Cảm nhận về một gương thanh, thiếu nhi tiêu biểu mà em biết

Cảm nhận về một gương thanh, thiếu nhi tiêu biểu mà em biết là một dạng bài viết hay giúp các em thiếu nhi tìm hiểu và nêu những suy nghĩ cảm xúc về các tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, qua đó rút ra những bài học quý báu để vận dụng cho bản thân. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em tổng hợp mẫu bài viết cảm nhận về gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, bài cảm nhận về anh hùng Lý Tự Trọng, cảm nhận về anh Kim Đồng hay và ý nghĩa, mời các em cùng tham khảo.

Trong các tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều nghĩ tới những anh hùng nhỏ tuổi chí lớn của dân tộc như chị Võ Thị Sáu, anh Kim Đồng, anh Lý Tự Trọng... hay đơn giản chỉ là các tấm gương học tốt việc tốt của những bạn nhỏ xung quanh chúng ta. Dưới đây là một số mẫu bài viết cảm nhận về các tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, Hoatieu xin chia sẻ để các bạn cùng tham khảo.

Cảm nhận về tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu

1. Cảm nhận về tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu - mẫu 1

Bài cảm nghĩ về chị Võ Thị Sáu

“Thời thế sinh anh hùng” là một câu nói hoàn toàn đúng đắn dù ở bất cứ thời đại nào. Ở thời kì chiến tranh, có nhiều vị anh hùng đã lập nên chiến công và ghi danh mình vào sử sách. Một trong nữ anh hùng nổi tiếng của Việt Nam phải kể đến chính là chị Võ Thị Sáu - người thanh niên trẻ tuổi nhưng vô cùng dũng cảm.

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Qua quá trình chiến đấu chống quân thù của chị được lịch sử ghi lại, chị được biết đến là nữ chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, không sợ bất cứ kẻ thù nào, lòng dũng cảm của chị khiến người đời sau phải nể phục. Chị hi sinh khi chưa đầy 20 tuổi, dù tuổi còn rất trẻ nhưng chị đã có cống hiến vô cùng to lớn cho cách mạng và cho nước nhà. Để ghi nhớ công ơn của chị, ngày 2/8/1993 Chủ tịch nước Lê Đức Anh thay mặt nước CHXHCN Việt Nam quyết định phong chị Võ Thị Sáu danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam” và hàng năm vào ngày 27/12 âm lịch, bà con nhân dân Côn Đảo tổ chức lễ giỗ chị một cách trang trọng và đầy lòng thành kính như giỗ một người thân trong gia đình mình.

Theo lịch sử ghi lại, năm 1947, khi mới chỉ 14 tuổi chị đã gia nhập vào đội Công an xung phong quận Đất Đỏ trừng trị ác ôn, bảo vệ dân làng từ đó chị trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian. Ngày 14/7/1948 1948, chị đã dũng cảm dùng lựu đạn tấn công cuộc mít tinh do địch tổ chức tại chợ Đất Đỏ. Trận đánh ấy đã làm cho tên tỉnh trưởng Lê Thành Tường phải mất mặt với quan Tây. Đồng bào Đất Đỏ thì hết lời khen gợi Việt Minh xuất quỷ nhập thần. Chị Võ Thị Sáu được tuyên dương trước toàn đội. Tháng 2/1950, tại phiên chợ giáp Tết Canh Dần, trong một trận tập kích ném lựu đạn diệt các tên Cả Suốt, Cả Đay và không may chị bị sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa chị ra nhà tù Côn Đảo để dùng cực hình tra khảo trên chuyến tàu ngày 21 tháng 1 năm 1952. Tại đây, chị phải chịu nhiều đau đớn bởi những cực hình độc ác đến tột cùng. Ngày 23/01/1952 nhằm ngày 27 tháng chạp năm Tân Mão chị đã hi sinh tại vùng đất này.

Cái chết của chị như hồ chuông cảnh tỉnh thế hệ bấy giờ đứng lên đi giết giặc đòi lại độc lập tự do cho đất nước. Chị là tấm gương sáng về lòng yêu nước và sự dũng cảm mà lớp lớp thế hệ sau này đặc biệt là các bạn trẻ cần noi theo. Chị còn là một người con trung hiếu, người đồng chí sắt son được nhân dân tin yêu kính phục. Sự ra đi của chị là niềm tiếc thương của cả dân tộc. Những đau khổ mà chị - người con gái độ tuổi chưa đến 20 ấy phải chịu khi bị quân giặc tra khảo khiến bao thế hệ con người phải xót thương. Chị xứng đáng là thế hệ “tuổi trẻ tài cao” của con người Việt Nam ta và cũng là tấm gương sáng để thế hệ các bạn trẻ bây giờ và mai sau noi theo.

Chị đã ra đi mãi mãi nhưng những gì chị cống hiến cho cách mạng, cho đất nước, cho cuộc đời vẫn sẽ còn lưu lai trong sử sách và trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam. Thế hệ trẻ cần nhiều hơn những tấm gương như chị để đất nước này ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn. Tấm gương chị Võ Thị Sáu mãi là biểu tượng của thế hệ trẻ về một lòng nồng nàn yêu nước.

2. Cảm nhận về tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu - mẫu 2

Trong cuộc sống, có biết bao người tài người giỏi, trong số họ, có mấy mươi người lành lặn, khoẻ mạnh ? Những tấm gương vượt lên chính mình, vượt qua sự tật nguyền của mình để đạt tới ước mơ luôn để lại trong tôi một cảm xúc sâu sắc, một sự khâm phục khó diễn tả bằng lời. Nhất là phải kể đến bạn Trần Văn Lạc.

Tôi biết đến Lạc qua một bài báo. Lạc sinh ra tại huyện Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cậu được một Trung tâm Bảo trợ xã hội của huyện nuôi dưỡng và chăm sóc. Cha mẹ cậu bỏ rơi cậu từ lúc cậu mới sinh ra, còn đỏ hỏn. Đáng buồn thay, cậu không có tay và chỉ có nửa bàn chân trái, Lạc nhiều lần muốn khóc vì sự khiếm khuyết của mình. Một, hai tuổi, Lạc đã tự dùng hai cùi tay để kẹp đồ chơi, kẹp thức ăn, bánh kẹo đưa lên miệng. Lúc chập chững đòi đi, Lạc được lắp hai bàn chân giả và đi lại như những đứa trẻ bình thường. Ba tuổi, Lạc được rèn luyện tự xúc cơm ăn một cách thành thạo. Bản thân bị khuyết tật nhưng Lạc vẫn giúp các mẹ bảo mẫu trông những đứa trẻ khác bằng chính cùi tay của mình. Mọi sinh hoạt hàng ngày của cậu không có gì trở ngại, khó nhất là lúc tập viết. Nếu bạn bè cùng trang lứa có thể cầm bút bằng một tay dễ dàng thì cậu lại loay hoay với 2 cùi tay của mình…chỉ để cầm bút không bị rơi. Lạc phải “lên gân”, tập trung chú ý kẹp bút thật chắc nhưng cứ sơ ý một chút là bút lại rơi ngay. Tuy buồn nhưng Lạc không chịu thua, cậu tập viết mọi lúc mọi nơi để luyện cách cầm bút không bị rơi. Rồi cậu cũng cắp sách đến trường như các bạn, lòng đầy tự tin, không mặc cảm về ngoại hình của mình. Thậm chí cậu còn là học sinh khá giỏi nhiều năm liền. Tôi rất khâm phục nghị lực của Lạc, chưa bao giờ tôi thấy một đứa trẻ mười mấy tuổi lại có ý chí, nghị lực phi thường đến vậy. Viết chữ thành thạo, Lạc lại thử sức với việc học vi tính. Lần đầu tiên được thực hành máy tính, Lạc bấm một chữ lên bàn phím, màn hình hiện ra bốn, năm chữ, vì cùi tay quá lớn so phím chữ. Cậu đã phải tập trung dùng đầu nhô nhỏ ở cùi tay để đánh phím, luyện mã cũng ấn được. Nhờ sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ, hè năm 2009, cậu bạn cùng với 2 anh ở Trung tâm Bảo trợ xã hội được chọn đi thi chương trình Tin học trẻ không chuyên cấp tỉnh dành cho cấp I và giành được giải khuyến khích.

Các bạn thấy đấy, trên cuộc đời này, không ai là hoàn hảo cả. Nếu bản thân chúng ta là những người lành lặn thì các bạn nên cố gắng hơn nữa. Lạc chính là tấm gương cho những người tật nguyền và những người lành lặn. Cuộc sống vốn không dễ dàng, chỉ cần bản thân cố gắng và cố gắng hết mình thì nhất định bạn sẽ thành công. Tôi sẽ mãi không bao giờ quên 3 chữ : “Trần Văn Lạc” như là lời động viên, giúp tôi đứng dậy trước khó khăn.

3. Bài cảm nhận về anh hùng Vừ A Dính

"Dưới chân núi Đề Chia có anh hùng bất tử Vừ A Dính

Chính nơi đây anh đã hy sinh, anh đã hy sinh bảo vệ cán bộ

Quân thù, chúng đã giết anh, chúng đã giết anh.

Nhưng tên anh còn vang mãi trong trái tim mọi người.

Vừ A Dính người con trai của bản mèo.

Anh đã nêu gương sáng chói cho đàn em noi theo

Tên của anh đã đi vào trang sách mới của tuổi thơ..."

Mỗi lần những lời ca sâu sắc này vang lên, tôi lại bồi hồi xúc động và trào dâng trong lòng niềm cảm phục trước tấm gương hi sinh đầy anh dũng của người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính. Tên tuổi của anh đã vang danh núi sông, không chỉ là tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước mà còn là người đã truyền cho tôi cảm hứng tốt đẹp trong suy nghĩ, hành động và mơ ước.

Vừ A Dính là người con của vùng đất Tuần Giáo, Lai Châu anh hùng. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tốt đẹp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp diễn ra đầy ác liệt, gia đình anh chính là cơ sở cách mạng của ta. Chính vì vậy, Vừ A Dính đã sớm giác ngộ và có tinh thần cách mạng ngay từ khi còn nhỏ. Năm 13 tuổi, anh xung phong làm liên lạc, tiếp tế lương thực cho cán bộ cách mạng, nhân dân bị Pháp bao vây tại địa phương. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng với sự gan dạ, bản lĩnh kiên cường và sự mưu trí, không ít lần anh rơi vào tình thế nguy hiểm song đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cán bộ giao cho và đảm bảo đường dây liên lạc của ta luôn được thông suốt. Trong một lần Vừ A Dính đi liên lạc, anh bị Pháp bắt, bị tra tấn, hành hạ dã man nhưng bằng bản lĩnh cứng cỏi của một người chiến sĩ cách mạng, anh quyết không khai bất kì thông tin gì. Trước thái độ đầy ngoan cường của cậu bé giao liên, giặc Pháp đã quyết định xử tử và treo xác anh lên cây đào cổ thụ Khe Trúc. Anh Vừ A Dính đã hi sinh đầy anh dũng, quả cảm khi chưa đến tuổi 15.

Đọc câu chuyện này, tôi bỗng thấy tim mình nhói đau, nước mắt không ngừng rơi. Ở cái tuổi 15, anh đã không tiếc thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, để đánh đổi lấy cuộc sống hòa bình cho chúng ta hôm nay. Còn ở tuổi 15, tôi và bạn - những thế hệ sống trong thời bình, được hưởng những thành quả tốt đẹp từ cha ông để lại, đã có những gì? Ngoài việc ăn, học, chơi và những lần khiến bố mẹ phiền lòng, chúng ta chẳng có gì cả. Chúng ta chẳng có hoài bão, ước mơ, lí tưởng cao đẹp, hầu hết trong số chúng ta cũng chưa một lần nghĩ đến sự vất vả, cực nhọc, những sợi tóc đã dần bạc, những nếp nhăn dần nhiều trên khuôn mặt của cha mẹ. Chúng ta đang sống trong thế giới của công nghệ, hằng ngày mải chìm đắm trong thứ thế giới ảo nên lâu dần trở nên lạnh lùng, vô cảm, vô tâm ngay cả đối với những người thân thiết, chứ chưa nói đến những người xa lạ quanh ta. Khi được tìm hiểu những mẩu chuyện về cuộc đời của các anh hùng nhỏ tuổi như anh Vừ A Dính và hàng ngàn, hàng vạn tấm gương anh hùng liệt sĩ khác đã không tiếc thân mình, hi sinh cho nền độc lập của dân tộc, tôi thấy mình thật bé nhỏ và xấu hổ. Xấu hổ vì đã không ít lần chưa cố gắng hết sức mình, vì thấy bài khó, việc nặng đã nản lòng buông xuôi, vì đã thờ ơ trước những khó khăn, vất vả của cha mẹ, vì thấy mình thật vô trách nhiệm trước đất nước. Trước tấm gương hi sinh đầy anh dũng của anh Vừ A Dính, tôi tự nhủ với lòng mình sẽ phải ra sức, chăm chỉ học tập, phấn đấu không ngừng để góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của dân tộc. Và cũng nhờ có anh, tình yêu quê hương, đất nước trong tôi thêm sục sôi và trào dâng mãnh liệt. Tôi cũng thêm trân trọng cuộc sống, nền độc lập hòa bình hôm nay mà anh và các đồng đội của anh đã đánh đổi bằng cả mồ hôi, xương máu. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước.

"Anh Vừ A Dính kính mến! Tấm gương ngời sáng của anh chính là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối cho chúng em - những thế hệ măng non của đất nước học tập và noi theo. Chúng em luôn tự hào và biết ơn công lao, sự hi sinh to lớn của anh và thế hệ đi trước. Chính anh đã truyền cho chúng em những động lực lớn lao trong cuộc sống, thổi bùng lên trong em những ước mơ, hoài bão mà trước đây em chưa từng nghĩ tới. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân để tiếp bước truyền thống yêu nước của dân tộc và giữ gìn, bảo vệ những thành quả tốt đẹp mà thế hệ cha anh đã dày công tạo nên".

4. Cảm nhận về anh Kim Đồng

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng. Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.

Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.

Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng. Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.

Anh đã nêu một tấm gương vì cách mạng quên mình, hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cách mạng. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng chói mở đầu cho nhiều gương cao quí khác trong đội ngũ Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

5. Cảm nghĩ về chị Võ Thị Sáu

Để có một đất nước không có chiến tranh, bộ đội và các chiến sĩ, các vị anh hùng của dân tộc đã phải đổ máu để dành lại tự do. Trong những người chiến sĩ dũng cảm đó, đã có rất nhiều phụ nữ có mang trong mình một trái tim dũng cảm, yêu hoà bình, đặc biệt hơn là chị Võ Thị Sáu.

Khi 14 tuổi, chị đã tham gia kháng chiến, một độ tuổi còn quá non nớt. 18 tuổi, chị bị giặc bắt. Nơi chị đã sinh ra và lớn lên là Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi chị mất, luôn có những bài hát, đó cũng ghi một dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc của chị, cũng như của nhân dân ta. Hình tượng nữ liệt sĩ, anh hùngVõ Thị Sáu luôn được khắc hoạ bởi một loài hoa lê-ki-ma nở ơ miền đất đỏ (Bà Rịa). Chị đã gây xúc động cho mọi người dân sống trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này, về tấm gương hi sinh anh dũng của người con gái trẻ tuổi, quyết không khuất phục dưới mũi súng. Trước khi mất, chị đã hát những bài hát cảm động những câu nói để tôn vinh Bác và đất nước Việt Nam với những câu nói, câu hát cuối cùng. Giọng hát chị như vẫn còn vang dội vào trái tim những người đang sống, đang lớn lên.

Chị đáng là một người anh hùng. Một người chết cho đân tộc, đã dâng cả đời mình để cứu lấy sự hoà bình, ấm no. Chị Võ Thị Sáu sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của mỗi người theo năm tháng không bao giờ phai.

6. Bài viết về tấm gương thanh thiếu niên tiêu biểu

Nhắc đến em - Một học sinh của trường Tiểu học Tân Bình, thị xã Đồng Xoài ai cũng phải ấn tượng khi gặp em ngay từ lần đầu tiên. Cô học sinh người dân tộc Tày có làn da trắng trẻo, giọng nói trầm ấm và dáng đi nhanh nhẹn, luôn nở trên môi nụ cười tươi thắm khi gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Cô học trò mà chúng tui muốn nhắc tới là em Mạc Thảo Ngọc hiện đang học lớp 5A, trường TH Tân Bình - Một ngôi trường nằm ở phường trung tâm của thị xã Đồng Xoài. Em Mạc Thảo Ngọc tham gia thuyết trình về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện không mấy khá giả, mẹ làm nghề buôn bán, ba làm rẫy nên ngay từ nhỏ em đã xây dựng cho mình một ý thức tự lập cao, luôn phấn đấu hết mình trong học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên gương mẫu, cháu ngoan Bác Hồ. Với sự cố gắng đó, trong những năm học vừa qua em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường. Đặc biệt, trong năm học 2011 - 2012, 2012 - 2013 em đã đạt giải nhất, nhì trong cuộc thi giao lưu “Tiếng việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số cấp thị xã, học sinh giỏi Violympic tiếng anh, toán cấp tỉnh. Ngoài ra, em còn là học sinh giỏi các môn: anh văn, tin học, tiếng việt cấp trường; đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp, nét vẽ mầm xanh cấp trường.Không chỉ đạt nhiều thành tích cao trong học tập, em còn là Liên đội trưởng của trường TH Tân Bình B, là đội trưởng đội văn nghệ-Aerobic, đội nghi thức của trường; lớp trưởng lớp múa dân gian, đội văn nghệ của Nhà Thiếu nhi thị xã. Trong phong trào Đội, em luôn là đội viên xuất sắc đi đầu trong các hoạt động. Chăm chỉ, học giỏi, năng nổ trong các hoạt động nhưng em cũng rất khiêm tốn, lễ phép với thầy cô, hòa nhã, cởi mở và hay giúp đỡ bạn bè, đặc biệt em luôn có ý thức đoàn kết, kỷ luật cao. Chúng tôi gặp em vào một buổi sáng mùa hè, khi các bạn học sinh đang tham gia sinh hoạt hè tại trường, em đang hướng dẫn sinh hoạt cho các em học sinh khối lớp 3. Nhìn khuôn mặt lanh lợi, luôn vui vẻ, tươi cười khi nói chuyện với chúng tui thấy em thật dễ gần, dễ mến. Khi chúng tui hỏi: Ước mơ của em là gì? Em hồn nhiên trả lời: “Em mơ ước sau này trở thành bác sĩ để cứu giúp những người cùng kiệt mắc bệnh không có điều kiện chạy chữa; để cứu giúp những em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh không có điều kiện được đến trường”. Ước mơ của cô học trò nhỏ bé thật là ý nghĩa biết bao. Chúng ta cùng chúc cho ước mơ của em sẽ thành sự thật và em sẽ mãi là một học sinh xuất sắc, một thủ lĩnh Đội tiêu biểu của Liên đội Tiểu học Tân Bình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
426 91.308
1 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    Bạch Miêu

    Cảm ơn người đã viết bài viết này ❤️

    Thích Phản hồi 27/01/21
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm