực chi hoạt động thường xuyên từ tiền tạm ứng 11.200, số còn lại nộp hoàn quỹ tiền mặt 4.000.

13. Ngày 25/8 Thanh toán tạm ứng đề tài nghiên cứu khoa học ghi chi dự án 120.000.

14. Ngày 27/8 Thu dịch vụ hỗ trợ đào tạo bằng tiền mặt 1.844.000

15. Ngày 29/8 Chi phí tiền mặt cho hoạt động dịch vụ hỗ trợ đào tạo là 1.044.000.

16. Ngày 30/8 Nộp tài khoản Tiền gửi kho bạc số tiền mặt là 800.000

B. Yêu cầu:

1. Định khoản và phản ánh vào tài khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên.

2. Mở và ghi vào sổ kế toán các hình thức “chứng từ - ghi sổ”các nghiệp vụ kinh tế trên.

................................

Mời bạn đọc theo dõi các nội dung khác tại mục Biểu mẫu trên website Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
1 13.723
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm