Các cách viết mở bài và kết bài cho văn tả người

Các cách viết mở bài và kết bài cho văn tả người. Mở bài, kết bài đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp tạo ấn tượng với người đọc ngay từ những con chữ đầu tiên và để lại ấn tượng khó phai mờ. Thực tế là rất nhiều em học sinh gặp khó khăn trong việc viết mở bài và kết bài cho văn tả người, có khi dành hơn nửa thời gian mà vẫn chưa viết được mở bài, kết bài cho ưng ý. Tuy nhiên với gợi ý các cách viết mở bài và kết bài cho văn tả người chi tiết trong bài viết sau của HoaTieu.vn sẽ giúp các em học sinh dễ dàng viết được mở bài, kết bài tả người hay, ấn tượng, thu hút nhất. Mời các em cùng theo dõi nhé!

Gợi ý cách viết mở bài và kết bài cho bài văn tả người
Gợi ý cách viết mở bài và kết bài cho bài văn tả người

1. Cách viết Mở bài trong văn tả người ấn tượng, đặc sắc nhất

Có hai cách Mở bài trong văn tả người đó là mở bài trực tiếp và gián tiếp.

- Mở bài trực tiếp thường được nhiều học sinh sử dụng bởi nó khá dễ và đảm bảo không bị lạc đề. Kiểu mở bài này phù hợp với tất cả các học lực của các học sinh.

  • Ví dụ Mở bài trực tiếp tả người thân: Người em yêu quý nhất trong gia đình đó chính là người mẹ em. Mẹ là người đã cho em cuộc sống quý giá, nuôi nấng em từng thuở lọt lòng. Với em, hình ảnh của mẹ luôn khắc sâu trong tâm trí và trái tim của mình.

- Mở bài gián tiếp không đi trực tiếp vào việc giới thiệu cảnh muốn tả mà là từ một vấn đề khác rồi mới dẫn dắt vào cảnh được tả. Mở bài gián tiếp là cách mở bài cần có vốn văn chương khá, yêu cầu sự khéo léo, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt để dẫn dắt vào đề tài của bài văn.

  • Ví dụ Mở bài gián tiếp tả người thân: Mùa đông đã đến thật rồi! Tiết trời miền Bắc mỗi khi vào đông đem tới từng cơn gió thấm lạnh da thịt khiến ai đi đường cũng nhanh chóng để trở về căn nhà ấm áp của mình. Thế nhưng…. tiếng rao bán ngô nướng vẫn ngân vang khắp con phố dài, để mong kiếm thêm chút tiền cho em ngày mai kịp đóng học. Đó chính là mẹ của em, người đã không quản ngại bao vất vả, gian khó để nuôi nấng em từ thuở lọt lòng.
 Mở bài tả người hay
Cách viết mở bài tả người hay

Khi viết mở bài cho bài văn tả người, các em có thể dùng những cách sau để mở bài thật ấn tượng, đi vào lòng người.

1.1. Mở bài trực tiếp bằng 1 đến 2 câu văn ngắn gọn, súc tích

- Chấm không phải là cô con gái đẹp, nhưng là người mà ai đã gặp thì không thể lẫn lộn với bất kì người nào khác.

(Tả cô Chấm - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 1, trang 156)

- Mỗi sáng đến lớp, em đều được gặp cô Huyền – người mẹ thứ hai của chúng em.

(Tả cô giáo - Văn tuổi thơ Số tháng 11/2021)

1.2. Mở bài bằng cách bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tha thiết

- Nhìn thân hình cân đối của Hạng A Cháng, tất cả các cụ già trong làng đều tấm tắc:

- A Cháng như một con ngựa tơ hai tuổi, chân chạy qua chín núi mười khe không biết mệt, khỏe quá! Đẹp quá!

(Tả anh thanh niên dân tộc vùng núi phía Bắc – Hạng A Cháng

1.3. Mở bài bằng việc trích dẫn câu thơ, câu hát, câu danh ngôn

Mở bài bằng việc trích dẫn câu thơ, câu hát, câu danh ngôn, câu ca dao, tục ngữ, một câu hỏi, một câu đố...

Mở bài bằng việc trích dẫn câu danh ngôn:

“Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Với tôi cũng vậy, mẹ là người tuyệt vời nhất, người đã hi sinh mọi thứ, đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ và yêu thương tôi.

(Tả người mà em yêu quý nhất)

Mở bài bằng việc trích dẫn câu ca dao:

Người xưa có câu “Công cha như núi Thái Sơn…” - một câu ca dao đã phần nào gợi lên được công lao trời bể của người bố. Người đàn ông luôn hi sinh thầm lặng, hết mình vì hạnh phúc của mái ấm gia đình. Thế nên, thật dễ hiểu khi bố chính là người mà em luôn yêu mến và kính trọng.

(Tả người mà em yêu quý nhất)

Mở bài bằng cách sử dụng câu hỏi

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng điều hạnh phúc nhất trên đời của bạn là gì? Không ngần ngại và đầy sự hãnh diện tôi sẽ trả lời rằng đó là được sinh ra và lớn lên từ vòng tay yêu thương, rộng lớn của người mẹ. Mẹ là bạn, là cô trông trẻ trọn thời gian, mẹ là bác sĩ, là y tá, là cô giáo, là đầu bếp, là cái ghế khi chân tôi mỏi, là chiếc chăn ấm khi tôi lạnh, mẹ là chỗ ẩn náu an toàn khi tôi sợ, là nơi xoa dịu mỗi khi tôi khóc, mẹ còn là vệ sĩ, là trợ lý và là người yêu tôi nhất cuộc đời này!

1.4. Mở bài bằng câu chuyện kể, ấn tượng sâu sắc, kỉ niệm riêng giữa em và người được tả

Mẹ vẫn dặn: “Con là chị gái, hơn em nhiều tuổi, phải biết yêu thương mẹ và thay mẹ lo toan cho em”. Nghe thì nặng nề chứ thực ra cả nhà đều lo toan cho em, tôi chỉ còn mỗi việc yêu em mà thôi. Mà việc đó lại quá đơn giản vì trong lòng tôi lúc nào cũng tràn đầy tình cảm yêu thương và trìu mến đối với Thư Lê – đứa em kém tôi gần chục tuổi.

(Tả mẹ)

“Có lẽ ít người cha trên đời này thương yêu con như cha tôi. Mẹ tôi mất từ lúc tôi lên hai. Cha nuôi tôi từ thuở ấy. Người dùng chiếc xích lô kiếm sống, cũng là chiếc nôi chở tôi đi khắp nẻo đường thành phố. Tôi lớn lên trong sự nhọc nhằn thức khuya dậy sớm, nai lưng đạp xích lô của cha…” (Từ Nguyên Tĩnh)

(Tả cha)

1.5. Mở bài bằng sử dụng cấu trúc câu lặp lại

- Mẹ là người đã sinh ra tôi. Mẹ là người luôn bên cạnh khi tôi vấp ngã. Mẹ là mùa xuân, là ánh sáng của cuộc đời tôi.

(Tả mẹ)

1.6. Yêu cầu cần đạt để viết Mở bài tả người hay

Một mở bài hấp dẫn, thu hút người đọc, tạo thiện cảm ban đầu cần ngắn gọn và thể hiện được ba yêu cầu sau: Phải giới thiệu được đối tượng miêu tả; cần đưa ra nhận định, đánh giá chung nhất, khái quát nhất về đối tượng ấy; bày tỏ được thái độ, tình cảm, cảm xúc đối với đối tượng được miêu tả (yêu cầu nâng cao).

2. Cách viết Kết bài cho văn tả người cảm động nhất

Có hai cách viết kết bài cho bài văn tả người là kết bài mở rộng và không mở rộng. Trong đó:

- Kết bài không mở rộng: Nêu nhận xét chung hoặc nói lên tình cảm của em với người được tả.

- Kết bài mở rộng: Từ hình ảnh và hoạt động của người được tả, suy rộng ra các vấn đề khác. Ví dụ: Tả bố mẹ thì em sẽ cố gắng chăm ngoan học giỏi để báo đáp bố mẹ.

Gợi ý Cách viết Kết bài trong văn tả người sau sẽ giúp các em viết kết bài thật hay, để lại cho người đọc, người nghe những ấn tượng sâu sắc.

Cách viết Kết bài cho văn tả người
Cách viết Kết bài tả người ấn tượng nhất

2.1. Kết bài bày tỏ tình cảm, cảm xúc với người được tả

Mỗi lúc hình dung ra hình dáng thân thương bà. đôi mắt hiền từ, nước da màu hạt dẻ nhăn nheo của bà, tôi luôn tự nhủ thầm: “Hãy làm điều tốt để bà vui”.

2.2. Kết bài nói về ý nghĩa của người được tả đối với em

Mẹ em như một ngọn đèn toả sáng và sưởi ấm dịu dàng, âu yếm đúng như thiên tính của phụ nữ. Mẹ chăm sóc cả nhà chu đáo. Chúng em và bố rất tôn trọng và yêu thương mẹ. Em hứa học tập giỏi để mẹ vui lòng.

2.3. Kết bài bày tỏ hy vọng, mong ước, lời hứa với người được tả

Bà em đã khoẻ lại. Mọi người đều vui mừng nhưng em là người sung sướng nhất. Sau trận ốm, bà em vẫn làm việc, vẫn nấu cơm, dọn nhà cửa và dạy em học. Ôi có lẽ trên đời này, bà em là người tốt với em. Bà là người mà em yêu nhất. Em mong sao bà sống trăm tuổi vui vầy với con cháu.

2.4. Kết bài tả người bằng phép liên kết

Thế giới của mẹ nhỏ bé, chỉ có thể chứa một mình con. Thế giới của con to lớn, vì vậy thường quên mất mẹ. Cuộc sống không có quá nhiều những lần kích động nói ra lời, chỉ là ở trong lòng luôn cảm thấy biết ơn. Mẹ, con muốn nói với mẹ “Con yêu mẹ, cảm ơn vì đã có mẹ trên đời”.

2.3. Kết bài tả người bằng nhận xét, bài hát, câu thơ

Bà là hiện thân của đức hi sinh và chịu đựng của người mẹ Việt Nam anh hùng đáng kính, đáng yêu. Trước lúc chia tay với bà, chúng em thường tặng bà bài hát: “Bà ơi bà! Cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây. Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay, khi cháu vâng lời, cháu biết bà vui”.

Trên đây là những cách viết mở bài và kết bài cho văn tả người hay nhất, giúp các em HS nhanh chóng viết được đoạn mở bài, kết bài ấn tượng mà không mất quá nhiều thời gian.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
6 622
0 Bình luận
Sắp xếp theo