Bài dự thi cuộc thi Dọc đường công tác hội năm 2017

Bài dự thi cuộc thi Dọc đường công tác hội

Bài dự thi cuộc thi Dọc đường công tác hội là những bài viết, những câu chuyện, những kỉ niệm, nhưng trải nghiệm trong quá trình hoạt động công tác hội của hội viên phụ nữ hoặc cá nhân, đơn vị có hoạt động phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài dự thi cuộc thi Dọc đường công tác hội để bạn đọc cùng tham khảo và có thể xây dựng được bài viết tham gia cuộc thi Dọc đường công tác hội của riêng mình.

Bài dự thi cuộc thi Dọc đường công tác hội

Bài 1:

40 năm vẫn nhớ bữa cơm bản vùng biên

Cuối tháng 9/1978, lúc ấy tôi là cán bộ Hội LHPN tỉnh, được phân công tháp tùng chị ...................., Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đi công tác lên xã ..................., huyện ....................., tỉnh ..................... (nay là tỉnh ......................).

Lần đầu 2 chị em lên xã vùng cao giáp biên giới Trung Quốc, không có cán bộ huyện đi cùng nên vừa đi, vừa hỏi thăm đường. Đến địa phận xã thì trời mưa, sương mù nên đường đất trơn trượt lại rậm rạp, phải vén cỏ lấy lối đi (thời bấy giờ không có đường nhựa, không có xe cộ, hoàn toàn đi bộ). Càng đi, đường dốc càng cao, hoang vắng, không bóng người. Đói, mệt, mồ hôi đầm đìa hai chị em ngồi bẹp giữa đường giở cơm nắm ra ăn lấy sức đi tiếp. Gặp lối mòn rẽ thành hai ngả, lưỡng lự chưa biết theo ngả nào tôi bỗng phát hiện ra ở lưng chừng núi cách tôi khoảng 50 mét bên lối rẽ phải có ngọn cây to đung đưa, nghiêng ngả, trời thì không có gió, các cây xung quanh vẫn đứng yên phăng phắc. Lạnh toát người, tôi nghĩ tới thú dữ hoặc thám báo (vì tình hình biên giới lúc này đang bất ổn, thám báo hay rình rập bắt cóc, bắn, giết cán bộ của ta) càng thêm áp lực trách nhiệm tháp tùng lãnh đạo Tỉnh hội. Lo lắng nếu không tìm được đường vào bản trước khi trời tối thì càng nguy hiểm nên chị em tôi quyết vượt dốc dựng đứng bên lối rẽ trái. Tôi vừa đón, vừa kéo tay chị, mũi miệng tranh nhau thở hổn hển, leo lên đỉnh dốc. Bỗng nghe lao xao vọng lại tiếng chó sủa, gà kêu... Chúng tôi mừng rơn, vội theo lối mòn, hướng về tiếng chó sủa lần xuống, hết khu rừng già thì đến bản nhỏ của người Dáy. Thấy cô giáo quét sân trước lớp, tôi vội chạy đến hỏi thăm. Cô niềm nở mời chúng tôi vào nghỉ chân uống nước.

Cô giáo đưa chị em tôi đến nhà bác Mẩy, Chủ tịch Hội LHPN xã thì trời sẩm tối. Bác đi nương thu hoạch lúa vừa về. Bác hỏi thăm, ân cần dặn dò, bố trí cơm nước, nghỉ ngơi cho chúng tôi luôn ở nhà bác rồi mới bàn vào công việc. Sáng hôm sau, cuộc họp phụ nữ triệu tập, chị em đến đông đủ. Họp xong không kịp ăn cơm, chúng tôi vội chia tay bà con để kịp sang xã khác tiếp tục nhiệm vụ.

Cỏ gianh bên đường cao ngập đầu, chị em tôi đang mải mê vén cỏ bước thì nghe tiếng người rì rầm. Khoảng 10 mét bên kia đồi có tốp đàn ông đang hút thuốc. Không dám nói gì, chúng tôi vén cỏ bước cho thật nhanh; bất ngờ vấp ngay vào xác chết đàn ông, máu me bê bết ở giữa lối đi. Quá hoảng hốt, theo phản xạ tự nhiên, cả 2 chị em nhảy vội sang bên lề đường, suýt rơi xuống vực thẳm rồi chạy thục mạng xuống tận chân núi, tim đập thình thịch...

Trời dần quang mây, xung quanh nương lúa chín vàng, thơm ngọt ngào, xa xa có hai phụ nữ người Mông đang gặt lúa bên cạnh một ngôi nhà nhỏ đơn sơ... Đẹp và bình yên quá. Tôi lại gần dùng tiếng Mông hỏi đường. Các chị vui vẻ chỉ dẫn và mời vào nhà cơm nước, dặn cứ tự nhiên ăn no, có sức mới đi được vì đường còn dài. Cơm gạo nương thơm lừng cùng thịt gà băm ớt xào măng chua, bí luộc giữa lúc đói sao mà ngon đến thế. Gần 40 năm đã qua mà tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngon lành lúc đó. Vừa ăn, vừa chuyện trò được biết chủ nhà tên là Sáo, họ Sùng và chồng là Dế, họ Thào. Còn người chết gặp lúc trước là do đi săn, bị lợn rừng cắn, mọi người đang khênh về để làm ma. Tôi rùng mình vỡ lẽ: Thì ra mấy người khiêng đã đặt người đàn ông xấu số giữa đường để dừng nghỉ hút thuốc.

Tạm biệt gia đình chị Sáo, anh Dế; tạm biệt bác Mẩy, cô giáo trẻ cùng chị em, bà con dân bản... Chúng tôi cảm động, mến mộ và biết ơn họ thật nhiều. Cuộc sống còn nghèo túng, khó khăn nhưng tấm lòng người vùng cao mến khách, tâm lý, chân thành luôn rộng mở.

Về đến cơ quan an toàn chúng tôi nhận được tin: Cùng ngày hôm đó tại xã Pha Long anh Nguyễn Đình Ấm, đội trưởng Đội công tác tăng cường cho xã bị thám báo bắt cóc mất tích. Tôi thấy hú vía và nhẹ cả người vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài 2:

Nếu chọn lại, tôi vẫn làm cán bộ Hội

Năm 1997, lúc đó tôi đã 37 tuổi, nhận được đề nghị từ Chủ tịch Hội LHPN xã thời bấy giờ, theo một khóa học để trở thành cán bộ Hội.

Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, đứa con lớn học lớp 2 và đứa nhỏ mới hơn hai tuổi, chồng bận việc buôn bán, mọi công việc trong nhà đều một mình tôi đảm nhiệm. Tôi còn làm nghề thú y nên thời gian rất hạn hẹp.

Nghe nói đến ý định đi học, chồng tôi phản đối quyết liệt, đến mức buộc tôi phải lựa chọn giữa "gia đình và chuyện học". Tôi tìm mọi cách để thuyết phục từ những lời nhẹ nhàng đến những "đòi hỏi" về sự bình đẳng. Cuối cùng chồng tôi cũng đồng ý để tôi đi học. Từ nhà tôi đến Trường Chính trị tỉnh xa gần 10km cứ sáng dậy sắp xếp công việc nhà từ giặt giũ, chuẩn bị sách vở cho con, đứa lớn gửi người hàng xóm chở đi học, rồi trên chiếc xe đạp lọc cọc chở đứa nhỏ tới trường mẫu giáo rồi đi thẳng tới trường để học. Chiều hết giờ học vội vàng đạp xe về đón con và làm công việc nhà.

Đến đợt học thứ 3 thì chồng tôi nói: "Thôi đất không chịu trời thì trời phải chịu đất", từ đó anh giúp tôi trong việc chăm sóc gia đình, con cái, tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành khóa học. Khi khóa học kết thúc, tôi nhận nhiệm vụ tại Hội LHPN xã Vĩnh Phương, nơi tôi đã gắn bó đến nay đã được 18 năm.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi dành 24 đêm đến 24 tổ phụ nữ trong xã để cùng các chị cán bộ chi tổ tuyên truyền về Điều lệ Hội LHPN Việt Nam, đồng thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn. Khi được nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị, tôi suy nghĩ nhất là việc lúc này ở địa phương có khá nhiều trẻ em chưa có giấy khai sinh và phụ nữ chưa có hộ khẩu. Mang nỗi trăn trở này, tôi đã mạnh dạn gặp và xin ý kiến của chị Nguyễn Thị Thúy - Phó Bí thư Đảng ủy xã lúc bấy giờ. Tôi đã tự tìm hiểu về quy trình làm giấy khai sinh cũng như nhập khẩu và sau đó tôi trực tiếp làm việc với Trưởng công an và Tư pháp xã để cùng phối hợp trong công tác vận động, hướng dẫn cho chị em thủ tục làm giấy khai sinh cho con và đăng ký hộ khẩu. Qua đợt đó, đã có 38 chị phụ nữ có hộ khẩu và trên 100 trẻ em làm được giấy khai sinh. "Tiếng lành" đồn xa, từ đó các chị phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội ngày càng đông với hi vọng vào Hội sẽ được Hội giúp đỡ nhiều mặt. Không những tôi mà các chị cán bộ Hội từ chi tổ đến Ban Chấp hành Hội LHPN xã đều là những người đầu tiên được chị em hội viên, phụ nữ chia sẻ vui buồn, là địa chỉ tin cậy để chị em gửi gắm niềm tin. Đây là động lực để những người cán bộ Hội chúng tôi thêm hăng say, sáng tạo trong công việc.

18 năm trôi qua, đến bây giờ đã chia tay công tác Hội, tôi biết rằng, mình đã đúng khi lựa chọn công việc này và nếu được chọn lại công việc thì tôi mãi chọn làm cán bộ Hội.

Bài 3:

Lễ khai giảng đặc biệt ở xã biên giới

Vào những năm 1997 - 2000, tỉ lệ phụ nữ và trẻ em gái mù chữ ở tỉnh Quảng Bình còn rất cao, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi, dân tộc thiểu số, vùng Công giáo.

Mỗi lần đi công tác ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tôi thấy chị em ở bản Cà Xen đến nhận gạo nhà nước hỗ trợ, ai nấy đều chấm dấu vân tay thay ký tên vì không biết chữ. Trên danh sách nhận gạo, một dãy dấu vân tay màu đỏ như dấu chân của những chú thỏ rừng hoang dại. Thương chị em, tôi về đề xuất với chị Hoàng Thị Ái Nhiên (khi đó là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam) tìm cách giúp chị em.

Chị Nhiên sang làm việc với Sở GD&ĐT để bàn phương án phối hợp, đồng thời tranh thủ gặp gỡ các tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ. Với tâm huyết của chị và ý nghĩa thiết thực của việc xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên các cấp của ngành GD&ĐT đã phối hợp, vào cuộc và Dự án Phòng chống sốt rét Việt - Úc đã nhận được tài trợ.

Chuẩn bị khai giảng lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ xã Dân Hóa (xã biên giới Việt - Lào), tôi và chị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa, lên trước một ngày để tiền trạm. Tối đến, thầy Hồ Đeng - Hiệu trưởng trường cấp 1 + 2 xã Dân Hóa - nhường phòng cho hai chị em. Nói là phòng cho oai, nhưng thực ra chẳng có gì ngoài chiếc giường đơn, nằm sát cái vách ọp ẹp của lớp học. Đã khuya rồi, lạ giường, khó ngủ, giữa núi rừng thăm thẳm, hai chị em vẫn nghe văng vẳng tiếng của thầy Đeng: "Kính thưa các đồng chí..." rất nhiều lần. Hóa ra, thầy tập đọc trước bài diễn văn khai mạc lớp học vì đây là lễ khai giảng chưa từng có ở xã biên giới này.

Buổi khai giảng diễn ra đơn sơ nhưng ấm áp và thật xúc động, nhiều chị chưa nói rõ tiếng Kinh, có nhiều chị con còn nhỏ, phải bồng con đến dự khai giảng. Trong lời phát biểu của các đại biểu có xen lẫn cả tiếng trẻ khóc. Chị Hoàng Thị Ái Nhiên đã động viên, dặn dò chị em nhiều điều, đặc biệt là phải cố gắng học cho được cái chữ.

Lớp học chưa được hai tuần thì chị em bỏ học hết. Tôi và chị Phương lại lên đường, vào các bản gặp gỡ chị em để tìm hiểu nguyên nhân. Chị em tâm sự: "Chồng mình không cho đi học nữa". Tôi bàn với chị Phương, tình hình này phải nhờ đến Trưởng bản. Hôm đó, Trưởng bản mời tất cả các ông chồng đến, tôi bỏ tiền của mình ra mua kẹo, bánh và trà để pha nước mời mọi người. Tôi và chị Phương động viên các ông chồng bằng tiếng Kinh, Trưởng bản động viên họ bằng tiếng dân tộc. Tôi không hiểu ông đã nói nội dung gì, nhưng trong cảm nhận của tôi, Trưởng bản nói và thuyết phục các ông chồng nhiều hơn những điều mà chúng tôi trao đổi, gửi gắm với ông.

Lớp học bắt đầu lại vào ngày hôm sau, chị em đi học đầy đủ, tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn nhiều. Điều kỳ lạ là lớp học hôm nay không có tiếng trẻ khóc. Chưa đến giờ nghỉ giải lao, đã thấy các ông chồng lũ lượt áp sát cửa lớp. Trên tay họ là những đứa trẻ đợi được mẹ tranh thủ cho bú.

Sau giờ học, chia tay chị em để ra về, nhưng khi đi được một quãng đường khoảng nửa cây số, có một con suối khá sâu, lội qua suối, tôi nghe tiếng hai chị phụ nữ: "Em chào cô!". Tôi ngạc nhiên nhìn người quen quen, nhưng không nhớ là ai, hóa ra là các chị học viên vừa tan lớp học đã ra khe bắt tôm cá về chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình. Sau khóa học, tất cả chị em đều biết đọc, biết viết, các chị còn viết thư, truyền đạt thông tin từ bản này sang bản khác bằng thư.

3 năm lăn lộn với hoạt động xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em ở 9 xã miền núi, dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, hơn 700 chị em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết viết thư. Nhiều chị trở thành những cán bộ Hội LHPN nhiệt tình, tâm huyết; nhiều chị nay là cán bộ xã...

Bài 4:

Nghĩa cử thắm tình dân quân

Dấu ấn đáng nhớ đối với bản thân tôi, đó là vào giữa tháng Chạp năm Ất Mùi 2015, giữa lúc trời rét buốt đậm nhất của năm, cũng là lúc chuẩn bị đón xuân Bính Thân. Cùng đoàn công tác, Hội phụ nữ phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ chúng tôi phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể, tham gia công tác dân vận tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Tân Sơn và Yên Lập.

Hội Phụ nữ đã quyên góp quần áo, chăn màn, sách vở; chị em phân loại, đóng gói những thùng quần áo, sách vở thành từng loại riêng theo lứa tuổi cấp 1 và cấp 2. Qua gần nửa ngày đường, trong thời tiết mưa, gió và cái rét thấu xương, chúng tôi đến được khu Nhồi thuộc xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Chúng tôi xác định trách nhiệm và việc làm thiết thực chính là tình thương, sự chia sẻ đùm bọc để những phận đời, phận người thiếu may mắn nhận được tình người ấm áp và có thêm niềm tin hy vọng trong cuộc sống. Thành viên trong các đoàn có cả các y, bác sĩ khám chữa bệnh giúp dân theo Chương trình 12 quân dân y kết hợp; những viên thuốc mang nặng nghĩa tình đã đến tận tay người dân; những chiếc chăn bông, những bộ quần áo ấm còn thơm mùi vải mới, những cuốn sách, trang vở tặng cho các gia đình khó khăn, các em học sinh. Tuy không thể nào ngăn hết cái lạnh buốt của vùng cao, nhưng ít nhiều cũng làm ấm lòng bà con nơi đây giữa đông giá, nâng bước các em học sinh trên con đường đi tìm cái chữ, góp phần thắt chặt tình quân dân.

Được tận mắt chứng kiến mới thấy hết những khó khăn, nhọc nhằn của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điểm đến tiếp theo trong đợt công tác là khu Đồng Khoai, xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, chỉ cách tỉnh Sơn La vài chục cây số. Gặp một bà cụ tay chống gậy, lưng còng, chậm rãi từng bước khó nhọc đi vào con ngõ nhỏ. Chúng tôi hỏi thăm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vinh Tiền thì được biết, đó là cụ Bàn Thị Quyết 83 tuổi, chồng mất. Bà cụ sinh được bốn người con, ba gái và một trai; ba cô con gái đã ra riêng, cụ sống cùng cậu con trai út mắc bệnh bẩm sinh, không tự lo liệu được, phải dựa vào mẹ già.

Mặc dù trời mưa to, gió rét, Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, trưởng đoàn quyết định vào thăm bà cụ. Từ xa đã thấy một nếp nhà nhỏ mái lá xiêu vẹo như bước đi của chủ nhân. Trong nhà, chỉ độc một chiếc giường nhỏ, chiếc vỏ chăn mỏng đã rách và một bao sắn khô dự trữ qua ngày. Nhìn lên mái nhà những giọt mưa lách tách đang lọt qua những khe mái lá cọ đã mục nát, xung quanh liếp thưa chống chọi với cái giá rét của mùa đông. Được biết những ngày mưa to gió lớn mẹ phải đi ở nhờ nhà bên cạnh, và chỉ dám ở nhà vào những ngày tạnh ráo. Không thể cầm lòng được trước cảnh của một cụ già cao niên và cậu con trai đang sống trong hoàn cảnh cơ cực, khó khăn chồng chất. Thay mặt đoàn, Đại tá Trần Ngọc Tuấn tặng quà cho mẹ, vật chất tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên chia sẻ mang ý nghĩa tình quân dân keo sơn gắn bó.

Từ sau chuyến công tác trở về, Hội Phụ nữ thường động viên chị em trong chi hội đoàn kết, giúp đỡ những hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, với tinh thần lá lành đùm lá chưa lành. Và nhắc nhau, nơi vùng sâu, vùng xa hãy còn những người gặp gia cảnh gieo neo, phải chịu đựng những hoàn cảnh kém may mắn, cần lắm những bàn tay chung sức, chung lòng, những nghĩa tình nhân ái của đồng bào, đồng chí, chia sẻ ủng hộ quyên góp để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, để xã hội bớt đi những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống hôm nay.

Bài 5:

Hạnh phúc chính là sẻ chia

Để chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ, học sinh nghèo và tuyên truyền phòng chống 'Mua bán người', Hội Phụ nữ khối Xây dựng lực lượng (Công an tỉnh Nghệ An) đã có chuyến công tác đến bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Quãng đường dài từ TP Vinh đến bản Tam Bông, chúng tôi đi xe ô tô mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Đường không xấu lắm nhưng nắng chói chang làm ai cũng mệt, nhưng tinh thần thì không hề giảm sút. Vừa đi, đoàn công tác vừa hỏi đường và nghe điện thoại chỉ đường của Chủ tịch Hội LHPN xã nên mãi mới tới nơi. Mọi người nóng ruột lắm vì sợ bà con dân bản và các em học sinh phải chờ lâu.

Những cánh tay chào, những nụ cười tươi rói của bà con và các em nhỏ trong bản khiến bao khó khăn mệt mỏi của chúng tôi biến mất. Chúng tôi được chờ đón với hội trường xã không còn một chỗ trống. Không ai bảo ai, mỗi người một việc như đã phân công, người bóc bánh kẹo, người xếp quà gồm sách, vở, quần áo.... Các chị ở Hội LHPN huyện, xã cũng giúp đỡ chúng tôi. Sau đó, tôi chủ động tuyên truyền, chia sẻ cùng chị em các nội dung phòng chống tội phạm "Mua bán người". Ban đầu, nhiều chị trao đổi bằng tiếng phổ thông chưa được rõ, còn rụt rè, tôi khuyến khích từng người mạnh dạn phát biểu. Tôi lắng nghe chị em nói, trao đổi chậm rãi để chị em hiểu, tiếp thu kiến thức.

Sự hòa đồng, gần gũi, cởi mở đã xóa nhòa khoảng cách giữa cán bộ tuyên truyền với bà con, tạo cho buổi tuyên truyền không khí vui vẻ, đạt hiệu quả cao.

Sau đó, chúng tôi trao những suất quà là các chiếc áo, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cũ nhưng còn tốt mà chúng tôi đã tổ chức quyên góp, phân loại, gói ghém cẩn thận chuẩn bị từ nhà, trong đó có 10 suất quà và học bổng trị giá gần 5 triệu đồng; 100 bộ quần áo và 15 bộ sách giáo khoa để tặng chị em và các cháu nhỏ...

Những gương mặt ngây thơ lem luốc, cái đói, cái nghèo làm các em chịu thiệt thòi đủ đường, thân hình gầy, đen xạm. Các em mừng rỡ khi đón nhận những phần quà của chúng tôi. Sau phần trao quà, đại diện chính quyền xã đã lên cảm ơn đoàn. Đồng thời cũng tâm sự rất thật về tình trạng "Mua bán người" của bà con nơi đây. Những bé gái chỉ 12-13 tuổi đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Cuộc sống cứ xoay vòng luẩn quẩn trong cái đói cái nghèo, trong đầu làng, cuối xóm. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán người, có nguyên nhân đói nghèo và thất học. Bởi vậy, việc tặng những tấm áo, quyển sách và tổ chức tuyên truyền cho bà con có ý nghĩa thiết thực, giúp bà con và nhất là thế hệ trẻ phần nào nâng cao hiểu biết để tránh xa cái vòng luẩn quẩn đó.

Chia tay Tam Bông, trên đường về, chúng tôi có cảm giác đi nhanh hơn, bớt khó khăn hơn. Chỉ một ngày được trải nghiệm nhưng con người và mảnh đất Tương Dương cứ vương vấn mãi trong tôi. Và tôi hiểu rằng hạnh phúc chính là sự sẻ chia.

Bài 6:

Buổi dân vận ngoài kế hoạch công tác

13 năm làm công tác phụ nữ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, song kỷ niệm sâu sắc nhất là chuyến đi công tác ngay sau chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 tới các huyện phía tây của tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Trong chiến tranh xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để kịp thời động viên, khích lệ và tạo khí thế thi đua, Hội LHPN tỉnh Hoàng Liên Sơn quyết định mở Hội nghị báo công tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu và phân công cán bộ về các địa phương nắm bắt tình hình, chuẩn bị hội nghị. Tôi và đồng chí Giàng Thị Mỷ cùng cơ quan được phân công đi các huyện phía Tây của tỉnh.

Thời điểm này (sau khi bùng nổ chiến tranh biên giới được 1,5 tháng) phương tiện giao thông đi lại vô cùng khó khăn, mỗi ngày chỉ có một chuyến ô tô khách đến huyện. Chúng tôi ra bến xe Yên Bái 3 ngày liên tục mà không mua nổi vé bèn quyết định đi xe đạp cho chủ động.

Ngày 24/3/1979, chị em tôi đạp xe xuất phát từ thị xã Yên Bái đi huyện Văn Chấn chặng đường dài 84 km. Tuyến đường có nhiều đoạn dốc dài và cao như Hưng Thịnh, Hưng Khánh, dốc Mỵ... nên chúng tôi phải xuống xe dắt bộ.

Chúng tôi đến Ba Khe đã 4 giờ chiều mà quãng đường vẫn còn hơn 30km. Vừa đạp xe chúng tôi vừa phân vân tối nay chưa biết ngủ đâu? Đi tiếp đến khi trời sắp tối thì gặp được 2 anh chị người Mông. Chúng tôi xuống xe dắt bộ cùng đi và trò chuyện bằng tiếng Mông. Thì ra, anh chị là vợ chồng đi làm nương về, nhà ở bản Khe Kẻng, xã Cát Thịnh. Anh chị mời chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi mai đi tiếp và đưa chị em tôi đến gặp đội tự vệ xã để báo cáo, kiểm tra, xuất trình giấy tờ rồi mới về nhà.

Khoảng 30 phút sau lại có 2 anh nam giới đến gọi chúng tôi sang nhà trưởng bản để kiểm tra lại giấy tờ và điều tra bằng các câu hỏi liên tiếp: Hai chị công tác ở Tỉnh Hội phụ nữ Hoàng Liên Sơn thì cho chúng tôi biết ai làm Hội trưởng, Hội phó? Tên của Chánh Văn phòng? Xã Cát Thịnh có ai công tác ở Tỉnh Hội phụ nữ?... Khi không còn nghi ngờ nữa thì anh lớn tuổi hơn là Trung đội phó dân quân xã Cát Thịnh (trước đây đã có thời gian công tác ở Bưu điện tỉnh) mới bảo trưởng bản nấu cơm tối cho chúng tôi ăn. Thời chiến tranh nên mọi người đều nêu cao tinh thần cảnh giác.

Vùng này ít có người thoát ly đi công tác, chúng tôi là cán bộ người dân tộc Mông lại là nữ nên mọi người thấy lạ kéo nhau đến rất đông và hỏi nhiều chuyện trong đó có tình hình chiến sự. Chúng tôi hội ý, xin phép 2 anh ở Trung đội dân quân xã và trưởng bản để nói chuyện với bà con. Chúng tôi xoay quanh tình hình chiến sự tại biên giới phía Bắc, thông tin cho bà con tình hình đã ổn; cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tuyến 1 đang thu dọn chiến trường, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, thực hiện hậu cần tại chỗ và góp phần chi viện giúp đỡ đồng bào tuyến 1 bị chiến tranh tàn phá đang khó khăn...

Buổi tuyên truyền không nằm trong dự định ấy diễn ra sôi nổi đến 11 giờ đêm mới kết thúc. Sáng hôm sau, khi chúng tôi chia tay để đi tiếp, đồng chí trung đội phó dân quân nói: Mục đích của dân quân hôm qua là đi bắt do thám, thám báo nhưng ngược lại được hai đồng chí nói chuyện, coi đây như là buổi thời sự bổ ích cho người dân Khe Kẻng chúng tôi. Chị em tôi phấn khởi, cảm ơn và hoan nghênh tinh thần cảnh giác của địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quê hương bản làng.

Chị em tôi tiếp tục đạp xe đến huyện Văn Chấn rồi vòng sang thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, trực tiếp đến xã Bản Công, Suối Giàng... thực hiện kế hoạch công tác. Hoàn thành công việc, trên đường trở về đến xã Hồng Ca (Trấn Yên) tôi bị ngã, xe hỏng phải dắt bộ gần 6 km mới tìm được hiệu sửa. Xe sửa xong, chị em tôi đạp vội vàng, về được đến Yên Bái thì trời đã tối.

Chuyến công tác 8 ngày bằng xe đạp tuy có trắc trở, nhưng được bà con giúp đỡ, gần gũi giúp tôi xua đi mệt mỏi và nhận ra rằng: Làm cán bộ Hội phải thường xuyên cập nhật thông tin mới có thể linh hoạt xử lý được những tình huống không nằm trong kế hoạch.

Bài 7:

Lần trải nghiệm khó khăn khiến tôi yêu hơn công tác Hội

Chuyến xe vượt rừng núi xuyên đêm của một ngày cuối tháng 10 năm 2007 là chuyến công tác không bao giờ quên của tôi trong những tháng năm làm việc ở Hội LHPN Việt Nam. Ngày ấy, tôi- một cán bộ Hội mới toe vừa chập chững vào nghề (nói theo cách nói dung dị thường ngày của các chị đồng nghiệp) - không thể hình dung rằng mình lại có được những trải nghiệm khó khăn, đáng nhớ đến vậy.

Sau một ngày trao quà thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ ống, lũ quét ở Mai Châu (Hòa Bình), đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình lên Lóng Luông, Lóng Sập (Sơn La) để kịp cho việc cứu trợ vào sáng sớm hôm sau vì còn nhiều bà con, đặc biệt là các em học sinh mầm non ở đây cũng đang rất cần hỗ trợ. Vì thế, dù rất mệt nhưng chị Phó Chủ tịch Hội- trưởng đoàn công tác vẫn quyết định không ngủ lại Mai Châu mà đi tiếp.

12h đêm. Càng về khuya trời càng lạnh. Xe chạy xuyên qua bóng đêm mịt mùng, vượt qua những khúc cua tay áo vô cùng nguy hiểm. Xung quanh trập trùng rừng núi, thi thoảng có một vài ánh đèn le lói của những chòi quán dựng tạm của những người dân ven đường. Chốc chốc, xe chúng tôi lại phải vòng lại đường khác vì con đường trước mặt đã bị chắn bởi một lượng đất đá sạt lở từ mỏm núi phía trước. Trên xe, tôi cùng chị đồng nghiệp ngủ lăn lóc vì vừa mệt, vừa say xe. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi chợt nghe một tiếng hát cất lên đầy mượt mà, da diết. Tôi như quên hết mệt mỏi, lắng nghe một cách say mê và thích thú. Cứ thế, chặng đường còn lại của cuộc hành trình trở nên thật nhẹ nhàng. Thú thật, đến giờ tôi vẫn chưa nghe ai ca bài "Hát về cây lúa hôm nay" hay và xúc động bằng tiếng hát của chị Phó Chủ tịch Hội đêm hôm ấy. Nhất là khi nghe chị kể lại rằng, chị hát là vừa để quên đi mệt mỏi nhưng mục đích chính là để bác lái xe đỡ... "buồn"!!!

"Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay". Lời bài hát như chính lời động viên, nhắn nhủ tôi rằng, những khó khăn, vất vả của hôm nay chính là hành trang giúp chúng ta vững vàng, trưởng thành hơn cho ngày mai. Và tình yêu với Hội, với công việc thầm lặng của những người cán bộ Hội trong tôi bắt đầu từ những chuyến đi, từ câu hát ngân lên trong đêm tối của những ngày chập chững bước vào nghề ấy. Hơn 10 năm làm việc ở Hội, tình yêu đó trong tôi ngày càng được vun vén, đong đầy. Tôi biết, rất nhiều người nữa cũng như tôi, đang ngày đêm cống hiến, phấn đấu vì con đường mình đã chọn.

Bài 8:

Người phụ nữ lái đò máy trong cơn lũ dữ

Tại buổi Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và Tổng kết dự án 'Nâng cao năng lực của phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu' của tỉnh Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Hoa, 54 tuổi, trú tại Thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, kể lại câu chuyện chống lũ.

Chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi người phụ nữ nhỏ bé bình dị nhưng nhanh nhẹn, gan dạ và tháo vát dũng cảm đã cứu được nhiều người và tài sản trong cơn lũ.

Chị Hoa kể rằng nơi gia đình chị sinh sống là một xã miền núi của huyện Bố Trạch, có dân số đông. Địa hình bị chia cắt bởi rừng, đồi, lại cách trở đò giang nên điều kiện đi lại cũng như đời sống của bà con trong vùng rất khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử ngày 13-14/10 vừa qua đã gây ngập lụt nặng trên địa bàn toàn xã, làm cho nhiều tuyến đường bị chia cắt, trong đó có 2 thôn Nam Giang và Bắc Giang bị cô lập hoàn toàn, một số hộ gia đình ở vùng trũng thấp, mặc dù đã chuẩn bị phương án phòng, tránh lũ, nhưng gặp lũ lên rất nhanh, dòng chảy siết nên việc thu dọn đồ đạc, vật nuôi gặp nhiều khó khăn, trong đó gia đình chị cũng không ngoại lệ.

Chứng kiến nhiều gia đình neo người, lại không có phương tiện để di dời, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản rất lớn, chị Hoa nhận thấy mình cần phải làm ngay việc gì đó giúp cho bà con xung quanh.

Sau khi đã sắp xếp sơ qua đồ dùng trong nhà, chị gọi vợ chồng con trai sang phụ giúp việc chống lũ rồi cùng chồng chèo đò máy đi giúp bà con. Chỉ trong hai ngày một đêm, vợ chồng chị Hoa đã giúp 38 hộ dân thu dọn đồ dùng và chở người lên tránh lũ ở khu vực an toàn; tình nguyện chở một số cán bộ xã đi làm công tác cứu hộ cứu nạn; tham gia giúp bà con kéo được 95 lồng cá ở khu vực bắc sông Son...

Trong quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn, không chỉ giúp mọi người di chuyển đến nơi an toàn, chị Hoa còn đi đến từng hộ gia đình, kịp thời kêu gọi mọi người chuẩn bị các đồ dùng, lương thực, thực phẩm, chuẩn bị phương án khi bị lũ chia cắt.

Đối những hộ gia đình có gác lửng tránh lũ, chị đã cùng chồng giúp họ vận chuyển các đồ dùng cần thiết và người lên trên gác. Các cụ già, trẻ em, phụ nữ có thai, đau yếu trong những hộ gia đình không có gác lửng và có nguy cơ bị ngập lụt được vợ chồng chở đến ở nhờ tại gia đình cao hơn, không có nguy cơ ngập lụt.

Tìm hiểu thêm tôi được biết, trái ngược với vẻ bề ngoài nhỏ bé, chị Hoa biết lái đò máy rất thông thạo. Không chỉ trong trận lũ vừa qua, từ nhiều năm nay, vợ chồng chị luôn có mặt trong đội xung kích của xã ứng phó với thiên tai.

Có lần vào thôn trong đêm để vận động người dân chạy lên vùng đất cao tránh lũ, chị Hoa đã từng trực tiếp cứu một em bé thoát khỏi vòng xoáy tử thần của dòng nước dữ ngay trong tích tắc.

Mặc dù không phải là cán bộ Hội phụ nữ, chị Hoa luôn tham gia tích cực các phong trào của Chi hội và của thôn xóm, gương mẫu đi đầu động viên các chị em nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

Với gia đình mình, chị Hoa thấy hạnh phúc vì được chồng con rất ủng hộ những việc làm của chị. Chị Hoa tâm sự: "Làm sao để sống chung với lũ một cách an toàn, có giải pháp để mùa mưa lũ đến bà con có nơi tránh trú an toàn, không để tổn thất về người và của, đó là điều tôi luôn trăn trở. Và tôi rút ra một điều rằng với thiên tai chẳng có gì tốt hơn là ta phải chuẩn bị trước để sẵn sàng ứng phó, không bao giờ được chủ quan, bị động...".

Đánh giá bài viết
1 777
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo