Phương pháp sửa nói ngọng, nói lắp cho trẻ

Đối với những trẻ còn nhỏ thì việc bé nói ngọng không phải là điều khiến ba mẹ phải quá bận tâm lo lắng. Tuy nhiên nếu lớn rồi mà bé vẫn nói ngọng, nói lắp thì các phụ huynh cần có hướng xử lý để sửa nói ngọng, nói lắp cho trẻ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số cách chữa nói ngọng, nói lắp hiệu quả được các bác sỹ hàng đầu về phục hồi chức năng của Việt Nam biên soạn.

Nếu các phụ huynh thấy con đang gặp các vấn đề về phát âm như nói ngọng hay đang bị rối loạn nhịp nói thì có thể tham khảo các biện pháp sau đây để sửa nói ngọng, nói lắp cho con nhé.

1. Nói ngọng là gì

Nói ngọng là khi trẻ tạo các âm thanh lời nói không rõ ràng, không tròn vành rõ tiếng khiến những người xung quanh khó hiểu trẻ. Nói ngọng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng hay gặp nhất ở tuổi trước học đường và ở bậc tiểu học. Tới khi trẻ được khoảng 6 tuổi, những lỗi phát âm này sẽ được chỉnh lại bình thường.

Nói ngọng là tạo các thành phần của âm tiết bị sai lệch thành một âm khác, bị mất hoặc nói không rõ âm. Nói ngọng có thể gồm: ngọng phụ âm đầu, ngọng nguyên âm, hay phụ âm cuối và thanh điệu. Trẻ nói ngọng có thể nói được rất nhiều từ, nói nhanh nhưng không rõ ràng.

2. Cách sửa nói ngọng

Can thiệp phục hồi chức năng / luyện phát âm

Dạy trẻ cử động miệng – lưỡi và cơ quan phát âm, gồm các cử động:

  • Há to miệng rồi ngậm lại
  • Thè lưỡi dài ra trước, lên trên, sang trái và phải
  • Đưa lưỡi chạm lên răng trên, và chạm lên vòm miệng
  • Bôi mật ngọt hoặc đường quanh mép để trẻ tập liếm

Tập “xì”: nói âm “x” trong từ “xa”. Kéo dài âm “x” càng dài càng tốt. Bình thường khoảng 20-30 giây. Nếu xì ngắn trẻ sẽ bị giọng mũi hở và không rõ các phụ âm đầu (nếu trẻ bị khe hở vòm miệng)

Tập thổi ra. Kéo dài hơi thổi ra. Cho trẻ thổi bóng, thổi kèn hoặc thổi bong bóng xà phòng.

Dạy trẻ tạo âm: xem trẻ nói âm nào không rõ, sửa các âm sai đó

Nếu trẻ ngọng cả nguyên âm và phụ âm hãy bắt đầu dạy trẻ tạo các nguyên âm: a, o, u, ư, i, e, ê, ô, ơ.

Khi trẻ nói các nguyên âm rõ rồi mới chuyển sang tập phụ âm.

Việc tập cử động miệng, lưỡi và tập thổi , tập “xì” , tập nguyên âm thường phải làm với trẻ bại não, hoặc những trẻ em có khó khăn phát âm do bệnh lý thần kinh. Khi ấy, cử động miệng lưỡi chậm, cứng khiến nói chậm, ngọng.

Dạy trẻ tạo các phụ âm môi: m, b,

Bắt đầu bằng dạy trẻ tạo các âm môi như âm “b, m”.

Khi trẻ nói âm đó rõ, hãy ghép âm đó với một nguyên âm, ví dụ: mama, baba, bababa... và các nguyên âm khác như: mimi, bêbê...

Sau đó dạy trẻ nói các từ đơn giản như: bà, mẹ, bố, bé, “bai, bai”...

Hãy làm một bộ tranh hoặc cắt các tranh đồ vật từ tạp chí, sách báo. Xếp các tranh này theo bộ: theo các âm đầu, âm cuối hoặc thanh điệu. đồ dùng, phương tiện giao thông, đồ ăn, các hành động...

Khi dạy trẻ nói từ đơn nên dùng tranh để dạy. Như vậy trẻ sẽ hứng thú hơn.

Hãy biến hoạt động dạy này thành các trò chơi.

Ví dụ: chơi trò “ giấu tranh”. Để ra 3 - 5 tranh và giới thiệu tên các tranh với trẻ. Giấu 1-2 cái đi rồi hỏi trẻ xem: “mất tranh nào?”

Sau đó để trẻ giấu tranh, còn bạn đoán.

Có thể chơi nhiều trò khác với tranh như: mua bán tranh, so cặp tranh...

Tiếp tục dạy trẻ tạo các phụ âm khó hơn như âm t, đ, x, d, ch, c, kh, g...

Sau đó, lại ghép các phụ âm này với các nguyên âm khác nhau như ta, xa...

Khi trẻ tạo các âm này đã rõ, hãy để trẻ nói các từ đơn chứa các âm bạn vừa dạy: tai, táo, to, túi...

Sau cùng, khi trẻ đã nói được nhiều từ đơn, hãy để trẻ ghép 1-2 từ thành các câu ngắn.

Hãy chú ý sửa âm khi trẻ nói chuyện, khi đọc sách... Thường khi tập nói từng từ thì nói đúng, nhưng khi nói chuyện trẻ vẫn mắc lỗi.

3. Nói lắp là gì

Nói lắp là rối loạn nhịp điệu nói. Bình thường khi nói, giữa các câu có một chỗ nghỉ dài hơn, còn giữa các từ có một thoáng nghỉ ngắn hơn. Khi nói có chỗ nghỉ dài bất thường xuất hiện giữa một từ, giữa các từ hoặc giữa các câu thì lúc đó bị nói lắp. Các kiểu nói lắp như sau:

Lắp một âm của âm tiết:

“ s.. ss...ssss....sáng nay con làm bài tập”

Lắp một âm tiết:

“sáng ... sáng...sáng nay con làm bài tập”

Lắp một đoạn của phát ngôn:

“sáng nay...sáng nay... sáng nay con làm bài tập”

Thêm một âm tiết, một phát ngôn bất thường, hoặc dừng bất thường khi đang nói:

“sáng nay xong thế là con làm bài tập”

“sáng nay... con làm bài tập

4. Cách chữa nói lắp

Sửa tật nói lắp

Tập thư giãn

– Cùng với sửa tật nói lắp, phải tập thư giãn.

– Trước khi nói để trẻ hít sâu và thở ra nhẹ nhàng 3 - 5 nhịp.

– Mỗi ngày để 1 - 2 lần khoảng 10 - 15 phút tập ngồi, nhắm mắt, hít sâu, thở ra chậm. Tập thổi ra nhẹ và kéo dài.

– Động viên trẻ nói chậm, những người xung quanh phải nói chậm khi giao tiếp với trẻ. Chờ đợi để trẻ chủ động bắt đầu.

Sửa nhịp điệu nói

– Nói câu ngắn 2 - 3 từ: nên nói chậm và dùng câu ngắn. Nói xong nên nghỉ để chuẩn bị câu tiếp theo.

– Một thời gian dài, sau khi đỡ lắp, mới nói câu dài hơn, khoảng 4 - 5 từ.

Vẫn phải nói chậm. Nếu nói lắp trong một số tình huống nhất định hoặc với một số người nhất định, cần thư giãn trước khi giao tiếp với người đó.

– Có thể chủ động tập dượt nói trong tình huống đó, hoặc nhìn ảnh người đó (Nếu hay lắp khi giao tiếp với họ) và tập nói một mình. Nói chậm rồi nói nhanh. Nói nhỏ rồi nói to.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.135
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm