Bài thu hoạch về khu di tích K9 Đá Chông cho giáo viên

Bài thu hoạch về khu di tích K9 Đá Chông là mẫu bài thu hoạch dành cho giáo viên, Đảng viên sau khi tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử K9 Đá Chông. Sau đây là nội dung chi tiết bài thu hoạch về khu di tích K9, mời các bạn cùng tham khảo.

Khu di tích K9 Đá Chông là một trong những địa điểm tham quan lịch sử nổi tiếng. Nơi đây cũng là nơi giữ gìn thi hài Bác giai đoạn 1969-1975. Chính vì vậy khu di tích K9 có một ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử nước nhà và đây cũng thường là nơi để các em học sinh, cán bộ Đảng, giáo viên thường xuyên tham quan và học tập. Trong bài viết này hoatieu.vn xin chia sẻ mẫu bài thu hoạch di tích K9 Đá Chông để các bạn cùng tham khảo.

Bài thu hoạch tham quan khu di tích K9 Đá Chông

Sinh ra và lớn lên con chưa được một lần gặp Bác, song tìm về lịch sử, lần theo dấu chân Người lòng con không khỏi bồi hồi, xúc động. Con nguyện học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác , nguyện trung thành đi theo con đường mà Bác đã chọn.

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn cỏ mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

K9 Nằm trên núi U Rồng thuộc dãy Tản Viên, Đá Chông mang vẻ đẹp nguyên sơ tĩnh mịch với những hàng thông xù xì, vạm vỡ, lá kim vi vút bốn mùa. Xen kẽ là những loài cây gỗ lớn lá rộng có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi, từng là căn cứ địa của Trung ương và Hồ Chủ Tịch thuộc địa phận Đá Chông (Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70km.

Tháng 5/1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Hồ Chủ Tịch nghỉ ăn cơm tại một khu đồi ở Đá Chông. Người đã nhận ra linh khí trong thế núi hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm Đà giang độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc dựng căn cứ..Người trao đổi với các đồng chí trong đoàn muốn chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc

Đây là khu vực ở độ cao chừng 250m, Diện tích rộng 234 ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ rộng. có nhiều đá nhọn như chông, như mác chĩa thẳng lên tạo thế bên sông Đà, vì vậy nhân dân gọi là Đá Chông. Còn k9 là tên biệt danh đặt cho khu căn cứ tránh tình báo dịch được.Ngày nay gọi là khu di tích K9 Đá Chông

Khi khu căn cứ Đá Chông bắt đầu hình thành, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) xây dựng ngôi nhà này cùng hệ thống hầm hào, công sự xung quanh từ những năm 1960 và gọi tên là công trường K9. Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn, ngôi nhà quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Vì vậy ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là "Nhà sàn". Nhà được gắn biển "Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969". Trước ngôi nhà làm việc của Bác có hai cây vàng anh tỏa cành vươn lá xanh biếc. Đó là hai cây lưu niệm do Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giécman Titốp và phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Siêu, trồng khi đến thăm Bác.

Trong những năm Mỹ đánh phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Hồ chủ tịch và trung ương đã nhiều lần lên K9 làm việc và nghỉ ngơi. Khu căn cứ có 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Những kỷ vật trong phòng bếp từ chiếc phin pha cà phê tới khay đựng đồ ăn, dao ăn, bát đũa....được gìn giữ cẩn thận hầu như không có sự thay đổi gì nhiều so với trước đây. Căn bếp liền với phòng ăn rộng 25m2 gồm có bếp gang, phía đối diện khu nấu bàn chế biến thức ăn có vòi nước, chậu rửa. Tất cả các bức tường trong khu bếp đều được ốp gạch men trắng.

Phòng của Hồ chủ tịch được bố trí những đồ dùng giản dị quen thuộc và có chiếc đệm cỏ của đồng bào Thái (Sơn La). Khi đến làm việc và nghỉ ngơi tại đây, người đứng đầu đất nước vẫn thường căn dặn anh em phục vụ: Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, tôn trọng bạn bè nên những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách.

Trong khuôn viên nhà sàn có 2 phòng khách được bố trí sắp đặt giống nhau. Căn phòng ăn rộng 17m2, có bố trí một bộ bàn ăn cho 6 người và 1 chiếc giá để chậu nước, khăn lau, phục vụ khách rửa tay trước và sau khi ăn. Tại căn phòng này, năm 1961, Hồ chủ tịch đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) và năm 1962 đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Titop.

Từ "nhà sàn" xuống đồi, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội (có 81 bậc). Con đường được làm cùng thời điểm với ngôi nhà 2 tầng, Hồ chủ tịch yêu cầu đổ sỏi cho mát khi anh em định lát gạch. Nhìn Người mỗi lần leo dốc rèn luyện thân thể anh em tự đặt tên cho đường là "Đường rèn luyện sức khoẻ". Cách con đường này không xa còn có cả bãi đỗ cho máy bay trực thăng.

Khi Hồ chủ tịch qua đời (2/9/1969), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Khu căn cứ Đá Chông (K9) để xây dựng thêm công trình "Ngôi nhà kính", "Hầm ngầm" phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do nơi đây bảo đảm được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông. Nhà kính được các chuyên gia y tế Liên Xô sử dụng trong 6 năm chiến tranh (1969 - 1975) để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài thi thể Hồ chủ tịch.

Khu di tích Đá Chông K9 mật danh K9 được đổi thành K84. Khi Bác của chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng, nơi đầu tiên ướp bảo quản thi hài Bác là Viện quân y 108, cơ sở đó gọi là K75 A. Hội trường Ba Đình nơi tổ chức lễ viếng Bác từ ngày 6 tới 9/9/1969 gọi là K75 B. Tới khi đưa Bác lên yên nghỉ ở Khu di tích Đá Chông thì gọi là K84 (tức là K75 + K9 = K84)

- Tầng trên: Là khu làm việc liên hoàn, thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đã được Bộ Tư lệnh công binh cải tạo có bệ, trong bệ có cáng, trên bệ có lồng kính. Nơi để Bác nghỉ gần giống như quan tài kính ở tại Lăng, thuận tiện cho việc phục vụ khi có các đoàn tới thăm viếng Bác và nghiên cứu để phục vụ viếng ở Lăng sau này.

- Tầng ngầm có kết cấu hầm kiên cố, kiến trúc của hầm có khả năng triệt tiêu và cản các sóng chấn động do áp lực mạnh của vũ khí nổ gây ra, có hệ thống phòng chống chất độc hoá học, chính đó là yếu tố đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Bác.

Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại đây ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày. Đó là các thời gian sau: Đợt 1: Từ ngày 23/12/1969 tới ngày 03/12/1970 vì lúc đó cả nước có chiến tranh, nên lưu giữ Bác ở căn cứ an toàn hơn ở Hà Nội.

Cuối năm 1970 do Mỹ - Ngụy tập kích bằng máy bay trực thăng xuống một vị trí ở gần thị xã Sơn Tây, cho nên thi hài Bác lại được chuyển về Viện quân y 108.

Đợt 2: Từ ngày 19/8/1971 tới ngày 11/7/1972, khi đó ở miền Bắc mưa to liên tiếp 10 ngày, nước sông Hồng dâng cao 12m80, có nguy cơ vỡ đê, nên thi hài Bác lại được đưa trở về bảo quản tại khu căn cứ K84 này.

Tới gần cuối năm 1972 ta nhận định có nguy cơ Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng mà K84 nằm trên đường bay của địch từ Thái Lan sang, cho nên thi hài Bác lại được chuyển sang bảo quản tại H21.

Đợt 3: từ ngày 08/02/1973 tới ngày 17/7/1975 sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, thi hài Bác lại được đưa trở lại K84 để bảo quản vì nơi đây có điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở H21.

khu nhà kính, đã bảo vệ, che chở an toàn cho thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh, bên ngoài có đề tấm biển “Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 - 1975” do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trực tiếp gắn vào ngày 16 tháng 5 năm 2001,

Từ ngày 24/12/1969, thi hài Hồ chủ tịch được chuyển từ Hà Nội lên K 9. Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt "Giữ yên giấc ngủ của Người". Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, nhiều lần các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam ra công tác đều lên thăm viếng Người.

Ngày 18/7/1975, thi hài Hồ chủ tịch được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử.

Trong khu di tích có 3 chiếc xe: xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe Páp biển số 31-162 là những "người bạn chiến đấu" thân thuộc đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Hồ chủ tịch 6 lần vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sau khi các công trình phục vụ việc bảo quản thi hài của Người trong những điều kiện hết sức nghiêm ngặt hoàn tất, mật danh K9 được đổi thành K84. Năm 1970, sau cuộc tập kích của không quân Mỹ ở khu vực Sơn Tây, để đề phòng căn cứ K84 bị lộ, thi hài Bác được chuyển về công trình A75 tại Hà Nội. Từ trận lũ lịch sử đe dọa vỡ đê và lũ lớn tại Hà Nội một năm sau đó, Đá Chông lại được chọn làm nơi cho Người an giấc. Từ năm 1972-1975, thêm ba lần thi hài Bác được chuyển tới những căn cứ bí mật khác rồi lại trở về K84.

K9 - Đá Chông là địa điểm đã được chính Bác Hồ chọn làm vị trí để dựng khu căn cứ của Trung ương trong thời chiến. Nhiều lần Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã làm việc ở K9. Đây cũng là nơi được chọn để gìn giữ thi hài của Bác trong những năm chiến tranh. Chuyến tham quan kết thúc vậy mà cảm xúc bồi hồi vẫn vẹn nguyên trong mỗi trái tim.

Tài liệu tham khảo để viết bài thu hoạch di tích K9

Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông.

Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau này trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Trung đoàn 36 – Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.

Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông.

Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng. Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà 2 tầng, phỏng theo kiểu nhà sàn. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 và đến tháng 9 năm 1959 bắt đầu khởi công xây dựng. Bộ đội Công binh xây dựng một hệ thống công sự kiên cố. Quá trình xây dựng, khu vực này mang mật danh “Công trường 5”, (gọi tắt là KV). Theo gợi ý của Bác, khu căn cứ của Trung ương chia làm 3 khu vực. Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Quá trình thi công, Bác Hồ đã lên thăm và trực tiếp kiểm tra nhiều lần. Ngày 15 tháng 3 năm 1960 ngôi nhà 2 tầng được hoàn thành, Bác đã đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành. Từ lúc này nơi đây được đổi tên thành “Khu căn cứ K9” (gọi tắt là K9).

Trong 9 năm (từ 1960 – 1969) Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Quân đội đã nhiều lần đến làm việc tại đây. Đặc biệt, ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đã lên họp tại K9. Bác và các đồng chí cùng đi đã trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5 tháng 8 năm 1964) và một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân. Cũng tại nơi này, Bác đã từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu- phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vĩ – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.

9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. K9 đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác. Lúc này K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”.

Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1969 – 1975), thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại K9 ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30 tháng 4 năm 1975), miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mong đợi được đón Bác về Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời K84 về Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. Lúc này Khu căn cứ K84 trở thành căn cứ dự phòng cho Lăng Bác.

Hiện nay, Khu Di tích K9 luôn được bảo tồn, tôn tạo và phát huy tích cực các giá trị di sản lịch sử, văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án "Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới" (Tháng 4 năm 2010), Khu Di tích K9 được đầu tư tôn tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của đồng bào đến với Bác. Trong đó công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình trọng điểm được xây dựng để đồng bào đến dâng hương tưởng niệm Người. Để tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá và những giá trị lịch sử của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới,thời gian tới, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng tham quan Khu Di tích K9, tổ chức đón tiếp đồng bào, chiến sĩ trong cả nước đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan tại Khu Di tích. Đây là thời cơ để cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đơn vị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đóng góp sức mình để góp phần làm cho nơi đây thật sự là địa danh lịch sử cách mạng, văn hóa, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn”, thường xuyên tu dưỡng, học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
51 51.646
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo